ÐT. 714-541-9859, 714-423-0577                      THONG THIEN HOC

Google

Trang Chính

English

Việt Nam


Hoa Kỳ

Sinh Hoạt Cộng Ðồng


Thế Giới
Diễn Đàn

Văn Học

Bình Luận

Kinh Tế
Câu Chuyện ThờiSự

Chuyện Lạ 4Phương

Khoa Học

Sức Khỏe

Ẩm Thực

Nhân Vật

Người / Ngợm

Vui Cười


Biếm Thi

Linh Tinh

Rao Vặt

Nhạc Hoàng Vân

VNCH Foundation

Ca Dao Việt Nam

Thơ Hà Huyền Chi

Hà Phương Hoài

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

OVERSEAS
FREE VIETNAMESE
COMMUNITIES

RADIO
SAIGON-HOUSTON

 

ĐỜI SỐNG BÊN KIA CỬA TỬ (7)

 

7.- NHỮNG TRƯỜNG HỢP THƯỜNG

Dưới đây là những ví dụ gương mẫu của vài vong linh trên cõi Trung giới do nhãn quang của ông C. W. Leadbeater thấy được.

Một người thường nhơn kia, không tốt, không xấu. Lên cõi Trung giới, y không đau đớn nhiều mà cũng không vui sướng nhiều. Nếu trong kiếp sống y chỉ lo nói chuyện khào, lo thể thao, thích chuyện đời, lo ăn mặc cho hạp với thời trang chớ không mục đích gì rõ rệt, thì tự nhiên trên Trung giới, y thấy ngày giờ dài đăng đẳng: bởi vì những chuyện xa hoa vật chất không thể thực hiện trên đó được.

Một người kia đắm say nhiều dục vọng thấp hèn, tỷ như nghiện rượu hay dâm dục, thì phải lâm vào cảnh khổ sở vô cùng. Chẳng những dục vọng ấy còn y nguyên, mà chúng nó còn trở nên muôn phần mãnh liệt: bởi vì chúng được biểu lộ tự do xuyên qua thể của chúng nó là thể Vía, chớ chúng nó không còn bị xác thịt nặng nề cản trở nữa.

Người như thế ấy phải lâm vào cảnh thấp của cõi Trung giới. Y ở rà rà mặt đất để có cơ hội hưởng những mùi rượu thịt v.v. . . mà y đang thèm khát. Y lân la những hộp đêm, những tửu quán, để thưởng thức mùi rượu thịt cùng những cảnh ô trược. Y chỉ thưởng thức thôi, chớ không thỏa mãn dục vọng cuồng nhiệt của y đặng: bởi vì y không có xác thịt làm trung gian.

Một vong linh bợm rượu kinh niên, đôi khi tự bao xung quanh mình một tấm bằng chất dĩ thái để hiện hình một phần, tỷ như hiện ra cánh tay hay cái mặt. Nhờ chất dĩ thái ấy mà y hưởng đặng mùi rượu, nhưng y không ngửi đặng mùi rượu như lúc còn sống ở cõi trần.

Chính vì lẽ ấy mà y xúi giục kẻ khác uống rượu đặng y có thể nhập vào xác họ một phần nào để hưởng hơi cho thỏa thích. Sự nhập xác ấy có thể vĩnh viễn hay tạm thời.

Chính mắt tác giả bài nầy đã chứng kiến một đám cúng bịnh điên, do một pháp sư điều khiển. Trên bàn cúng có để rượu và một thủ vĩ heo luộc cùng trái cây và nhang đèn v.v. . . Khi pháp sư đứng ra cầu đảo vong linh mà y cho rằng phá khuấy bịnh nhơn, thì đồng tử nhảy dựng lên la hét là “Ta đã về, hỏi muốn gì ?”.

Pháp sư nói:

- Ta bảo ngươi hãy buông tha bịnh nhơn.

- Được, nhưng trước khi ta tha, hãy đem rượu thịt ra đây.

Nói đoạn, đồng tử là người (không biết uống rượu) nhảy lại bàn thờ bưng chai rượu lối 1 lít núc ráo trọi, rồi còn đòi thêm nữa ! Người ta chạy lấy thêm 1 lít rượu nữa cho y. Uống xong cả mà y không say. Đoạn y đến bàn cúng, hai tay ôm thủ vĩ lợn, cúi mặt xuống, hít khắp cùng, một cách say mê đắm đuối, mà trên đời nầy chưa hề có ai ngửi đồ ăn như thế. Y lật đầu heo lên, y hít từ sớ thịt, từ miếng xương; y trở đầu heo lại, y hít từ lổ tai, từ cái mỏ, từ con mắt. Y hít như vậy trọn cả nửa giờ ! Cử chỉ đam mê của y trông thấy mà rợn cả người, cho đến đỗi khổ chủ, nhà nghèo xơ xác, mà phải ghê gớm cái đầu heo ấy: nên sau khi cúng rồi, y đem nó cho hàng xóm ! Đó là vong linh nghiện rượu và mê ăn nhập vào đồng tử để hưởng chút mùi vị trần gian. Trên cõi Trung giới, vong linh như thế bị muôn phần khổ sở: vì y thiếu cơ quan xác thịt để thực hiện sự ham muốn ấy.

Người ta biết nhiều chuyện thần thoại diễn tả cảnh thèm khát hãi hùng của vong linh không được thỏa mãn nơi cõi Trung giới. Đây là chuyện người Tantale bị hình phạt nặng nề là: nhịn khát. Y khô cả cổ, rát cả họng, thèm một giọt nước ngon lành mà không ai cho, trong khi người ta bẹo trước mắt y một thứ nước trong long lanh như mắt mèo ! Nhưng ô hô ! khi môi y vừa kề thì người ta lại giật đi, trước mắt thèm thuồng khao khát của y ! . . .

Còn một chuyện thần thoại khác nữa: là ông Sysiphe. . . Ông bị hình phạt như là: phải lăn tảng đá lên đỉnh núi. Nhưng khi ông cố gắng, hè hục gần hụt hơi để lăn đá, mà hễ nó vừa đến chót núi, thì nó lại rơi xuống chân núi để ông phải lăn nó trở lên nữa. Cảnh tượng đó cứ luôn luôn tiếp diễn.

Tảng đá đó là biểu tượng của lòng tham lam mà con người cứ mãi nuôi nấng lúc ở trần gian. Bao giờ hết tham lam thì con người hết bị bắt buộc lăn tảng đá đó nữa.

Một đời sống dưới thế gian vô dụng, ích kỷ, không giá trị là một điều hết sức tai hại cho vong linh trên cõi Trung giới. Nơi đây điều kiện sống thác khác hẳn với cõi trần. Ở âm cảnh không có chuyện làm ăn cần phải bàn tính và vong linh không thể dùng lời xảo trá đặng: vì tư tưởng và tình cảm đều bộc lộ rõ ràng không che giấu được.

Người đồ tễ, hay kẻ giết thú vật để thí nghiệm sẽ bị những hình thú cụt chơn, gãy cánh, gãy đầu, run rẩy, rên siết, kêu gào vây xung quanh, và vô tình biểu diễn lại tấn tuồng giết chóc đã gây ra tại thế.

Cái cảnh tượng hãi hùng ấy cứ tiếp diễn trong nhiều ngày, nhiều tháng và nhiều năm như vậy, cho đến khi nào vong linh ăn năn hối quá thì tình trạng khốn đốn đó mới tiêu tan cho.

Bây giờ hãy nói đến hạng người cao hơn như nhà âm nhạc, triết học hay khoa học chẳng hạn. Trên Trung giới con người không cần làm lụng mới có mà sống, nên có nhiều thì giờ để đeo đuổi quan niệm của mình. Trong khi sanh hoạt trên Trung giới, ta có thể nghe một nhạc điệu rất hay, rất tuyệt diệu, mà dưới trần nầy không ai diễn được.

Còn đối với nhà mỹ thuật, thì ôi thôi, biết bao là sự tốt đẹp diễn ra trước mắt. Nhơn đó mà vong linh có thể biểu dương tài nghệ của mình. Người ta có thể đi đây, đi đó một cách mau lẹ nên thấy đặng những kỳ quan trong võ trụ dễ hơn khi ở thế.

Nếu vong linh là nhà sử gia hay nhà khoa học, thì tất cả thơ viện và phòng thí nghiệm dưới trần đều đặt dưới quyền xử dụng của y. Lại nữa, vong linh hiểu đặng những hiện tượng thiên nhiên rõ ràng hơn là lúc còn mang xác thịt: bởi vì y thấy đặng bên trong của vạn vật, chớ chẳng phải chỉ phớt bên ngoài mà thôi. Trong bất cứ trường hợp nào, sự vui của vong linh cũng tăng cường: vì y không biết mệt mỏi như ở trần gian.

Nhà triết học có thể đeo đuổi được công việc hữu ích của mình một cách đắc lực và dưới tay sẵn có những điều kiện thuận tiện hơn là khi có xác thịt.

Trên cõi Trung giới, vong linh có khả năng học tập những điều mới lạ.

Dưới đây là 7 cảnh của cõi Trung giới.

Cảnh thứ bảy: Nơi cảnh thấp nhứt của cõi Trung giới – là cảnh thứ bảy – vong linh thường hướng về những chuyện thấp hèn dưới thế gian và hay lân la những nơi trụy lạc trần ai.

Cảnh thứ sáu: Trên cảnh thứ sáu có những vong linh chỉ nhớ đến vật chất và công việc làm ăn. Họ ở sà sà trên măt đất.

Cảnh thứ năm và thứ tư: Trên mấy cảnh ấy vong linh cũng còn tư tưởng đến những chuyện trần gian, nhưng không mãnh liệt bằng lúc ở cảnh thứ sáu và thứ bảy.

Cảnh thứ ba và thứ hai: Trên mấy cảnh ấy, vong linh ở cách biệt trần gian rất xa. Muốn thông đồng với người dương thế, vong linh phải rán sức đặc biệt bằng cách dùng đồng tử.

Cảnh thứ nhứt: Trên cảnh thứ nhứt – là cảnh cao hơn hết của cõi Trung giới – vong linh muốn thông đồng với thế gian là một chuyện hết sức khó khăn, dù bất đắc dĩ phải dùng đồng tử.

Đa số người thường nhơn hiền hậu, chết một cách tự nhiên, họ gặp được nhiều may mắn, nhờ những vị cứu trợ vô hình chỉ dẫn, nên họ có thể tiến mau lẹ. Nhưng có vài trường hợp, họ có thể bị cõi phàm lôi cuốn; vì họ nặng tình với một cá nhân nào còn sống.

Sự xót xa thương tiếc của cha mẹ, vợ con, bè bạn có thể níu kéo vong linh trở lại trần, và tìm cách nhập xác đồng để chuyện trò với gia quyến. Điều nầy làm trễ bước tiến hóa của vong linh và tạo cho đồng tử bao nỗi ưu phiền, đau khổ ở tương lai. Nhơn đó mà vong linh phải gánh quả nặng, và kẻ ở cõi trần vì vô tình mà làm hại người mình thương nơi âm cảnh !

Giáo lý Pháp môn không hề dạy ta phải quên người chết, mà còn khuyên ta nên gởi cho họ tình thương chơn thật, nồng nàn, trong sạch và vô tư. Chính tình thương vô tư đó giúp đỡ vong linh trên bước đường mới lạ ở Trung giới, để họ sang qua cõi Thượng giới mau lẹ.

Tiếp Theo >>>>

 

Xin vui lòng liên lạc với  butvang@yahoo.com  về mọi chi tiết liên quan tới Ánh Dương
Copyright © 2004 Anh Duong Online
Last modified: 08/10/06