H.P. BLAVATSKY

Dịch Giả: THANH  NGUYEN

 

CHÌA  KHOÁ 
THÔNG  THIÊN  HỌC

 

(THE  KEY  TO  THEOSOPHY)

 

 

 

 

Nhóm Hội Viên Thông Thiên Học Hải Ngoại

hiệu đính và xuất bản tại Hoa Kỳ.

2005


HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC    BA  MỤC  ĐÍCH.

 

1- Tạo một tình Huynh Đệ Đại Đồng không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, nam nữ, giai cấp hay màu da.

2- Khuyến khích việc học hỏi và đối chiếu Tôn Giáo, Triết Lý và Khoa Học.

3- Nghiên cứu những Định Luật Thiên Nhiên chưa giải thích được và những quyền năng ẩn tàng trong con người.

 

          Muốn gia nhập Hội, bạn chỉ cần thừa nhận mục đích 1 và xin liên lạc với Hội nơi Quốc Gia bạn cư ngụ; hay với một bạn Hội Viên nào bạn biết.

 

 

 

 


MỤC LỤC

 

HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC    BA  MỤC  ĐÍCH. i

MỤC LỤC.. i

LỜI  NÓI  ĐẦU.. 1

C H Ư Ơ N G    1. 3

THÔNG  THIÊN  HỌC   HỘI THÔNG  THIÊN  HỌC. 3

Ý  NGHĨA  CỦA  DANH  TỪ.. 3

MỤC  ĐÍCH  CỦA  HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC.. 5

TÔN  GIÁO  MINH  TRIẾT    TRUYỀN  QUA  CÁC THỜI  ĐẠI 7

THÔNG THIÊN HỌC KHÔNG PHẢI LÀ PHẬT GIÁO.. 11

C H Ư Ơ N G    2. 15

THÔNG  THIÊN  HỌC  CÔNG  TRUYỀN VÀ    TRUYỀN.. 15

ĐIỀU    HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC  HIỆN  ĐẠI  KHÔNG     15

NHÀ  THÔNG  THIÊN  HỌC    HỘI  VIÊN  THÔNG  THIÊN  HỌC   19

SỰ  DỊ  BIỆT  GIỮA  THÔNG  THIÊN  HỌC     HUYỀN LINH  HỌC   25

SỰ  DỊ  BIỆT  GIỮA  THÔNG  THIÊN  HỌC     GIÁNG MA  HỌC   27

TẠI SAO THÔNG THIÊN HỌC ĐƯỢC CHẤP NHẬN?. 36

C H Ư Ơ N G    3. 40

PHƯƠNG  PHÁP  THỰC  HÀNH  CỦA HỘI  THÔNG THIÊN  HỌC  40

CÁC  MỤC  TIÊU  CỦA  HỘI 40

NGUỒN  GỐC  CHUNG  CỦA  CON  NGƯỜI 42

CÁC  MỤC  ĐÍCH  KHÁC  CỦA  CHÚNG  TÔI 47

SỰ  CAO  TRỌNG  CỦA  LỜI  THỆ  NGUYỆN.. 49

C H Ư Ơ N G    4. 52

CÁC  MỐI  LIÊN  HỆ  GIỮA  HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC    THÔNG  THIÊN  HỌC. 52

VỀ  SỰ  CẢI  THIỆN  BẢN  NGÃ.. 52

SỰ  TRỪU  TƯỢNG    CỤ  THỂ. 56

C H Ư Ơ N G    5. 62

CÁC  GIÁO  HUẤN  CĂN  BẢN  CỦA   THÔNG THIÊN  HỌC  62

THƯỢNG  ĐẾ    SỰ  CẦU  NGUYỆN.. 62

CHÚNG  TA    CẦN  THIẾT  PHẢI   CẦU  NGUYỆN  KHÔNG ?  67

SỰ CẦU NGUYỆN LÀM GIẢM ĐỨC TIN NƠI TA.. 72

NGUỒN  CỘI  CỦA  LINH  HỒN  NHÂN  LOẠI 75

GIÁO    ĐẠO  PHẬT  VỀ  VẤN  ĐỀ  NÊU  TRÊN.. 78

C H Ư Ơ N G    6. 84

THIÊN  NHIÊN    CON  NGƯỜI  THEO  GIÁO HUẤN  THÔNG  THIÊN  HỌC. 84

SỰ  ĐƠN  NHẤT  TRONG  VẠN  VẬT. 84

SỰ  TIẾN  HÓA    ẢO  GIÁC.. 85

VỀ  SỰ  CẤU  TẠO  THẤT  PHÂN  CỦA   CỐ  THIÊN  THỂ  CỦA  CHÚNG  TA.. 88

SỰ  CẤU  TẠO  THẤT  PHÂN  CỦA  CON  NGƯỜI 91

SỰ  PHÂN  CHIA  THEO  THÔNG  THIÊN  HỌC.. 93

SỰ PHÂN BIỆT GIỮA LINH HỒN VÀ TINH THẦN.. 95

NHỮNG  GIÁO  HUẤN  CỦA  HY  LẠP. 98

C H Ư Ơ N G    7. 102

SỰ  SỐNG  BÊN  KIA  CỬA  TỬ.. 102

CON  NGƯỜI  VẬT  CHẤT    TINH  THẦN.. 102

VỀ  SỰ  VĨNH  CỬU  CỦA  THƯỞNG,  PHẠT  VÀ NIẾT  BÀN   110

CÁC  NGUYÊN  KHÍ  KHÁC  NHAU   CỦA  CON  NGƯỜI 117

CHƯƠNG   8. 123

SỰ  LUÂN  HỒI   HAY  TÁI  SINH.. 123

  ỨC      THEO  GIÁO     THÔNG  THIÊN  HỌC ?  123

TẠI  SAO  CHÚNG  TA  KHÔNG  NHỚ  ĐƯỢC CÁC  KIẾP  SỐNG  Đà QUA ?. 127

CON  NGƯỜI  THIÊNG  LIÊNG    PHÀM  NGÃ.. 133

VỀ  SỰ  THƯỞNG    PHẠT  CỦA  CHƠN  NGÃ. 135

C H Ư Ơ N G    9. 142

CẢM  DỤC  GIỚI    THIÊN  ĐÀNG.. 142

ĐỊNH  MẠNG  CỦA  “CÁC  NGUYÊN  KHÍ  THẤP”. 142

TẠI  SAO  CÁC  NHÀ  THÔNG  THIÊN  HỌC  KHÔNG TIN TƯỞNG  SỰ  TRỞ  LẠI  CỦA  NHỮNG  LINH HỒN THUẦN  KHIẾT?. 145

VÀI   LỜI   VỀ   CÁC   UẨN.. 153

Ý THỨC  SAU  KHI  CHẾT    TRƯỚC  KHI  SINH.. 155

Ý  NGHĨA  THẬT  SỰ  CỦA  TỪ  NGỮ  HỦY  DIỆT. 161

CÁC  DANH  TỪ    GIỚI  HẠN  ĐỂ  DIỄN  TẢ  SỰ  VẬT    GIỚI  HẠN   169

C H Ư Ơ N G     10. 175

BẢN  CHẤT  CỦA  NGUYÊN  KHÍ  SUY    CỦA CHÚNG  TA   175

  NHIỆM  CỦA  CHƠN  NGÃ.. 175

BẢN  CHẤT  PHỨC  TẠP  CỦA  THỂ  TRÍ 180

GIÁO    ĐƯỢC  DẠY  TRONG   KINH  THÁNH  JOHN.. 183

C H Ư Ơ N G    11. 194

  NHIỆM  CỦA  SỰ  LUÂN  HỒI 194

TÁI  SINH  THEO  CHU  KỲ.. 194

NGHIỆP  QUẢ    GÌ?. 198

AI      KẺ   BIẾT ?. 214

DỊ  BIỆT  GIỮA  ĐỨC  TIN    HIỂU  BIẾT  HAY  LÀ ĐỨC  TIN    QUÁNG    ĐỨC  TIN  HỢP  .. 217

THƯỢNG  ĐẾ      TỘI  CHO  CHÚNG  TA   HAY  KHÔNG ?  221

C H Ư Ơ N G    12. 226

THÔNG  THIÊN  HỌC  THỰC  HÀNH     GÌ ?. 226

BỔN   PHẬN.. 226

CÁC  MỐI  LIÊN  QUAN  GIỮA  HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC VỚI  CÁC  CẢI  CÁCH  CHÍNH  TRỊ 230

HY  SINH  BẢN  NGÃ.. 236

VỀ   LÒNG   NHÂN   TỪ.. 241

THÔNG  THIÊN  HỌC  ĐỐI  VỚI  QUẦN  CHÚNG.. 244

HỘI  VIÊN  THÔNG  THIÊN  HỌC    THỂ GIÚP  ĐỠ  HỘI  NHƯ  THẾ  NÀO ?. 246

ĐIỀU    NHÀ  THÔNG  THIÊN  HỌC KHÔNG  NÊN  LÀM    248

C H Ư Ơ N G     13. 256

NHỮNG  QUAN  NIỆM  SAI  LẦM  LIÊN  QUAN  ĐẾN  HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC. 256

THÔNG  THIÊN  HỌC    SỰ  KHỔ  HẠNH.. 256

THÔNG  THIÊN  HỌC    HÔN  NHÂN.. 260

THÔNG  THIÊN  HỌC    SỰ  GIÁO  DỤC.. 261

TẠI  SAO  HIỆN  GIỜ    QUÁ  NHIỀU  THÀNH  KIẾN CHỐNG  LẠI  HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC ?. 269

PHẢI  CHĂNG  HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC  LÀ MỘT  TỔ  CHỨC    MỤC  ĐÍCH  TÀI  CHÍNH ?. 276

HỘI  VIÊN  TÍCH  CỰC  PHỤNG  SỰ  CHO  HỘI   THÔNG  THIÊN  HỌC   279

C H Ư Ơ N G     14. 282

“CÁC  VỊ  THÁNH  SƯ”  CỦA   THÔNG  THIÊN  HỌC. 282

CÁC  NGÀI    “TINH  QUÂN  ÁNH  SÁNG”   HAY    “YÊU  TINH  BỊ  NGUYỀN  RỦA” ?. 282

SỰ  LẠM  DỤNG  TÔN  DANH    THUẬT  NGỮ  THIÊNG  LIÊNG   293

K Ế T    L U Ậ N.. 297

TƯƠNG  LAI  CỦA  HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC. 297

CHÂN  THÀNH  TRI  ÂN.. 301

 


LỜI  NÓI  ĐẦU

 

          Mục đích quyển “Chìa Khóa Thông Thiên Học” được giải bày bởi tựa đề của nó và chỉ cần giải thích bằng vài từ ngữ mà thôi. Quyển sách nầy không phải là một quyển giáo khoa đầy đủ về Thông Thiên Học, mà chỉ là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đưa đến sự nghiên cứu thâm sâu hơn. Nó vạch ra những nét chính yếu của Tôn Giáo Minh Triết (Wisdom Religion) giải thích các nguyên lý căn bản của Tôn Giáo, cùng lúc đối đáp lại những lời biện bác do các nhà Khảo Cứu Tây Phương đưa ra; đồng thời, cố gắng trình bày các khái niệm ít quen thuộc bằng một hình thức đơn giản và một ngôn ngữ rõ ràng.

          Chúng tôi cố gắng giải thích để Thông Thiên Học trở thành dễ hiểu đối với độc giả và cũng để trí não độc giả khỏi phải phí sức nhiều. Điều mà chúng tôi mong ước là nếu có sự khó hiểu sẽ không do nơi ngôn ngữ được dùng mà là do sự diễn tả các tư tưởng sâu sắc của vấn đề.

          Đối với những người trí não chưa phát triển nhiều, Thông Thiên Học sẽ luôn luôn khó hiểu; vì trong Cõi Giới tinh thần, cũng như Cõi Giới tâm linh, con người phải tiến tới bằng sự cố gắng riêng của mình. Tác giả không thể suy tưởng giùm độc giả, vả lại, nếu sự thay thế để suy tưởng có thể thực hiện được thì độc giả cũng không hưởng được chút lợi ích nào cả.

          Tính cách cần thiết của một quyển sách như thế nầy đã được tất cả những người lưu tâm đến Hội Thông Thiên Học và công nghiệp của Hội nhận thấy từ lâu. Vì không có quá nhiều danh từ chuyên môn, chúng tôi hy vọng quyển sách sẽ dẫn dắt những người lưu tâm, nhưng vẫn còn băn khoăn chưa vững lòng tin.

          Trong tác phẩm nầy, chúng tôi đưa ra những sự thật trong các dữ kiện của Giáng Ma Học (Spiritualism) về đời sống Bên Kia Cửa Tử, giúp họ thấy được thực chất các hiện tượng Giáng Ma.

          Trước đây, có vài sự giải thích như thế, khiến cho tác giả bị biết bao nhiêu sự phẫn nộ của độc giả. Các nhà Giáng Ma Học cũng như nhiều người khác, thích tin tưởng điều chi thú vị hơn là sự thật; họ giận dữ đối với những ai tiêu diệt ảo tưởng của họ. Thông Thiên Học được ví như một tấm bia hứng những mũi tên tẩm chất độc của những nhà Giáng Ma Học, những người nầy đã chứng minh rằng những kẻ sở đắc được phân nửa Chơn Lý càng đối kháng mạnh mẽ với người sở đắc được toàn thể Chơn Lý.

          Tác Giả xin chân thành cảm tạ nhiều Nhà Thông Thiên Học đã nêu ra các câu hỏi, nêu lên những ý kiến, hay đã giúp phần nào vào việc thực hiện tác phẩm nầy; nhờ đó sự hữu dụng được tăng gia, điều ấy chắc chắn sẽ là phần thưởng tốt nhất cho họ.

 

 

 

LONDON 1889

H.P. BLAVATSKY

 


 

C H Ư Ơ N G    1

 

THÔNG  THIÊN  HỌC   HỘI
THÔNG
 THIÊN  HỌC

 

 

Ý  NGHĨA  CỦA  DANH  TỪ

 

 

          HỎI: Người ta thường nói về Thông Thiên Học và Giáo Lý nầy như là một Tôn Giáo mới thành lập, phải chăng đây là một Tôn Giáo?

          ĐÁP: Thông Thiên Học không phải là một Tôn Giáo, mà là Tri Thức Thiêng Liêng (Divine Knowledge or Science).

          HỎI: Ý nghĩa thật sự của danh từ nầy là gì?

          ĐÁP: Đó là Minh Triết Thiêng Liêng (Divine Wisdom) tức là Minh Triết của các Vị Thần (Wisdom of the Gods), giống như Thần Phổ Học (Theogony) là môn học về nguồn gốc các Vị Thần. Từ ngữ “Theos” theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là một Vị Thiên Đế (a God), nghĩa là một Đấng Thiêng Liêng, chớ không phải là “Thượng Đế” theo nghĩa mà chúng ta hiểu ngày nay. Như vậy, từ ngữ Theosophy không có nghĩa là “Minh Triết của Thượng Đế” (Wisdom of God) như một số người dịch sai lầm, mà là Minh Triết Thiêng Liêng, tức là sự hiểu biết mà các Vị Thần hoạch đắc được. Đó là một danh từ đã có từ nhiều ngàn năm.

          HỎI: Nguồn gốc của danh từ nầy như thế nào?

          ĐÁP: Danh từ nầy ra đời do các Triết Gia thành Alexandria, những người được gọi là “Kẻ Yêu Chơn Lý.” Từ ngữ Theosophy có từ thế kỷ thứ ba của thời đại chúng ta, và Ammonius Saccas là người đầu tiên dùng từ ngữ nầy. Ông và các môn đệ của ông đã thành lập Hệ Thống Thông Thiên Học Chiết Trung (Eclectic Theosophical System).

          Từ ngữ Theosophy tương đồng với từ ngữ Bắc Phạn Brahma Vidya hay Minh Triết Thiêng Liêng.

          HỎI: Mục đích của Hệ Thống nầy như thế nào?

          ĐÁP: Trước nhất là ghi một số Chơn Lý Vĩ Đại về Luân Lý vào trí các môn đệ của Ammonius Saccas, cùng tất cả “Những Người Yêu Chơn Lý.” Từ đó, tiêu ngữ “Không Tôn Giáo nào cao hơn Chơn Lý” (There is no Religion higher than Truth) đã được Hội Thông Thiên Học chấp nhận. Mục đích chính yếu của Phái Thông Thiên Học Chiết Trung là một trong ba mục đích, mà kẻ kế vị của nó, là Hội Thông Thiên Học đã căn cứ vào các Chơn Lý Vĩnh Cửu để hòa giải tất cả các Tôn Giáo, Môn Phái, tất cả các quốc gia bằng một Hệ Thống Luân Lý chung.

          HỎI: Làm sao chứng minh được điều đó không phải là một giấc mơ khó thực hiện và cũng để chứng minh rằng tất cả các Tôn Giáo trên Thế Gian đều căn cứ vào một Chơn Lý Duy Nhất?

          ĐÁP: Chúng tôi chứng minh điều đó bằng cách nghiên cứu đối chiếu và phân tích các Tôn Giáo. Trong Thời Cổ, Tôn Giáo Minh Triết chỉ là một sự đồng nhất tính của tất cả các Triết Lý Tôn Giáo sơ khai được chứng minh bởi sự đồng nhất tính của các Giáo Lý đã truyền dạy cho các Điểm Đạo Đồ[1] và đó là lối giáo dục mà xưa kia đã được truyền bá rộng rãi. Như Tiến Sĩ Wilder đã nói: “Tất cả những sự việc chứng tỏ rằng trước đó đã có sự hiện hữu của một Minh Triết Thiêng Liêng duy nhất. Chiếc chìa khóa mở được một phải mở được tất cả, bằng không, đó không phải là chìa khóa tốt.”

 

 

MỤC  ĐÍCH  CỦA  HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC

 

 

          HỎI: Vào thời Ammonius Saccas đã có nhiều Tôn Giáo lớn, cổ xưa, riêng các Giáo Phái Ai Cập và Palestine cũng rất đông đảo, làm thế nào Ammonius Saccas có thể hòa giải được tất cả?

          ĐÁP: Bằng cách thực hiện điều mà chúng ta đang cố gắng làm hiện nay. Lúc đó, các nhà theo Phái Tân Plato (Platon) rất đông, họ là môn đệ của các Trường Triết Lý Tôn Giáo khác nhau, giống như trường hợp các nhà Thông Thiên Học chúng ta. Vào thời đó, Aristobulus, người Do Thái, quả quyết rằng Triết Gia Aristotle là đại diện cho các Giáo Huấn Nội Môn của Moses. Ông Philo, cũng là người Do Thái, cố gắng hòa giải bộ sách Pentateuch (Ngũ Kinh Cựu Ước) với Triết Lý của Pythagoras (Pythagore) và của Plato. Còn ông Josephus chứng minh rằng các Tu Sĩ Essenes Môn Phái Carmel chỉ là những người rập theo khuôn mẫu và là những kẻ nối tiếp các nhà Trị Bệnh Ai Cập. Ở thời đại của chúng ta ngày nay cũng thế, chúng ta có thể chứng tỏ nguồn gốc của các Cơ Đốc Giáo và ngay cả nguồn gốc của mỗi Môn Phái nhỏ nhất. Những Môn Phái sau nầy là nhánh nhỏ của các cành chính và tất cả đều nhận cùng một chất nhựa của thân cây tức là Tôn Giáo Minh Triết. Đây là điều mà Ammonius Saccas đã cố gắng hòa giải những người Ngoại Giáo (Gentiles) với người Cơ Đốc Giáo, người Do Thái Giáo với người Tôn Sùng Ngẫu Tượng, khuyên họ chấm dứt các cuộc tranh luận, chống đối nhau để nhớ lại rằng Chơn Lý mà mỗi nhóm hoạch đắc được, đã bị che giấu dưới những lớp áo khác nhau, và họ chỉ là những đứa con cùng một mẹ. Mục đích của Ammonius Saccas là mục đích của Thông Thiên Học.

          HỎI: Bạn căn cứ vào điều gì để xác nhận có những nhà Thông Thiên Học Thời Cổ ở thành Alexandria?

          ĐÁP: Chúng tôi dựa vào một số đáng kể các Nhà Văn đã được biết tiếng. Một trong số các Nhà Văn nầy là Mosheim mà A. Saccas có giảng dạy rằng: “Tôn Giáo của đại chúng tiến triển mật thiết với Triết Học và cùng chia số phận với Triết Học, nghĩa là Tôn Giáo từ từ bị hư hoại bởi Sự Kiêu Căng, Sự Mê Tín và Sự Dối Trá. Bởi vậy, phải phục hồi sự thuần khiết nguyên thủy của Tôn Giáo bằng cách dứt bỏ những phần cặn bã và khôi phục lại những căn bản Triết Học. Đấng Christ có ý định phục hưng lại Minh Triết Thời Cổ trong trạng thái hoàn toàn nguyên thủy của nó, hạn chế Sự Mê Tín Dị Đoan đang chế ngự khắp nơi và diệt trừ nhiều sự sai lầm đang len vào các Tôn Giáo phổ thông.”

          Các nhà Thông Thiên Học ngày nay không nói điều gì khác hơn. Thời bấy giờ A. Saccas được sự nâng đỡ, trợ giúp của hai Linh Mục Clement và Athenagoras, của các Giáo Sĩ Do Thái học rộng, của các Triết Gia trong Hàn Lâm Viện và của Triết Gia Bosquet. Ông dạy Giáo Lý phổ thông cho tất cả mọi người, còn chúng tôi, những kẻ đang đi theo con đường của ông, thay vì được sự nâng đỡ, lại gặp sự nguyền rủa và ngược đãi. Sự kiện nầy đủ chứng minh rằng con người của 1500 năm trước khoan dung hơn con người của thế kỷ của chúng ta ngày nay.

          HỎI: Mặc dầu có những Tà Thuyết (Heresy), Ammonius Saccas vẫn giảng dạy Cơ Đốc Giáo và được Giáo Hội khuyến khích, nâng đỡ, phải chăng vì chính ông ta là Tín Đồ Cơ Đốc Giáo?

          ĐÁP: Không phải thế. Ông sinh trưởng trong gia đình có Đạo Cơ Đốc, nhưng không bao giờ ông chấp nhận Cơ Đốc Giáo. Đây là những lời diễn tả của ông Wilder: “Ông chỉ trình bày các Giáo Lý phù hợp với Giáo Lý trụ cốt của Hermes mà Pythagoras và Plato đã biết trước ông, và hai Vị nầy đã rút ra thành Triết Lý của Họ. Nhờ tìm thấy chúng trong đoạn mở đầu Phúc Âm (Evangel) của Thánh John, ông nêu ra giả thuyết rằng mục đích của Đức Jesus là phục hưng lại những Triết Lý cao siêu của Nền Minh Triết. Ông xem những mẫu chuyện trong Thánh Kinh và lịch sử của các Thánh Thư như là những hoán dụ, vừa giải thích Chơn Lý, vừa che giấu Chơn Lý, như là những chuyện hoang đường cần loại bỏ.”

          Hơn nữa, trong tự điển Bách Khoa Edinburgh có ghi: “Ông nhìn nhận rằng Jesus Christ là một Nhân Vật Siêu Việt và là “Bạn của Thượng Đế,” mục đích của Đức Jesus không phải là tiêu diệt hoàn toàn sự thờ phụng Thần Thánh, mà Ngài chỉ có ý định thanh lọc Tôn Giáo.”

 

 

TÔN  GIÁO  MINH  TRIẾT    TRUYỀN  QUA  CÁC THỜI  ĐẠI

 

 

          HỎI: Ammonius Saccas không viết để lại điều chi cả, làm sao người ta có thể biết đó là Giáo Lý của ông?

          ĐÁP: Phật Thích Ca, Pythagoras, Khổng Tử, Orpheus, Socrate, ngay cả Đức Jesus cũng đều không để lại văn tự. Tuy nhiên, đa số các Ngài là những nhân vật lịch sử mà sự dạy dỗ của các Ngài vẫn còn tồn tại. Các môn đệ của Ammonius Saccas, trong số đó có Origen và Herennius đã viết các tác phẩm và giảng giải Giáo Lý của Ammonius Saccas. Những sách nầy có thật trong lịch sử như là thư của các Sứ Đồ Cơ Đốc. Hơn nữa, các môn đệ của ông như Origen, Plotin và Longinus, Vị sau cùng nầy là Cố Vấn tối cao của Hoàng Hậu Zenobia, đã trình bày một số bí mật của Học Phái Philalethe (Yêu Chơn Lý), nhờ thế, dân chúng mới biết về Học Phái đó, vì Trường Phái nầy có hai loại Giáo Lý, một loại Bí Truyền ( Esoteric), một loại Công Truyền (Exoteric).

          HỎI: Bạn đã xác nhận rằng Tôn Giáo Minh Triết là Bí Truyền, thế thì, tại sao các Triết Lý của Môn Phái đó lại truyền đến chúng ta được?

          ĐÁP: Tôn Giáo Minh Triết luôn luôn duy nhất và tương đồng. Người ta luôn luôn gìn giữ nó một cách cẩn thận và bí mật, bởi vì đó là tiếng nói cuối cùng của Minh Triết con người. Tôn Giáo Minh Triết nầy có trước các Nhà Thông Thiên Học của thành Alexandria. Nó tồn tại đến ngày nay và phải tồn tại hơn tất cả các Tôn Giáo và tất cả các Triết Lý khác.

          HỎI: Ai đã gìn giữ Tôn Giáo Minh Triết, và gìn giữ ở đâu?

          ĐÁP: Nó đã được gìn giữ bởi những Bậc Đạo Đồ (hay là Điểm Đạo Đồ) của tất cả các quốc gia, bởi các nhà Tư Tưởng uyên thâm đang tìm về Chơn Lý, bởi các Môn Đồ của họ, và nhất là ở những nơi trên thế giới mà các đề tài của Tôn Giáo Minh Triết luôn luôn được ưa thích và theo đuổi nhiều nhất, như là Ấn Độ, Trung Á, Ba Tư.

          HỎI: Bạn có thể cho một số bằng chứng về đặc tính Bí Truyền của Tôn Giáo Minh Triết không?

          ĐÁP: Bằng chứng tốt nhất là tất cả các Tôn Giáo cổ hay đúng hơn, Triết Học, đều gồm có phần giảng dạy về Bí Truyền hay Mật, và phần thờ phượng của công chúng hay là Hiển. Hơn thế, một sự kiện được biết rất rõ là Huyền Học của Thời Cổ trong mỗi quốc gia, được chia làm hai: Cao (Mật) và Thấp (Hiển), thí dụ các nghi thức trang nghiêm của Hy Lạp gọi là Eleusinia.

          Từ các Vị Đại Tư Tế ở Samothrace của Ai Cập và các Đạo Đồ Bà La Môn của cổ Ấn Độ, đến các Giáo Sĩ Do Thái, tất cả vì sợ tội báng bổ (profanation), đều giữ bí mật về các tín điều thực sự của họ. Các Giáo Sĩ Do Thái gọi lý thuyết Tôn Giáo cổ của họ là Mercavah, cái hiện thể (exterior body), hay là lớp áo chứa đựng linh hồn bên trong, nghĩa là sự hiểu biết bí nhiệm sâu xa nhất của họ. Các Tăng Lữ của các Tôn Giáo cổ không bao giờ truyền giảng cho quần chúng biết về Triết Lý mật nhiệm thật sự của họ, họ chỉ tiết lộ cái phần ngoài của Giáo Lý mà thôi. Phật Giáo Bắc Tông có Đại Thừa (Mahayana) thuộc Bí Truyền và Tiểu Thừa (Hinayana) hay Công Truyền. Người ta không thể khiển trách sự phân chia nầy, vì chắc chắn rằng bạn không thể nuôi bầy trừu bằng những bài nghị luận uyên bác về thảo mộc, thay vì cho chúng ăn cỏ. Pythagoras đã gọi Thần Triết Học của Ngài là “sự tri thức những sự vật hiện tồn,” và Ngài chỉ truyền dạy cho các môn đệ có khả năng tiêu hóa món ăn tinh thần nầy và họ cũng đã hứa giữ bí mật. Các mẫu tự huyền nhiệm xuất phát từ các chữ tượng hình của người Ai Cập, mà các nhà Nghiên Cứu chữ tượng hình nầy, hay các Tăng Lữ được Điểm Đạo, vẫn nắm giữ các bí mật đó. Những người viết tiểu sử của Ammonius Saccas nói rằng ông ta buộc các môn đệ không bao giờ được tiết lộ Giáo Lý thượng đẳng, ngoại trừ những người đã sở đắc được những kiến thức tiên khởi và họ đã ưng thuận giữ lời thề. Sau cùng, chúng ta không tìm thấy, trong Cơ Đốc Giáo nguyên thủy, giữa Học Phái Gnostic và ngay cả trong các huấn điều của Đấng Christ, sự khác nhau giữa Bí Truyền và Công Truyền hay sao? Đấng Christ đã chẳng nói trước đám đông bằng các ngụ từ có hai nghĩa, và Ngài chỉ giải thích ý nghĩa thật sự của các ngụ từ đó chỉ riêng với các môn đệ hay sao? Ngài nói: “Các ngươi được phép hiểu biết các huyền nhiệm của Thiên Quốc, nhưng mà chỉ đối với những người biết đặt sự hiểu biết bên ngoài những lời nói kia bóng bẩy mà thôi” (Mark iv.11). Tác giả của quyển “Triết Lý Chiết Trung” (Eclectic Philosophy) viết rằng:

          “Các vị Essenes ở Judea và ở Carmel cũng có sự phân biệt tương tự, nghĩa là họ chia môn đồ ra các hạng: Tân tín đồ (neophytes), huynh đệ (brethren) và hạng hoàn toàn hay các Điểm Đạo Đồ.”

          Người ta có thể kể nhiều thí dụ như thế trong khắp các quốc gia trên thế giới.

          HỎI: Có thể nào đạt được sự Minh Triết bí nhiệm bằng sự khảo cứu đơn độc không? Các Tự Điển Bách Khoa định nghĩa từ ngữ Thông Thiên Học gần giống như Tự Điển Webster, nghĩa là “Một sự giao cảm với Thượng Đế và với các Linh Hồn thượng đẳng, do đó, tri thức siêu Nhân Loại có thể hoạch đắc được nhờ các phương pháp Vật Lý hay Hóa Học,” có đúng như thế không?

          ĐÁP: Tôi không nghĩ như thế. Không một nhà Từ Ngữ Học nào có thể giải thích tại sao người ta có thể đạt được sự hiểu biết siêu Nhân Loại bằng những phương tiện Vật Lý hay Hóa Học. Nếu ông Webster nói rằng “bằng những phương pháp Siêu Hình Học hay Siêu Chuyển” thì định nghĩa của ông có thể gần đúng hơn, ở đây, ông đưa ra một điều phi lý. Các nhà Thông Thiên Học thời cổ cũng như ngày nay đều đồng ý rằng cái hữu hạn không thể biết được cái vô hạn, nhưng cái Tinh Túy thiêng liêng có thể giao cảm với Bản Ngã tinh thần trong trạng thái Xuất Thần Nhập Hóa. Trạng thái nầy, cũng như trạng thái Thôi Miên, không thể đạt đến được bằng các phương cách Vật Lý hay Hóa Học.

          HỎI: Bạn giải thích trạng thái Xuất Thần Nhập Hóa nầy như thế nào?

          ĐÁP: Trạng thái nầy đã được ông Plotin (Plotinus) định nghĩa như sau: “Giải thoát sự thông tuệ ra khỏi ý thức có giới hạn và tan hòa với cái vô hạn.” Theo ông Wilder, đó là trạng thái cao nhất có thể đạt đến, nhưng trạng thái nầy không thể kéo dài được và chỉ có một số rất ít có thể đạt đến mà thôi. Thật ra, đó là trạng thái tương đồng với trạng thái mà ở Ấn Độ người ta gọi là Nhập Định (Samadhi) mà các Nhà Yogi đã thực hành được. Các Vị Yogi nầy đã chuẩn bị về phương diện Vật Chất bằng sự kiêng cữ một số lớn thức ăn, thức uống, còn về phương diện Tinh Thần, bằng một sự cố gắng không ngừng để thanh lọc và nâng cao sự thông tuệ của họ. Thiền định là sự cầu nguyện âm thầm không thốt nên lời như Plato (Platon) đã định nghĩa: “Sự nhiệt thành của Linh Hồn hướng về Thượng Đế, không phải để cầu xin một điều lành riêng tư như là trong lời cầu nguyện thông thường, mà là cho chính điều thiện tối thượng, phổ quát mà chúng ta là một phần tử của điều thiện đó trên Địa Cầu, và cũng từ bản thể của chí thiện đó, chúng ta đã được xuất lộ. Bởi thế, ngươi hãy đứng im lặng trước các Đấng Thiêng Liêng, cho đến khi nào các Ngài gạt đi đám mây mù trước mắt ngươi và làm cho ngươi có thể thấy, nhờ bởi ánh sáng phát tỏa từ các Ngài, chớ không phải những gì dường như chỉ thánh thiện cho ngươi, mà là những gì thánh thiện do chính nó.”

          HỎI: Như vậy, Thông Thiên Học không phải là một Lý Thuyết mới được phát minh sao?

          ĐÁP: Chỉ có những người không hiểu biết mới tin như thế. Các Giáo Điều và Luân Lý của Thông Thiên Học cũng xưa cũ như Quả Địa Cầu, nếu không phải về danh từ, thì ít ra cũng về sự việc. Không có hệ thống nào rộng lớn và phổ cập hơn hệ thống Thông Thiên Học.

          HỎI: Tại sao Thông Thiên Học chưa được các quốc gia Tây Phương hiểu biết? Tại sao Thông Thiên Học được xem như một quyển sách còn khép kín đối với những Giống Dân được xem như là tiến bộ nhất?

          ĐÁP: Thiết tưởng rằng trong Thời Cổ có nhiều quốc gia còn văn minh hơn chúng ta và còn tiến hóa về Tinh Thần hơn là chúng ta ngày nay. Nhưng có nhiều lý do xác định sự không biết về Thông Thiên Học nầy. Thánh Paul đã trình bày một trong những lý do với những người ở thành Athene, những người nầy, trong nhiều thế kỷ, đã mất hết những Thị Kiến về Tâm Linh (Spiritual Insight) và ngay cả những khát vọng hướng về Thị Kiến Tâm Linh đó; do sự quá mê đắm nhục cảm và bởi sự mải miết làm nô lệ cho những ngôn từ chết cứng của các lý thuyết và nghi thức. Tuy nhiên, lý do chính là Thông Thiên Học chân chính luôn luôn vẫn được giữ kín.

          HỎI: Bạn đã chứng minh sự hiện hữu của điều bí nhiệm, vậy, điều bí nhiệm thật sự là gì?

          ĐÁP: Nguyên do đầu tiên là vì con người có tánh ích kỷ, tà vạy, vì vậy, họ có khuynh hướng thỏa mãn những ham muốn cá nhân, gây thiệt hại cho những người lân cận và ngay cả người thân của họ nữa. Đối với những người như thế ấy, không thể nào cho họ biết các điều mầu nhiệm, thiêng liêng được. Lý do thứ nhì là sự bất lực trong việc giữ gìn những hiểu biết thiêng liêng cao cả. Sự bất lực nầy làm cho các biểu tượng siêu việt nhất và các Chơn Lý bị suy đồi, và dần dần, biến đổi những sự việc tâm linh thành sự Thần Nhân Hóa mà người ta gọi là Tôn Thờ Ngẫu Tượng.

 

 

 

THÔNG THIÊN HỌC KHÔNG PHẢI LÀ PHẬT GIÁO

 

 

          HỎI: Người ta thường gọi các bạn là Phật Tử Nội Môn. Phải  chăng tất cả các bạn đều là Đệ Tử của Đức Phật?

          ĐÁP: Không hẳn thế, cũng như tất cả các Nhạc Sĩ đều không phải là môn đệ của Wagner.[2] Vài người trong số chúng tôi là Phật Tử, nhiều người khác theo Ấn Giáo, Bà La Môn Giáo, nhiều người khác ở Âu Châu và Mỹ Châu gốc Cơ Đốc Giáo hơn là các Phật Tử cải tôn. Sự lầm lẫn do việc giải thích không đúng ý nghĩa thật sự của nhan đề một tác phẩm nổi danh của ông Sinnett là quyển “Esoteric Buddhism,” từ Budhism phải được viết với một chữ “d,” như thế Budhism mới có nghĩa thực sự là “Minh Triết” (do Bodha, Bodhi, nghĩa là Minh Triết, Sáng Suốt), thay vì Buddhism (2 chữ “d”) là Triết Giáo của Đức Phật. Như vậy, tôi đã trình bày, Thông Thiên Học là Tôn Giáo Minh Triết.

          HỎI: Có sự khác nhau nào giữa từ ngữ Buddhism là Tôn Giáo mà Hoàng Tử Kapilavastu sáng lập với từ ngữ Budhism, hay Tôn Giáo Minh Triết mà bạn đã nói là đồng nghĩa với từ ngữ Thông Thiên Học chăng?

          ĐÁP: Cũng y như sự khác nhau giữa các giáo điều Nội Môn của Đấng Christ, gọi là “Các Bí Nhiệm của Thiên Quốc,” với Nghi Thức Chủ Nghĩa (Ritualism) và các giáo điều Thần Học của các Giáo Hội và Môn Phái khác nhau. “Buddha” có nghĩa là được chiếu sáng bởi trí tuệ (Bodha) hay thông tuệ hay minh triết. Điều nầy thuộc về giáo huấn Nội Môn mà Đức Phật chỉ giảng dạy cho các vị La Hán.

          HỎI: Nhưng có nhiều Nhà Đông Phương Học phủ nhận việc đó. Họ cho rằng Đức Phật không bao giờ dạy giáo lý Nội Môn cả?

          ĐÁP: Rất có thể họ từ chối nhìn nhận rằng Thiên Nhiên cũng có những bí ẩn còn giấu kín đối với các nhà Bác Học. Bằng cách khác, tôi sẽ chứng minh điều đó bởi các cuộc đối thoại giữa Đức Phật với môn đệ của Ngài là Ananda. Giáo huấn Nội Môn của Đức Phật chỉ giản dị là Kinh Gupta Vidya hay Tri Thức Huyền Nhiệm của các nhà Bà La Môn cổ, mà những kẻ thừa kế hiện đại của họ đã làm mất hoàn toàn cái chìa khóa, ngoại trừ một số ít người còn giữ được. Minh Triết Vidya nầy đã xâm nhập vào cái mà ngày nay chúng ta gọi là Giáo Lý Nội Môn của Đại Thừa, Phật Giáo Bắc Tông. Những ai phủ nhận điều nầy chỉ là những người kém hiểu biết. Tôi khuyên bạn nên đọc quyển “Phật Giáo Trung Hoa” của Giám Mục M. Edkins, nhất là ở Chương nói về các Giáo Huấn Ngoại Môn và Nội Môn và hãy đối chiếu những chứng cớ của Thời Cổ về vấn đề nầy.

          HỎI: Nhưng mà, Luân Lý của Thông Thiên Học có phải tương tự như Luân Lý đã được Đức Phật dạy hay không?

          ĐÁP: Chắc chắn như thế, vì Luân Lý nầy là Linh Hồn của Tôn Giáo Minh Triết, và là sở hữu chung của các Bậc được Điểm Đạo thuộc mọi quốc gia. Đức Phật là người đầu tiên đã đem Luân Lý siêu việt nầy vào trong các giáo huấn Công Truyền của Ngài để tạo thành căn bản và tinh túy cho hệ thống của Ngài. Đây là điều dị biệt rõ rệt giữa Phật Giáo Công Truyền và tất cả những Tôn Giáo khác. Trong tất cả các Tôn Giáo khác, nghi lễ và tín điều chiếm hàng đầu, còn trong Phật Giáo, phần Luân Lý là chính yếu. Điều nầy giải thích sự giống nhau gần như đồng nhất giữa Luân Lý của Thông Thiên Học và Luân Lý của Phật Giáo.

          HỎI: Có sự dị biệt lớn lao nào giữa hai Luân Lý ấy không?

          ĐÁP: Hiện nay có một sự phân biệt lớn lao giữa Thông Thiên Học và Phật Giáo Công Truyền, ấy là việc Phật Giáo Nam Tông đã phủ nhận:

          Sự hiện tồn của bất luận một Đấng Thiêng Liêng nào.

          Bất luận sự sống có ý thức bên kia cửa tử, bất luận sự sống còn của ngã tính con người. Đây là giáo huấn của Chi Hội Thái Lan được xem như là hình thức thuần túy nhất của Phật Giáo Công Truyền, và sẽ như thế mãi mãi, nếu người ta không chấp nhận các giáo huấn Công Truyền của Đức Phật. Sau nầy, tôi sẽ giải thích rõ hơn về các ẩn ý đó. Nhưng trong các Trường của Giáo Hội Phật Giáo Bắc Tông được thành lập trong những miền mà các Vị được Điểm Đạo La Hán ẩn dật sau khi Đức Phật tịch diệt, đã giảng dạy tất cả những gì mà hiện giờ người ta gọi là Giáo Lý Thông Thiên Học, và điều nầy tạo thành tri thức của các Bậc được Điểm Đạo. Các Giáo Lý nói trên chứng minh vì sao Chơn Lý đã bị hy sinh cho những ngôn từ theo nghĩa đen của Giáo Hội Nam Tông trong sự quá nhiệt thành cho Chính Thống. Trong các huấn điều nầy còn biết bao điều vĩ đại hơn, cao quí hơn, Triết Lý hơn và Khoa Học hơn là bất cứ Giáo Hội hay Tôn Giáo nào khác. Tuy nhiên, Thông Thiên Học không phải là Phật Giáo.


 

C H Ư Ơ N G    2

 

 

THÔNG  THIÊN  HỌC  CÔNG  TRUYỀN
    TRUYỀN

 

 

ĐIỀU    HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC  HIỆN  ĐẠI  KHÔNG 

 

 

          HỎI: Vậy Giáo Lý của bạn không phải là sự phục hưng Phật Giáo, mà cũng không bắt chước theo Phái Triết Học Tân Plato hay sao?

          ĐÁP: Chắc chắn là không. Nhưng để đáp lại hai câu hỏi mà bạn vừa nêu, tôi không có câu trả lời nào hay hơn đoạn văn sau đây của ông Buck, hội viên Thông Thiên Học, trình bày trước Hội Nghị Thông Thiên Học triệu tập ở Chicago vào tháng 4 năm 1889. Không có nhà Thông Thiên Học nào hiểu rõ ràng cái tinh túy thật sự của Thông Thiên Học bằng người bạn khả kính của chúng tôi như sau:

          “Hội Thông Thiên Học được thành lập với mục đích truyền bá Giáo Lý Thông Thiên Học và để hướng dẫn con người sống cuộc đời theo Thông Thiên Học. Hội Thông Thiên Học hiện giờ không phải là Hội đầu tiên truyền bá Giáo Lý nầy. Tôi có một quyển sách tựa đề “Các công trình Thông Thiên Học của Hội Philadelphia” xuất bản ở Luân Đôn năm 1697 và một quyển sách khác tựa đề “Thông Thiên Học Nhập Môn” hay Khoa Huyền Học của Đấng Christ, nghĩa là của Thiên Tính (Deity), của Thiên Nhiên và của Tạo Hóa, gồm có Triết Lý của tất cả các quyền năng linh hoạt của đời sống, các Huyền Thuật và Tinh Thần, hợp thành một hướng dẫn thực tế về sự thanh khiết tối thượng, thánh thiện và hoàn hảo theo Phúc Âm, và cũng để đạt đến Thị Kiến Thiêng Liêng, Thánh Thuật Thiên Thần, các quyền năng và các đặc quyền khác về sự tái tạo. Sách được xuất bản tại Luân Đôn năm 1855. Đây là lời đề tặng quyển sách: “Sách nầy dành cho sinh viên Đại học, học sinh Trung học và các Trường Cơ Đốc Giáo, cho các giáo sư Cơ Khí Học, Siêu Hình Học và Tự Nhiên Học (Natural Science) dưới tất cả mọi hình thức, cho tất cả mọi người nam và nữ có học vấn tổng quát, có đức tin chính thống, cho những người theo Tự Nhiên Thần Giáo (Deists), Arians, Unitarians, Swedenborgians và các môn đồ thuộc về sự tín ngưỡng sai lầm, không nguồn cội, cho các người duy lý cũng như hoài nghi, cho các người Hồi Giáo công bằng, sáng suốt, cùng các người Do Thái và tín đồ thuộc Tôn Giáo tộc trưởng Đông Phương, và nhất là dành cho các bạn Mục Sư của Phúc Âm, cùng các nhà Truyền Giáo các dân tộc sơ khai hoặc tiến bộ. Xin khiêm tốn và thân ái cung hiến sự dẫn khởi Thông Thiên Học hay Khoa Huyền Học căn bản về vạn vật.”

          Vào năm sau, 1856, lại xuất hiện một quyển sách khác độ 600 trang, loại đặc biệt, tựa đề “Thông Thiên Học Hỗn Hợp.” Tác phẩm nầy chỉ ấn hành có 500 quyển để trao tặng các Thư Viện và các Trường Đại Học. Các phong trào đầu tiên rất đông đảo, phát xuất từ Giáo Hội, do những người có lòng sùng bái và được nhiều uy tín. Các tác phẩm nầy khoác một hình thức chính thống và sử dụng cách phát biểu theo Cơ Đốc Giáo như tác phẩm của William Law, ông chỉ đem lại cho độc giả bậc trung sự chú ý về tín ngưỡng và lòng tôn sùng sâu xa của ông thôi. Tất cả các tác phẩm nêu trên đều có mục đích làm sáng tỏ nguồn cội kinh sách Cơ Đốc, đồng thời giải thích ý nghĩa sâu sắc nguyên thủy của chúng cũng như làm rạng danh và phát triển đời sống Thông Thiên Học. Nhưng các tác phẩm đó bị lảng quên nhanh chóng và ngày nay ít được ai biết đến. Chính tác phẩm nầy đã tìm cách cải thiện hàng Tăng Lữ và làm thức tỉnh lòng sùng tín thuần túy, nhưng chúng lại không được chân thành đón nhận. Chỉ một tiếng “Tà Thuyết” cũng đủ làm chúng bị quên lảng.

          Ở thời kỳ Tôn Giáo Cải Cách (Reformation), ông John Reuchlin đã thử thực hiện một việc tương tự, nhưng cũng thất bại, mặc dù ông là bạn thân và được sự tín nhiệm của Giáo Sĩ Luther. Chính Thống Giáo không bao giờ muốn được giáo huấn và soi sáng. Người ta cho các nhà Cải Cách biết về trường hợp mà ông Festus đã cảnh cáo Ông Paul. Festus cho rằng sự uyên bác thái quá khiến họ trở thành điên khùng có thể gặp nguy hiểm nếu họ muốn đi xa hơn. Việc chẳng lưu ý đến cách trình bày dài dòng là do ở thói quen phần nào, và cũng do trình độ giáo dục của các Tác Giả, mặt khác do nơi sự cưỡng chế Tôn Giáo bị bắt buộc bởi quyền lực thế tục. Đi ngay vào vấn đề, chúng ta nhận thấy rằng các tác phẩm bị bỏ quên đó đã diễn tả Minh Triết Thiêng Liêng theo ý nghĩa thật sự nghiêm chỉnh và chỉ duy nhất dành cho tri thức của Nhân Loại, cũng như dành cho sự sống thượng đẳng của Linh Hồn. Phong trào Thông Thiên Học hiện đại đôi khi được xem như là công cuộc thử chuyển hóa Cơ Đốc Giáo thành Phật Giáo, có nghĩa giản dị là từ ngữ “Tà Thuyết” đã bị mất tất cả quyền lực chỉ trích. Vào mọi thời đại, một số người đã hiểu biết một cách rõ ràng hơn, hoặc ít ra, Giáo Lý Thông Thiên Học cũng đã du nhập vào chính đời sống của họ. Các Giáo Lý nầy không thuộc một Tôn Giáo nào, cũng không tự giới hạn vào một xã hội hoặc thời kỳ nào. Chúng nó là tài sản chính của mỗi Linh Hồn Nhân Loại. Chính Thống Giáo cần được bứng tận gốc rễ nơi tâm của mỗi người, tùy theo bản tính, nhu cầu, và cũng tùy theo kinh nghiệm trong cuộc sống của họ. Điều nầy giải thích vì sao những ai tin tưởng rằng Thông Thiên Học là một Tôn Giáo mới, đều phải thất vọng khi tìm hiểu các tín điều và nghi thức của nó. Tín ngưỡng của Thông Thiên Học là sự trung thành đối với Chơn Lý, và nghi thức của Thông Thiên Học bao gồm việc tôn kính tất cả Chơn Lý.

          “Người ta sẽ thấy phần đông dân chúng hiểu biết rất nông cạn về nguyên lý của Tình Huynh Đệ đại đồng, họ không nhận thức tầm quan trọng và siêu việt của nó, bởi họ chỉ nhìn vào sự dị biệt do dư luận và sự giải thích hời hợt về Thông Thiên Học. Hội Thông Thiên Học được thành lập vì một nguyên lý duy nhất: Tình Huynh Đệ chính yếu của con người như đã được phác họa và trình bày sơ lược trong đoạn trên.

          Người ta đã bài bác Hội Thông Thiên Học, gọi nó là Phật Giáo và bảo rằng nó chống đối với Cơ Đốc Giáo, nhưng nó có thể là cả hai, vì Phật Giáo và Cơ Đốc Giáo, theo các nhà sáng lập đã trình bày, đều dùng Tình Huynh Đệ làm Giáo Lý chính yếu cho sự giảng dạy cũng như cho đời sống. Người ta đã cho rằng Thông Thiên Học là một vật mới mẻ dưới Mặt Trời, hoặc ít ra cũng là một Huyền Học cổ được che đậy dưới một danh từ mới. Có nhiều Hội được thành lập dựa vào nguyên tắc của đức vị tha, hoặc tình huynh đệ chủ yếu, và họ kết hợp lại với mục đích nâng đỡ chúng. Các Hội nầy có nhiều tên khác nhau, nhưng nhiều nhóm được gọi là Thông Thiên Học đều có cùng các nguyên lý và mục đích như Hội Thông Thiên Học hiện đại. Trong các Hội kể trên, giáo lý chính yếu vẫn là một và những gì còn lại chỉ là phần phụ thuộc. Nhưng điều nầy không sao tránh khỏi có nhiều người dễ bị các chi tiết thu hút và họ lảng quên các điều chính yếu hay bởi họ chưa hiểu biết nó vậy.”

          Tôi không thể nào giải đáp cho bạn hiểu rõ ràng hơn lời giải thích của bác sĩ Buck, một trong những nhà Thông Thiên Học đúng đắn nhất và được mến chuộng nhất.

          HỎI: Ngoài Luân Lý Phật Giáo ra, bạn thích theo đuổi Học Phái nào?

          ĐÁP: Không Phái nào mà là tất cả. Chúng tôi không tham gia riêng biệt vào một Tôn Giáo hay một Triết Thuyết nào, chúng tôi chỉ thu thập những điều hay khắp nơi mà chúng tôi gặp. Nhưng chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa Thông Thiên Học được chia ra làm hai Học Phái: Công Truyền và Bí Truyền như các Học Phái thời cổ.

          HỎI: Sự khác nhau ấy ra sao?

          ĐÁP: Các Hội Viên Thông Thiên Học được tự do hành đạo theo Tôn Giáo hay Triết Thuyết nào - hoặc không theo Phái nào cả nếu họ thích - miễn là họ cảm thông và sẵn sàng thực hiện ít lắm là một trong ba mục đích của Hội. Hội Thông Thiên Học là một tổ chức vừa bác ái, vừa Khoa Học, được thiết lập để truyền bá tư tưởng Tình Huynh Đệ một cách thực hành, chớ không phải lý thuyết suông. Hội Viên của Hội có thể là Tín Đồ Cơ Đốc hay Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo hay Bái Hỏa Giáo, Nhà Giáng Ma Học hay kẻ Duy Vật, điều đó không có gì là quan trọng. Chỉ có một điều là mỗi Hội Viên phải là một người đầy lòng từ ái, một nhà Bác Học hay một người khảo cứu về Văn Chương Aryan hay một Văn Chương cổ nào khác, hoặc một nhà Sưu Tầm về địa hạt tâm linh. Tóm lại: Họ phải góp sức, nếu họ muốn, để thực hiện ít lắm là một trong các mục tiêu của chương trình. Nói cách khác, họ không có lý do nào khác để ước muốn trở thành Hội Viên. Đây là thành phần của đa số thuộc Hội Công Truyền, được chia ra làm Hội Viên Ràng Buộc và Hội Viên Không Ràng Buộc. Hội Viên “Ràng Buộc” là Hội Viên thuộc một Chi Bộ của Hội Thông Thiên Học, Hội Viên “Không Ràng Buộc” là một Hội Viên nói chung, thuộc về Hội, nhận văn bằng của Tổng Hội Adyar, nhưng họ không phải là thành viên của một Chi Bộ nào. Về thực tế họ có thể hoặc không có thể trở nên Nhà Thông Thiên Học. Họ là Hội Viên bởi sự kiện duy nhất là họ được thu nhận vào Hội, nhưng điều đó không đủ chút nào để cho người ấy trở thành Nhà Thông Thiên Học, nếu người đó không có ý thức về sự liên quan thiêng liêng giữa các sự vật, hoặc giả người đó chỉ hiểu Thông Thiên Học theo bè phái và theo sự ích kỷ. Tục ngữ có câu: “Điều chi tốt đẹp là thánh thiện” mà người ta có thể đổi lại là “Kẻ nào thực hành Thông Thiên Học, kẻ đó là Nhà Thông Thiên Học vậy.”

 

 

NHÀ  THÔNG  THIÊN  HỌC    HỘI  VIÊN  THÔNG  THIÊN  HỌC

 

 

          HỎI: Theo ý tôi, điều mà bạn vừa trình bày chỉ áp dụng cho các Hội Viên Ngoại Môn, còn những kẻ có học về Nội Môn của Thông Thiên Học có phải là các Nhà Thông Thiên Học chân chính không?

          ĐÁP: Không nhất thiết là thế, nếu họ không chứng minh được sự chân chính. Họ đã gia nhập vào Nhóm Nội Môn và đã tự nguyện theo đuổi một cách chặt chẽ những qui luật của Huyền Môn. Đó là một công việc khó khăn, vì lẽ qui luật đầu tiên trong tất cả các qui luật là sự từ bỏ hoàn toàn bản ngã riêng tư, nghĩa là một Hội Viên tự nguyện phải trở nên một kẻ vị tha hoàn toàn, không bao giờ nghĩ đến chính mình, quên đi tính khoe khoang và kiêu căng, mà chỉ nhớ việc làm lành cho tất cả mọi người. Để cho những điều giáo huấn Bí Truyền được hữu ích, họ phải biết sống một cuộc đời biết kiêng cữ về nhiều mặt và có đức hạnh chặt chẽ, làm tròn bổn phận đối với mọi người. Con số rất hiếm những Nhà Thông Thiên Học thật sự của Hội là ở trong số nầy. Điều nầy không có nghĩa rằng ngoài Nhóm Nội Môn, và ngoài Hội Thông Thiên Học ra không có Nhà Thông Thiên Học nào, bởi vì số người nầy còn nhiều hơn người ta tưởng và chắc rằng nhiều hơn là tìm họ trong số Hội Viên Ngoại Môn của Hội.

          HỎI: Vậy thì, gia nhập Hội Thông Thiên Học có ích lợi gì? Lý do nào khiến người ta làm điều đó?

          ĐÁP: Không gì khác hơn là để học được Triết Lý chân chính của Tôn Giáo Minh Triết, và nếu hòa hợp được với chương trình Giáo Lý, người ta hưởng được sự trợ giúp mạnh mẽ do sự tương cảm. Đoàn kết tạo nên sức mạnh, khi các cố gắng được góp chung nhau một cách nhịp nhàng và cùng lúc, chúng sẽ tạo ra những điều kỳ diệu. Đó chính là bí nhiệm của sự thành công của tất cả các Hội Đoàn và tất cả các cộng đồng từ lúc Nhân Loại hiện tồn.

          HỎI: Nhưng, tại sao một người có trí não rất thăng bằng, đang theo đuổi một mục đích duy nhất, không thể trở thành một nhà Huyền Học, hay ngay cả một Vị Cao Đồ (Adept) bằng cách làm việc đơn độc, nhất là nếu đồng thời họ được phú bẩm một năng lực và một sự kiên nhẫn khó chế ngự?

          ĐÁP: Họ có thể đạt được điều đó, nhưng trong muôn lần, họ chỉ thành công được một lần. Tôi có thể kể cho bạn biết rõ một trong bao lý do, ngày nay không có một quyển sách nào về Huyền Linh Học hay Thông Thần Học (Theurgy) trình bày bằng một ngôn ngữ rõ ràng và giản dị, về những bí nhiệm của Thuật Luyện Kim Đan. Thông Thiên Học như thế, chỉ có trong thời Trung Cổ. Tất cả các tác phẩm trên đều được viết bằng biểu tượng, ngụ từ, và vì người ta không còn giữ được cái chìa khóa đã có từ nhiều thế kỷ trong các xứ Tây Phương, thì làm thế nào hiểu rõ ý nghĩa thực sự của điều họ đọc và nghiên cứu? Do đó, xảy ra một sự nguy hiểm lớn lao là vô tình lạc vào Tà Đạo hay đồng bóng. Người nào không được một Đạo Đồ chỉ dạy, tốt hơn đừng chú ý học hỏi một điều nguy hiểm như thế.

          Hãy nhìn chung quanh bạn, bạn thấy điều gì? Hai phần ba người văn minh chế giễu cái ý tưởng là có điều chi xứng đáng để học hỏi trong Thông Thiên Học, trong Huyền Linh Học, trong Giáng Ma Học hay Do Thái Bí Giáo (Kabala), một phần ba người còn lại, lại có những ý kiến dị đồng và đối kháng nhất. Có nhiều người lại tin tưởng vào những điều Thần Bí và siêu nhiên (!), nhưng mỗi người theo một cách. Những người khác chuyên nghiên cứu về Do Thái Bí Giáo, Tâm Linh Thuyết (Psychism), Từ Điện Trị Liệu Pháp (Mesmerism), Giáng Ma Học (Spiritualism) hay một hình thức nào khác của Thần Bí Học (Mysticism).

          Kết quả ra sao? Người ta không tìm được hai người cùng suy tưởng như nhau và đồng ý với nhau về các nguyên lý chính yếu của Huyền Linh Học (Occultism), mặc dầu có một số người tưởng rằng chính họ đã tìm được cái tinh túy tối hậu của sự hiểu biết và muốn người đời tin tưởng rằng họ là những Vị Đạo Đồ hoàn hảo. Ở Tây Phương, không những người ta không tìm thấy một sự hiểu biết chính xác nào về Khoa Học và Huyền Linh Học, mà cũng chẳng có Khoa Chiêm Tinh Học thật sự, một Chi Phái duy nhất của Huyền Linh Học, mà trong các giáo huấn công truyền của nó, có hệ thống và định luật rõ ràng, nhưng chưa một ai có được chút ý niệm về Huyền Linh Học thật sự.

          Một số người giới hạn Minh Triết cổ thời vào các Kinh Điển Kabala và Zohar, mỗi người diễn dịch theo ý mình bằng những ngôn từ chết cứng theo các phương thức của các Giáo Sĩ Do Thái.

          Một số khác lại xem Swedenborg và Boehme như là những đại diện của Minh Triết cao siêu nhất, trong khi có những kẻ khác tìm thấy trong Khoa Từ Điện Trị Liệu, những bí ẩn lớn lao của Thần Thuật cổ. Người nào thực hành những lý thuyết đó, không sớm thì muộn cũng bị lôi cuốn vào Tà Phái bởi sự vô minh. May thay cho những kẻ đã tránh khỏi điều đó, vì họ không có bằng chứng hoặc tiêu chuẩn nào để giúp họ phân biệt điều chân và điều giả.

          HỎI: Phải chăng chúng ta nên kết luận rằng Nhóm Nội Môn của Hội Thông Thiên Học đều tin tưởng tất cả mọi tri thức của Nhóm nhờ nơi các Cao Đồ hay Thánh Sư Minh Triết?

          ĐÁP: Không phải bằng cách trực tiếp. Sự hiện diện cá nhân của các Thánh Sư như thế không cần thiết. Các Ngài chỉ cần giáo huấn một số Đệ Tử do các Ngài hướng dẫn trong nhiều năm, và các Đệ Tử này hiến trọn cuộc đời họ cho việc phụng sự. Đến lượt các Đệ Tử này sẽ truyền bá lại tất cả những kiến thức đã thu hoạch được cho những người không có may mắn như họ. Thà rằng có một phần nhỏ của Chơn Lý, hơn là có nhiều kiến thức không đồng hóa được và bị hiểu sai lầm. Một lạng vàng còn quí hơn một tấn đất.

          HỎI: Nhưng làm sao biết được đây là vàng thật hay vàng giả?

          ĐÁP: Người ta biết được loại cây nhờ trái của nó, biết được một Hệ Phái nhờ ở kết quả. Khi nào những người đối lập của chúng tôi có thể chứng minh cho chúng tôi thấy rằng, trải qua các thời đại, nếu một người chỉ một mình nghiên cứu Huyền Linh Học, có thể trở thành một Chơn Sư, như Ammonius Saccas hay Plotinus, hoặc một nhà Thông Thần Thuật như Iamblichus, hay một người đã làm được một điều kỳ diệu như Bá Tước Saint Germain, mà không cần có Thánh Sư hướng dẫn, những người đó, nếu không trở nên đồng bóng, hay thuộc hạng có ảo giác tâm linh, hoặc nhà Ảo Thuật, lúc ấy, chúng tôi sẽ thú nhận rằng chúng tôi lầm lạc. Nhưng cho đến nay, chúng tôi thích tuân theo Định Luật Thiên Nhiên và được thử thách theo truyền thống của Khoa Học thiêng liêng. Có những nhà Thần Bí có các khám phá quan trọng trong Hóa Học và Vật Lý Học, những khám phá này tiến đến gần Khoa Luyện Đan và Huyền Linh Học. Những người khác, nhờ sức mạnh duy nhất của siêu tài[3] của họ, đã tìm được những mảnh nhỏ, nếu không muốn nói là toàn thể những mẫu tự đã thất lạc của “ngôn ngữ bí nhiệm,” và họ có thể nhờ đó đọc đúng được các thủ bản bằng tiếng Hy Bá Lai (Hebrew). Nhiều người khác nữa, nhờ khả năng Linh Thị tự nhiên, đã thấy được những tia sáng kỳ diệu về các mật nhiệm của Thiên Nhiên. Nhưng, tất cả đều là những nhà chuyên môn. Kẻ này là nhà phát minh lý thuyết, kẻ khác là người Hy Bá Lai, nghĩa là một nhà Bí Thuật Giáo, người thứ ba là người Swedenborg hiện đại, bác bỏ tất cả, ngoại trừ Khoa Học và Tôn Giáo đặc biệt của ông ta. Tuy nhiên, chẳng có một người nào tự hào rằng mình đã tạo được một lợi ích phổ cập cho chính quốc gia hay cho cá nhân họ.  Ngoại trừ một số người chữa bệnh, hạng người mà trường Đại Học Y Khoa của Hoàng Gia và các nhà Giải Phẫu gọi là lang băm (quack). Không một ai trong các người đó đã phụng sự Nhân Loại bằng Khoa Học hư truyền của họ.

          Những người Chaldees thời cổ (ở xứ Babylone, Trung Đông) là những người trị bệnh kỳ diệu, không phải bằng ma lực, mà bằng những phương cách đơn giản, nay ở đâu? Apollonius of Tyana ở đâu, chính ông đã chữa lành mọi bệnh tật và làm cho người chết sống lại trong bất cứ quốc gia nào và trong bất cứ trường hợp nào? Ở Âu Châu, chúng tôi biết được vài nhà chuyên môn thuộc hạng thứ nhất (the former class), còn các người thuộc hạng sau nầy (the latter) chỉ tìm thấy ở Á Châu, nơi mà bí mật của nhà Yogi “duy trì sự sống dưới bề ngoài đã chết” vẫn được bảo tồn (to be preserved).

          HỎI: Mục đích của Thông Thiên Học phải chăng là để sản xuất ra những Vị Đắc Đạo có quyền năng chữa bệnh?

          ĐÁP: Mục đích của Thông Thiên Học thì nhiều, nhưng mục đích quan trọng nhất là làm nhẹ bớt nỗi đau khổ của con người dưới tất cả mọi hình thức Tinh Thần cũng như Vật Chất. Chúng tôi nghĩ rằng điểm thứ nhứt quan trọng hơn điểm thứ nhì. Thông Thiên Học có nhiệm vụ dạy dỗ về Luân Lý, thanh lọc Linh Hồn để làm giảm bớt sự đau khổ thể xác và những bệnh tật do di truyền, ngoại trừ trong những trường hợp tai nạn.

          Không phải bằng sự khảo cứu Huyền Linh Học với mục đích ích kỷ để làm thỏa mãn tham vọng cá nhân, kiêu căng, tự phụ mà người ta đạt đến mục đích thật của Thông Thiên Học, mà chính là bằng sự cứu giúp Nhân Loại đau khổ. Cũng không phải chỉ nghiên cứu một ngành của Triết Học Nội Môn mà người ta trở nên nhà Huyền Linh Học, mà là bằng sự học hỏi tất cả, dù cho không chế ngự được tất cả chúng.

          HỎI: Để đạt đến mục đích quan trọng này, phải chăng chỉ có những người chuyên nghiên cứu về Khoa Học Bí Truyền?

          ĐÁP: Không phải thế. Tất cả những Hội Viên thường đều có thể học hỏi về Thông Thiên Học tổng quát nếu họ thích, nhưng rất ít người có năng khiếu trở thành “Hội Viên hoạt động,” đa số chỉ thích học Thông Thiên Học một cách sơ sài thôi. Cần nói thêm rằng những sự sưu tầm đặc biệt đó được khuyến khích trong Hội Thông Thiên Học, miễn là những sưu tầm đó không vượt quá giới hạn ngăn cách Nội Môn và Ngoại Môn, ngăn cách giữa Huyền Học mù quáng với Huyền Học có ý thức.

 

 

 

SỰ  DỊ  BIỆT  GIỮA  THÔNG  THIÊN  HỌC 
  HUYỀN LINH  HỌC

 

 

          HỎI: Bạn nói đến Thông Thiên Học và Huyền Linh Học. Vậy, có sự đồng nhất nào giữa hai môn học đó hay không?

          ĐÁP: Không có. Thật ra, một người có thể là một Nhà Thông Thiên Học rất tốt, hoặc ở bên trong, hoặc ở bên ngoài Hội, nhưng họ không phải là một Nhà Huyền Linh Học. Tuy nhiên, không ai là Nhà Huyền Linh Học chân chính mà không đồng thời là một Nhà Thông Thiên Học thực sự. Nói cách khác, người đó chỉ là một người có tà thuật, dù họ có ý thức được điều đó hay không.

          HỎI: Bạn muốn nói gì về điều đó?

          ĐÁP: Tôi đã nói rằng một Nhà Thông Thiên Học chân chính phải thực hành lý tưởng đạo đức cao siêu nhất, họ phải cố gắng hiểu rằng họ đồng nhất với toàn thể Nhân Loại và họ phải làm việc không ngừng cho sự lợi ích của kẻ khác. Nhà Huyền Linh Học nào không hành động như thế, tất sẽ hành động một cách ích kỷ cho lợi ích cá nhân, và một khi họ hoạch đắc được những quyền năng thực tiễn cao hơn người thường, họ trở thành kẻ thù nguy hiểm cho người chung quanh. Điều nầy rất là rõ ràng.

          HỎI: Như vậy, phải chăng nhà Huyền Linh Học chỉ là người có được quyền năng cao siêu hơn những người khác?

          ĐÁP: Họ còn hơn thế nữa, nếu họ thật sự là một nhà Huyền Linh Học hiểu biết và có thực hành không phải hữu danh vô thực. Khoa Học Huyền Bí, không phải như các Bách Khoa Tự Điển đã trình bày: “Đó là Khoa Học tưởng tượng của thời Trung Cổ có liên quan đến tác động hoặc ảnh hưởng còn trong ức đoán về những tính chất huyền bí, hoặc những quyền năng siêu nhiên như Huyền Học, Luyện Kim Đan, Thuật Gọi Ma Hình[4] và Chiêm Tinh Học.” Đây là các Khoa Học thật sự và rất nguy hiểm. Các Khoa nầy giảng dạy về sức mạnh bí nhiệm của sự vật trong Thiên Nhiên bằng cách phát triển những quyền năng “còn ẩn tàng nơi con người,” chúng đem lại cho người nào thực hành được chúng những lợi ích to tát hơn là những kẻ không hiểu biết về chúng. Ngày nay, Khoa Thôi Miên rất được phổ biến và trở thành mục tiêu sưu tầm Khoa Học đúng đắn, đây là một thí dụ điển hình. Sau khi được Khoa Từ Điện Trị Liệu dọn đường, quyền năng Thôi Miên được khám phá gần như là ngẫu nhiên. Một nhà Thôi Miên khéo léo có thể vận dụng quyền năng của mình theo ý muốn, họ có thể sai khiến một người hành động một cách lố bịch và vô ý thức, hoặc xúi giục người ấy phạm tội, thường là thay thế cho nhà Thôi Miên và làm lợi cho nhà Thôi Miên này. Một quyền năng như thế không đáng kinh khiếp hay sao, nếu để lọt vào tay những kẻ không có đạo đức? Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng Khoa Thôi Miên chỉ là một nhánh nhỏ của Huyền Linh Học.

          HỎI: Nhưng tất cả các Khoa Huyền Học như Huyền Thuật (Magic) và Phù Thủy (Sorcery) há không được những người có học thức và các nhà Bác Học xem như là dấu vết của sự dốt nát và mê tín thời cổ hay sao?

          ĐÁP: Cho phép tôi nhắc bạn rằng những điều nhận xét của bạn là con dao hai lưỡi. Những kẻ có học thức và những người học rộng nhất trong số các bạn cũng xem Thiên Chúa Giáo, như tất cả các Tôn Giáo khác, là tàn tích của sự dốt nát và mê tín. Dù thế, bây giờ người ta lại bắt đầu tin vào Khoa Thôi Miên, và một số người, ngay cả những người có học thức nhất, tin tưởng vào Thông Thiên Học và vào các hiện tượng. Ngoài các nhà thuyết giáo và những kẻ cuồng tín, vậy ai trong số những người này sẽ thú nhận rằng họ tin tưởng vào những điều huyền diệu Thánh Kinh? Và bạn nên ghi nhận sự khác nhau này,  nếu có những nhà Thông Thiên Học rất tốt và thanh khiết, có thể tin tưởng vào những điều siêu nhiên, kể cả những điều huyền diệu thiêng liêng, thì không một nhà Huyền Linh Học nào tin tưởng như thế. Vì nhà Huyền Linh Học thực hành Thông Thiên Học một cách rất Khoa Học, căn cứ trên sự hiểu biết chính xác các diễn tiến bí mật của Thiên Nhiên. Trong khi đó, nhà Thông Thiên Học chỉ dùng những quyền năng được gọi là bất thường, không nhờ sự soi sáng của Huyền Linh Học, có thể đi đến các hình thức đồng cốt rất nguy hại, bởi vì, mặc dù họ vẫn theo Thông Thiên Học về phương diện luân lý siêu việt, nhưng họ lại thực hành một cách vô ý thức, thúc đẩy bởi một đức tin chân thật nhưng mù quáng.

          Bất cứ người nào, dù là nhà Thông Thiên Học hay Giáng Ma Học đang cố gắng trau giồi một ngành của Huyền Học như Thôi Miên, Từ Điện Trị Liệu, hay ngay cả tìm những phương thức bí mật tạo ra những hiện tượng Vật Lý . . . mà không hiểu biết về căn nguyên Triết Lý của các quyền năng này, thì người đó chẳng khác nào chiếc thuyền không lái đang phóng vào đại dương đầy phong ba.

 

 

SỰ  DỊ  BIỆT  GIỮA  THÔNG  THIÊN  HỌC 
  GIÁNG MA  HỌC

 

 

          HỎI: Như vậy, bạn không tin tưởng vào Giáng Ma Học [5] hay sao?

          ĐÁP: Nếu bạn hiểu từ ngữ “Giáng Ma Học” theo như sự giải thích của các nhà Giáng Ma (Spiritualists) về một số hiện tượng bất thường, thì chắc chắn chúng tôi không tin như thế. Quả vậy, theo các nhà Giáng Ma Học thì những sự biểu hiện này đều do các “Hồn” (Spirits) của những người đã từ giã Cõi Trần, mà theo thân nhân của họ, những “Hồn” này còn trở lại liên lạc với những người mà họ mến thương hay những người mà họ có gắn bó mật thiết. Đây là những điều mà chúng tôi tuyệt đối bác bỏ. Chúng tôi quả quyết rằng Hồn của người chết không bao giờ có thể trở lại Cõi Trần trừ vài trường hợp đặc biệt mà tôi sẽ nói đến sau nầy; các Linh Hồn đó không thể liên lạc với người ở Cõi Trần, trừ phi họ nhờ các phương tiện chủ quan (subjective means). Những gì hiện ra một cách khách quan (objectively) chỉ là Bóng Ma của con người vật chất cũ (ex-physical man). Còn về Giáng Ma Học Tâm Linh (Spiritual Spiritualism) thì chúng tôi tin tưởng hoàn toàn.

          HỎI: Có phải bạn cũng phủ nhận các hiện tượng không?

          ĐÁP: Chắc chắn là không - trừ một số trường hợp cố ý lừa gạt.

          HỎI: Bạn giải thích những hiện tượng đó như thế nào?

          ÐÁP: Có nhiều cách. Các nguyên do của các sự biểu hiện vừa kể không giản dị như các nhà Giáng Ma Học đã nghĩ. Trước tiên, cứu tinh (deus ex machinâ) của điều được gọi là Sự Hiện Hình (Materializations) thường thường là Dĩ Thái Thể [6] của đồng tử hoặc của một trong số người đến dự. Dĩ Thái Thể này cũng là kẻ tạo ra hay là mãnh lực tác động biểu lộ bằng cách viết trực tiếp v.v...

          HỎI: Bạn nói “thường thường,” vậy có cái gì tạo ra những sự hiện hình nữa hay không?

          ĐÁP: Việc này cũng tùy tính chất của sự biểu hiện (manifestation). Đôi khi, đó là những xác chết Dĩ Thái, các Ma Hình (Shells) từ Cảnh Dục Giới (Kamalokic) của những Phàm Ngã đã chết, có khi là Các Tinh Linh (Elementals). “Spirit” là một từ ngữ có nghĩa rộng và thay đổi. Tôi không biết các nhà Giáng Ma Học hiểu từ ngữ đó ra sao. Chúng tôi giả sử rằng họ xác định các hiện tượng vật chất được tạo ra bởi Chơn Ngã luân hồi hay Con Người thiêng liêng tinh thần và bất tử (spiritual and immortal individuality). Đây là một giả thuyết mà chúng tôi hoàn toàn bác bỏ. Con Người thiêng liêng hữu thức của những thực thể thoát xác không thể tự hiện hình được, Con Người thiêng liêng này cũng không thể rời bỏ Cảnh Giới tinh thần riêng của nó ở Thiên Đàng để trở lại Cảnh Giới khách quan Hồng Trần.

          HỎI: Tuy nhiên, có rất nhiều sự liên lạc nhận được từ các “Hồn” (Spirit) chứng tỏ rằng không những có sự thông minh sáng suốt, mà còn có sự hiểu biết những điều mà người đồng tử chưa bao giờ biết đến và đôi khi còn xa lạ với sự nhận thức của người nghiên cứu cũng như tất cả những người tham dự.

          ĐÁP: Điều này không nhất thiết chứng tỏ rằng sự thông minh và sự hiểu biết mà bạn vừa nói lại thuộc vào các “Linh Hồn” hoặc xuất phát từ các Linh Hồn thoát xác (disembodied Souls). Người ta biết trường hợp những kẻ Mộng Du (Somnabulists), trong trạng thái Xuất Thần (Trance State), họ sáng tác Nhạc, làm Thơ, giải được những Bài Toán mà họ chưa bao giờ học Nhạc hay Toán cả. Những người Mộng Du khác đã trả lời một cách thông minh các câu hỏi được đặt ra, và trong nhiều trường hợp, họ nói được tiếng Hy Bá Lai và tiếng La Tinh, ngôn ngữ mà họ hoàn toàn không biết trong lúc tỉnh thức. Tất cả những điều vừa kể đã thể hiện trong giấc ngủ mê. Vậy, bạn còn cho rằng những điều đó là công trình của các “Linh Hồn” nữa hay không?

          HỎI: Bạn giải thích việc nầy như thế nào?

          ĐÁP: Chúng tôi quả quyết rằng cái tinh túy (essence) của tia sáng thiêng liêng trong tất cả mọi người là một và đồng nhất với Linh Hồn Đại Đồng (Universal Spirit), “Chơn Ngã Tâm Linh” của chúng ta theo thực tế thì toàn tri, nhưng không thể biểu lộ được sự hiểu biết của nó vì những cản trở của vật chất. Nếu người ta càng làm giảm bớt những chướng ngại này, hay nói cách khác, thể xác càng bị tê liệt về những gì liên quan đến hoạt động và ý thức riêng của nó, như đã xảy ra trong giấc ngủ, hay trong trạng thái Xuất Thần sâu xa, hay, hơn nữa, trong cơn bệnh hoạn, thì Chơn Ngã có thể tự biểu lộ một cách hoàn hảo trên Cảnh Giới này.

          Đây là sự giải thích của chúng tôi về các hiện tượng rất kỳ diệu trên bình diện cao, nơi mà trí thông tuệ và sự hiểu biết tự phát lộ một cách không chối cãi. Về những biểu hiện trên bình diện thấp như là những hiện tượng Vật Lý, những điều vô vị, và những chuyện vô vị của các “Linh Hồn” như thường thấy, phải có nhiều thì giờ và giải thích trong nhiều Chương hơn trong các giáo huấn quan trọng của chúng tôi. Mặt khác, chúng tôi không muốn xen vào sự tin tưởng của các nhà Giáng Ma Học, cũng như những tín ngưỡng của các Tôn Giáo khác. Chính những người tin tưởng vào “Linh Hồn” mới có bổn phận chứng minh điều tin tưởng của họ.

          Hiện nay, mặc dù các thủ lãnh học rộng và thông minh nhất trong các nhà Giáng Ma Học tin tưởng rằng các biểu hiện trên bình diện cao đã xảy ra do sự trung gian của các Linh Hồn thoát xác, chúng tôi mong họ lại là những người đầu tiên thú nhận rằng tất cả các hiện tượng đều không phải do các Linh Hồn tạo ra. Dần dần, cũng chính họ sẽ đi đến chỗ nhìn nhận sự thật, nhưng, trong khi chờ đợi, chúng tôi không có quyền, cũng như không thích biến đổi cho họ nhìn theo cách thấy của chúng tôi. Điều này ít ra là khi có các biểu hiện hoàn toàn tâm linh và tinh thần, chính chúng tôi lại tin tưởng nơi sự liên lạc hỗ tương Hồn của người sống với Hồn của những Phàm Ngã thoát xác.

          Trong những trường hợp tương tự, chúng tôi nói rằng không phải Hồn (Spirits) người chết đi xuống Cõi Trần, mà chính là Hồn người sống hướng lên đến những Linh Hồn thuần khiết tinh thần (Pure spiritual Soul). Thực ra, không có vấn đề đi lên hay đi xuống, mà là nơi người đồng tử xảy ra sự thay đổi trạng thái hay điều kiện. Xác thân người này bị tê liệt hay rơi vào trạng thái Xuất Thần, và Chơn Ngã tâm linh của y, lúc bấy giờ, thoát khỏi các sự ràng buộc và cảm thấy ở cùng Cảnh Giới ý thức với các Linh Hồn thoát xác. Kế đó, nếu có sự thu hút về tinh thần giữa đồng tử với các Linh Hồn thoát xác, thì họ có thể giao tiếp với nhau, như thường xảy ra trong các giấc mơ. Giữa bản chất của đồng tử và bản chất của người không nhạy cảm (non-sensitive) có sự khác nhau như sau: Hồn của đồng tử khi đã thoát ra có thể ảnh hưởng đến những cơ quan thụ động của thể xác đang ở trạng thái Xuất Thần của y, làm cho những cơ quan này tác động, nói hay viết theo ý họ. Lúc bấy giờ, Chơn Nhơn có thể dùng cơ thể của nó như một tiếng vang và làm cho nó lặp lại bằng tiếng người, những tư tưởng và ý nghĩ của các thực thể thoát xác, cũng như là những ý tưởng riêng của họ. Nhưng một cơ thể không có khả năng tiếp nhận hay không nhạy cảm của những người rất linh hoạt, không thể bị ảnh hưởng bằng cách này. Cho nên, mặc dù, hầu như không có một người nào mà, trong khi thể xác đang ngủ, Chơn Nhơn của người ấy không giao tiếp một cách tự do với những người mà họ yêu mến đã mất, người đó, khi thức dậy, không còn giữ trong ký ức một kỷ niệm nào về sự giao tiếp này, nếu không là dưới hình thức mơ hồ, hỗn độn bởi bản tính chủ động và không thụ nhận của bộ óc vật chất.

          HỎI: Như vậy có nghĩa là bạn bác bỏ Triết Lý của Giáng Ma Học phải không?

          ĐÁP: Nếu bạn hiểu từ ngữ “Triết Lý” (Philosophy) là lý thuyết thô sơ của các nhà Giáng Ma Học, chắc chắn là chúng tôi bác bỏ Triết Lý này. Nhưng trong thực tế, Giáng Ma Học không có Triết Lý như những kẻ bênh vực thông minh và đứng đắn nhất của nó đã nói. Chỉ có một chân lý chính yếu và rõ rệt mà họ giảng dạy: Các hiện tượng được tạo ra bởi các đồng tử, dưới sự kiểm soát của các sức mạnh và của những trí thông tuệ vô hình, không một ai muốn hay có thể phủ nhận điều này, trừ ra những nhà Duy Vật mù quáng của Phái Huxley. Tuy nhiên, đối với Triết Lý của họ, bạn cho phép tôi kể ra điều gì mà nhà xuất bản nổi danh của Tập San Ánh Sáng, và cũng là người bảo vệ tận tụy của Giáng Ma Học đã nói về họ và Triết Lý của họ. Đây là những điều mà ông Oxon, một trong các nhà Giáng Ma Học hiếm có đã trở thành Triết Gia, viết về sự thiếu tổ chức và mê tín mù quáng của các đồng môn của ông:

          “Chúng ta nên xem xét kỹ điều nầy, vì nó rất quan trọng. Chúng ta kinh nghiệm, hiểu biết cách nào mà khiến cho sự hiểu biết khác tương đối vô nghĩa. Nhà Giáng Ma Học bậc thường hay nổi giận đối với ai nghi ngờ sự hiểu biết hoàn toàn của họ, liên quan đến tương lai cũng như về đời sống sắp tới. Nơi mà các người khác đã đưa những bàn tay yếu ớt dò dẫm tương lai vô định tối tăm, thì họ đã tiến bước một cách can đảm như là người đã có được địa đồ và biết được con đường của những xứ mà họ đã đi qua. Nơi mà những người khác dừng lại và chỉ bằng lòng với sự tôn kính hay những giáo huấn của một sự tin tưởng di truyền, thì họ lại tự hào đã biết những điều mà họ chỉ có thể tin tưởng thôi; và họ còn tự kiêu rằng họ có thể thay thế bằng những sự hiểu biết dồi dào cho những sự tin tưởng mong manh chỉ được thiết lập trên sự hy vọng mà thôi. Họ tỏ ra độ lượng khi bàn về các niềm hy vọng mật thiết nhất của con người. Dường như họ muốn nói: “Anh chỉ biết hy vọng thôi về điều mà tôi có thể chứng minh được. Anh chỉ chấp nhận một điều tin tưởng cổ truyền, cái mà tôi có thể chứng minh bằng những phương pháp Khoa Học chặt chẽ nhất. Các tín ngưỡng càng ngày càng suy kém dần, các anh hãy tách ra khỏi chúng. Chúng chứa đựng bao nhiêu điều dối trá cũng như bao nhiêu chân lý. Chỉ khi nào xây cất được trên những nền móng vững chắc, trên những sự kiện không thể chối cãi được, anh mới dựng nên được một kiến trúc bền vững. Từ mọi phía, người ta thấy những tin tưởng cổ xưa đã sụp đổ. Hãy ra khỏi chúng nếu anh muốn thoát khỏi mọi nguy cơ.”

          Nhưng nếu ta nhìn kỹ người này và muốn biết giá trị thực tế của người ấy ra sao, ta sẽ thấy người ấy khá kỳ dị, và người ta sẽ thấy ảo ảnh tan biến một cách khá nhanh chóng. Người đó tin tưởng chắc chắn vào ý tưởng của mình đến nỗi họ không chịu khó thăm dò cách thức mà những nhà tư tưởng khác giải thích về những sự kiện mà người ấy đã chấp nhận. Sự minh triết của các thời đại đã bị xâm phạm bởi sự giải thích điều mà người ấy xem như đúng, nhưng người đó không bận tâm đến việc tìm kiếm. Người đó cũng không hoàn toàn đồng ý với những nhà Giáng Ma Học huynh đệ của họ. Đó là lời thuật lại về một câu chuyện của một bà ở xứ Tô Cách Lan (Scotland), bà này đã phối hợp với chồng lập nên một Giáo Đường. Vợ chồng bà độc quyền có riêng chiếc chìa khóa Thiên quốc, hay nói đúng hơn, chỉ có mình bà là có chìa khóa này, bởi vì bà không hoàn toàn tin nơi sự cứu rỗi của Jamie.

          Cũng giống như thế, nhiều Môn Phái Giáng Ma Học phân chia và còn tiếp tục phân chia ra nữa và mỗi nhà Giáng Ma Học lắc đầu với vẻ nghi ngờ, bởi vì họ không chắc chắn rằng người bên cạnh có lý. Tuy nhiên, kinh nghiệm chung của Nhân Loại, chứng tỏ sự hợp quần tạo thành sức mạnh và chia rẽ là nguồn gốc của sự yếu đuối và thất bại. Nếu được huấn luyện và tuân theo kỷ luật, một đám đông hỗn tạp trở thành một đạo quân, và mỗi người lúc ấy có thể đương đầu với hàng trăm người vô kỷ luật. Sự có tổ chức trong tất cả các địa hạt công việc của Nhân Loại sẽ đưa đến sự thành công, tiết kiệm được thì giờ và công lao là nguồn gốc của sự lợi ích và tiến bộ. Thiếu phương pháp, kế hoạch, công việc không được tập trung, năng lực bị phân tán, chỉ đưa đến sự thất bại. Tiếng nói của Nhân Loại đã chứng minh điều này. Nhà Giáng Ma Học có chấp nhận sự kiện này chăng và có muốn hành động phù hợp với những kết quả đó chăng? Chắc chắn là không. Họ không muốn có sự tổ chức, chính họ là luật lệ riêng biệt và cũng là cái gai đâm vào hông của kẻ lân cận.” (Tạp chí Light, ngày 22-6-1889)

          HỎI: Người ta đã nói với tôi rằng Hội Thông Thiên Học lúc ban sơ được thành lập với mục đích đập tan Giáng Ma Học và tin tưởng vào sự tồn tại của Chơn Ngã trong Con Người.

          ĐÁP: Người ta đã chỉ dẫn bạn không đúng, vì tất cả các sự tin tưởng của chúng tôi đều căn cứ trên Chơn Ngã bất tử này. Nhưng, cũng như nhiều người khác, bạn đã lầm lẫn giữa Phàm Ngã và Chơn Ngã. Các nhà Tâm Lý Học Tây Phương của bạn dường như không thiết lập được sự phân biệt giữa hai danh từ này. Tuy nhiên, chính sự sai biệt này cung cấp chiếc chìa khóa để hiểu Triết Học Đông Phương và là nguồn cội của sự dị biệt giữa các giáo huấn của Giáng Ma Học và Thông Thiên Học. Tôi phải nói rõ nơi đây, dù có gợi thêm sự thù nghịch của một số nhà Giáng Ma Học rằng: Chính Thông Thiên Học là Giáng Ma Học chân chính và không pha trộn; trong khi hệ thống hiện đại mang danh xưng đó đã được quần chúng thực hành ngày nay chỉ là Thuyết Duy Vật siêu việt mà thôi.

          HỎI: Xin bạn giải thích rõ ràng hơn ý tưởng của bạn về vấn đề này.

          ĐÁP: Tuy rằng giáo lý của chúng tôi nhấn mạnh vào sự đồng nhất giữa Tinh Thần và Vật Chất, và chúng tôi nói rằng Tinh Thần chứa đựng Vật Chất ở trạng thái tiềm tàng, còn Vật Chất chỉ là Tinh Thần được kết tinh, cũng như nước đá rắn chỉ là hơi nước đông đặc lại; chúng tôi chủ trương rằng danh từ Tinh Thần chỉ có thể áp dụng cho Con Người thiêng liêng chân thực, bởi vì điều kiện đầu tiên và vĩnh cửu của Vạn Hữu (All) không phải là Tinh Thần mà có thể nói là “Siêu Tinh Thần” (Meta-Spirit) - mà sự biểu lộ theo chu kỳ của nó chỉ đơn thuần là Vật Chất hữu hình và rắn đặc.

          HỎI: Nhưng làm sao phân biệt được giữa “Con Người Thiêng Liêng Chân Thật” (True Individuality) với “Bản Ngã” (I) hay “Chơn Nhơn” (Ego) mà chúng ta đều biết?

          ĐÁP: Trước khi tôi có thể trả lời cho bạn, chúng ta nên xác dịnh cái ý nghĩa gán cho chữ Bản Ngã (I) hay Chơn Nhơn (Ego). Chúng tôi phân biệt giữa ngã thức (self-consciousness) với tình cảm suông: “Tôi là Chơn Ngã” (I am I) và ý tưởng phức tạp hơn “Tôi là ông Smith hay bà Brown.” Sự phân biệt này là cái trục chính mà xung quanh đó tiến triển cái ý tưởng về một loạt các kiếp sống hay luân hồi đối với Chơn Nhơn, chúng tôi tin tưởng nơi ý niệm này. Bạn thấy rằng “ông Smith” thực tế tượng trưng cho một loạt kinh nghiệm hằng ngày liên kết nhau bởi sợi dây ký ức, tạo thành cái mà ông Smith gọi là “chính ông.” Nhưng không một cái nào trong “các kinh nghiệm” đó thật sự tạo thành Chơn Ngã (I) hay Chơn Nhơn (Ego) và chúng không cung cấp cho ông Smith cái cảm tưởng về chính ông, bởi vì ông đã quên phần lớn kinh nghiệm hằng ngày, và chúng chỉ cho ông cái cảm giác về Chơn Ngã tính (Egoity) bao lâu mà chúng còn kéo dài.

          Thế nên, chúng tôi, các nhà Thông Thiên Học, thiết lập sự phân biệt giữa mớ “kinh nghiệm” này, mà chúng tôi gọi là Phàm Nhơn giả tạo, vì nó có giới hạn và giả tạm, và yếu tố này trong con người đã gán cho họ cái cảm giác “Tôi là Bản Ngã.” Chính cái “Tôi là Bản Ngã” này mà chúng tôi gọi là Con Người Thiêng Liêng Thực Sự (True Individuality), và chúng tôi nói rằng “Chơn Nhơn” hay Con Người Thiêng Liêng giống như một diễn viên, đóng nhiều vai trò trên sân khấu cuộc đời. Chúng tôi so sánh mỗi cuộc đời mới của cùng một Chơn Nhơn trên Cõi Trần như là một màn trên sân khấu. Vào một buổi chiều tối, “Diễn Viên” hay “Chơn Nhơn” xuất hiện trong vai trò Macbeth,* vào một buổi khác, trong vai Shylock, * vào buổi thứ ba là Romeo, buổi thứ tư là Hamlet hay Vua Lear * cứ thế tiếp nối mãi cho đến khi trải qua hết chu kỳ Luân Hồi. Chơn Nhơn bắt đầu cuộc đời hành hương dưới hình thức một đứa trẻ nghịch ngợm, một Ariel hay một Puck; nó đóng vai trò một người phụ kịch, một tên lính, một người nô bộc, hay một người của ban hợp ca; kế đó, người ấy tiếp tục tiến lên, đóng các vai trò đàm thoại, những vai trò khi thì quan trọng, khi thì vô nghĩa cho đến lúc họ rút lui ra khỏi sân khấu với tư cách của Propero, Nhà Thuật Sĩ (The Magician).

          HỎI: Tôi hiểu. Bạn nói rằng Chơn Nhơn thật sự này không hề trở lại Hồng Trần sau khi chết. Nhưng người diễn viên, nếu còn giữ tình cảm về Con Người Thiêng Liêng của mình, không thể nào được tự do để trở lại sân khấu trong những vai trò lúc xưa nếu họ muốn hay sao?

          ĐÁP: Chúng tôi nói rằng không, vì sự trở lại như thế trên Cõi Trần sẽ không thích hợp với trạng thái phúc lạc, thanh khiết và vô nhiễm sau khi chết, như tôi sẵn sàng chứng minh. Chúng tôi nói rằng Con Người chịu đựng quá nhiều đau khổ oan uổng trong đời sống, hoặc do lỗi lầm của các người mà họ có dịp cộng tác, hoặc là do hoàn cảnh của họ, cho nên chắc chắn họ có quyền hưởng sự nghỉ ngơi, yên lặng toàn hảo, nếu không nói là phúc lạc, trước khi gánh vác lại công việc khó nhọc của cuộc đời. Nhưng chúng tôi muốn bàn lại vấn đề này

*  Tên các nhân vật trong các vở kịch của một đại văn hào Anh, Shakespear.

 

một cách tỉ mỉ hơn sau này.

 

 

 

TẠI SAO THÔNG THIÊN HỌC ĐƯỢC CHẤP NHẬN?

 

 

 

          HỎI: Tôi hiểu bạn đến một mức độ nào đó thôi và tôi cảm thấy các giáo huấn của bạn rất phức tạp, chúng có phần siêu hình hơn là Giáng Ma Học hay tư tưởng của các Tôn Giáo thường. Bạn có thể cho tôi biết vì sao hiện nay hệ thống Thông Thiên Học mà bạn giảng dạy lại gây ra biết bao sự chú ý cũng như oán ghét không?

          ĐÁP: Tôi nghĩ có nhiều lý do về việc đó và đây là một số lý do:

          1)- Các giáo sư Khoa Học đã phản ứng mạnh mẽ với lý thuyết Duy Vật của họ hiện nay.

          2)- Sự bất mãn chung đối với Thần Học (Artificial Theology) do con người tạo ra của các Giáo Đường Cơ Đốc khác nhau và do các Môn Phái chống đối nhau ngày càng gia tăng.

          3)- Sự nhận thức không ngừng tăng trưởng bởi các sự kiện khác nhau về Tín Ngưỡng, chẳng những chúng thiếu sự hòa hợp, mà còn khác nhau rõ rệt, vậy không thể là sự thật được, và hy vọng nào không được kiểm chứng thì không thể là thực tại được. Sự ngờ vực tự nhiên này do các Tôn Giáo đã ước định, dẫn khởi và còn tăng trưởng khi người ta quan sát sự bất lực hoàn toàn của chúng trong việc giữ gìn luân lý, trong việc thanh lọc xã hội, quần chúng.

          4)- Sự xác tín của nhiều người và sự chắc chắn của một số ít cho rằng phải có đâu đây một Học Phái Triết Lý hay Tôn Giáo thật Khoa Học, chớ không phải chỉ hoàn toàn là thuyết lý.

          5)- Cuối cùng, có lẽ nên tìm đức tin nơi Học Phái mà các giáo huấn của nó có tính cách tiên đoán (antedating) hơn là các tín ngưỡng của hiện đại.

          HỎI: Nhưng tại sao Học Phái này lại được công bố đúng vào thời đại của chúng ta?

          ĐÁP: Vì lúc bây giờ xét ra thuận tiện như đã được chứng minh bởi sức cố gắng của bao nhiêu nhà nghiên cứu có nhiệt tâm tìm Chân Lý với bất cứ giá nào và bất cứ nơi nào nó bị che lấp. Do đó, được Các Vị Giữ Gìn Chân Lý cho phép tiết lộ một số điều. Nếu việc  thành  lập  Hội Thông Thiên Học để trễ lại vài năm, thì hơn phân nửa số dân tộc  văn minh sẽ trở thành Duy Vật quá mức, và phân nửa số dân kia sẽ trở thành người theo thuyết  Thần Nhân Đồng Hình (Anthropomorphists) và theo thuyết Hiện Tượng (Phenomenalists).

          HỎI: Có nên xem Thông Thiên Học như một sự Thiên Khải[7]  không?

          ĐÁP: Không nên, ngay đến ý nghĩa về sự lan truyền mới mẻ và trực tiếp phát xuất từ các Đấng cao cả, siêu nhiên, hay ít ra, thực thể siêu Nhân Loại. Nhưng chúng ta chỉ nên xem nó với ý nghĩa của sự “tiết lộ” các Chân Lý cổ, rất cổ, cho những người mãi đến nay chưa từng biết chúng, cũng như chưa am tường sự hiện hữu và duy trì một sự hiểu biết cổ như thế.

          HỎI: Bạn vừa nói đến sự “ngược đãi,” nếu Chân Lý đúng như Thông Thiên Học trình bày, vì sao nó lại gặp bao nhiêu sự chống đối và tại sao người ta không chấp nhận nó một cách rộng rãi hơn?

          ĐÁP: Có nhiều lý do khác nhau, trong số đó, chúng ta nên kể đến lòng oán ghét của nhiều người đối với việc được gọi là cải cách. Tính ích kỷ là sự bảo thủ rất mạnh và không thích ai phá rối sự yên tĩnh của nó. Nó thích sự dối trá dễ dàng và thuận tiện, miễn sao sự dối trá này không đòi hỏi quá đáng hơn là một Chân Lý vĩ đại đòi hỏi phải hy sinh hạnh phúc tối thiểu.

          Động lực trì độn của tinh thần thật là lớn lao đối với điều chi không hứa hẹn tức khắc một lợi lộc hay một sự ban thưởng nào. Trước hết, chúng ta ở vào thời đại phi tinh thần (unspiritual) và có tính thực tế (matter of fact). Hơn nữa, chúng ta nên cứu xét về tính cách ít quen thuộc của các Giáo Lý Thông Thiên Học, bản chất phức tạp của Giáo Lý Thông Thiên Học; mà đôi khi trình bày ngược lại cách giải thích dài dòng mà các Giáo Phái thường vướng phải, và các giải thích sau đã làm suy bại ngay cả những tín ngưỡng bình dân. Nếu chúng ta thêm vào đó sức cố gắng cá nhân và sự tinh khiết cao độ trong đời sống mà ta bắt buộc những ai muốn trở thành Môn Đệ của Nhóm Nội Môn phải tuân thủ. Kế đến, một ít người mà các qui tắc luân lý kêu gọi đến, nhưng lại thiếu hẳn bất cứ động cơ không ích kỷ. Bạn sẽ thấy rõ lý do tại sao Thông Thiên Học tiến triển quá chậm chạp và khó nhọc. Đây chính là Triết Lý của những người đau khổ, họ đã mất hết hy vọng tự giải thoát khỏi cảnh bùn nhơ của cuộc đời bằng các phương tiện khác. Hơn nữa, lịch sử của bất cứ hệ thống Tín Ngưỡng hay Luân Lý nào đều chứng minh cho chúng ta thấy, lúc sơ khởi đều bị ngăn trở bởi mọi chướng ngại do Óc Bảo Thủ và Lòng Ích Kỷ của con người tạo ra. Chiếc vòng hoa của Nhà Cải Cách quả thật có nhiều gai! Việc phá vỡ các ngôi nhà cũ kỹ rêu phong, không phải là không nguy hiểm.

          HỎI: Tất cả những gì bạn vừa trình bày có liên quan nhiều hơn với Luân Lý và Triết Lý của Thông Thiên Học. Bây giờ, bạn có thể cho tôi một ý niệm tổng quát về chính Hội Thông Thiên Học, về Mục Đích và Điều Lệ của Hội không?

          ĐÁP: Chúng không bao giờ được giữ bí mật. Bạn cứ hỏi và bạn sẽ được giải đáp đúng đắn.

          HỎI: Nhưng tôi đã nghe rằng quí bạn bị ràng buộc bởi lời thệ nguyện phải không?

          ĐÁP: Chỉ có trong Nhóm Nội Môn hoặc Bí Truyền mà thôi.

          HỎI: Tôi cũng đã nghe nói rằng một số Hội Viên, khi ra khỏi Hội, lại cho rằng mình không còn bị ràng buộc với lời thệ nguyện mà họ đã cam kết. Vậy họ có lý không?

          ĐÁP: Điều nầy chứng tỏ Ý Niệm về vấn đề Danh Dự của họ thật là Bất Toàn. Làm thế nào họ có lý được? Trong tạp chí “Thánh Đạo” (The Path), xuất bản tại Nữu Ước có trình bày vấn đề này như sau:

          “Giả sử có một quân nhân bị tố cáo là không giữ đúng lời thệ nguyện, và đã vi phạm kỷ luật, do đó, anh bị giáng cấp. Tức giận vì sự trừng phạt mà anh gánh chịu và anh cũng đã biết trước sự trừng phạt như thế nào rồi, để trả thù vị chỉ huy của mình, quân nhân này đi thông đồng với giặc và làm gián điệp. Anh trở thành một kẻ phản bội. Anh nghĩ rằng sự trừng phạt giải kết lời thệ nguyện phải trung thành với lý tưởng mà mình phụng sự.” Bạn nghĩ xem Anh có quyền làm như vậy hay không? Anh có đáng coi như một kẻ vô liêm sĩ, một kẻ hèn nhát không?

          HỎI: Tôi nghĩ rằng đáng thật, nhưng phải chăng có nhiều người lại suy nghĩ khác hẳn?

          ĐÁP: Không quan trọng chi. Nếu bạn muốn, chúng ta sẽ bàn lại vấn đề này.


C H Ư Ơ N G    3

 

 

PHƯƠNG  PHÁP  THỰC  HÀNH  CỦA
HỘI  THÔNG THIÊN  HỌC

 

 

CÁC  MỤC  TIÊU  CỦA  HỘI

 

 

          HỎI: Các Mục Tiêu của Hội TTH như thế nào?

          ĐÁP: Đầu tiên, Hội có 3 Mục Đích:

          1)- Thành lập một trung tâm Huynh Đệ Đại Đồng giữa Nhân Loại, không phân biệt Chủng Tộc, Màu Da hoặc Tín Ngưỡng.

          2)- Khuyến khích sự nghiên cứu Thánh Kinh Aryan và các Thánh Kinh khác, cũng như các Tôn Giáo và Khoa Học trên Thế Giới, chứng minh sự quan trọng về văn chương cổ Á Châu, nhất là Triết Lý Bà La Môn Giáo, Phật Giáo và Bái Hỏa Giáo.

          3)- Tìm hiểu sâu xa tất cả những Trạng Thái Huyền Bí ẩn tàng của Thiên Nhiên, đặc biệt là những Quyền Năng Tinh Thần và Tâm Linh tiềm tàng trong Con Người.

          Đó là 3 Mục Đích Chính Yếu của Hội TTH.

          HỎI: Bạn có thể chỉ dẫn rõ ràng hơn nữa không?

          ĐÁP: Chúng ta có thể phân chia 3 Mục Đích này ra nhiều khoản rõ ràng để giải thích thật chính xác hơn.

          HỎI: Chúng ta bắt đầu tìm hiểu Mục Đích Đầu Tiên. Bạn dùng phương pháp nào để gợi Tình Huynh Đệ nơi các Chủng Tộc có những Tôn Giáo, Tập Quán, Tín Ngưỡng và Cách Suy Tưởng lại khác nhau như người ta đã biết?

          ĐÁP: Xin bạn cho phép tôi nói thêm về điều mà dường như bạn không muốn trình bày. Các Quốc Gia trên thế giới đều phân chia và tranh chấp lẫn nhau. Người ta được biết, trừ hai di tích về chủng tộc, những người theo Bái Hỏa Giáo (Parsees) và người Do Thái, không những chống đối lẫn nhau, mà còn bị nguy cơ về nạn phân chia nội bộ nữa. Đặc biệt trường hợp của các quốc gia Cơ Đốc được gọi là văn minh. Vậy, vì sao bạn ngạc nhiên, phải chăng mục đích thứ nhất có vẻ Ảo Tưởng?

          HỎI: Đúng thế, nhưng bạn sẽ làm gì để chỉnh đốn lại điều đó?

          ĐÁP: Tôi không phủ nhận sự kiện đó. Nhưng điều tối cần thiết là trước hết chúng tôi phải nỗ lực loại bỏ các nguyên do khiến cho Tình Huynh Đệ Đại Đồng trở thành Ảo Tưởng trong hiện tại.

          HỎI: Theo ý bạn, các nguyên do đó ra sao?

          ĐÁP: Trước tiên do Tính Ích Kỷ Bẩm Sinh của Nhân Loại. Tính Ích Kỷ này thay vì bị nhổ tận gốc, lại được tăng cường và kích thích hằng ngày; cho đến nỗi nó trở thành một thứ tình cảm man rợ, bất khả kháng do sự giáo dục của Tôn Giáo lúc bấy giờ; lối giáo dục này có khuynh hướng không những khích lệ tình cảm nói trên, mà còn bào chữa cho nó nữa. Quan niệm về Điều Trái và Phải của chúng ta hoàn toàn bị sai lạc do sự chấp nhận cách học theo từ chương nơi Thánh Kinh Do Thái. Mọi sự hy sinh, đầu đề cho các Giáo Lý Nhân Từ, Vị Tha của Đức Jesus, chỉ trở thành đề tài Lý Thuyết được hùng biện trình bày trên diễn đàn mà thôi. Trái lại, các câu châm ngôn về Tính Ích Kỷ thực tế của Thánh Kinh Moses mà Đấng Christ đã từng bài bác bằng những lời giảng dạy không hiệu quả, lại tự đâm chồi mọc rễ trong đời sống các quốc gia Tây Phương.

          Câu “Dĩ oán báo oán” (An eye for an eye and a tooth for a tooth) là châm ngôn đầu tiên của Luật Pháp các bạn. Vậy tôi mạnh dạn tuyên bố rằng, chỉ có Thông Thiên Học mới nhổ tận gốc Giáo Lý này và bao nhiêu Giáo Lý khác cũng tàn ác như  thế.

 

 

NGUỒN  GỐC  CHUNG  CỦA  CON  NGƯỜI

 

 

          HỎI: Xin bạn cho biết tại sao?

          ĐÁP: Chứng minh đơn giản nhất là dựa vào Luận Lý, Triết Lý, Siêu Hình Học và kể cả Khoa Học nữa:

          a)- Tất cả mọi người đều Cùng Chung Một Nguồn Cội Tinh Thần và Vật Chất, đây là Giáo Huấn Căn Bản của Thông Thiên Học.

          b)- Vì Nhân Loại đều đích thực Cùng Chung Một Tinh Hoa Duy Nhất, Tinh Hoa này là Một, Vô Cùng, Vô Tận, Không Sáng Tạo và Hằng Cửu, dù chúng ta có dùng danh từ Thượng Đế hay Tạo Hóa cũng vậy. Do đó, không có điều gì có thể cảm nhiễm Một Quốc Gia hoặc Một Người, mà đồng thời lại không cảm nhiễm tất cả Các Quốc Gia và Các Người Khác. Điều này cũng chắc chắn và rõ ràng như việc làm rơi một viên đá xuống hồ, tất nhiên, sớm muộn gì viên đá cũng làm cho nước trong hồ chuyển động.

          HỎI: Đây không phải là Lời Giáo Huấn của Đấng Christ mà đúng hơn là một quan niệm về Phiếm Thần Luận (A Pantheistic Notion).

          ĐÁP: Bạn lầm rồi. Trái lại tư tưởng này lại thuần túy Cơ Đốc, nhưng không thuộc Do Thái Giáo, vì thế các Quốc Gia tin theo Thánh Kinh có lẽ không thích tìm hiểu các tư tưởng đó.

          HỎI: Một sự tố giác như thế thật bất công và quá bao quát. Dựa vào đâu mà bạn đưa ra sự quả quyết như vậy?

          ĐÁP: Các chứng cớ của chúng tôi vừa với tầm hiểu biết.

          Người ta nói Đấng Christ dạy: “Các ngươi hãy thương lẫn nhau” và “Hãy thương kẻ thù nghịch của ngươi,” vì “nếu ngươi chỉ thương yêu những người mà ngươi ưa thích, thì có chi xứng đáng nữa? Những người Publicans[8] há không làm như thế sao? Và nếu ngươi cứ vui mừng đón tiếp các bạn bè, anh em của ngươi, thì ngươi có làm chi khác lạ hơn đâu? Những người Publicans không làm thế sao?” Đó chính là lời của Đấng Christ. Trong Sáng Thế Ký, IX, 25 có nói: “Canaan hãy bị nguyền rủa, Canaan là tôi tớ cho những người Phụng Sự các anh em của mình.”

          Đây là lý do vì sao những người theo Thánh Kinh Cơ Đốc ưa thích Luật  Lệ của Moses hơn Luật Bác Ái của Đấng Christ. Họ thích Kinh Cựu Ước vì nó làm thỏa mãn mọi đam mê, Các Luật Lệ có tính cách Chinh Phục, Thôn Tính và Áp Chế đối với Các Chủng  Tộc    họ  cho là còn thấp kém. Biết bao trọng tội mà họ phạm phải vì tin tưởng  vào đoạn văn nói về Địa Ngục – nếu  hiểu  theo nghĩa chết cứng - của Sáng Thế Ký, chỉ có Lịch Sử mới cho ta một ý niệm, mặc dầu rất xa thực tế.

          HỎI: Tôi có nghe bạn nói rằng Tính Đồng Nhất về Nguồn Cội Vật Chất của chúng ta đã được Khoa Học chứng minh, còn Đồng Nhất Tính về Nguồn Cội Tâm Linh lại được Tôn Giáo Minh Triết chứng minh. Trong lúc đó, những người theo thuyết Darwin lại không bày tỏ được Tình Huynh Đệ đậm đà.

          ĐÁP: Đúng như thế. Cũng chính điều này chứng tỏ sự thiếu sót của Các Học Phái Duy Vật và chứng minh các nhà Thông Thiên Học có lý. Đồng Nhất Tính về Nguồn Cội Vật Chất không khêu gợi được các tình cảm cao thượng nhất và sâu xa nhất của con người. Vật Chất mà thiếu Linh Hồn và Tinh Thần, nghĩa là Tinh Túy Thiêng Liêng của nó, thì không thể thâm nhập vào Tâm con người được. Chỉ có Sự Đồng Nhất Tính của Linh Hồn và Tinh Thần, nghĩa là của Con Người Thật Sự và Bất Tử, như Thông Thiên Học đã dạy, một khi đã được chứng minh và thâm nhập vào Tim ta rồi, sẽ dẫn chúng ta tiến rất xa trên con đường Bác Ái thật sự và Huynh Đệ thật sự.

          HỎI: Nhưng làm thế nào Thông Thiên Học giải thích được Nguồn Cội Chung của Nhân Loại?

          ĐÁP: Bằng cách dạy rằng cội rễ của tất cả Bản Chất khách quan và chủ quan, cũng như của tất cả cái chi hiện có trong Vũ Trụ hữu hình và vô hình, đều đang là, đã là và sẽ luôn luôn là Một Tinh Túy Tuyệt Đối mà từ đó mọi vật phát tỏa ra và lại phải quay về. Triết Lý Aryan là thế và nó chỉ được tượng trưng hoàn hoàn trong các Môn Phái Vệ Đà và Phật Giáo mà thôi. Với mục tiêu được hướng đến này, bổn phận của các nhà Thông Thiên Học là giúp đỡ bằng mọi phương tiện thực tế, và trong tất cả mọi Quốc Gia mở rộng một đường lối Giáo Dục không Môn Phái.

          HỎI: Vậy các Điều Lệ của Hội Thông Thiên Học khuyên nên làm như thế nào, tôi muốn nói trong phạm vi vật chất?

          ĐÁP: Để khêu gợi Tình Huynh Đệ giữa các Quốc Gia, chúng ta phải giúp đỡ sự giao dịch Quốc Tế trên phương diện Nghệ Thuật và các Sản Phẩm hữu ích trở thành phổ cập hơn. Phải giúp đỡ bằng Lời Khuyên Bảo, bằng tất cả các Tin Tức mà ta có thể cung cấp, và bằng sự hợp tác với những người có thiện chí cũng như với tất cả mọi công việc (miễn là, theo như các Điều Lệ đã ghi thêm, Hội hoặc các Hội Viên Phụng Sự nhưng không lãnh một lợi nhuận nào). Đây là một trường hợp điển hình, thí dụ sự tổ chức của Hội do ông Bellamy mô tả trong tác phẩm trác tuyệt “Một trăm năm sau.” Ông trình bày rất kỳ diệu về Ý Niệm Thông Thiên Học trở thành bước đầu tiên để tiến đến sự thực hiện hoàn hảo Tình Huynh Đệ Đại Đồng. Trạng thái của sự việc mà ông diễn tả khó có thể thực hiện được, vì thiếu thiện chí bởi tính ích kỷ vẫn còn và vẫn tác động nơi Tâm Con Người. Nói một cách tổng quát thì Tính Ích Kỷ và Cá Nhân Chủ Nghĩa đã bị ý niệm về Cộng Đồng Trách Nhiệm và Tình Huynh Đệ Tương Trợ đánh bại, và kế hoạch về đời sống mà ông trình bày đã làm suy giảm thật nhiều các nguyên do có Khuynh Hướng Sáng Tạo và Tăng Cường Tính Ích Kỷ.

          HỎI: Vậy thì, với tư cách là nhà Thông Thiên Học, bạn sẽ tham gia và cố gắng thực hiện Một Lý Tưởng như thế chăng?

          ĐÁP: Chắc chắn như vậy; chúng tôi đã từng chứng minh bằng Hành Động. Bạn có biết về các Câu Lạc Bộ và Đảng Phái Quốc Gia được sáng lập tại Mỹ Châu, kể từ lúc tác phẩm của ông Bellamy được xuất bản không? Chúng tự minh định một cách rõ rệt và sau này ngày càng phát triển chính xác hơn. Vậy thì các Câu Lạc Bộ và các Đảng Phái đó đã được các nhà Thông Thiên Học thành lập. Một trong các Câu Lạc Bộ đầu tiên, Câu Lạc Bộ Quốc Gia tại Boston, Massachuset mà Vị Chủ Tịch và Tổng Thơ Ký là những nhà Thông Thiên Học và phần đông Hội Viên Câu Lạc Bộ cũng là Hội Viên Thông Thiên Học. Việc thành lập các Câu Lạc Bộ và Đảng Phái kể trên chứng minh rõ ràng Ảnh hưởng của Thông Thiên Học và Hội Thông Thiên Học, vì Tình Huynh Đệ như Giáo Lý này đã dạy được dùng làm Căn Bản và Nguyên Tắc Chính Yếu. Tuyên ngôn về các Nguyên Tắc có đoạn: “Nguyên Tắc về Tình Huynh Đệ giữa Nhân Loại là Một trong Các Chân Lý Vĩnh Cửu; Nguyên Tắc này điều khiển sự tiến bộ của Thế Gian, tùy theo đường lối chúng phân biệt Bản Tính của Nhân Loại với Loài Thú.” Có điều gì thật sự là Thông Thiên Học hơn điều đó không? Nhưng cũng chưa đủ. Điều cần thiết là phải làm sao thâm nhập vào Con Người cái ý niệm rằng, nếu Nguồn Cội của Con Người là Một, thì cần có Một Chân Lý Duy Nhất tự biểu lộ trong tất cả các Tôn Giáo khác nhau - ngoại trừ trong Do Thái Giáo, vì không ai thấy Chân Lý này được trình bày trong Bí Thuật Giáo tức là Do Thái Bí Giáo (The Kabala).

          HỎI: Có thể bạn hữu lý về những điều liên quan đến Nguồn Cội Chung của các Tôn Giáo. Nhưng làm thế nào áp dụng Tình Huynh Đệ trên Cõi Đời Vật Chất này?

          ĐÁP: Trước tiên, tôi xin nói về điều chi Có Thật trên Cõi Giới Siêu Hình, cũng phải Có Thật trên Cõi Vật Chất. Kế đến, không có điều gì tạo ra nhiều oán thù và chiến đấu hơn là Sự Dị Biệt về Tôn Giáo. Khi Một Tôn Giáo tự tin rằng Mình là Sở Hữu Chủ của Chân Lý Tuyệt Đối, thì đương nhiên cũng cho rằng các Tôn Giáo khác dễ bị sai lạc vào Tà Giáo.

          Người ta có thể chỉ cho đồng loại nhìn thấy: Không Một Tôn Giáo nào chiếm được cả Chân Lý, nhưng trái lại, tất cả các Tôn Giáo bổ túc cho nhau, và trong các Giáo Lý Phối Hợp Lại, người ta mới tìm thấy được Chân Lý Trọn Vẹn, lẽ dĩ nhiên sau khi đã loại trừ Giáo Lý sai lầm như vậy, thì Tình Huynh Đệ thật sự về Tôn Giáo sẽ được thiết lập. Một Lý Luận như thế được áp dụng cho Thế Giới Vật Chất.

          HỎI: Xin bạn cứ tiếp tục giải thích.

          ĐÁP: Chúng ta hãy lấy thí dụ: Một cây gồm có rễ, thân, cành và lá. Nhân Loại được xem như thế một cách bao quát và hợp thành một thân xuất phát từ cội rễ tâm linh, giống như vậy, thân cây có thể được xem như là góp phần vào sự đơn nhất của cây. Nếu người ta làm hư thân cây, dĩ nhiên mỗi cành, mỗi lá phải bị ảnh hưởng lây. Nhân Loại cũng thế ấy.

          HỎI: Vâng, theo tôi nghĩ, nếu bạn phá hư một lá hoặc một cành, thì bạn không làm hư trọn cả cây!

          ĐÁP: Bạn nghĩ rằng khi gây hại cho một người, bạn không gây hại cho cả Nhân Loại hay sao? Làm thế nào bạn có thể hiểu được việc đó? Bạn có biết chăng Khoa Học Duy Vật dạy rằng một sự hư hại nhỏ gây ra cho cây có thể ảnh hưởng tất cả diễn trình của sự tăng trưởng và của các sự phát triển tương lai của nó? Sự đồng nhất là hoàn hảo và chính bạn mới lầm lạc. Tuy nhiên, nếu bạn chịu khó lưu ý, trọn cả thân thể bị ảnh hưởng về một ngón tay bị dao cắt đứt, dấu cắt này tác động vào trọn hệ thần kinh. Tôi xin nhắc cho bạn nhớ rằng có nhiều Định Luật Tâm Linh khác tác động cho Thảo Mộc, Thú Vật cũng như Nhân Loại, mặc dầu có lẽ bạn sẽ từ khước sự hiện tồn của các Định Luật này vì bạn không chịu nhìn nhận tác động của chúng trên Thảo Mộc và Thú Vật.

          HỎI: Bạn nói đến các Định Luật nào?

          ĐÁP: Chúng tôi gọi chúng là các Định Luật Nhân Quả. Nhưng, bạn không hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của nó, nếu bạn không nghiên cứu Huyền Linh Học. Tuy nhiên, thật sự luận cứ của tôi dựa trên sự tương đồng của cây, chứ không dựa trên giả thuyết về sự hiện tồn của các định luật. Bạn hãy phát triển ý tưởng này, bạn hãy áp dụng nó một cách phổ quát, và bạn sẽ thấy trong Triết Học chân chính, mọi tác động vật chất đều lôi cuốn theo một hiệu quả luân lý và vĩnh cửu.

          Nếu bạn làm hại một người bằng cách gây cho người ấy một sự đau đớn vật chất; và có lẽ bạn nghĩ rằng sự đau đớn đó không thể lan tràn qua người lân cận, hoặc cho những người thuộc các Quốc Gia khác. Trái lại, chúng tôi quả quyết rằng, với thời gian, hiệu quả đó sẽ phát sinh. Vì thế, chúng tôi xin xác nhận Tình Huynh Đệ do Những Nhà Đại Cải Cách thuyết giảng, nhất là do Đức Phật và Đấng Christ, chỉ có thể ngự trị trên Địa Cầu, ngày giờ nào mà con người hiểu biết và chấp nhận như một Chân Lý xác định rằng sự việc người ta gây hại cho một người mà đồng thời lại gây hại cho chính họ, và cuối cùng còn gây hại cho Nhân Loại nữa.

 

 

CÁC  MỤC  ĐÍCH  KHÁC  CỦA  CHÚNG  TÔI

 

 

          HỎI: Bây giờ xin bạn giải thích cho tôi biết bạn định thực hiện Mục Đích Thứ Nhì của bạn bằng cách nào?

          ĐÁP: Bằng cách sưu tầm cho thư viện của Trung Tâm Thông Thiên Học tại Adyar, Madras, (do trung gian của Hội Viên các Xứ Bộ cho những Thư Viện địa phương của họ), tất cả những tác phẩm hay mà chúng tôi có thể tìm hiểu về các Tôn Giáo trên thế giới. Bằng cách phổ biến những tài liệu chính xác về Triết Lý, về các Truyện Truyền Khẩu, bằng cách truyền bá với tất cả mọi phương tiện thiết thực như phiên dịch, xuất bản những tác phẩm có giá trị; cũng như sưu tập, ghi chép, bình luận về những đề tài hay những lời giảng dạy của các học giả trong lãnh vực của họ.

          HỎI: Còn Mục Đích Thứ Ba: Phát triển Các Quyền Năng Tâm Linh hay Tinh Thần tiềm tàng trong Con Người thì sao?

          ĐÁP: Mục Đích này cũng được thực hiện nhờ sự truyền bá kinh sách ở những nơi không thể tổ chức các cuộc thuyết giảng hoặc giáo huấn cá nhân. Bổn phận chúng tôi là duy trì nơi Con Người các trực giác tinh thần, hầu đối kháng lại sự mê tín, và sau khi đã phân tích kỹ lưỡng và chứng minh bản chất không hợp lý của nó; ngăn cản nó dưới mọi hình thức Tôn Giáo, Khoa Học và Xã Hội, nhất là đánh đổ sự giả dối, như tinh thần Tôn Giáo Môn Phái, hoặc sự tin tưởng vào các phép lạ siêu nhiên. Điều mà chúng tôi phải làm đó là việc tìm cách đạt được sự hiểu biết tất cả các Định Luật của Thiên Nhiên, phổ biến và khuyến khích sự học hỏi các Định Luật này, vì chúng chưa được các dân tộc tân tiến hiểu biết, nghĩa là các Khoa được gọi là Huyền Linh Học được căn cứ trên sự hiểu biết thực sự về Thiên Nhiên, chớ chẳng phải vào sự mê tín, vào một đức tin mù quáng, hay vào uy quyền như hiện nay. Những Huyền Thoại và những Truyền Thuyết trong dân gian, dù đôi lúc có vẻ huyền hoặc, nhưng chúng có thể giúp ích cho sự phát giác nhiều bí ẩn quan trọng của Thiên Nhiên đã bị thất lạc từ lâu. Bởi thế, Hội cứ theo con đường sưu tầm này với hy vọng phát triển lĩnh vực quan sát về Khoa Học và Triết Học.

 

 

SỰ  CAO  TRỌNG  CỦA  LỜI  THỆ  NGUYỆN

 

 

          HỎI: Hội có theo một hệ thống Luân Lý đặc biệt nào không?

          ĐÁP: Các nguyên tắc về Luân Lý vẫn có, được hạn định rõ rệt và thích ứng cho những ai muốn tuân theo. Đây là Tinh Thần và Tinh Hoa của nền Luân Lý Nhân Loại, được rút ra từ các lời giảng dạy của Các Bậc Đại Cải Cách trên khắp Thế Giới. Bạn sẽ tìm thấy trong đó các giáo huấn của Khổng Tử, của Zoroaster, của Lão Tử và Kinh Bhagavad Gita (Chí Tôn Ca), trong lời giảng của Đức Phật Gautama, của Đức Jesus, trong Học Thuyết của Hillel, cũng như của Đức Pythagoras, Socrates, Plato và Môn Phái của Các Ngài.

          HỎI: Nhưng các Hội Viên của Hội có tuân theo những Giới Luật này không? Tôi đã nghe nói có nhiều bất hòa xảy ra trong Hội.

          ĐÁP: Đó là lẽ dĩ nhiên, dù người ta có thể cho rằng Sự Cải Cách (dưới hình thức hiện tại) là mới mẻ, các người Nam cũng như Nữ cần được cải thiện, đều có cùng một bản tính tội lỗi của Nhân Loại như thuở xưa.

          Như chúng tôi đã trình bày, những Hội Viên đứng đắn muốn làm việc tích cực thì rất ít. Trái lại, có nhiều người thành thật, rất sẵn sàng, họ đang cố gắng sống một cách thích hợp với lý tưởng riêng tư của mình và của Hội. Chính nhiệm vụ của chúng tôi là phải tiếp xúc riêng từng người để giúp đỡ khuyến khích các Hội Viên với tính cách cá nhân, cải thiện chính họ về phương diện Tinh Thần, Luân Lý và Tâm Linh. Tuy nhiên, chúng ta không nên khiển trách hay lên án những kẻ thất bại trong công trình này. Nói một cách chính xác hơn, chúng tôi không có quyền từ chối thu nhận bất cứ người nào, nhất là những người muốn gia nhập vào trong Chi Phái Bí Truyền của Hội, nơi mà “người gia nhập kể như Được Sinh Ra Lần Thứ Hai.” Sau lần tái sinh này, con người thay đổi mới. Nếu một Hội Viên nào, mặc dù đã lấy Danh Dự long trọng thốt lời Thệ Nguyện và Nhân Danh Chơn Ngã bất tử của mình mà vẫn tiếp tục duy trì thói hư, tật xấu thuộc đời sống cũ và cứ thực hành như thế ngay tại Hội, thì chắc họ sẽ được khuyên bảo nên xin từ chức hay tự ý rút lui. Nếu bất tuân, họ không tránh được sự sa thải. Chúng tôi áp dụng trong các trường hợp như thế những Qui Luật nghiêm khắc nhất.

          HỎI: Bạn có thể kể ra vài trường hợp chăng?

          ĐÁP: Chắc hẳn là được. Trước tiên, không một Hội Viên thuộc Công Truyền hay Bí Truyền nào được quyền đem ý kiến cá nhân của mình áp đảo ý kiến một cá nhân khác. Thật không hợp lệ cho bất cứ một Hội Viên chính thức nào của Xứ Bộ bộc lộ công khai, bằng lời nói hay việc làm, sự oán ghét hoặc ưa thích đối với Một Môn Phái, Triết Lý hay Tôn Giáo nào. Tất cả mọi Giáo Phái có quyền hợp pháp để thấy Tín Ngưỡng của họ được giải bày trước Tòa Án của một Thế Giới công minh. Và không Hội Viên chính thức nào của Hội, trong lúc thừa hành phận sự lại có quyền thuyết trình các ý tưởng riêng biệt và các Tín Ngưỡng Môn Phái của mình trước một cuộc tập hợp các Hội Viên; trừ phi cử tọa gồm có những người đồng Đạo. Sau lời cảnh cáo chính đáng, sự vi phạm Qui Luật này sẽ bị phạt ngưng chức hoặc bị sa thải. Hành động này là một sự thóa mạ Hội. Còn về điều có liên quan đến Chi Phái Bên Trong hay Bí Truyền, đây là một Qui Luật được tuyên bố và được chấp nhận từ năm 1880: “Không một Hội Viên nào được phép sử dụng với tính cách ích kỷ một trong các điều hiểu biết mà Một Hội Viên của Nhóm Đầu Tiên (hiện nay có Một Cấp Bực cao hơn) đã thông báo lại cho họ, mọi sự vi phạm về Qui Luật sẽ bị phạt sa thải.” Vả lại, trước khi Một Điều Hiểu Biết được chuyển giao thì người muốn nhận phải hứa long trọng rằng không áp dụng vào Một Mục Đích Ích Kỷ và Không Tiết Lộ nếu không được phép trước.

          HỎI: Nhưng nếu một người bị trục xuất hoặc tự ý xin ra khỏi Chi Phái (Bí Truyền) họ có được tự do tiết lộ điều chi đã học hỏi hoặc vi phạm vào các Điều Khoản của Lời Thệ Nguyện, mà do đó họ bị ràng buộc chăng?

          ĐÁP: Dĩ nhiên là không. Sự bị trục xuất hay sự từ chức của họ chỉ giải kết họ với sự ràng buộc phải tuân theo Người Giáo Huấn và với Bổn Phận tham dự vào công việc của Hội, nhưng chắc chắn không giải kết họ với Lời Thệ Nguyện tôn nghiêm về việc mà họ đã hứa.

          HỎI: Nhưng phải chăng điều đó rất hợp lý và công bình?

          ĐÁP: Chắc chắn như vậy. Bất cứ người Nam hay Nữ nào có được chút ít cảm nghĩ về danh dự sẽ hiểu rằng Lời Thệ Nguyện giữ im lặng, dù chỉ liên kết bằng Lời Hứa Danh Dự và nhất là nhân danh Thượng Ngã (Higher Self) - Thượng Đế Nội Tâm - phải ràng buộc cho đến lúc chết. Và mặc dù y đã rời khỏi Chi Bộ và Hội, không một người Nam hay Nữ có danh dự nào lại mưu tính đả kích, phá hoại một Cơ Quan mà họ tự ràng buộc vào.

          HỎI: Nhưng như vậy không phải quá đòi hỏi sao?

          ĐÁP: Có thể, theo sự phán đoán quá thấp kém của Luân Lý hiện đại. Nhưng một Lời Thệ Nguyện có nghĩa lý gì nếu nó không liên kết chúng ta với điều đó? Làm sao chúng ta có hy vọng nhận được sự hiểu biết Bí Nhiệm nếu chúng ta tự ý gạt bỏ các Lời Cam Kết đã hứa? Có sự bảo đảm, tin cậy hay đức tin nào còn tồn tại được giữa con người, nếu Lời Thệ Nguyện như thế lại không liên kết chi cả? Vả lại, bạn hãy tin nơi tôi, Định Luật Bù Trừ hay Nhân Quả (Karma) sẽ xử phạt người nào vi phạm Lời Cam Kết của họ, có thể nhanh chóng như sự khinh bỉ của những người có danh dự, và sẽ áp đảo họ ngay trong Cuộc Đời Vật Chất này. Cũng như quyển N.Y. “Path” (Thánh Đạo) mà chúng tôi đã đề cập đến có nói về điều này: “Một Lời Thệ Nguyện, khi được thốt ra sẽ liên kết mãi mãi. Một Người vào lãnh vực Luân Lý cũng như trong Cõi Giới Huyền Linh. Nếu chúng ta vi phạm Một Lần, và chúng ta bị phạt, chúng ta không được Tự Biện Hộ vì có thể còn vi phạm Một Lần Nữa, nếu chúng ta thường tái phạm, thì Quả Lắc Mãnh Liệt của Nhân Quả sẽ phản ứng lại chúng ta.” (Tạp Chí The Path, tháng 7-1889)


C H Ư Ơ N G    4

 

 

CÁC  MỐI  LIÊN  HỆ  GIỮA  HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC    THÔNG  THIÊN  HỌC

 

 

VỀ  SỰ  CẢI  THIỆN  BẢN  NGÃ

 

 

          HỎI: Phải chăng Hội của bạn đặc biệt chú ý đến sự nâng cao Luân Lý?

          ĐÁP: Chắc chắn như thế ! Người nào muốn trở thành một nhà Thông Thiên Học thực sự, y phải cố gắng sống một đời sống Thông Thiên Học.

          HỎI: Nếu như thế thì tác phong của một số Hội Viên lại đi ngược chiều với Qui Tắc căn bản này như tôi đã nói.

          ĐÁP: Đúng như thế ! Nhưng điều này không thể tránh được nơi chúng tôi cũng như nơi những người Cơ Đốc Giáo đã hành động sai quấy. Lỗi không do nơi Điều Lệ và Qui Tắc của chúng tôi, mà là do nơi Bản Tánh của Nhân Loại. Dù cho các Hội Viên Hữu Thệ thuộc một số Chi Bộ Công Truyền đã nhân danh Thượng Ngã của mình sống theo một nếp sống mà Thông Thiên Học đã vạch ra. Hằng ngày và từng lúc trong đời sống, họ kêu gọi đến Cái Ngã Thiêng Liêng hướng dẫn họ trong mỗi Tư Tưởng, cũng như trong mỗi Hành Động. Một nhà Thông Thiên Học thật sự phải “làm những điều gì Chính Đáng và phải bước đi một cách Khiêm Tốn.”

          HỎI: Bạn muốn nói chi về điều đó?

          ĐÁP: Điều này rất đơn giản: Cái Ngã của một người phải được quên đi vì lợi ích cho những Cái Ngã phức tạp của những kẻ khác. Bạn cho phép tôi kể lại lời nói của một người Philaletheian thật sự, Hội Viên Hội Thông Thiên Học, đã diễn tả tư tưởng này rất đúng trong Tập San Theosophist: “Điều mà một người cần hiểu trước tiên là sự Tự Biết Mình. Kế đó y phải tìm hiểu những công phu Sở Đắc Nội Tâm (Subjective  Possessions) dù cho trạng thái Linh Hồn có bất hảo và suy bại đến đâu, Con Người cũng có thể chuộc lỗi nếu biết bắt đầu làm việc một cách nghiêm chỉnh.” Nhưng có được bao nhiêu người hành động như thế ? Tất cả mọi người đều muốn làm việc cho sự phát triển và sự tiến bộ riêng của mình; rất ít người sẵn sàng làm việc cho sự phát triển và tiến bộ của Đồng Bào. Chúng ta nên kể lại lời của Tác Giả này một lần nữa: “Con người thường bị gạt gẫm và lừa phỉnh, họ cần phải đập vỡ các Thần Tượng, dứt bỏ Các Ngẫu Tượng và chính họ phải bắt tay vào việc. Nhưng thật ra là lời nói thừa, bởi vì, người nào làm việc cho chính mình, thì tốt hơn không nên làm chi cả. Đúng ra, họ nên làm việc cho Đồng Bào, cho Nhân Loại. Mỗi hoa tình thương và từ thiện mà con người trồng được trong thửa vườn của Đồng Loại, sẽ làm mất một ngọn cỏ hoang dại trong mảnh vườn của mình. Và bằng cách đó, ngôi vườn của Nhân Loại sẽ nảy nở toàn hoa hồng. Tất cả các Thánh Kinh và Tôn Giáo đã diễn tả rõ ràng về vấn đề này; nhưng, những người có tà tâm đã làm sai lệch trước tiên, cuối cùng, chúng phải suy yếu và Bị Duy Vật Hóa để rồi mất hết ý nghĩa. Người ta không cần Sự Tiết Lộ mới, mà mỗi người phải là Sự Tiết Lộ Riêng Biệt. Khi Tinh Thần Bất Tử của Con Người chiếm hữu được Thánh Điện của Thể Xác, và khi họ đã xua đuổi được tất cả điều chi ô trược, thì lúc đó, chính cái phần Thiêng Liêng riêng biệt của Nhân Loại sẽ cứu rỗi họ. Bởi vì, khi được hợp nhất với chính mình, Con Người sẽ trực nhận được “Vị Kiến Trúc Sư của Thánh Điện.”

          HỎI: Tôi nhìn nhận đây là lòng nhân từ thuần túy.

          ĐÁP: Vâng. Chỉ cần một Hội Viên trong số mười người của Hội Thông Thiên Học thực hành lòng nhân từ thì chúng tôi thật sự trở thành một nhóm người trúng tuyển. Nhưng trong số ở ngoài Hội, còn có những người luôn luôn từ khước nhìn nhận sự sai biệt chính yếu của Thông Thiên Học và Hội Thông Thiên Học; giữa Tư Tưởng và sự biểu hiện không hoàn hảo của Tư Tưởng (Imperfect Embodiment). Các người đó sẽ qui tội lỗi và sai lầm của Hiện Thể (Vehicle), tức Thể Xác Con Người, cho tinh thần thuần túy, tinh thần này đang ban rải cho Hiện Thể ấy tia sáng Thiêng Liêng của mình. Phải chăng điều này hay điều kia là đúng? Không, đó là họ ném đá vào một Hiệp Hội để cho sự cố gắng trải qua các khó khăn lớn lao nhất, tự nâng cao lên, hầu xứng đáng với lý tưởng truyền bá cho Thế Gian. Các người này sỉ nhục Hội Thông Thiên Học, bởi vì Hội dám đem điều mà các Giáo Phái khác; nhất là Cơ Đốc Giáo của các Giáo Hội và của Quốc Gia, không thể nào thực hành được. Các người khác sỉ nhục Hội, chỉ vì họ muốn giữ tình trạng hiện tại; đó là các người Pharisees và Sadducees trên diễn đàn của Moses, người Publicans và những người tội lỗi trong hàng cao sang như vào thời Đế Quốc La Mã lúc suy vi. Vào mọi trường hợp, các nhà trí thức chân chính nên nhớ rằng, trong thế giới mà các khả năng có tính cách tương đối; người nào đã đem hết sức của mình để phụng sự thì cũng hầu như đã hoàn tất được nhiều nhất. Đây là một chân lý tầm thường, một định lý cho những ai đã tin tưởng vào Phúc Âm, được chứng minh bởi câu ngụ ngôn của Đức Thánh Sư: “Người phụng sự nhận được hai tài năng và trong lúc thọ lãnh hai tài năng khác, người ấy được tưởng thưởng bằng với người đã nhận được năm tài năng. Mỗi người sẽ được trao tặng tùy theo khả năng của mình.”

          HỎI: Nhưng trong trường hợp này, rất khó phân biệt giữa điều chi trừu tượng và cụ thể; vả lại, chúng ta chỉ có thể xét đoán theo điều cụ thể mà thôi.

          ĐÁP: Vì sao bạn nêu ra một ngoại lệ cho Hội Thông Thiên Học? Công lý cũng như bác ái phải phát khởi tự nơi tâm. Bạn không khinh rẻ cũng như không chế nhạo bài “Thuyết Pháp trên Núi” (Sermon on the Mount), bởi vì, cho đến nay, các định luật xã hội, chính trị cũng như Tôn Giáo của bạn không thành công để áp dụng lời giáo huấn của Ngài (Đức Jesus), không những chúng ta phải theo đúng tinh thần, mà còn phải hiểu trọn vẹn ý nghĩa. Bạn hãy hủy bỏ lời thệ nguyện nơi Tòa Án, trong Quân Đội, trước Quốc Hội và mọi nơi khác. Bạn hãy làm như những người Quakers nếu bạn muốn được xứng đáng là những tín đồ Cơ Đốc Giáo. Bạn hãy phá bỏ các Tòa Án, vì rằng, nếu bạn muốn tuân theo các giới luật của Đấng Christ. Bạn phải tặng chiếc áo của bạn cho kẻ nào đã lấy của bạn chiếc áo choàng. Bạn hãy đưa thêm má trái cho kẻ nào đã đánh vào má phải của bạn. “Chớ nên kháng cự lại kẻ nào hại ngươi, hãy thương yêu kẻ thù nghịch, cũng như chúc lành cho kẻ nào nguyền rủa ngươi, phải làm điều thiện cho ai đã oán ngươi.” Bởi vì “ai đã vi phạm một điều nhỏ trong Giới Luật Đó, và ai đã chỉ dạy cho người khác vi phạm chúng, sẽ bị xem như thấp kém nhất trong Thiên Quốc. Và người nào mắng: Đồ điên! Kẻ ấy sẽ bị xử phạt nơi Hỏa Ngục.” Tại sao bạn lại phán xét nếu bạn muốn không bị phán xét trở lại? Khi nhấn mạnh sự kiện không có sự sai biệt giữa Thông Thiên Học và Hội Thông Thiên Học; bạn đã trình bày Học Phái và tinh túy của Cơ Đốc Giáo, cùng với các sự tố giác hay tuyên bố về chúng một cách nghiêm trọng hơn.

          HỎI: Tại sao lại nghiêm trọng hơn?

          ĐÁP: Bởi vì, trong khi các nhà lãnh đạo của Phong Trào Thông Thiên Học nhìn nhận hoàn toàn các khuyết điểm và tận lực sửa chữa những điều quấy hiện có trong Hội, mà các qui luật và điều lệ được dẫn khởi bởi tinh thần của Thông Thiên Học thì các nhà Lập Pháp và các Giáo Hội của các Quốc Gia và của những Xứ theo Cơ Đốc Giáo, đều làm trái ngược lại. Các nhà Thông Thiên Học Tây Phương gặp phải bao nhiêu điều khó khăn để duy trì một đời sống thật sự Thông Thiên Học, vì tất cả đều là con của thế hệ này. Mỗi người có thể là Tín Đồ của Cơ Đốc Giáo, họ được sinh ra và được nuôi dưỡng theo lề lối của Giáo Hội, cũng như theo các tập quán xã hội hay các luật lệ nghịch lý tùy hoàn cảnh của họ. Đây là điều mà mỗi người đã hấp thụ trước khi trở thành nhà Thông Thiên Học, hoặc đúng hơn là Hội Viên của Hội Thông Thiên Học. Bởi thế, người ta không ngớt lặp lại, hiện có một sự sai biệt quan trọng nhất giữa lý tưởng trừu tượng và Hiện Thể hay Dẫn Thể (Vehicle) của lý tưởng đó.

SỰ  TRỪU  TƯỢNG    CỤ  THỂ

 

 

          HỎI: Xin bạn giải thích rõ ràng hơn về sự dị biệt này.

          ĐÁP: Hội (Thông Thiên Học) là một cơ quan rộng rãi gồm có các người Nam và Nữ, hợp thành những yếu tố dị biệt nhất. Theo ý nghĩa trừu tượng, Thông Thiên Học là Minh Triết Thiêng Liêng, hoặc sự kết hợp của Trí Thức và Minh Triết; chúng là nền tảng của Vũ Trụ, là sự đồng nhất về Điều Thiện vĩnh cửu.

          Theo ý nghĩa cụ thể, Thông Thiên Học là sự tổng hợp các Điều Thiện mà Thiên Nhiên đã ban cho Con Người ở Địa Cầu này. Một số Hội Viên tìm cách thực hành Thông Thiên Học một cách nghiêm chỉnh trong đời sống, nghĩa là làm cho Thông Thiên Học trở thành khách quan; còn các người khác chỉ thích tìm hiểu hơn là thực hành. Có một số người gia nhập Hội do tính hiếu kỳ, hoặc do một lợi lộc tạm thời, hay chỉ vì họ có vài bạn thân đã tham gia vào Hội. Lúc ấy, người ta làm sao có thể phán đoán được Triết Lý Thông Thiên Học qua những người chỉ thích mang nhãn hiệu Thông Thiên Học nhưng không hiểu được Giáo Lý Thông Thiên Học. Người ta có thể nào phán đoán được Thi Ca và Nàng Thơ qua những cá nhân tự xưng là Thi Sĩ mà Thi Phẩm của họ lại làm nhức tai ta? Cũng giống như thế, Hội Thông Thiên Học chỉ có thể được xem như là việc hiện thân hóa Thông Thiên Học dưới hình thức những lý do trừu tượng. Hội không bao giờ kỳ vọng vào vật trung gian cụ thể chừng nào mà sự bất toàn và hèn yếu của Nhân Loại còn tồn tại trong lòng nó. Nói một cách khác, Hội chỉ lặp lại những điều sai lầm và các tội báng bổ rõ rệt ở những nơi tự gọi là Giáo Đường của Đấng Christ. Để áp dụng sự so sánh theo Đông Phương, Thông Thiên Học được xem như là Đại Dương vô bờ bến của Chân Lý, của Tình Thương và Minh Triết phổ quát; nó phản chiếu ánh vinh quang rực rỡ xuống Địa Cầu, trong lúc đó Hội Thông Thiên Học chỉ là cái bọt hữu hình của sự phản chiếu đó. Thông Thiên Học là bản chất Thiêng Liêng, hữu hình và vô hình, Hội Thông Thiên Học là bản chất Nhân Loại tự cố gắng hướng về Từ Phụ Thiêng Liêng. Sau cùng Thông Thiên Học là Vầng Thái Dương cố định, vĩnh cửu; Hội Thông Thiên Học là Chiếc Sao Chổi thoáng qua, đang tìm cách định trú vào một Quỹ Đạo hầu trở thành một Cố Thiên Thể [9] và để  vĩnh viễn quay luôn trong vùng hấp lực của Mặt Trời Chân Lý. Hội được thành lập để chứng minh cho con người thấy còn có Một Sự Vật Hiện Hữu là Thông Thiên Học để giúp họ tự hướng thượng bằng sự học hỏi và đồng hóa với Các Chân Lý Vĩnh Cửu.

          HỎI: Phải chăng có lần bạn nói bạn không có Tín Điều hay Giáo Lý riêng biệt?

          ĐÁP: Thật vậy, chúng tôi không có Tín Điều hay Giáo Lý. Hội không có một sự Minh Triết riêng tư nào để bảo vệ hoặc giáo huấn. Hội chỉ đơn giản là kho tích lũy tất cả Chân Lý đã được các Bậc có Huệ Nhãn (Seers), các Bậc được Điểm Đạo và các Nhà Tiên Tri của những Thời Đại Lịch Sử và Tiền Sử đã từng công bố; ít nhất tất cả điều chi thuộc các Chân Lý mà nó có thể thu thập được. Hội chỉ đơn giản là Con Đường Đạo mà nhờ đó được ban rải một phần nhiều hay ít Chân Lý đã tìm thấy trong các giáo huấn được tích lũy bởi những Nhà Đại Giáo Huấn của Nhân Loại.

          HỎI: Người ta không thể thu đạt được Chân Lý này ngoài Hội Thông Thiên Học hay sao? Tất cả các Giáo Hội đều cho rằng mình đã chiếm hữu được Chân Lý đó rồi mà.

          ĐÁP: Không chắc thế. Sự hiện tồn không thể chối cãi của vài Bậc được Điểm Đạo Cao (Great Initiates), những người thật sự là “Con của Chúa” (Sons of God), chứng minh rằng còn có những cá nhân sống đơn độc đã đạt được sự Minh Triết này; nhưng luôn luôn vào lúc ban sơ đều nhờ sự hướng dẫn của một Đức Thầy. Nhưng phần đông các vị Đệ Tử này, đến phiên mình trở thành Đạo Sư, Họ đã làm giảm bớt tính phổ cập của lời giảng dạy này hầu làm cho chúng thích hợp với các Tín Điều chật hẹp có tính cách Môn Phái của mình. Vậy, các lời giáo huấn của vị Sư Phụ duy nhất đã chọn lựa phải được tuân thủ và noi theo, ngoài các lời giáo huấn khác; nên ghi nhớ rõ như trường hợp bài “Thuyết Pháp Trên Núi.” Như vậy, mỗi Tôn Giáo là một phần của Chân Lý Thiêng Liêng; và trở thành trung tâm mà nơi đây lại chiếu rọi cái toàn cảnh rộng rãi. Và do sự tưởng tượng mà Nhân Loại hiểu lầm rằng họ vốn có khả năng tượng trưng và thay thế Chân Lý này.

          HỎI: Nhưng bạn nói rằng Thông Thiên Học không phải là một Tôn Giáo?

          ĐÁP: Đúng vậy, Thông Thiên Học không phải là một Tôn Giáo, mà là Tinh Túy của các Tôn Giáo, và là Chân Lý tuyệt đối, mà chỉ một giọt (drop) thôi cũng đủ làm nền tảng cho mỗi tín ngưỡng. Để nói rõ hơn, ta có thể xem Thông Thiên Học như là ánh sáng trắng của quang phổ Mặt Trời, và mỗi Tôn Giáo chỉ là một trong bảy màu do lăng kính phát ra, vì mỗi tia sáng bị nhuộm màu. Nó không nhận ra được các tia sáng anh em khác, nó lại còn nói rằng các màu khác là giả tạo; nó không những lầm tưởng rằng mình chiếm ưu thế, mà nó còn khẳng định rằng mình chính là ánh sáng trắng này. Do vô minh nó lại kết án các biến sắc riêng biệt của ánh sáng trắng, từ màu lợt đến màu sậm, như là bao nhiêu Tà Thuyết. Tuy nhiên, cũng như Mặt Trời Chân Lý dần dần mọc cao hơn chân trời tri giác của loài người, và cũng như mỗi tia sáng nhuộm màu tàn tạ lần lần và cuối cùng tiêu tan; Nhân Loại sau rốt sẽ không còn bị phiền nhiễu bởi các sự phân cực giả tạo, và sẽ được thấm nhuần trong ánh Thái Dương thuần khiết và không màu sắc của Chân Lý vĩnh cửu. Chân Lý đó là Theosophia (Minh Triết Thiêng Liêng).

          HỎI: Điều tự hào của bạn là tất cả các Đại Tôn Giáo đều xuất phát từ nền Minh Triết Thiêng Liêng; và khi tự đồng hóa với Thông Thiên Học, thì Thế Gian sẽ được giải thoát khỏi các tai ách của các đại ảo tưởng và sai lầm, có phải thế không?

          ĐÁP: Đúng vậy. Chúng tôi xin nói thêm rằng Hội Thông Thiên Học của chúng tôi là hột giống khiêm tốn, nếu được người ta vun tưới và để cho sinh sống; cuối cùng sẽ tạo ra Cây Tri Thức về Thiện và Ác (Tree of Knowledge of Good and Evil) được ghép vào cây Trường Sinh. Chỉ khi nào ta nghiên cứu các Tôn Giáo lớn khác nhau và Triết Lý của Nhân Loại một cách không thiên vị và không thành kiến, thì ta mới có thể hy vọng đạt tới Chân Lý. Nhất là bằng cách tìm ra và ghi chú các điều khác nhau, nơi mà các Tôn Giáo hòa hợp, chúng ta mới đạt đến kết quả này. Thật sự, khi vừa mới thâm nhập được ý nghĩa bên trong do sự nghiên cứu, hoặc bởi sự giáo huấn của những người hiểu biết, người ta sẽ tìm thấy trong hầu hết mọi trường hợp, chúng giải bày một đại Chân Lý nào đó của Tạo Hóa.

          HỎI: Chúng tôi đã nghe nói về một Thời Đại Hoàng Kim (Golden Age) đã hiện tồn rồi, nhưng điều bạn diễn tả phải chăng là một Thời Đại Hoàng Kim cần được thực hiện trong tương lai? Lúc nào nó sẽ đến?

          ĐÁP: Không thể đến trước lúc mà toàn thể Nhân Loại đều cảm thấy cần. Một châm ngôn của tác phẩm Ba Tư “Javidan Khirad” có nói: “Chân Lý có hai loại, một loại tự nó minh bạch và hiển nhiên; loại kia luôn luôn đòi hỏi nhiều sự chứng minh và bằng cớ mới mẻ.” Thời Đại Hoàng Kim chỉ hưng thịnh khi nào loại Chân Lý thứ nhì trở thành hiển nhiên đối với mọi người; cũng như ngày nay còn tối tăm, do đó có nguy cơ là bị những kẻ ngụy biện làm sai lệch. Chỉ lúc nào hai loại Chân Lý này được quay về điểm hợp nhất đầu tiên, tất cả mọi người lúc ấy sẽ nhìn thấy giống nhau.

          HỎI: Nhưng một số ít người nhận thấy nhu cầu về Chân Lý như thế, họ không tự quyết định để chấp nhận một tín ngưỡng xác định hay sao? Bạn đã nói rằng Hội không có Giáo Lý riêng, mỗi Hội Viên được tự do tin tưởng vào điều mà họ muốn và chấp nhận điều họ ưa thích. Có thể giả thuyết rằng Hội Thông Thiên Học nhắm vào việc làm sống lại sự hỗn độn về Ngôn Ngữ và những Tín Ngưỡng của Cổ Tháp Babel. Các bạn không có Tín Ngưỡng chung hay sao?

          ĐÁP: Khi chúng tôi nói rằng: Hội không có Tín Điều, Giáo Lý, nghĩa là chúng tôi muốn nói rằng: Hội không có Tín Điều và Giáo Lý đặc biệt có tính cách bắt buộc cho các Hội Viên. Nhưng dĩ nhiên điều này chỉ áp dụng cho Hội qua nhận xét về toàn diện. Như đã nói, Hội chia làm hai phần: Nhóm Bên Ngoài và Nhóm Bên Trong. Những người thuộc Nhóm Nội Môn luôn luôn có một Triết Lý hay Học Phái Tôn Giáo riêng của họ.

          HỎI: Có thể biết được Học Phái này ra sao chăng?

          ĐÁP: Vài năm trước nó được phác họa trong Tập San Theosophist và trong “Phật Giáo Nội Môn,” và dưới hình thức đầy đủ chi tiết hơn trong “Giáo Lý Bí Nhiệm,” nó căn cứ vào Triết Lý cổ nhất Thế Gian là Tôn Giáo Minh Triết hay Giáo Lý Cổ Truyền. Nếu muốn, bạn có thể đặt câu hỏi và bạn sẽ được giải đáp.


C H Ư Ơ N G    5

 

 

CÁC  GIÁO  HUẤN  CĂN  BẢN  CỦA  
THÔNG THIÊN  HỌC

 

 

 

THƯỢNG  ĐẾ    SỰ  CẦU  NGUYỆN

 

 

          HỎI: Bạn có tin nơi Thượng Đế không?

          ĐÁP: Điều đó tùy vào việc bạn hiểu danh từ này ra sao.

          HỎI: Tôi hiểu: Thượng Đế theo các người Cơ Đốc Giáo, là Từ Phụ của Đức Jesus, là Đấng Sáng Tạo, là Thượng Đế của Moses và của Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo, tóm tắt là như thế.

          ĐÁP: Chúng tôi không tin nơi một Thượng Đế như vậy. Chúng tôi bác bỏ ý niệm về một Thượng Đế Nhân Hình có cá tánh (Anthropomorphic God), ngoài Vũ Trụ. Ngài chỉ là hình bóng khổng lồ của con người và Ngài lại không tượng trưng được cái chi tốt đẹp nhất trong con người. Chúng tôi nói và chứng minh rằng Thượng Đế của Thần Học (The God of Theology) là một khối mâu thuẫn và là một sự bất khả hữu về phương diện Lý Luận (Logical Impossibility). Đó là những lý do khiến tại sao chúng tôi không muốn nhìn nhận một Thượng Đế như vậy.

          HỎI: Xin bạn trình bày những lý do của bạn.

          ĐÁP: Các lý lẽ đó rất nhiều và người ta không sao kể hết được. Nhưng đây là một vài việc. Thượng Đế này được các Tín Đồ gọi là Vô Hạn và Tuyệt Đối, có phải thế không?

          HỎI: Tôi tin tưởng như thế.

          ĐÁP: Vậy, nếu là Vô Hạn, nghĩa là Không Có Giới Hạn và nhất là Tuyệt Đối, làm sao Ngài có thể mang một Hình Hài và là Đấng Sáng Tạo của bất cứ cái chi? Hình Hài hàm súc một sự hạn chế, một sự bắt đầu cũng như kết thúc. Và muốn sáng tạo cần phải có một thực thể biết suy tưởng và hành động theo một kế hoạch. Làm sao người ta có thể tưởng tượng được cái Tuyệt Đối suy tưởng, nghĩa là liên lạc với một cái chi đó bị giới hạn, bị hạn chế và có điều kiện? Thật là vô lý về phương diện Triết Lý cũng như Luận Lý (Logical). Ý tưởng này cũng không được Do Thái Bí Giáo chấp nhận, làm cho nguyên lý Thiêng Liêng Tuyệt Đối, thành một Đơn Nhất vô tận, gọi là Ain Soph.

          Muốn sáng tạo, Đấng Sáng Tạo phải  trở nên linh động, và vì điều đó không thể có được đối với cái Tuyệt Đối; người ta phải trình bày cái Nguyên Lý Vô Tận như là gián tiếp trở thành nguyên nhân của sự tiến hóa (chớ không phải của sự sáng tạo) do sự phát tỏa của các Sephiroth ra khỏi chính nó (đây là một sự vô lý khác mà lần này ta phải qui vào các nhà phiên dịch của Cabala).

          HỎI: Xin bạn giải thích trường hợp những người theo Do Thái Bí Giáo (Kabalists), tuy không thay đổi phẩm cách có thể tin tưởng vào Jehovah hay Tứ Linh Tự?

          ĐÁP: Họ có thể tin tưởng vào điều chi mà họ ưa thích, bởi vì sự tin tưởng của họ sẽ không thay đổi chi cả một sự kiện tự nó hiển nhiên. Các người Jesuits có thể nói với chúng ta rằng hai lần hai không nhất thiết là bốn, và: 2 x 2 = 5 nếu Thượng Đế muốn như thế. Đó có phải chăng là một lý lẽ để ta chấp nhận sự ngụy biện của họ?

          HỎI: Vậy các bạn là những người Vô Thần?

          ĐÁP: Không, theo sự hiểu biết của chúng tôi thì không, trừ khi hình dung từ Vô Thần được áp dụng cho tất cả những ai không tin tưởng vào một Thượng Đế Thần Nhân Đồng Hình có cá tánh (Anthropomorphic God).

          Chúng tôi tin tưởng nơi một Nguyên Lý phổ cập và thiêng liêng nguồn cội của Toàn Thể, nơi mà Vạn Vật đều hóa sinh; và nơi đó tất cả sẽ bị thu hút về lúc cuối cùng của Đại Chu Kỳ của Bản Thể (Great Cycle of Being).

          HỎI: Nhưng đó là điều tự hào rất cổ của Phiếm Thần Giáo (Pantheism). Nếu bạn là người theo Phiếm Thần Giáo, bạn không thể là người Tự Nhiên Thần Giáo; và nếu bạn không phải là người Tự Nhiên Thần Giáo, thì bạn phải tự gọi là người Vô Thần.

          ĐÁP: Không nhất thiết như thế. Danh xưng Phiếm Thần Giáo còn là một trong nhiều danh xưng dùng không đúng, và ý nghĩa nguyên thủy thật sự bị sai lạc bởi thành kiến mù quáng. Nếu bạn chấp nhận ngữ nguyên Cơ Đốc của từ Pantheism, do chữ “All,” là toàn thể, và chữ “God,” là Thần; nếu bạn tưởng tượng và giảng giải rằng chữ kép đó có nghĩa là mỗi viên đá và mỗi cây trong Thiên Nhiên là một Thượng Đế hoặc Thượng Đế Duy Nhất, dĩ nhiên bạn hữu lý. Bạn biến đổi các người Phiếm Thần Giáo thành các người Chiêm Ngưỡng Ngẫu Tượng. Nhưng bạn sẽ không thành công nếu bạn biết ngữ nguyên Bí Truyền của từ ngữ Phiếm Thần Giáo như chúng tôi đã giải thích.

          HỎI: Bạn định nghĩa từ này ra sao?

          ĐÁP: Bạn cho phép tôi đặt một câu hỏi. Bạn hiểu chữ “Phiếm” (Pan) hay từ ngữ Thiên Nhiên (Nature) như thế nào?

          HỎI: Tôi tạm cho rằng Thiên Nhiên là tổng hợp các sự vật hiện tồn chung quanh chúng ta; là sự tập hợp các nguyên nhân và các hậu quả trong thế giới vật chất, trong sự sáng tạo, hay trong Vũ Trụ.

          ĐÁP: Do đó, phải chăng tất cả tổng số được nhân hình hóa của những nguyên nhân và hậu quả được biết; tổng số các năng lực và động lực hữu hạn không liên lạc chi cả với một Đấng Sáng Tạo hay với các Đấng Sáng Tạo Thông Tuệ; và có lẽ được nhận thức như là sự cấu thành một động lực riêng biệt duy nhất theo định nghĩa của các Bách Khoa Tự Điển của bạn?

          HỎI: Quả như thế.

          ĐÁP: Vậy thì, chúng tôi không kể đến bản tánh khách quan và vật chất, mà chúng tôi gọi là một ảo tưởng giả tạm. Chúng tôi cũng không muốn hiểu từ ngữ Thiên Nhiên, theo ý nghĩa của chữ dẫn xuất thông dụng của nó từ chữ La Tinh “Natura,” có nghĩa là “Trở Thành,” do “Nasci” là “Sinh Ra.”

          Khi chúng tôi nói đến Thượng Đế Tính (Deity) và khi chúng tôi đồng hóa Thượng Đế Tính với Thiên Nhiên, đó chính là Thiên Nhiên vĩnh cửu và tự hữu; chớ không phải là sự kết tụ các hình bóng giả tạm và hão huyền có giới hạn. Chúng tôi để mặc cho những người viết Thánh Ca gọi Bầu Trời hữu hình hay vòm trời là Ngai vàng của Thượng Đế và Trái Đất của chúng ta là ghế để chân của Ngài.

          Thượng Đế Tính của chúng tôi không ở tại Thiên Đàng, cũng không ở trong bất cứ một thân cây, một tòa nhà hay một ngọn núi riêng biệt nào; mà là ở khắp mọi nơi, trong tất cả mọi nguyên tử của Vũ Trụ hữu hình hoặc vô hình, cũng như trong tất cả mọi phân tử có thể phân chia ra được. Vì Thượng Đế chính là quyền năng bí nhiệm của sự tiến hóa thăng thượng (evolution) và tiến hóa trụy hạ (involution), là tiềm năng sáng tạo, ở khắp mọi nơi, toàn năng và toàn giác.

          HỎI: Bạn hãy dừng lại! Sự Toàn Giác (Omniscience) là đặc quyền của cái chi suy tưởng và bạn lại từ khước không cho Cái Tuyệt Đối của bạn quyền năng tư tưởng.

          ĐÁP: Chúng tôi từ khước cái Tuyệt Đối, bởi vì tư tưởng bị giới hạn và còn tùy thuộc vào điều kiện. Nhưng bạn quên rằng theo Triết Học, sự vô thức tuyệt đối cũng là sự hữu thức tuyệt đối, vì nếu khác hơn, sẽ không còn là tuyệt đối nữa.

          HỎI: Vậy thì Cái Tuyệt Đối của bạn biết suy tưởng?

          ĐÁP: Không, Cái Tuyệt Đối không suy tưởng, vì lý do đơn giản là chính nó là Tư Tưởng Tuyệt Đối. Cái Tuyệt Đối cũng không hiện tồn, cũng cùng lý do, vì nó là sự hiện tồn tuyệt đối, Bản thể và Phi Bản thể.

          Bạn hãy đọc bài thi ca Do Thái Bí Giáo tuyệt diệu của Solomon Ben Jehudah Gabirol trong quyển Kether-Malchut, bạn sẽ hiểu:

          “Ngài là Một, cội rễ của tất cả mọi con số, chớ không phải là yếu tố dùng để đếm; vì lẽ Đơn Nhất Tính không chấp nhận sự tăng gia, sự thay đổi hay sắc tướng. Ngài là Một và những người khôn ngoan nhất trong Nhân Loại bị chìm đắm trong sự bí mật của Đơn Nhất Tính của Ngài, vì họ không biết. Ngài là Một và Đơn Nhất Tính của Ngài không hề suy giảm hay tăng gia, và không hề bị thay đổi. Ngài là Một và không một tư tưởng nào của tôi có thể qui định cho Ngài một giới hạn và cũng không định nghĩa được Ngài.

          Ngài hiện tồn, nhưng không phải như một thực thể hiện tồn, vì sự hiểu biết và thị lực của loài người không thể đạt đến sự hiện tồn của Ngài; cũng không xác định được Ngài ở nơi nào, ra sao và tại sao v.v…”

          Nói tóm lại, Thượng Đế Tính của chúng ta là vị Kiến Trúc Sư vĩnh cửu của Vũ Trụ - một Kiến Trúc Sư tiến hóa không ngừng nhưng không sáng tạo; và Vũ Trụ này không tự lập ra, nhưng lại tự phát triển bằng cách nở ra khỏi tinh túy riêng biệt của nó.

          Theo Biểu Tượng Học, đó là một hình cầu không có chu vi, nó chỉ là một Thần Đức (Attribute) luôn luôn tác động, gồm có tất cả các Thần Đức khác hiện tồn hay nhận thức được - nghĩa là Chính Nó.

          Đây là định luật duy nhất thúc đẩy vào các định luật biểu hiện, vĩnh cửu và bất biến chứa đựng trong cái không bao giờ tự biểu hiện; bởi vì đó là định luật tuyệt đối, trong các thời kỳ biểu lộ, định luật này là Cái Biến Dịch Vĩnh Cửu (The Ever - Becoming).

          HỎI: Tôi có nghe một trong các Hội Viên của bạn cho rằng Thượng Đế Tính Phổ Quát ở khắp mọi nơi, trong chén rượu hạnh phúc, cũng như trong chén rượu đau khổ, và do đó cũng trong mỗi nguyên tử của tàn thuốc điếu của tôi! Phải chăng đây là một tội báng bổ (phạm Thánh)?

          ĐÁP: Theo ý tôi thì không, vì điều chi hợp lý không thể phạm Thánh được. Nếu từ một điểm Toán Học duy nhất của Vũ Trụ, hoặc từ một phần rất nhỏ của vật chất, nó choán một khoảng nào đó, chúng ta loại bỏ Cái Nguyên Lý Toàn Hiện, làm sao chúng ta có thể cho nó là vô tận được?

 

 

CHÚNG  TA    CẦN  THIẾT  PHẢI 
CẦU  NGUYỆN  KHÔNG ?

 

 

          HỎI: Bạn có tin tưởng nơi lời cầu nguyện và bạn có cầu nguyện không?

          ĐÁP: Chúng tôi không cầu nguyện. Chúng tôi hành động thay vì nói suông.

          HỎI: Bạn không gởi lời cầu nguyện nào đến với Nguyên Lý Tuyệt Đối sao?

          ĐÁP: Tại sao chúng tôi lại phải gởi lời cầu nguyện như thế ? Chúng tôi quá bận rộn, không có thì giờ gởi lời cầu nguyện cho một sự trừu tượng thuần lý. Cái Bất Khả Tri chỉ có những sự liên lạc với các thành phần của chúng; nhưng lại không hiện tồn về điều chi liên quan đến các sự giao tiếp có hạn định. Đối với sự hiện tồn và các hiện tượng của nó, Vũ Trụ hữu hình tùy thuộc vào những hình thể sắc tướng tác động với nhau, và vào các Định Luật chớ không phải vào lời cầu nguyện.

          HỎI: Bạn không tin tưởng chút nào về hiệu quả của lời cầu nguyện hay sao?

          ĐÁP: Tôi không tin tưởng vào hiệu quả của sự cầu nguyện gồm có việc giải bày một số lời nói nào đó mà người ta lặp đi, lặp lại một cách hời hợt bên ngoài; nếu bạn hiểu nghĩa sự cầu nguyện là như thế, để dâng lên một vị Thiên Đế Bất Khả Tri. Chính người Do Thái bày ra loại cầu nguyện này và người Pharisees đã truyền bá rộng rãi.

          HỎI: Có loại cầu nguyện nào khác không?

          ĐÁP: Chắc chắn là có. Chúng tôi gọi là Sự Cầu Nguyện Ý Chí (Will-Prayer); và đúng hơn là một giới luật nội tâm (internal command) chớ không phải là sự thỉnh nguyện (petition).

          HỎI: Và bạn cầu nguyện ai khi bạn gởi lời cầu nguyện như thế ?

          ĐÁP: “Cha chúng ta ở trên Trời” (our Father in heaven) theo ý nghĩa Bí Truyền của danh từ.

          HỎI: Ý nghĩa này có khác với ý nghĩa của Thần Học chăng?

          ĐÁP: Hoàn toàn khác hẳn. Một Nhà Huyền Bí Học hoặc một Nhà Thông Thiên Học gởi lời cầu nguyện đến “Cha” họ đang ở trên Trời (Bạn hãy đọc và cố gắng hiểu Kinh Matthew, vi. 6), chớ không phải là một vị Thượng Đế ngoài Vũ Trụ và do đó hữu hạn. Người “Cha” này đang ở trong ta.

          HỎI: Vậy thì bạn làm cho con người trở thành một vị Thần (God)?

          ĐÁP: Xin bạn nói “Thượng Đế” (God) chớ không phải một vị Thần (a God). Theo ý chúng tôi, Con Người Nội Tâm là Thượng Đế duy nhất mà chúng ta có thể nhận biết được. Làm sao khác hơn được? Chúng ta hãy chấp nhận định đề cho rằng Thượng Đế là một Nguyên Lý Vô Tận; được truyền bá một cách phổ cập, làm sao con người lại không bị thấm nhuần, do bởi, và trong Thượng Đế Tính? Chúng tôi gọi “Cha Trên Trời” là cái tinh túy Thiêng Liêng mà chúng ta trực cảm đang hiện hữu trong tâm, và trong ý thức tâm linh của chúng ta. Nó không có liên quan nào với quan niệm Thần Nhân Đồng Hình mà khối óc vật chất và sự tưởng tượng của ta có thể tạo thành. “Các người há không biết các người là Thánh Điện của Thượng Đế và Tinh Thần của Thượng Đế (Cái Tuyệt Đối) đang ngự nơi các ngươi hay sao?” Nhưng chớ nên nhận thức Cái Tinh Túy này nơi chúng ta theo ý nghĩa Thần Nhân Đồng Hình. Không một Nhà Thông Thiên Học nào nên nói “Thượng Đế đang ở nơi bí mật” lắng tai nghe Con Người có giới hạn hay Cái Tinh Túy vô tận; hoặc Ngài phân biệt các điều đó, bởi vì tất cả đều là một; nếu họ muốn tự liên kết với Chân Lý Thiêng Liêng chớ không phải là Chân Lý của Nhân Loại. Cũng không nên xem, như chúng tôi vừa nhắc ở trên, lời cầu nguyện như là một sự thỉnh nguyện. Nói đúng hơn, đây là một điều huyền bí, một phương thức đặc biệt của Huyền Môn; nhờ đó, các tư tưởng và các ham muốn hữu hạn, có điều kiện, mà Tinh Thần tuyệt đối, vô điều kiện không thể đồng hóa, được cải biến thành Ý Chí tâm linh, và chính đó là Ý Chí được gọi là sự “biến chất Tâm Linh.” Chính cường độ của các nguyện vọng nồng nhiệt của chúng ta biến cải lời cầu nguyện thành “Điểm Kim Thạch” (Philosopher’s Stone), cũng như sự biến hóa chì thành vàng nguyên chất. Cái Tinh Túy đồng tính duy nhất hay “quyền năng Ý Chí” của chúng ta trở thành động lực sinh động hay sáng tạo để phát sinh các hiệu quả tùy sự ham muốn của chúng ta.

          HỎI: Có phải bạn muốn nói lời cầu nguyện là một phương thức đặc biệt của Huyền Môn để mang lại kết quả vật chất không?

          ĐÁP: Đúng vậy. Quyền năng Ý Chí trở thành một quyền năng linh động. Nhưng vô phúc thay cho các Nhà Huyền Linh Học và Thông Thiên Học này, thay vì hủy diệt dục vọng của Phàm Ngã, có tính cách Cá Nhân của con người vật chất; và thay vì nói, khi đề cập đến Chân Ngã Tâm Linh thượng đẳng được thấm nhuần trong ánh sáng của Atma-Buddhi: “Cầu mong ý chí của Ngài được thực hiện chớ không phải ý muốn của tôi . . . .,” thì họ lại khêu gợi các lượn sóng của quyền năng ý chí vào những mục tiêu ích kỷ và vô đạo! Điều đó chính là Tà Đạo, là một điều khủng khiếp và là một Tà Thuật Tâm Linh. Vô phúc thay, đó lại chính là sự bận tâm ưa thích nhất của các nhà cầm quyền, các vị Tướng Cơ Đốc, nhất là khi các vị này đưa ra những đạo quân để giết hại lẫn nhau. Cả hai bên tự cho mình đôi chút Tà Thuật này trước trận chiến đấu bằng cách cả hai bên đều cầu nguyện cùng Một Vị Thần Chiến Tranh, và bằng cách mỗi bên đều cầu khẩn sự trợ giúp của Ngài để tiêu diệt kẻ địch.

          HỎI: Ông David cầu nguyện Vị Thần Chiến Tranh trợ giúp ông chiến thắng người Philitistines, giết người Syrians, người Moabites; và “Đấng Vĩnh Cửu che chở ông David đến khắp mọi nơi mà ông muốn.” Về việc đó, chúng tôi chỉ theo điều chi chúng tôi tìm thấy trong Thánh Kinh (Bible).

          ĐÁP: Dĩ nhiên như thế. Nhưng vì bạn rất thích, theo như chúng tôi biết, tự gọi là người Cơ Đốc Giáo, chớ không phải người Do Thái; sao bạn không tuân lời của Đấng Christ? Ngài ra lệnh một cách nghiêm minh cho bạn đừng nên theo “những người xưa,” hay luật lệ của Moses, mà phải làm điều chi Ngài đã nói với bạn; và cảnh cáo những ai cầm kiếm sẽ chết về nghiệp kiếm cung. Đấng Christ chỉ cho bạn một lời cầu nguyện, mà bạn chỉ có một câu cầu nguyện nơi đầu môi và làm thành một đề tài để khoe khoang. Khi bạn lặp lại theo nghĩa đen của những lời mà Ngài ban cho bạn, bạn nói: “Người hãy hoãn nợ cho chúng tôi, cũng như chúng tôi đã hoãn cho những kẻ thiếu nợ chúng tôi”; điều mà bạn không khi nào thực hành. Ngài cũng đã nói với bạn: “Hãy thương yêu kẻ thù nghịch của ngươi và nên làm điều lành cho những kẻ đã oán ghét ngươi.” Chắc chắn không phải Đấng Tiên Tri hiền lành tại thành Nazareth đã dạy bảo bạn nên cầu nguyện “Cha” của bạn để giết hại kẻ thù nghịch của mình và để giúp bạn chiến thắng họ! Như vậy, bạn đã hiểu vì sao chúng tôi lại từ khước điều mà bạn gọi là “lời cầu nguyện.”

          HỎI: Nhưng làm sao bạn giải thích được sự kiện rất thông thường là tất cả các quốc gia, tất cả các dân tộc đã cầu nguyện và thờ phụng một hoặc các Vị Thần? Thậm chí một số người lại thờ phụng và cầu khẩn ma quỉ cùng các linh hồn hung ác giúp đỡ họ. Đó là chứng cớ thông thường của tín ngưỡng về sự hiệu quả  của các lời cầu nguyện.

          ĐÁP: Sự kiện đó giải thích rằng lời cầu nguyện còn có nhiều ý nghĩa khác mà người Cơ Đốc đã gán cho nó. Lời cầu nguyện không những là một sự khẩn cầu hoặc một thỉnh nguyện, mà thuở xưa còn là một cuộc cầu đảo hay phù chú. Mantra hay lời cầu nguyện của người Ấn Độ Giáo được ca hát một cách nhịp nhàng, đúng ý nghĩa; vì người Bà La Môn tự xem mình cao trọng hơn các Thiên Thần bậc thường, hoặc các Vị Thần. Lời cầu nguyện có thể là một sự kêu gọi hoặc một phù chú để nguyền rủa, hoặc trù ếm (cũng như trường hợp hai đạo quân cầu nguyện cùng một lúc để tiêu diệt lẫn nhau), cũng như một sự chúc phúc. Vả lại, phần đông con người rất ích kỷ, họ chỉ biết cầu nguyện cho họ mà thôi; họ xin được ban cho “cơm hằng ngày” thay vì tự kiếm thức ăn do sức làm việc của họ. Họ cầu khẩn Thượng Đế đừng khi nào xui giục cho họ bị cám dỗ mà nên giải thoát cho họ khỏi điều ác. Vì vậy, lời cầu nguyện như được hiểu biết ngày nay, thật có hại gấp đôi:

          a)- Con người không còn tự tin nơi mình.

          b)- Phát triển nơi con người tính ích kỷ còn hung bạo hơn là họ đã có một cách tự nhiên. Tôi xin lặp lại, chúng tôi tin tưởng nơi sự cảm thông và sự cần thiết hành động hòa hợp với “Cha chúng ta ở trên Trời.” Và trong những lúc ngắn ngủi có được lạc thú Xuất Thần, nhờ khả năng hợp nhất chặt chẽ với Linh Hồn mà được thu hút về Nguồn Cội và Trung Tâm, với cái Tinh Hoa phổ cập, trạng thái này được gọi là Samadhi trong đời sống và là Niết Bàn sau khi chết. Chúng tôi từ khước cầu nguyện nơi các Bản Thể Hữu Hạn và được sáng tạo, nghĩa là nơi các Vị Thần (Gods), Thánh (Saints), Thiên Thần (Angels). . . Bởi vì chúng tôi xem điều đó như là sự sùng bái Ngẫu Tượng. Chúng tôi không thể cầu nguyện nơi Tuyệt Đối vì những lý do đã giải thích rồi; vậy thì, chúng tôi cố gắng thay thế lời cầu nguyện vô ích và hão huyền bằng hành động xứng đáng để phát sinh điều lành.

          HỎI: Người Cơ Đốc Giáo xem như thế là ngạo mạn và báng bổ. Họ có lý chăng?

          ĐÁP: Đúng vậy. Trái lại, chính họ đã tỏ ra ngạo mạn quá đáng khi tin tưởng rằng cái Tuyệt Đối hay Vô Hạn - giả sử có sự tương quan giữa vô hạn và hữu hạn - có thể tự hạ xuống để nghe mỗi lời cầu nguyện hão huyền, ích kỷ của thế nhân. Chính họ còn phạm Thánh, khi dạy rằng một Thượng Đế toàn giác và toàn năng cần đến lời cầu nguyện của chúng ta để hiểu biết Ngài phải làm chi! Về ý nghĩa Bí Truyền, điều này được xác nhận bởi Đức Phật cũng như Đức Christ. Đức Phật dạy: “Các ngươi chớ nên trông cậy vào những Vị Thần bất lực, các ngươi chớ nên cầu nguyện! Tốt hơn hết các ngươi nên hành động, vì lẽ bóng tối không tự sáng tỏ được. Các ngươi chớ nên đòi hỏi ở sự im lặng điều chi cả, bởi vì nó không nói được, cũng không nghe được.” Còn Đức Jesus khuyên: “Tất cả điều chi mà các ngươi cầu xin Nhân Danh Ta (Nhân Danh Christos), Ta sẽ làm.” Lẽ dĩ nhiên câu này, nếu lấy theo nghĩa đen, sẽ trái ngược với lập luận của chúng tôi. Nhưng nếu người ta chấp nhận theo ý nghĩa Bí Truyền và trọn vẹn danh từ Christos, thì danh từ đó tượng trưng cho Atma-Buddhi-Manas: Thượng Ngã (Higher-Self). Trên phương diện Bản Ngã, câu trên có ý nghĩa như sau: “Vị Thượng Đế duy nhất mà chúng ta nhìn nhận và cầu nguyện, hoặc đúng hơn chúng ta phải hành động hợp nhất với Ngài, chính là Tinh Thần của Thượng Đế và Thân Xác chúng ta là Thánh Điện mà trong đó Ngài đang ngự trị.”

 

 

SỰ CẦU NGUYỆN LÀM GIẢM ĐỨC TIN NƠI TA

 

 

          HỎI: Nhưng chính Đức Christ không cầu nguyện và không khuyên ta cầu nguyện hay sao?

          ĐÁP: Truyền Thuyết là như thế, nhưng các lời cầu nguyện này tùy thuộc chính xác vào sự cảm thông mà chúng ta vừa nói đến, nghĩa là cảm thông với “Cha đang ở trên Trời.” Nói một cách khác, khi đồng nhất hóa Đức Jesus với Thượng Đế Tính phổ cập, sự kết luận không thể tránh được là quá vô lý, vì chính “Vị Thần thật sự” sẽ Chính Mình Cầu Nguyện và như vậy sẽ phân cách ý chí của Vị Thần này với ý chí của chính Ngài!

          HỎI: Còn một lý luận nữa, lý luận mà người Cơ Đốc Giáo thường hay dùng. Họ nói: “Tôi cảm thấy không đủ khả năng để vượt qua các đam mê và các yếu hèn của tôi bằng chính sức riêng của tôi. Nhưng khi tôi cầu nguyện Jesus Christ, tôi cảm thấy Ngài ban cho tôi sức mạnh, và nhờ quyền năng của Ngài, tôi có thể chinh phục được tôi.”

          ĐÁP: Điều đó không có chi đáng ngạc nhiên. Nếu “Jesus Christ” là Thượng Đế, độc lập và ngăn cách với kẻ cầu nguyện, dĩ nhiên tất cả là việc có thể được đối với một Vị Thần có quyền năng. Nhưng bấy giờ, công lao hay sự công bằng của một sự chiến thắng như thế ở đâu? Tại sao kẻ chinh phục giả mạo lại được ban thưởng do bởi những điều chỉ đáng giá bằng các lời cầu nguyện? Là người Phàm Tục, bạn có muốn trả trọn ngày lương cho người thợ mà chính bạn đã làm phần lớn công việc; trong khi người ấy ngồi dưới gốc cây táo và cầu nguyện cho bạn làm việc thế cho hắn? Ý tưởng này trải qua trọn kiếp sống của ta do sự lười biếng tinh thần; trong khi ta để cho kẻ khác thay ta làm các bổn phận và công việc cực nhọc nhất của ta, dù cho họ là một Vị Thần hoặc một người Phàm Tục. Đây là một điều ghê tởm đáng khinh bởi vì nó làm giảm nhân cách tốt đẹp của Nhân Loại.

          HỎI: Có thể là như thế. Tuy nhiên, ý tưởng về sự có thể tin cậy vào một vị Cứu Trợ Nhân Hình (a Personal Saviour) giúp thêm sức mạnh cho ta trong cuộc tranh đấu với đời, chính là ý tưởng căn bản của Cơ Đốc Giáo hiện đại. Sự tin tưởng này chắc chắn có hiệu quả, một cách chủ quan, nghĩa là những ai tin tưởng như vậy, họ cảm thấy mình được sự trợ giúp và tăng thêm sức mạnh thật sự.

          ĐÁP: Ngoài ra, không còn nghi ngờ, có một số bệnh nhân được chữa trị bởi những nhà Khoa Học Tâm Thần và những nhà Khoa Học Cơ Đốc. “Những kẻ phủ nhận,”[10] cũng đôi khi được lành bệnh. Khoa Thôi Miên, Khoa Ám Thị, Khoa Tâm Lý Học và Đồng Bóng thường hay tạo ra những kết quả tương tự; nếu không nói là rất thường. Nếu ta chỉ xem xét một vài trường hợp thành công để rút ra lý luận, thì không thể cho là đầy đủ được. Bạn nghĩ sao về các trường hợp thất bại mười lần nhiều hơn? Chắc chắn bạn không có ý định cho rằng những người Cơ Đốc Giáo cuồng tín không nếm sự thất bại dù rằng họ đã tự phụ bởi đức tin mù quáng.

          HỎI: Nhưng làm sao bạn giải thích được các trường hợp thành công hoàn toàn? Nhà Thông Thiên Học tìm gặp quyền năng để vượt qua được các dục vọng và tính ích kỷ ở đâu?

          ĐÁP: Họ tìm thấy quyền năng này trong Thượng Ngã (Higher Self), trong Tinh Thần Thiêng Liêng, hay vị Thượng Đế nội tại và trong Nhân Quả của họ. Chúng tôi đã nhắc lại biết bao nhiêu lần rằng người ta biết được cây nhờ trái của nó, và biết được nguyên nhân nhờ hậu quả hay sao?

          Bạn nói về sự chế ngự các dục vọng và trở nên thánh thiện do sự giúp đỡ của Thượng Đế hoặc Đấng Christ. Chúng tôi xin hỏi: Ở nơi nào chúng ta gặp được nhiều người đức hạnh, ngây thơ, tránh gây tội lỗi? Trong Cơ Đốc Giáo hay trong Phật Giáo? Các Thống kê đã giải đáp câu hỏi này và xác nhận điều chúng tôi đã nói. Theo sự kiểm tra cuối cùng được thiết lập tại Tích Lan và Ấn Độ, bảng so sánh các trọng tội do những người Cơ Đốc Giáo, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, Eurasians, Phật Giáo, v.v. . . đã phạm phải. Trong một dân số hai triệu người được chọn lựa tình cờ, bảng ghi nhận nhiều trọng tội trong nhiều năm, chứng tỏ cho chúng ta thấy tỷ lệ tội ác phạm phải do dân Cơ Đốc Giáo là 15 so với 4, nếu so sánh với các trọng tội do dân theo Phật Giáo phạm phải. (Xem Tạp  Chí Lucifer, tháng 4-1888, trang 147, mục: Các Giảng Viên Cơ Đốc thuyết trình về Phật Giáo). Không một nhà Đông Phương Học nào, không một Sử Gia nào, không một du khách nào đã du lịch sang các xứ Phật Giáo, kể từ Giám Mục Bigandet và Tu Viện Trưởng Huc cho đến Sir William Hunter; không một người có đức tin chân thật nào lại không nhìn nhận tác phong đức hạnh của những người theo Phật Giáo. Người theo Phật Giáo (trừ ra những người thuộc Môn Phái Phật Giáo thật sự của Thái Lan) không tin nơi Thượng Đế và nơi một sự ban thưởng vị lai nào khác hơn là trong Cõi Thế Gian này. Họ không cầu nguyện chút nào, kể cả Sư Sãi cũng như người Ngoại Đạo. Họ thốt ra một cách lạ lùng: “Cầu nguyện! Nhưng cầu nguyện ai và cái chi?”

          HỎI: Vậy thì đó là những người Vô Thần thật sự.

          ĐÁP: Vô Thần, không chối cãi, nhưng đó là những kẻ mến đức hạnh hơn tất cả và họ thực hành đức hạnh hơn mọi dân tộc nào khác trong Thế Gian. Phật Giáo dạy: “Anh hãy tôn kính những Tôn Giáo của những kẻ khác và anh hãy trung thành với Tôn Giáo của anh.” Nhưng Cơ Đốc Giáo của Giáo Hội tố giác tất cả các Vị Thần của những quốc gia khác, xem các Vị Thần ấy như là Ma Quỷ, và muốn xử phạt mọi người không thuộc Cơ Đốc Giáo.

          HỎI: Nhưng các Vị Sư không làm như thế hay sao?

          ĐÁP: Không khi nào. Họ tuân giữ quá khắt khe câu phương châm khôn ngoan của Kinh Dammapada để hành động như thế, vì họ biết rằng: “Nếu một người nào đó, có học thức hay không, tự cho mình là vĩ đại và khinh khi người khác, họ giống như người mù cầm cây nến; họ soi sáng người khác, nhưng chính họ vẫn bị mù.”

 

 

NGUỒN  CỘI  CỦA  LINH  HỒN  NHÂN  LOẠI

 

 

          HỎI: Làm thế nào bạn giải thích việc con người được phú cho một Tinh Thần và một Linh Hồn? Chúng phát sinh từ đâu?

          ĐÁP: Chúng phát sinh từ Linh Hồn Đại Đồng (Universal Soul). Chắc chắn không phải là tặng phẩm của một vị Thượng Đế Nhân Hình (Personal God). Từ đâu, người ta tìm thấy chất ẩm ướt nơi con sứa? Từ biển cả bao quanh nó, trong đó nó sống, thở, có thân xác và sẽ trở về khi nó sẽ tiêu tan ra.

          HỎI: Như thế bạn từ khước nhìn nhận điều giáo huấn về Thượng Đế đã ban hoặc truyền Linh Hồn vào con người hay sao?

          ĐÁP: Bắt buộc phải như thế. Linh Hồn như đã được trình bày trong Sáng Thế Ký (Genesis, 2: 7) là Linh Hồn linh động hay Nephesh, mà Thượng Đế ban cho loài người cũng như cho loài thú. Không phải Linh Hồn suy tưởng hay tâm thần (thinking soul or mind) và không phải là Tinh Thần bất tử.

          HỎI: Đúng lắm. Vậy chúng ta nên đặt câu hỏi như thế này: Phải chăng Thượng Đế ban cho con người một Linh Hồn biết suy lý và một Linh Hồn Bất Tử? (Rational Soul and immortal Spirit).

          ĐÁP: Dù bạn có đặt câu hỏi như vậy cũng bị phủ nhận. Bởi vì chúng tôi không đặt tin tưởng vào một Vị Thần còn chấp Ngã, thì làm sao chúng tôi có thể nhìn nhận rằng Ngài ban cho con người bất cứ điều chi? Nhưng chúng ta hãy đưa ra giả thuyết rằng có một Vị Thượng Đế sáng tạo một Linh Hồn mới cho mỗi trẻ sơ sinh: Những điều trình bày này khó cho chúng ta chấp nhận một Vị Thượng Đế có nhiều minh triết và dự kiến như thế. Một số điều khó khăn khác như việc không thể dung hòa động tác sáng tạo riêng biệt này với lòng nhân từ, sự công bằng, vô tư và sự toàn giác được qui cho Thượng Đế. Có biết bao nhiêu trở ngại mà Tín Điều Thần Học thường vấp phải.

          HỎI: Bạn muốn nói chi? Và đó là những khó khăn nào?

          ĐÁP: Hiện giờ tôi đang nghĩ đến một lý luận không thể biện bác được mà một Nhà Sư Phật Giáo Tích Lan, một Nhà Thuyết Giáo nổi danh đã dùng trước mặt tôi để trả lời cho một nhà Truyền Giáo Cơ Đốc. Nhà Truyền Giáo này không phải là một người dốt nát, bởi vì ông đang chuẩn bị thảo luận trước công chúng đề tài vừa nói. Cuộc tranh luận đã diễn ra tại Colombo, nhà Truyền Giáo đã thách đố Vị Sư Megattivati chứng minh vì sao những người “Ngoại Đạo” lại không chấp nhận Thượng Đế của người Cơ Đốc Giáo. Cũng như việc thường xảy ra trong những trường hợp tương tự, nhà Truyền Giáo bị thua trong cuộc bàn cãi sôi nổi.

          HỎI: Tôi muốn biết vì sao lại thế ?

          ĐÁP: Vị Sư chất vấn nhà Truyền Giáo vì sao Thượng Đế đã ban cho Moses các Giới Điều mà con người phải tôn trọng, nhưng chính Thượng Đế lại vi phạm. Nhà Truyền Giáo quyết liệt bác bỏ việc này. Nhà Sư nói: “Tốt lắm.” Ông bảo rằng Thượng Đế không nhận một ngoại lệ nào và không một Linh Hồn nào được sinh ra ngoài ý chí của Ngài. Thế nhưng, trong bao nhiêu điều khác, Thượng Đế cấm ngoại tình, nhưng bạn lại nói chính Ngài sáng tạo mỗi đứa trẻ sơ sinh và ban cho nó một Linh Hồn. Như vậy, hàng triệu đứa trẻ đã được sinh ra trong tội lỗi và trong sự ngoại tình có phải là công trình của Thượng Đế không? Thượng Đế của ông đã ngăn cấm và trừng phạt sự vi phạm các Định Luật của Ngài, tuy nhiên, Ngài đã sáng tạo hằng ngày, hằng giờ, những Linh Hồn dành riêng cho các đứa trẻ như thế sao? Theo lý luận sơ đẳng nhất, Thượng Đế của ông đã đồng phạm tội, vì nếu không có sự trợ giúp và can thiệp của Ngài, những đứa con của tội lỗi như thế không thể được sinh ra. Có phải chăng có sự công bằng không những xử phạt cha mẹ phạm tội mà còn luôn cả những đứa trẻ vô tội chăng? Phải chăng bởi Thượng Đế đã phạm tội nên ông ấy được miễn trừ mọi tội trạng?

          Nhà Truyền Giáo nhìn đồng hồ của mình và cho rằng đã quá trễ, không thể tiếp tục cuộc tranh luận.

          HỎI: Bạn quên rằng tất cả các trường hợp không thể giải thích được, như trường hợp trên đây; là những điều huyền bí mà Tôn Giáo của chúng tôi cấm chúng tôi tìm hiểu sự bí nhiệm của Thượng Đế chăng?

          ĐÁP: Chúng tôi không quên điều đó, nhưng chúng tôi chỉ từ khước những sự bất khả hữu như thế. Chúng tôi cũng không bắt buộc bạn tin tưởng như chúng tôi. Chúng tôi chỉ trả lời các câu hỏi do bạn nêu ra mà thôi. Vả lại, chúng tôi xin tặng một danh từ khác cho các điều mà bạn gọi là “huyền bí.”

 

 

 

 

GIÁO    ĐẠO  PHẬT  VỀ  VẤN  ĐỀ  NÊU  TRÊN

 

 

          HỎI: Phật Giáo dạy chi về vấn đề Linh Hồn?

          ĐÁP: Điều này còn tùy thuộc việc bạn muốn nói về Phật Giáo Công Truyền hay Bí Truyền. Phật Giáo Công Truyền được giải thích như sau trong quyển “Giáo Lý Phật Giáo Đại Cương” (Buddhist Catechism): “Linh Hồn được xem như một danh từ mà các người kém hiểu biết dùng để giải bày một ý tưởng sai lầm. Nếu tất cả đều thay đổi thì con người cũng thế, và tất cả phần vật chất cấu tạo con người cũng phải thay đổi. Điều chi thay đổi thì không thể thường hằng, không có sự trường tồn bất tử của một vật phù du.” Điều này có vẻ giản dị và rõ ràng. Nhưng, nếu chúng ta xem xét Phàm Ngã mới trong mỗi kiếp tái sinh kế tiếp là sự tích tụ của Các Uẩn (Skandhas) hay Các Thuộc Tính (Attributes) của Phàm Ngã cũ; và nếu chúng ta tự hỏi sự tụ tập mới của Các Uẩn cũng là một Bản Thể mới, mà trong đó không còn sót lại của Bản Thể cũ, đây là điều mà chúng ta đọc được: “Theo một ý nghĩa, thì đó là một Bản Thể mới, theo một ý nghĩa khác, thì không. Trong kiếp sống này, Các Uẩn thay đổi liên tục, khi người A.B. 40 tuổi mà Phàm Ngã giống như một chàng thanh niên A.B. 18 tuổi; mặc dầu có sự hao mòn liên tục và sự tái tạo bất biến của thể xác, cũng như do sự thay đổi trí thông minh và tính tình, đó là một Bản Thể khác. Tuy nhiên, lúc về già, con người gặt hái một cách công bằng sự ban thưởng hoặc trừng phạt tiếp theo những tư tưởng và hành động trong tất cả những giai đoạn trước kia của kiếp sống. Như thế, Bản Thể mới được tái sinh, tuy vẫn là một Chơn Ngã như trước (nhưng không cùng chung một Phàm Ngã) dưới một hình thức mới hoặc một sự tích tụ mới về Uẩn; Bản Thể này thu thập một cách chính xác các hậu quả của những hành động và tư tưởng của các kiếp sống trước.” Điều này thuộc về Siêu Hình Học thâm sâu, nó không chứng minh một chút nào sự phủ nhận vấn đề tin tưởng vào Linh Hồn.

          HỎI: Người ta không tìm thấy điều nào tương tợ trong Phật Giáo Nội Môn hay sao?

          ĐÁP: Có chứ, vì Giáo Huấn này cùng thuộc về Phật Giáo Nội Môn hay Minh Triết Bí Nhiệm (Secret Wisdom) và Phật Giáo Công Truyền hay Triết Lý Tôn Giáo của Đức Phật Gautama.

          HỎI: Nhưng người ta nói rõ ràng với chúng tôi rằng phần đông các Phật Tử (các người theo Phật Giáo) đều không tin sự bất tử của Linh Hồn.

          ĐÁP: Chúng tôi cũng không tin như thế, nếu bạn hiểu rằng Linh Hồn là Phàm Ngã (Personal Ego) hay Linh Hồn Linh Hoạt (or Life-Soul). Nhưng tất cả các Phật Tử có học thức đều tin có một Chơn Ngã Thiêng Liêng hay Chơn Ngã biệt lập, như chúng tôi đã tin. Những ai không tin như thế đều là sai lầm. Họ cũng bị lầm lộn về điều này, y như (vì hiểu theo nghĩa đen) những người Cơ Đốc Giáo. Họ đã xem những đoạn văn mới được chen vào (interpolations) về Thần Học của những nhà chú thích Phúc Âm, như việc bị đày dưới Hỏa Ngục là những lời dạy thật sự của Đức Jesus.

          Đức Phật cũng như Đấng Christ không hề viết ra điều chi về các Ngài. Hai Ngài chỉ nói bằng những lời ẩn dụ, và dùng những lời nói có vẻ mù mờ như các Bậc được Điểm Đạo thường làm, và còn áp dụng trong một thời gian lâu dài. Các Kinh sách Phật Giáo cũng như Cơ Đốc Giáo bàn về các vấn đề Siêu Hình Học này với rất nhiều thận trọng. Cả hai loại Kinh đều có lỗi bởi việc đi quá xa về Công Truyền, bởi vì ý nghĩa của những chữ cứng ngắt không giúp được nhiều những gì người ta muốn dạy.

          HỎI: Phải chăng bạn muốn nói đến ngày nay người ta không hiểu đúng lời dạy của Đức Phật cũng như của Đấng Christ?

          ĐÁP: Đúng thế. Cả hai loại Phúc Âm, Phật Giáo và Cơ Đốc Giáo được giảng dạy cùng với một mục đích. Hai Bậc Đại Cải Cách này là những vị yêu thương Nhân Loại nhiệt thành và là những Kẻ đầy lòng vị tha thật sự. Các Ngài cố gắng giảng dạy một học thuyết xã hội cao cả nhất: Hy sinh toàn vẹn Bản Ngã. Đức Phật nói: “Cầu mong mọi tội lỗi của Thế Gian trao hết về ta để ta có thể làm nhẹ mọi thống khổ và đau đớn của con người!” Đức Phật chỉ mặc vào thân chiếc áo rách bỏ ở nghĩa địa và nói: “Ta không để một kẻ nào mà ta có thể cứu giúp phải khóc.” Đức Chúa nói: “Hỡi các người đau khổ và lo lắng, hãy đến với ta, ta sẽ an ủi các người và các người sẽ được nghỉ ngơi.” Đó là lời mà Đấng Cứu Khổ kêu gọi những kẻ nghèo khó, khốn khổ, còn Ngài không có lấy một chỗ để nằm nghỉ. Cả hai Vị đều giảng dạy về tình thương Nhân Loại vô bờ bến, về lòng từ thiện, khoan dung mọi tội lỗi, cũng như sự hy sinh chính mình, và thương xót số đông người bị lợi dụng. Cả hai Vị đều từ khước sự giàu sang. Họ không tiết lộ cho tất cả mọi người những điều Bí Mật Thiêng Liêng về sự Điểm Đạo. Các Ngài muốn đem đến cho những kẻ vô minh, cho những kẻ đang lầm lạc, và đang mang gánh nặng của Trần Gian có đủ hy vọng và hiểu biết về Chân Lý để có thể chịu đựng được những giờ phút cực nhọc nhất. Tuy nhiên, về sau, mục tiêu của hai Đấng Cứu Thế đã bị nhiệt tâm quá đáng của các Đệ Tử làm sai lệch. Lời lẽ của các Ngài bị hiểu sai, và họ đã diễn dịch sai lầm; hậu quả về việc đó to tát là dường nào!

          HỎI: Chắc chắn là Đức Phật đã bài bác sự bất tử của Linh Hồn. Tất cả các nhà Đông Phương Học và ngay cả các Tăng Đồ của Ngài đều nói như thế !

          ĐÁP: Các vị La Hán đầu tiên đều tuân theo Giáo Lý của Phật, nhưng hầu hết các Tăng Đồ kế tiếp không phải là những Bậc được Điểm Đạo, cũng giống như bên Cơ Đốc Giáo; thế nên, dần dần các Đại Chân Lý Bí Truyền hầu như bị thất lạc. Một chứng cớ hiển nhiên là ngày nay, trong số hai Môn Phái còn hiện hữu tại Tích Lan, thì một tin rằng chết là sự hủy diệt hoàn toàn của Chơn Ngã cũng như Phàm Ngã, trong khi đó, Môn Phái kia giải thích Niết Bàn theo như Thông Thiên Học.

          HỎI: Nhưng vì sao, trong trường hợp này Phật Giáo và Cơ Đốc Giáo lại tượng trưng cho hai đối cực đối lập của tín ngưỡng đó?

          ĐÁP: Vì chúng không được giảng dạy trong những điều kiện giống nhau. Ở Ấn Độ, người Bà La Môn ganh tị vì sự hiểu biết cao siêu của họ, và họ muốn loại trừ các Giai Cấp khác, nên họ bắt buộc hàng triệu người tuân theo sự Sùng Bái Ngẫu Tượng gần như trong Bái Vật Giáo. Nhờ có Đức Phật mới chấm dứt được sự bồng bột trong việc tưởng tượng độc hại và mê tín mù quáng, kết quả của sự Vô Minh. Thà theo Triết Lý Vô Thần còn hơn sự thờ phụng dốt nát của những kẻ “kêu gọi đến các Thần của họ mà không được đáp lại, và cũng không thấy ai lưu ý đến.”

          Họ sống và chết trong nỗi thất vọng Tinh Thần. Trước tiên, Đức Phật phải chấm dứt dòng thác mê tín đó; Ngài diệt tuyệt các sai lầm trước khi tiết lộ Chân Lý. Vì Ngài không thể tiết lộ tất cả - cũng cùng một lý do mà Đức Jesus nhắc nhở các Môn Đệ của Ngài nhớ rằng các Điều Huyền Vi của Trời không thể trình bày cho quần chúng thiếu hiểu biết mà chỉ dành riêng cho những người được chọn lựa thôi. Ngài chỉ nói với dân chúng bằng những lời ẩn dụ (Matthew, xiii, 11) - vì cẩn thận, Đức Phật đi đến chỗ quá che đậy. Ngài từ khước nói với tu sĩ Vacchagotta rằng có hay không có Chơn Ngã trong con người. Khi bị bắt buộc trả lời, Đức Phật lặng thinh.[11]

          HỎI: Tất cả những điều đó liên quan đến Đức Cồ Đàm (Gautama) nhưng có liên quan chi đến Phúc Âm (Gospels) hay không?

          ĐÁP: Bạn hãy đọc lịch sử và suy gẫm kỹ. Vào thời kỳ mà người ta cho rằng các biến cố xảy ra được tường thuật trong các Phúc Âm, thì một sự dấy động Tinh Thần tương tự lại xảy ra trong Thế Giới văn minh, nhưng kết quả của nó lại khác nhau ở Đông Phương và ở Tây Phương. Các Vị Thần xưa đã chết. Các Giai Cấp văn minh bị lôi cuốn nghe theo các Môn Đồ Sadduccees nhẹ dạ. Họ nghe theo sự phủ nhận của Phái Duy Vật và chấp nhận các ngôn từ chết cứng của Luật Moses ở Palestine. Tại La Mã, chính các Giai Cấp này hướng về sự phân hóa Luân Lý. Trong khi các Giai Cấp thấp kém nhất và nghèo khó nhất lại chạy theo Tà Đạo và thờ phụng các Vị Thần ngoại lai, hoặc trở thành kẻ Đạo Đức Giả và người Pharisees.[12]

          Một lần nữa, thì giờ đã đến cho một cuộc Cải Cách Tâm Linh. Thượng Đế của người Do Thái độc ác, ganh tị, cùng với các Luật khát máu “ăn miếng trả miếng”; đòi hỏi sự đổ máu và bằng sự hy sinh của thú vật. Vị Thượng Đế đó phải được xếp vào hàng phụ thuộc để nhường chỗ cho Đấng Từ Phụ “đang ở trên Trời.” Cần phải chứng minh rằng Đấng này không phải là Vị Thượng Đế ngoại Vũ Trụ, mà là Đấng Cứu Thế thiêng liêng của con người nhục thể; được khắc sâu vào Tim và Linh Hồn của người nghèo khổ, cũng như kẻ giàu có. Tại Palestine cũng như ở Ấn Độ, sự bí mật của cuộc Điểm Đạo không thể phổ biến được. Vì nếu người ta tặng các vật Thánh Thiện cho chó, hoặc liệng ngọc quý cho heo con; người ta sẽ thấy nguy cơ là người tiết lộ và điều tiết lộ bị chà đạp dưới chân. Bởi thế, Đức Phật hay Đức Jesus mới nói úp mở, dù Đấng này có sống hay không, số năm tháng mà lịch sử đã gán cho Ngài; Ngài cố tránh sự tiết lộ rõ ràng Các Bí Mật của Sự Sống và Sự Chết. Sự úp mở này, trong trường hợp thứ nhất đưa đến sự phủ nhận vô tình của Phật Giáo Nam Tông; còn trong trường hợp thứ hai, đưa đến ba sự phân chia đối lập lớn lao của Giáo Hội Cơ Đốc Giáo và 300 Môn Phái Tin Lành chỉ ở một Xứ Anh mà thôi.


 

C H Ư Ơ N G    6

 

 

THIÊN  NHIÊN    CON  NGƯỜI  THEO  GIÁO HUẤN  THÔNG  THIÊN  HỌC

 

 

SỰ  ĐƠN  NHẤT  TRONG  VẠN  VẬT

 

 

          HỎI: Theo quan niệm của bạn thì Thượng Đế, Linh Hồn và Con Người không phải là thế, bạn có thể cho tôi biết Họ là chi theo Giáo Lý của bạn?

          ĐÁP: Trong nguồn gốc và trong vĩnh cửu, tất cả Ba, cũng như Vũ Trụ và tất cả những gì mà Vũ Trụ chứa đựng, là Một với Đơn Nhất Tuyệt Đối (Absolute Unity), là Tinh Túy Thiêng Liêng Bất Khả Tri mà tôi đã nói ở trước. Chúng tôi không tin vào sự Sáng Tạo nào (Creation), nhưng chúng tôi tin nơi sự xuất hiện định kỳ và kế tiếp của Vũ Trụ; từ cảnh giới chủ quan, đến cảnh giới khách quan của Bản Thể (Being), tin tưởng nơi những thời gian đều đặn kéo dài trong nhiều giai đoạn lớn lao.

          HỎI: Bạn có thể giải thích vấn đề này một cách tỉ mỉ hơn không?

          ĐÁP: Để giúp bạn có một quan niệm chính xác hơn, bạn nên lấy sự so sánh đầu tiên về năm Dương Lịch; và kế đó, hai phần phân nửa của năm này, nơi Bắc Cực, làm thành một ngày và một đêm, mỗi ngày và mỗi đêm như thế dài sáu tháng. Bây giờ, bạn thử tưởng tượng, nếu bạn có thể tạo sự Vĩnh Cửu (Eternity), thay vào một năm dương lịch có 365 ngày. Bạn hãy chấp nhận rằng: Mặt Trời tượng trưng cho Vũ Trụ. Các ngày và đêm dài sáu tháng ở Địa Cực, thay vì 182 ngày, sẽ tượng trưng cho các ngày và đêm, mà mỗi ngày và đêm như thế sẽ có một kỳ gian là 182 triệu triệu và ngàn triệu triệu năm (182 trillions and quadrillions of years). Cũng như mỗi buổi sáng, Mặt Trời mọc khỏi chân trời ngoài không gian thuộc Đối Chích Điểm (Antipodal Space) và Không Gian Chủ Quan (đối với chúng ta); cũng giống như thế, Vũ Trụ xuất hiện có Định Kỳ trên Cõi Giới Khách Quan (Plane of Objectivity), ra khỏi Cõi Giới Chủ Quan (Plane of Subjectivity) - đối cực với cái đầu tiên. Đó là “Chu Kỳ của Sự Sống.” Và cũng như Mặt Trời lặn vào chân trời, Vũ Trụ biến mất vào những giai kỳ đều đặn khi bắt đầu “Đêm Đại Đồng” (Universal Night). Người Ấn Độ gọi những sự luân phiên này là “Ngày và Đêm của Brahma” hay là thời kỳ Khai Nguyên và Hỗn Nguyên (Manvantara and Pralaya). Nếu người Tây Phương thích, họ có thể gọi là các Ngày và Đêm Đại Đồng. Trong các Đêm này, Vạn Hữu nằm trong Vạn Hữu (All is in All); mỗi nguyên tử bị thu hút lại vào trong một Đồng Nhất Tính Duy Nhất (one Homogeneity).

 

 

SỰ  TIẾN  HÓA    ẢO  GIÁC

 

 

          HỎI: Nhưng ai sáng tạo Vũ Trụ mỗi lần Vũ Trụ tái sinh?

          ĐÁP: Không ai sáng tạo cả. Sự diễn tiến này Khoa Học gọi là sự tiến hóa. Các Triết Gia Tiền Cơ Đốc và các nhà Đông Phương Học gọi là sự phát tỏa. Các nhà Huyền Linh Học và Thông Thiên Học chỉ nhìn nhận có một thực tại phổ cập vĩnh cửu mà thôi. Từ các vực thẳm vô tận của không gian, thực tại này phóng ra một phản ảnh định kỳ của chính nó. Bạn xem phản ảnh đó là Vũ Trụ khách quan và vật chất; chúng tôi xem nó như là Ảo Ảnh giả tạm không hơn, không kém. Chỉ có cái chi Trường Cửu mới là thực tại.

          HỎI: Trong trường hợp này, bạn và tôi, chúng ta đều là Ảo Ảnh.

          ĐÁP: Đúng thế, với tư cách là Phàm Ngã giả tạm, hôm nay là Phàm Ngã này, ngày mai là Phàm Ngã khác. Bạn có cho các tia chớp của Bắc Cực Quang là “thật” chăng, mặc dầu nó hoàn toàn có thật trong khi bạn nhìn thấy? Chắc chắn là không! Cái thực tại duy nhất là nguyên nhân phát sinh vốn thường hằng và vĩnh cữu; trong khi đó, hiệu quả chỉ là một Ảo Ảnh thoáng qua.

          HỎI: Tất cả các điều bạn vừa giải thích không làm cho tôi hiểu rõ hơn. Tại sao Ảo Ảnh này được gọi là Vũ Trụ phát sinh? Tại làm sao ý thức có thể biểu lộ từ sự vô thức đang hiện tồn?

          ĐÁP: Nó chỉ là sự vô thức đối với ý thức bị hạn chế của chúng ta. Thật sự, chúng ta có thể chú giải những lời của Thánh John như sau (i. 5): “Và ánh sáng (Tuyệt Đối) (vốn là bóng tối đối với ta) chói sáng   trong  bóng  tối  (đó  là ánh sáng ảo tưởng của vật chất); và bóng tối lại không biết gì về ánh sáng đó.” Ánh sáng Tuyệt Đối này cũng là định luật tuyệt đối và bất di dịch. Chúng tôi không muốn tranh luận về danh từ phát tỏa hay bức xạ (radiation or emanation). Vũ Trụ xuất hiện từ chủ thể tính đồng nhất (homogeneous subjectivity) trên Cõi Giới biểu lộ đầu tiên, những Cõi Giới này gồm có bảy. Trải qua mỗi Cõi, Vũ Trụ lần lần trở nên nặng trược và vật chất cho đến Cõi cuối cùng của chúng ta, là Cõi được hiểu biết theo sự phỏng đoán trong thành phần của Khoa Học, nó được xem là Hệ Thống Thiên Thể hữu hình hay Thái Dương Hệ có tính chất riêng biệt.

          HỎI: Xin bạn giải thích về tính chất riêng biệt vừa kể.

          ĐÁP: Điều này chứng tỏ rằng: Dù cho Định Luật căn bản cùng với sự diễn tiến của các Định Luật Thiên Nhiên đều đồng nhất, Thái Dương Hệ của chúng ta (cũng như tất cả hàng triệu hệ thống khác trong Vũ Trụ) và ngay cả Địa Cầu chúng ta; có một chương trình biểu lộ riêng biệt khác với những chương trình riêng biệt của tất cả những hệ thống khác. Khi nói về dân cư trên các Cố Thiên Thể (Planets) khác, thì chúng ta tưởng tượng chắc họ cũng là con người như mình, nghĩa là những thực thể biết suy tưởng. Do bởi Trí tưởng tượng của các Thi Sĩ, các Họa Sĩ, các Nhà Điêu Khắc thường tượng trưng các Thiên Thần dưới hình thể con người được lý tưởng hóa, có thêm cánh. Chúng tôi nói rằng: Tất cả các điều này chỉ là sai lầm và Ảo Ảnh. Bởi vì, mặc dầu Địa Cầu nhỏ bé của chúng ta có một tạp đa (diversity) về Thảo Mộc, Động Vật và Nhân Loại - từ loài Rong Rêu cho đến cây Bách Hương của Liban, từ con Sứa đến con Voi, từ Người Sơ Khai đến Nam Thần Tượng Apollo của Belvedere - nếu bạn thay đổi các điều kiện về Vũ Trụ, về Thiên Thể hữu hình của chúng ta, kết quả là có những Thảo Mộc, Động Vật và Nhân Loại hoàn toàn khác. Cho đến Cõi Giới này, kể cả Cố Thiên Thể (Hành Tinh) của chúng ta cũng ở dưới những định luật tương tự; những định luật đó tạo ra một loạt về vật thể và bản thể hoàn toàn khác hẳn. Như vậy bản chất bên ngoài của các Thái Dương Hệ khác còn xa lạ biết bao! Vô ích biết bao khi chúng ta phán đoán về các Tinh Tú và các Thế Giới khác theo quan niệm của Thế Giới này như Khoa Vật Lý Học thường làm!

          HỎI: Bạn dựa vào dữ kiện nào để trình bày như thế ?

          ĐÁP: Những bằng chứng này không được Khoa Học chấp nhận. Nhưng chúng được tích lũy từ vô tận, nhờ Các Bậc có Huệ Nhãn chứng minh các sự kiện đó. Thị lực Tâm Linh của các Ngài đã được kiểm chứng một cách có hệ thống, so sánh với nhau và bản chất của chúng cũng đã được xem xét cẩn thận. Các thị lực Tâm Linh đó là những khám phá thật sự; được hoàn thành nhờ bởi những giác quan Vật Chất và Tinh Thần đã thoát khỏi những ngăn trở của xác thân thường làm cho mù quáng. Bất cứ điều chi không do kinh nghiệm chung thử  thách, đều bị bác bỏ. Chỉ những gì được xem như là Chân Lý, thiết lập qua sự xác định, trong nhiều giai đoạn khác nhau, dưới những khí hậu khác nhau, và qua một sự quan sát không ngừng. Như bạn thấy, những phương pháp được các nhà Thông Thái, các sinh viên Khoa Tâm Lý Tâm Linh (Psycho-Spiritual Sciences) đã áp dụng, không khác chút nào với các phương pháp của các sinh viên Khoa Tự Nhiên Học và Vật Lý Học. Nhưng, các lãnh vực sưu tầm này ở vào hai Cõi Giới khác nhau. Và dụng cụ quan sát của chúng tôi không do bàn tay con người tạo ra, có lẽ vì lý do đó mà dụng cụ của chúng tôi vững chắc hơn. Những bình cổ cong, những bình ắc quy và những kính hiển vi của nhà Hóa Học và Tự Nhiên Học có thể bị sai lệch. Kính viễn vọng và đồng hồ đo thời gian của các nhà Thiên Văn có thể bị hỏng; trái lại, dụng cụ ghi nhận của chúng tôi ở ngoài ảnh hưởng của thời gian hay của các yếu tố.

          HỎI: Chính vì vậy mà bạn tin tưởng hoàn toàn vào đó phải không?

          ĐÁP: Tin tưởng là một chữ không tìm được trong các từ điển Thông Thiên Học. Chúng tôi chỉ nói sự hiểu biết đặt căn bản trên sự quan sát và sự kinh nghiệm. Tuy nhiên, bạn hãy ghi nhận sự sai biệt này: Trong lúc mà sự quan sát và kinh nghiệm của các Khoa Học Vật Chất (Physical Sciences) đưa các nhà Bác Học đến các giả thuyết tạm thời, chỉ có trí thông minh để khai triển chúng; trái lại, sự hiểu biết của chúng tôi chỉ thêm vào cho toàn bộ những sự kiện không thể phủ nhận được mà người ta đã chứng minh đầy đủ. Chúng tôi không chấp nhận hai tín ngưỡng hay hai giả thuyết trên cùng một đề tài.

          HỎI: Có phải những dữ kiện này đưa bạn đến việc chấp nhận những lý thuyết kỳ lạ trong Phật Giáo Bí Truyền hay không?

          ĐÁP: Đúng thế. Những lý thuyết này có thể không đúng trong vài chi tiết phụ thuộc, và có vài chỗ sai sót ngay trong sự trình bày của các Sinh Viên Ngoại Đạo. Tuy nhiên, đây là những sự kiện của Thiên Nhiên; gần Chân Lý hơn bất cứ một giả thuyết Khoa Học nào.

 

 

 

VỀ  SỰ  CẤU  TẠO  THẤT  PHÂN  CỦA 
CỐ  THIÊN  THỂ  CỦA  CHÚNG  TA

 

 

          HỎI: Có phải bạn nói Địa Cầu của chúng ta là một phần của Dãy Địa Cầu phải không?

          ĐÁP: Đúng vậy. Nhưng sáu Bầu kia hay sáu “Địa Cầu” không được chúng ta trông thấy, vì chúng không cùng ở một Cõi Giới khách quan với Địa Cầu của chúng ta; vì lẽ đó, chúng ta không thấy được chúng.

          HỎI: Phải chăng do khoảng cách quá xa với Địa Cầu chúng ta?

          ĐÁP: Không phải thế, bởi vì chúng ta vẫn nhìn thấy bằng mắt thường không những các Cố Thiên Thể (Planets), mà còn thấy những Tinh Tú (Stars) ở xa vô tận; thật ra vì sáu Bầu kia ở ngoài phạm vi tri thức bằng vật chất của chúng ta, hay là Cảnh Giới biểu hiện này. Mật độ vật chất, trọng lượng và cách cấu tạo của chúng không giống với mật độ, trọng lượng và cách cấu tạo của Địa Cầu của chúng ta và các cố Thiên Thể khác được biết. Các Bầu này (đối với chúng ta) đang ở trong một lớp không gian hoàn toàn khác hẳn, hay là một lớp mà chúng ta không thể nào tri thức hay cảm nhận bằng giác quan vật chất. Mặc dầu chúng tôi gọi là “lớp” (layer), nhưng bạn chớ tưởng tượng đó là những lớp chồng chất lên nhau như các Lớp Địa Tầng; vì điều này sẽ đem đến cho bạn một quan niệm sai lầm phi lý khác. Từ ngữ “lớp” mà tôi dùng ở đây là không gian vô tận mà bản chất của nó không thích ứng với trạng thái thức tỉnh hay tri thức tầm thường của chúng ta; dù là Tinh Thần hay Vật Chất, nhưng nó vẫn hiện tồn trong Thiên Nhiên, nó ở ngoài phạm vi trí tuệ hay ý thức thông thường. Nó ở ngoài không gian ba chiều, cũng như ngoài sự phân chia về thời gian của chúng ta. Mỗi một trong số bảy Cảnh Giới căn bản (hay lớp) không gian - điều này được xem như là một toàn thể cũng như không gian thuần túy theo định nghĩa của Locke chớ không phải là không gian có giới hạn - đều có riêng tính chất chủ quan và khách quan của nó, không gian và thời gian của nó và trạng thái ý thức của nó và có loạt cảm quan riêng. Nhưng tất cả các điều đó sẽ ít rõ ràng đối với người nào mà tinh thần của họ được huấn luyện theo đường lối tư tưởng hiện đại.

          HỎI: Bạn muốn nói gì về loạt cảm quan khác nhau ấy? Trên bình diện Nhân Loại, phải chăng không có sự diễn đạt nào khác mà bạn có thể dùng để đem lại một ý niệm rõ ràng hơn về điều mà bạn muốn nói do sự dị biệt về giác quan, không gian và tri giác liên hệ?

          ĐÁP: Sự diễn đạt đó không có; có lẽ, ngoại trừ một ý niệm mà Khoa Học xem như một chứng cớ để chống đối lại chúng tôi. Trong trạng thái chiêm bao, phải chăng chúng ta đã có một loạt cảm giác hoàn toàn khác nhau? Chúng ta cảm nhận, nói, nghe, thấy, nếm và hành động đại để trên một Cõi khác. Sự thay đổi đang diễn ra trong trạng thái ý thức của chúng ta đã được chứng minh bởi sự kiện của một loạt hành động và biến cố trải qua một thời kỳ nhiều năm; nhưng dường như các sự kiện đó xuyên qua tư tưởng của chúng ta chỉ trong một thời gian ngắn. Như thế, trong khi chúng ta đang ở một trạng thái rất bình thường về mọi mặt, sự cực kỳ bén nhạy này của các sinh hoạt Thể Trí trong các giấc mơ của chúng ta là một bằng cớ chứng tỏ rằng chúng ta đang ở trong một Cõi Giới hoàn toàn khác hẳn.

          Giáo lý Thông Thiên Học có dạy rằng: Có Bảy Thần Lực căn bản trong Thiên Nhiên và Bảy Cõi của Bản Thể; có bảy trạng thái ý thức, trong đó con người sống, suy tưởng, hoài niệm và hiện tồn. Chúng tôi không thể kể hết ra đây được, muốn hiểu biết được chúng, bạn phải cố gắng nghiên cứu về Siêu Hình Học Đông Phương. Nhưng hai trạng thái - tỉnh và mơ - dù phải chứng tỏ cho mọi người thấy, từ Triết Gia thông thái đến người sơ khai dốt nát, chúng tôi xác nhận rằng: Hai trạng thái khác nhau đó có thật!

          HỎI: Vậy thì, bạn sẽ không chấp nhận sự giải thích của Khoa Sinh Vật Học và Sinh Lý Học về căn nguyên của giấc mơ hay sao?

          ĐÁP: Chắc chắn là không. Chúng tôi còn từ khước giả thuyết của các nhà Tâm Lý Học. Chúng tôi chỉ thích giáo huấn của nền Minh Triết Đông Phương. Về sự liên quan đến Vũ Trụ Vĩ Mô hay Đại Vũ Trụ, chúng tôi chỉ tin tưởng vào Bảy Cảnh của Bản Thể Vũ Trụ cũng như Bảy Trạng Thái Ý Thức. Nhưng chúng tôi dừng lại nơi Cảnh Giới Thứ Tư, vì ở Cảnh này, chúng tôi không có sự hiểu biết chắc chắn nào cả! Nhưng chúng tôi sẽ thảo luận rộng rãi về Bảy Trạng Thái và Bảy Nguyên Khí của Tiểu Thiên Địa hay Con Người.

          HỎI: Bạn giải thích thế nào?

          ĐÁP: Thoạt tiên, chúng tôi nhận thấy có hai bản thể khác nhau nơi con người là Bản Thể Tinh Thần và Bản Thể Vật Chất; con người biết suy tưởng và con người ghi nhận được những gì từ nơi các tư tưởng mà y có thể đồng hóa được. Do đó, chúng tôi chia con người ra hai bản chất khác nhau: Phần cao hay là Bản Thể Tinh Thần, gồm có ba “Nguyên Khí” hay Trạng Thái (Principles or Aspects) và phần thấp hay là Tứ Thể Vật Chất (physical quaternary), hợp thành bốn, tất cả có bảy      (3 + 4 = 7).

 

 

SỰ  CẤU  TẠO  THẤT  PHÂN  CỦA  CON  NGƯỜI

 

 

          HỎI: Phải chăng người ta gọi đó là Tinh Thần, Linh Hồn và Con Người bằng xương thịt?

          ĐÁP: Không phải. Đó là sự phân chia của Phái Plato vào thời cổ. Plato là một Bậc được Điểm Đạo, ông không thể đi sâu vào các chi tiết bị cấm. Chỉ có ai thông hiểu Giáo Lý Cổ sẽ tìm thấy Bảy Nguyên Khí trong sự kết hợp khác nhau của Linh Hồn và của Tinh Thần mà Plato đã nêu ra. Người ta sẽ nhìn nhận hai phần trong con người: Phần vĩnh cửu được cấu tạo cùng một tinh hoa như Cái Tuyệt Đối; phần kia, hữu sinh, hữu hoại, được sáng tạo bởi Các Vị Tiểu Thiên Đế (The Minor “created” Gods).

          Con người được cấu tạo bởi:

          1)- Một Xác Thân khả tử.

          2)- Một Nguyên Khí bất tử.

          3)- Một Linh Hồn thuộc loại khả tử và tách rời.

          Đó chính là cái mà chúng ta gọi theo thứ tự là Con Người Vật Chất, Linh Hồn Tâm Linh hay Tinh thần (Nous) và Linh Hồn Động Vật (Animal Soul). Sự phân chia này cũng được một Vị được Điểm Đạo khác là Thánh Paul chấp nhận. Ngài xác nhận rằng có Một Linh Hồn (Psychical Body) được gieo trong Thể bị Hư Hoại (Thể Cảm Dục hay Thể Xác) và Một Thể Tinh Thần (Spiritual Body) sẽ làm sống lại Chất Bất Diệt. Thánh James (iii. 15) nhấn mạnh điều này khi Ngài nói rằng: “Sự Minh Triết” (của Linh Hồn hạ đẳng của chúng ta) không đến từ Cõi trên, nhưng đến từ Cõi Trần, còn phần kia thì đến từ Cõi Trời. Pythagoras và Plato nhìn nhận có bảy chức năng khác nhau trong các sự kết hợp khác nhau, tuy Các Ngài chỉ nói về Ba Nguyên Khí mà thôi. Chúng tôi vững lòng tin bằng cách so sánh Giáo Huấn của chúng tôi với Giáo Huấn của Các Ngài. Chúng ta hãy trực nhận thoáng qua Bảy Trạng Thái kể trên trong hai bảng phân chia theo Thông Thiên Học sau đây:


 

SỰ  PHÂN  CHIA  THEO  THÔNG  THIÊN  HỌC

 

 

Bốn  Trạng  Thái  Thấp  Khả  Tử.

Danh từ Phạn ngữ.

Ý nghĩa công truyền.

Giải thích.

a)-Rupa, hay là Sthula Sarira.

a)-Thể xác.

a)-Là dẫn thể của tất cả “các Nguyên Khí” khác trong đời sống.

b)-Prana

b)-Sự sống, hoặc Nguyên lý sống.

b)-Chỉ  cần thiết cho a,c,d và cho các nhiệm vụ của Manas II (Hạ Trí) nghĩa là cho tất cả tác dụng được giới hạn vào khối óc vật chất.

c)-Linga Sharira.

c)-Cảm Dục Thể (Astral body).

c)-Dĩ Thái Thể (The Double).

d)-Kama Rupa.

d)-Trung tâm của các điều ham muốn thấp kém và thú tánh.

d)-Trung tâm của con người vật chất, nơi biên giới phân chia giữa Con Người khả tử với Thực Thể Tâm Linh bất tử.


 

Ba  Trạng  Thái  Cao  Bất  Tử.

Danh từ Phạn ngữ.

Ý nghĩa công truyền.

Giải thích.

e)-Manas - Nguyên Khí đôi trong các tác dụng của nó.

e)-Trí Tuệ, thông minh; Thể Trí nhân loại thượng đẳng do ánh sáng hay sự phóng quang kết hợp Chơn Thần vào con người khả tử trong kỳ gian của sự sống.

e)-Trạng thái vị lai và định mạng nhân quả của con người tùy thuộc vào Manas giáng xuống Kama Rupa, trung tâm của các dục vọng thú tánh hoặc thăng vượt lên đến Buddhi, Chơn Ngã Tâm Linh. Trong trường hợp này, ý thức thượng đẳng của các nguyện vọng Tâm Linh cá nhân của Trí Thông Minh (Manas) đồng hóa với Buddhi và bị thu hút tạo thành Chơn Ngã, bước vào lạc cảnh Thiên Đàng.

f)-Buddhi.

f)-Linh Hồn Tâm Linh (Spiritual Soul).

f)-Dẫn thể của Tinh Thần thuần khiết và đại đồng.

g)-Atma.

g)-Tinh Thần.

g)-Hợp nhất với Tuyệt Đối, vốn là sự phóng quang của Tuyệt Đối.

 

          Ông Plato dạy điều chi? Ông nói rằng Con Người Nội Tâm gồm có hai phần: Phần bất di dịch, được cấu tạo cùng một Bản Chất với Thượng Đế Tính, còn phần kia thì khả tử, hư hoại. “Hai phần này” được tìm thấy trong Tam Thể Thượng và Tứ Thể Hạ của chúng ta (xem Bảng Phân Chia). Ngài giải thích rằng: Khi Linh Hồn (Psuche) phối hợp với Tinh Thần Thiêng Liêng hoặc Bản Chất Thiêng Liêng (Nous) tất cả điều gì mà Linh Hồn làm đều tốt đẹp và thành công; nhưng khi Linh Hồn liên kết với Sự Điên Cuồng hay Linh Hồn Động Vật Bất Duy Lý (Anoia) thì khác hẳn. Nơi đây có Linh Hồn Tổng Quát (Manas) dưới hai hình thức, khi liên kết với Anoia (Thông Thiên Học gọi là Kama Rupa hay “Linh Hồn Động Vật” nếu gọi theo Phật Giáo Nội Môn), Linh Hồn tiến đến sự tiêu diệt hoàn toàn đối với cái chi thuộc về Phàm Ngã. Trái lại, khi phối hợp với Nous (Atma-Buddhi) Linh Hồn sẽ tan hòa trong Chơn Ngã Bất Tử, Bất Diệt, lúc bấy giờ ý thức Tâm Linh của Phàm Ngã trở thành bất tử.

 

 

SỰ PHÂN BIỆT GIỮA LINH HỒN VÀ TINH THẦN

 

 

          HỎI: Bạn có giảng dạy rằng Phàm Ngã bị tiêu diệt như một số nhà Giáng Ma Học và một số nhà Đồng Cốt của Pháp đã tố giác hay không?

          ĐÁP: Không. Những người đối lập với chúng tôi đã phổ biến sự tố giác phi lý này, bởi vấn đề Nhị Nguyên Tính - Con Người Thiêng Liêng của Chơn Ngã Thiêng Liêng và Phàm Ngã - hàm súc sự khả hữu xuất lộ của Chơn Ngã thật sự và bất tử trong các Buổi Lên Đồng dưới hình thức “Ma Hiện Hình” điều mà chúng tôi đã phủ nhận và giải thích rõ ràng.

          HỎI: Bạn nói rằng Psuche tiến đến sự hủy diệt hoàn toàn khi liên kết với Anoia. Về vấn đề này, Plato và bạn giải thích ra sao?

          ĐÁP: Theo tôi nghĩ, sự hủy diệt hoàn toàn của Phàm Ngã Thức (Personal Consciousness) là một trường hợp hiếm có và ngoại lệ. Theo qui tắc tổng quát và gần như không thay đổi thì Phàm Ngã Thức tự tan hòa trong ý thức thiêng liêng và bất tử của Chơn Ngã - một sự biến hóa hay biến hình thiêng liêng - chỉ có sự hủy diệt hoàn toàn của Bốn Thể Thấp mà thôi. Chắc chắn bạn không hy vọng nơi con người xương thịt hay Phàm Ngã giả tạm, cái bóng của nó, Cảm Dục Thể; những bản năng thú tính và ngay cả đời sống vật chất, tồn tại với Chơn Ngã Tâm Linh và trở nên bất tử được chăng? Dĩ nhiên, tất cả những điều đó ngưng hiện hữu vào lúc xác thân chết, hoặc ngay sau đó; để rồi cùng với thời gian tự tan rã hoàn toàn và biến mất hoàn toàn, huỷ diệt hoàn toàn.

          HỎI: Vậy bạn phủ nhận sự có thể Phục Sinh của Thể Xác hay sao?

          ĐÁP: Vâng, chắc chắn như vậy! Tại sao chúng tôi vốn là những người tin tưởng vào Triết Lý Bí Truyền cổ, lại có thể chấp nhận các Triết Lý ít khách quan của Thần Học Cơ Đốc Giáo thời hậu lai; đã mượn ở các Học Thuyết Công Truyền của Ai Cập và Hy Lạp của Phái Gnostics?

          HỎI: Người Ai Cập tôn thờ các Tinh Linh trong Thiên Nhiên và Thần Thánh hóa cả đến củ hành. Ngày nay, những người theo Ấn Độ Giáo là những kẻ sùng bái Ngẫu Tượng, những người theo Bái Hỏa Giáo cũng còn tôn thờ Mặt Trời. Những Triết Gia Hy Lạp lỗi lạc nhất  lại là những người Mơ Mộng hay Duy Vật - thí dụ như Plato và Democritus. Làm thế nào mà bạn có thể so sánh họ với những người theo Thần Học Cơ Đốc Giáo!

          ĐÁP: Có thể các sách Giáo Lý cương yếu hiện đại của Thần Học Cơ Đốc Giáo và của Khoa Học dạy như thế, nhưng những trí óc không thiên vị lại hiểu khác. Người Ai Cập tôn kính “Đơn Nguyên Duy Nhất” (One-Only-One) dưới danh từ Nout. Từ chữ này ông Anaxagoras cho ra đời danh từ Nous, hay như ông gọi là “Trí Lực hay Tinh Thần tự cường”; nguyên động lực chỉ đạo hoặc động lực tiên khởi của toàn thể. Đối với Anaxagoras thì Nous là Thượng Đế, còn Logos là con người do sự phát tỏa của Nous. Nous là Tinh Thần (hoặc trong Vũ Trụ, hoặc trong con người), còn Logos mà người ta xem như Vũ Trụ hay Cảm Dục Thể cũng do sự phát tỏa của Nous, xác thân chỉ là con vật mà thôi. Các khả năng bên ngoài của chúng ta nhận biết được các Hiện Tượng (Phenomena), chỉ có Nous mới nhận biết được các Thực Tượng (Noumena). Chỉ có Logos hay Thực Tượng là tồn tại, bởi vì nó Bất Tử ngay trong Bản Chất và trong Tinh Hoa. Trong con người, Logos là Chơn Ngã vĩnh cửu luân hồi và còn kéo dài mãi mãi. Nhưng tại sao cái bóng phù du và bên ngoài, cái áo tạm thời của sự Phát Tỏa Thiêng Liêng này trở về nguồn cội nơi nó phát xuất; lại có thể là cái nó được tái sinh không thể hư hoại?

          HỎI: Tuy nhiên, tôi không hiểu vì sao bạn có thể tự bào chữa khi bị tố giác việc bạn đã nghĩ ra cách phân chia mới về Tâm Linh và Tâm Lý con người. Không một Triết Gia nào đề cập đến dù bạn có tin tưởng rằng chính Plato đã nói về vấn đề này.

          ĐÁP: Tôi giữ vững điều chi tôi đã nói. Không phải chỉ ông Plato, mà cả Pythagoras cũng quan sát như vậy. Ông mô tả Linh Hồn như một Đơn Vị tự linh hoạt (Monad) gồm có ba yếu tố: Nous (Tinh Thần), Phren (Trí Lực) và Thumos (Sự Sống, Hơi Thở hay Nephesh của Do Thái Bí Giáo). Ba yếu tố này phù hợp với Atma-Buddhi (Linh Hồn Tinh Thần Thượng Đẳng) với Manas (Chơn Ngã) và Kama Rupa kết hợp với phản ảnh thấp của Manas. Điều mà các Triết Gia Cổ Hy Lạp gọi một cách tổng quát là Linh Hồn, chúng tôi gọi là Tinh Thần (Spirit) hay Linh Hồn Tâm Linh (Spiritual Soul), Bồ Đề như là Dẫn Thể của Atma (Agathon hay Thượng Đế Tính Tối Cao của Plato). Ông Pythagoras và nhiều người khác xác nhận rằng chúng ta có Phren và Thumos chung với loài Thú Vật, chứng tỏ rằng đây là trường hợp Phản Ảnh Hạ Trí (Bản Năng) và của Kama Rupa (Dục Vọng Thú Tính Sống Động). Hai Triết Gia Socrate và Plato cũng nhìn nhận sự chỉ dẫn này và Họ tuân theo. Nếu ngoài sự phân chia làm năm như: Agathon (Thượng Đế Tính hay Atma), Psuche (Linh Hồn hiểu theo nghĩa chung), Nous (Tinh Thần hay Trí lực), Phren (Trí Lực Vật Chất) và Thumos (Kama Rupa hay Dục Vọng); chúng ta lại thêm: Eidolon của Huyền Môn, Hình Bóng (Shadowy Form) hay Dĩ Thái Thể con người và Xác Thân Vật Chất; thì chúng ta có thể chứng minh dễ dàng rằng Pythagoras và Plato có những tư tưởng như chúng ta. Chính người Ai Cập cũng tin nơi sự phân chia Bảy Thể. Họ dạy rằng Linh Hồn (Chơn Ngã) khi lìa khỏi Xác Thân phải trải qua Bảy Phòng hay Bảy Nguyên Khí gồm những Nguyên Khí đã loại bỏ cũng như những Thể vẫn mang theo. Sự khổ hình dính liền với sự tiết lộ Giáo Lý được dạy trong Huyền Môn là sự chết, chúng ta phải nhớ như thế ! Điều đó giải thích tại sao Người Thời Cổ chỉ phổ biến Giáo Lý Đại Cương, còn chúng tôi lại phân tích tỉ mỉ và giải thích từng chi tiết. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ phổ biến trong phạm vi được cho phép; còn biết bao nhiêu chi tiết khác chỉ dành cho những ai theo Khoa Triết Học Bí Truyền và thề giữ im lặng.

 

 

NHỮNG  GIÁO  HUẤN  CỦA  HY  LẠP

 

 

          HỎI: Chúng tôi có các nhà Thông Thái hiểu rộng về tiếng Hy Lạp, La Tinh, Bắc Phạn và tiếng Hy Bá Lai. Tại sao, chúng tôi không tìm thấy gì hết trong các dịch phẩm của họ những gì có thể dẫn chứng cho lời bạn nói?  

          ĐÁP: Bởi vì các Dịch Giả của bạn, dầu có học thức rộng, đã tạo ra nhiều Triết Gia - nhất là các Triết Gia Hy Lạp -, nhiều nhà Văn Bí Hiểm, thay vì Huyền Linh. Thí dụ, bạn hãy đọc những gì mà Plutarch viết về các Nguyên Khí con người. Những điều ông diễn đạt theo nghĩa chính, thì người ta gán cho nó là sự Mê Tín Siêu Hình Học và Vô Minh. Bạn cho phép tôi kể đoạn sau đây để làm sáng tỏ thêm:

          Ông Plutarch có nói: “Con người là Một Phức Hợp, những ai nghĩ rằng con người có hai phần là lầm lạc. Họ tưởng tượng Trí Tuệ là một phần của Linh Hồn (Tam Thể Thượng), về điểm này, họ vẫn lầm lẫn như những người xem Linh Hồn tùy thuộc Xác Thân. Người ta cũng lầm lẫn khi quan niệm rằng: Tam Thể Thượng (Triad) được xem như là thành phần của Tứ Thể Hạ khả tử và hư hoại. Nous cao hơn Linh Hồn, cũng như Linh Hồn cao thượng và thiêng liêng hơn Xác Thân. Vậy sự phức hợp của Linh Hồn và Trí Tuệ hợp thành Lý Trí (Reason); trong khi đó, phức hợp với Xác Thân hoặc Thumos (Linh Hồn Động Vật) tạo thành Dục Vọng. Trong hai thành phần, thì một là Cái Khởi Thủy hay Nguyên Khí của sự vui thú và đau khổ, còn một là của Đức Tính và Tật Xấu. Cả ba phần hợp lại thì Địa Cầu cung cấp Thể Xác, Nguyệt Cầu cung cấp Linh Hồn, còn Mặt Trời cung cấp Trí Tuệ cho các thế hệ con người.”

          Câu cuối cùng thì hoàn toàn Ẩn Dụ, vì những ai hiểu được tức là đã thông hiểu Khoa Học Bí Truyền về các sự tương xứng, và họ cũng biết Cố Thiên Thể nào liên quan với mỗi Nguyên Khí. Ông Plutarch chia các Nguyên Khí ra làm Ba Nhóm và ông cho rằng Xác Thân là một phức hợp của Cơ Thể Vật Chất, của cái bóng tinh tú và của hơi thở; hoặc là của cái Phần Tam Phân Thấp, phần này “từ cát bụi phải trở về cát bụi.”

          Ông gọi Nguyên Khí trung gian là Linh Hồn thuần nhiên, Phần Thứ Nhì được cung cấp cho con người từ và bởi Mặt Trăng mà nó luôn luôn chịu ảnh hưởng. Trong khi đó chỉ có Phần Cao, Linh Hồn Tâm Linh, gồm các yếu tố của Atma và Manas, được phát tỏa trực tiếp từ Mặt Trời; tượng trưng bởi Agathon, Thượng Đế Tính Tối Cao. Đoạn sau đây chứng minh điều này:

          “Trong các sự chết mà con người phải chịu, có một sự chết khiến con người từ Ba trở thành Hai, còn sự chết kia biến họ từ Hai trở thành Một. Sự chết đầu tiên xảy ra trong vùng dưới sự phán đoán của Thần Demeter. Vì lẽ đó ở Huyền Môn cái tên này cũng ám chỉ sự chết. Xưa kia, người Athenians ví người chết như là được phó thác cho Thần Demeter. Còn sự chết kia xảy ra trên Mặt Trăng, hay là vùng của Persephone.”

           Giáo Lý của chúng tôi dạy rằng: Con Người có Bảy Thể trong kiếp sống. Một sự phối hợp của Năm Nguyên Khí tức khắc ngay sau khi chết tại U Linh Cảnh; và một Chơn Ngã Tam Phân, gồm Linh Hồn Tâm Linh, và ý thức ở Devachan. Sự phân ly này được thực hiện trước tiên tại “Đồng Cỏ của Hades,” cái tên mà Plutarch dùng để chỉ U Linh Cảnh, rồi tiếp đó các diễn trình này tại Devachan, tạo thành một phần của các Nghi Lễ Bí Ẩn Thiêng Liêng. Trong thời gian đó, các Thí Sinh được Điểm Đạo phải trải qua tất cả bi kịch của Sự Chết và của Sự Phục Sinh, như là những Tinh Thần chói lọi; có nghĩa là Ý Thức (Consciousness). Plutarch hiểu như thế khi ông nói:

          “Hermes tượng trưng cho Hồng Trần trong Thể này và tượng trưng cho Thiên Giới ở Cõi kia. Thể thứ nhất từ bỏ Linh Hồn một cách bất ngờ và dữ dội, nhưng Proserpina tách rời Linh Hồn một cách êm ái và từ từ.[13] Vì lý do này, Proserpina được gọi là Monogenes, là sự Sinh Sản Duy Nhất, hay đúng hơn, Nàng chỉ sinh có Một; vì Cái Phần Tốt của con người trở nên Duy Nhất khi tách rời ra khỏi Nàng. Vậy sự chết này hay sự chết kia xảy ra tùy theo Tạo Hóa. Karma đã quyết định, mỗi khi Linh Hồn rời khỏi xác, có hay không có Thể Trí, đi lang thang một thời gian trong vùng giữa Địa Cầu và Nguyệt Cầu (U Linh Cảnh); tuy nhiên, không phải tất cả Linh Hồn đều như thế.[14] Chỉ có những kẻ đã sống đời bất công và không trong sạch lúc bấy giờ mới chịu hình phạt này. Những kẻ hiền lành, có đức hạnh ở lại U Linh  Cảnh  cho  đến  khi họ được thanh lọc và thải trừ tất cả các cảm nhiễm của Xác Thân cũng như các bệnh tật; họ ở lại trong vùng êm dịu nhất của không khí, gọi là “Đồng Cỏ của Hades,” họ ở lại đó trong một thời gian đã được định trước. Sau đó, họ trở lại quê hương sau một thời gian hành hương lâu dài, xa xôi. Họ hưởng được niềm vui tương tự niềm vui của các Bậc được Điểm Đạo ở các Huyền Môn Viện Linh Thiêng; niềm vui trộn lẫn với nỗi khổ đau, sự ngưỡng phục và hy vọng riêng cho mỗi người.”

          Đó là Cực Lạc Niết Bàn, mà không một nhà Thông Thiên Học nào có thể diễn tả bằng ngôn từ rõ ràng hơn ngôn từ Nội Môn Bí Truyền; các niềm vui Tinh Thần ở Thiên Đàng, nơi mà mỗi người tự tìm thấy do Ý Thức của người ấy tạo ra. Nhưng bạn đừng lầm lẫn như phần đông các nhà Thông Thiên Học. Bạn chớ nghĩ rằng: Vì con người có Bảy Thể, kế đó còn Năm Thể và sau cùng còn Ba Thể, mà cho rằng họ là một kết cấu của Bảy, Năm rồi Ba Thực Thể. Hoặc bạn dựa theo như một hình ảnh rất đúng mà một Nhà Thông Thiên Học đã giải thích, thì Con Người có nhiều lớp da và cần phải lột ra như người ta lột vỏ củ hành. Chúng tôi đã có dịp nói rằng: Ngoại trừ Thể Xác, và Ma Hình (Astral Eidolon), tất cả đều phân tán lúc chết; các Nguyên Khí chỉ đơn giản là những Phương Diện và các Trạng Thái Ý Thức. Chỉ có Một Con Người Thật Sự duy trì mãi từ đầu đến cuối của một Chu Kỳ Đời Sống và bất tử trong Tinh Hoa; nếu không nói về Sắc Tướng: Đó là Manas, Con Người Tinh Thần hay là Ý Thức Luân Hồi.

          Các nhà Duy Vật cho rằng: Tinh Thần và Ý Thức không thể hoạt động nếu thiếu phần Vật Chất. Sự bác bỏ trên không có giá trị đối với chúng tôi. Thật sự, chúng tôi không phủ nhận luận chứng của họ, nhưng chúng tôi xin hỏi: “Quý bạn có hiểu biết tất cả các Trạng Thái của Vật Chất không? Cho đến nay quý bạn chỉ biết có Ba Trạng Thái mà thôi! Làm sao quý bạn biết được cái mà chúng tôi gọi là Ý Thức Tuyệt Đối hay là Thượng Đế Tính mà bao giờ cũng Vô Hình và Bất Khả Tri? Nó vượt khỏi quan niệm bị giới hạn của Nhân Loại, được gọi là Vật Chất Tinh Thần Đại Đồng (Universal Spirit-Matter) hay là Tinh Thần Vật Chất trong Vô Biên Tuyệt Đối?” Một trong các Trạng Thái Thấp Nhất của Vật Chất Tinh Thần này trong các Thời Kỳ Khai Nguyên là Chơn Ngã Hữu Thức (Conscious Ego); chính Chơn Ngã này tự tạo ra Thiên Đàng riêng biệt, đó là Thiên Đàng của ảo giác, nhưng cũng là một Trạng Thái phúc lạc.

          HỎI: Vậy Thiên Đàng (Devachan) là gì?

          ĐÁP: Theo nguyên nghĩa, Thiên Đàng là “Xứ Sở của Thánh Thần” (Land of Gods), một điều kiện hoặc một Trạng Thái phúc lạc Tinh Thần. Về phương diện Triết Lý thì điều kiện Tinh Thần tương tự như giấc mơ, nhưng linh động và thực tại hơn giấc mơ nhiều. Đó là trạng thái sau khi chết của đa số con người.


C H Ư Ơ N G    7

 

 

SỰ  SỐNG  BÊN  KIA  CỬA  TỬ

 

 

CON  NGƯỜI  VẬT  CHẤT    TINH  THẦN

 

 

          HỎI: Tôi rất hài lòng khi biết bạn tin tưởng vào sự bất tử của Linh Hồn.

          ĐÁP: Không phải sự bất tử của “Linh Hồn” mà là sự bất tử của Tinh Thần Thiêng Liêng (Divine Spirit), hay đúng hơn là sự bất tử của Chơn Ngã Luân Hồi.

          HỎI: Sự khác nhau đó như thế nào?

          ĐÁP: Theo Triết Lý của chúng tôi thì sự dị biệt rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề quá trừu tượng và thâm sâu, chúng ta không thể nhìn phớt qua được. Chúng ta cần phải phân tích Linh Hồn và Tinh Thần riêng ra, sau đó tổng hợp lại. Chúng ta hãy bắt đầu phần Tinh Thần trước.

          Chúng tôi nói rằng Tinh Thần (hay “Từ Phụ Huyền Bí” theo Đức Jesus dạy) hay Atman không là sở hữu cá nhân của một người nào mà là Tinh Túy Thiêng Liêng, không có hình hài, sắc tướng, không thể đo lường, không thể thấy được và không thể phân chia, không hiện tồn, nhưng lại hiện hữu như các Phật Tử nói về Niết Bàn. Atman chỉ phù trì con người khả tử, cái xâm chiếm và nhập vào trọn thân thể chỉ là những tia sáng vô sở bất tại, hay là ánh sáng của Linh Thể (Atman) chiếu qua Tuệ Giác Thể (Kim Thân) là hiện thể và là sự phát tỏa trực tiếp của Atman. Đó là ý nghĩa huyền nhiệm của những lời đoan quyết của hầu hết các Triết Gia cổ khi họ nói rằng “Cái Phần Thuần Lý của Linh Hồn Nhân Loại”[15] không bao giờ nhập vào hoàn toàn trong Con Người mà chỉ Ám Trợ (Phủ Bóng: Overshadow) ít hay nhiều nhờ bởi Linh Hồn Tâm Linh nhưng không Thuần Lý hay là Tuệ Giác Thể (Buddhi).[16]

          HỎI: Tôi nghĩ chỉ có Linh Hồn Linh Hoạt (Animal Soul) là không duy lý, chớ không phải Linh Hồn Thiêng Liêng.

          ĐÁP: Chúng ta nên thiết lập sự dị biệt giữa điều thụ động, hay tiêu cực “không duy lý,” bởi vì ở trạng thái không phân hóa, với điều không duy lý vì quá linh động và tích cực. Con người là sự phối hợp các Quyền Năng Tâm Linh cũng hiệu quả như sự phối hợp những lực Hóa Học và Vật Lý, tất cả đang hoạt động bởi cái mà chúng ta gọi là “Các Nguyên Khí.”

          HỎI: Tôi có nhiều nghi vấn về vấn đề này và dường như đối với tôi, tư tưởng của các Triết Gia cổ khác rất nhiều với tư tưởng của các Bí Thuật Gia thời Trung Cổ, mặc dầu các tư tưởng này đôi khi hòa hợp trên các chi tiết.

          ĐÁP: Sự dị biệt quan trọng nhất giữa các Bí Thuật Gia và chúng tôi như sau: Cùng với phái Tân Plato và giáo huấn Đông Phương, chúng tôi tin rằng Tinh Thần (Atma) không khi nào giáng xuống trong con người sống động mà trút xuống ít nhiều tia huyền xạ trên Con Người Nội Tâm (phối hợp Tâm Linh và Tinh Thần của các Nguyên Khí Dĩ Thái). Trái lại, các Bí Thuật Gia cho rằng Tinh Thần Nhân Loại tách rời khỏi đại dương ánh sáng và của Tinh Thần Đại Đồng để đi vào Linh Hồn Con Người, nơi mà nó cư ngụ trong trọn kiếp sống tù hãm trong Lớp Vỏ Dĩ Thái (Astral Capsule). Các nhà Bí Giáo Do Thái đều xác nhận như thế bởi vì họ không thể loại bỏ hoàn toàn Triết Lý Thánh Kinh và Thần Nhân Đồng Hình của họ.

          HỎI: Còn bạn nghĩ sao?

          ĐÁP: Chúng tôi chỉ chấp nhận sự hiện diện của các Huyền Xạ (Radiation) của Tinh Thần hay Atma trong Lớp Vỏ Dĩ Thái và chỉ những gì liên quan đến sự phát tỏa Tinh Thần này mà thôi. Con người và Linh Hồn phải chinh phục sự bất tử bằng cách tiến đến Sự Hợp Nhất (Unity) để được kết hợp và sau cùng để được thu hút trở lại. Sau khi chết, Sự Biệt Lập Ngã Tính (Individualization) của Con Người tùy thuộc Tinh Thần, chớ không tùy thuộc Linh Hồn và Thể Xác. Mặc dù từ ngữ Phàm Ngã (Personality) theo nghĩa thông thường, là một sự vô lý nếu người ta dùng theo nghĩa thấp để chỉ tinh hoa bất tử. Tuy nhiên, Phàm Ngã này, cũng như Chơn Ngã của chúng ta là Một Thực Thể Thông Linh riêng biệt, bất tử và hằng cửu tự nó. Trường hợp những nhà Phù Thủy Hắc Đạo hoặc những kẻ sát nhân trong nhiều kiếp không sao cứu rỗi được, thì sợi chỉ sáng chói nối liền Linh Hồn với Phàm Ngã, từ lúc đứa bé được sinh ra, bị đứt lìa; và Thực Thể Thông Linh Luân Hồi tự tách rời khỏi Phàm Ngã, để rồi Phàm Ngã bị hủy diệt mà không để lại một chút ấn tượng nào trên Chơn Ngã. Nếu sự phối hợp giữa Hạ Trí với Linh Hồn đang ở trong Phàm Ngã, không thể thực hiện được trong kiếp sống hiện tại, thì Hạ Trí bị bỏ lại để rồi phải chia số phận với các động vật thấp kém, nghĩa là tự tan dần trong Chất Dĩ Thái và tự tiêu hủy như Phàm Ngã. Nhưng Chơn Ngã vẫn còn là Bản Thể riêng biệt. Sau kiếp sống vô ích đó, Chơn Ngã Tâm Linh chỉ mất đi Trạng Thái Thiên Đàng (Devachan) mà đúng lý nó vẫn được hưởng đối với các Phàm Ngã có lý tưởng. Định Luật bắt buộc Chơn Ngã đầu thai gần như lập tức, sau khi hưởng được tự do trong một thời gian ngắn như là Linh Hồn Hành Tinh.

          HỎI: Trong tác phẩm “Nữ Thần Isis Lộ Diện” có đoạn cho rằng các Linh Hồn Hành Tinh hay Thiên Thần (Angels), “Những Vị Thần của Người Ngoại Giáo (Pagans) hay các Đại Thiên Thần của Người Cơ Đốc Giáo” không bao giờ trở thành Con Người trên Hành Tinh chúng ta.

          ĐÁP: Thật đúng vậy. Tuy nhiên, không phải các Linh Hồn Hành Tinh đều như thế, mà chỉ có vài loại Linh Hồn Hành Tinh cao mà thôi. Các Vị này không bao giờ làm Con Người trên Hành Tinh này, bởi vì các Ngài là những Linh Hồn đã giải thoát trong một Thế Giới trước chúng ta. Tuy nhiên, tất cả các Ngài sẽ tái sinh trong Kỳ Đại Khai Nguyên sắp tới, cao hơn hiện tại; khi Đại Kỷ Nguyên này và Thời Kỳ Hỗn Nguyên của Brahma (Brahma Pralaya) (Thời Kỳ ngắn độ 16 con số) chấm dứt.

          Triết Học Đông Phương dạy rằng chính các Linh Hồn như thế đang bị giam cầm trong xác thân hiện tại của Nhân Loại. Sự khác nhau giữa Loài Người và Loài Thú như sau: Loài Thú có các Nguyên Khí ở dạng tiềm tàng, còn ở Loài Người, các Nguyên Khí này linh hoạt như là một động lực (Xem Giáo Lý Bí Nhiệm quyển 3, trang 245). Có lẽ bây giờ bạn đã hiểu?

          HỎI: Vâng, nhưng sự chuyên môn này phải chăng là một chướng ngại đối với các nhà Siêu Hình Học?

          ĐÁP: Đúng vậy, tất cả Huyền Học của Triết Học Phật Giáo đều căn cứ vào giáo huấn bí nhiệm này, nhưng rất ít người biết và đã có nhiều nhà Bác Học hiện đại đã làm sai lệch hoàn toàn. Chính các nhà Siêu Hình Học cũng có khuynh hướng lầm lẫn kết quả với nguyên nhân. Cũng như Tinh Thần, dù Chơn Ngã đạt đến đời sống trường tồn vẫn là Cái Ngã Nội Tâm (Inner Self) trải qua những kiếp tái sinh ở Trần Gian, nhưng Chơn Ngã không bị bắt buộc phải là ông X hay ông Y lúc còn tại thế, hoặc mất Cá Tính Thiêng Liêng của nó. Bởi  thế nên Dĩ Thái Thể và các Thể Vật Chất của Con Người có thể bị thu hút vào Đại Dương Vũ Trụ của các yếu tố đã được siêu hóa. Vì lý do đó mà Phàm Ngã sau cùng của Con Người không còn tồn tại (nếu Phàm Ngã này không xứng đáng để vươn lên cao hơn nữa). Nhưng Chơn Ngã Thiêng Liêng vẫn còn là một Thực Thể Thông Linh không thay đổi, mặc dầu kinh nghiệm Hồng Trần về sự phát tỏa của nó bị tiêu tan lúc nó tự phân ly ra khỏi Dẫn Thể không xứng đáng của nó.

          HỎI: Các ông Origen, Synesius, các Triết Gia Bán Cơ Đốc hoặc Bán Plato đã có dạy rằng: Nếu “Tinh Thần” hay Cái Phần Thiêng Liêng của Linh Hồn đã hiện tồn trước tất cả mọi vĩnh cửu như một Thực Thể riêng biệt; và nếu Tinh Thần không có chi khác hơn là Linh Hồn khách quan siêu hình, tại sao không vĩnh cửu? Trong trường hợp này, mặc dù Con Người sống cuộc đời thanh cao hay thấp kém, phải chăng người ấy cũng không bao giờ mất hết Cá Tính Thiêng Liêng?

          ĐÁP: Nếu bạn đặt ra một Giáo Lý như thế, thì kết quả sẽ tai hại cũng như việc các Linh Mục làm phép rửa tội. Nếu người ta đã chứng minh cho Thế Giới ý nghĩa thực sự của Giáo Lý này, cũng như ý tưởng sai lầm trên rằng: Tất cả chúng ta đều bất tử, thì người ta sẽ cải thiện được Nhân Loại.

          Bạn cho phép tôi nhắc lại một lần nữa: Pythagoras, Plato, Timaeus of Locris và các Phái Alexandrian cổ cho rằng Linh Hồn Con Người (nghĩa là các Nguyên Khí cao và các Thuộc Tính) do từ Linh Hồn của Thế Giới Đại Đồng. Theo Giáo Huấn này thì Linh Hồn của Thế Giới Đại Đồng vốn là AEther (Pater-Zeus). Thế nên, bất cứ một trong các Nguyên Khí này không thể là tinh hoa thuần túy của Monas Pythagorean, hay là Atma-Buddhi của Thông Thiên Học; bởi vì Anima Mundi chỉ là kết quả, là sự phát tỏa chủ quan hay đúng hơn là Huyền Xạ của Atma-Buddhi. Tinh Thần Con Người hay là Con Người Thiêng Liêng (Individuality), Chơn Ngã Tâm Linh Luân Hồi và Buddhi, Linh Hồn Tâm Linh đều hiện tồn trước đó. Trong lúc Tinh Thần biểu hiện như một Thực Thể Thông Linh riêng biệt được biệt lập ngã tính, thì Linh Hồn chỉ hiện tồn như là một hơi thở có trước hay là cái phần không tri thức của cái tri thức toàn thể. Lúc nguyên thủy, cả hai đều được tạo thành từ Đại Dương Vĩnh Cửu của Ánh Sáng, nhưng, như các Triết Gia Hỏa Phái (Fire-Philosophers), các nhà Thông Thiên Học thời Trung Cổ có nói: Trong Lửa có một Tinh Thần vô hình cũng như hữu hình. Họ phân biệt giữa Con Vật Sơ Khai (Anima Bruta) và Con Vật Thiêng Liêng (Anima Divina). Ông Empedocles tin chắc rằng: Loài Người và Loài Thú có hai Linh Hồn. Ông Aristotle gọi hai Linh Hồn đó là Linh Hồn Biết Suy Luận (Reasoning Soul) hay Giác Hồn và Linh Hồn Sống Động hay Sinh Hồn (Animal Soul). Theo các Triết Gia này, Linh Hồn Biết Suy Luận đến từ bên trong của Linh Hồn Đại Đồng, còn Linh Hồn kia đến từ bên ngoài.

          HỎI: Linh Hồn, nghĩa là Linh Hồn Biết Suy Tưởng của Con Người hay là cái mà bạn gọi là Chơn Ngã (Ego) có gọi là Vật Chất được không?

          ĐÁP: Chắc chắn không phải là Vật Chất mà là Vật Chất Nguyên Thủy (Substance). Tuy nhiên, chúng tôi không phản đối danh từ Vật Chất (Matter) miễn là nó được kèm theo tĩnh từ Nguyên Thủy (Primordial). Theo chúng tôi, Vật Chất này đồng vĩnh cửu với Tinh Thần và không phải là Vật Chất thấy được, sờ mó được hay phân chia được mà trạng thái của nó được siêu hóa cao độ nhất. Tinh Thần Thuần Khiết (Pure Spirit) chỉ khác rất ít với cái Phi-Tinh Thần (No-Spirit) hay Cái Toàn Thể Tuyệt Đối (Absolute All).

          Nếu bạn không chấp nhận Con Người đã tiến hóa khỏi Vật Chất - Tinh Thần Nguyên Thủy này và họ đang biểu hiện cho một nấc thang đều đặn và tiến bộ của Các Nguyên Khí, từ cái Hậu Tinh Thần (Meta-Spirit) cho đến vật chất thô kệch nhất; thì làm sao bạn có thể nhìn nhận Con Người Nội Tâm vốn bất tử và đồng thời như Một Thực Thể Tinh Thần và lại là một con người khả tử?

          HỎI: Nhưng vì sao Thượng Đế không được coi như là Một Thực Thể Thông Linh (Entity)?

          ĐÁP: Theo Triết Lý Đông Phương thì cái chi vô biên không bị ràng buộc, không thể có hình hài và không thể là Một Bản Thể được. Một Thực Thể Thông Linh chỉ bất tử trong cái tinh túy tột độ của nó chớ không phải trong hình hài cá nhân. Khi tiến đến điểm chót của Chu Kỳ, nó bị thu hút vào Bản Chất Nguyên Thủy của nó và trở thành Tinh Thần trong khi nó mất danh nghĩa Thực Thể Thông Linh.

          Với tính cách hình hài, sự bất tử của Thực Thể Thông Linh chỉ bị giới hạn trong Chu Kỳ Sống của nó ở Kỳ Đại Khai Nguyên; khi Chu Kỳ này trôi qua, Thực Thể Thông Linh hợp làm một với Tinh Thần Đại Đồng, đồng hóa với Tinh Thần này, để rồi không còn là Thực Thể Thông Linh riêng biệt nữa.

          Về phần Linh Hồn Phàm Ngã (Personal Soul), nghĩa là tia sáng của Ý Thức còn duy trì trong Chơn Ngã Tâm Linh ý tưởng về cái Phàm Ngã của kiếp luân hồi trước. Linh Hồn Phàm Ngã chỉ tồn tại cho đến phút cuối cùng của thời kỳ trên Thiên Đàng như là một kỷ niệm tách rời và phân biệt. Khi thời kỳ trên Thiên Đàng chấm dứt, Linh Hồn Phàm Ngã nhập vào loạt vô số kiếp luân hồi khác của Chơn Ngã; giống như vào cuối năm, các kỷ niệm còn lưu lại trong ký ức chúng ta về một ngày nào đó. Phải chăng bạn muốn Cái Vô Biên bị lệ thuộc vào các điều kiện có giới hạn?

          Thực sự chỉ có cái chi được kết hợp chặt chẽ với Atma mới bất tử như: Buddhi-Manas. Linh Hồn Con Người (của Phàm Ngã) chính tự nó không trường cửu, không bất tử, không thiêng liêng. Kinh Zohar (quyển iii, trang 616) có đoạn: “Khi Nó được gởi xuống Địa Cầu, Linh Hồn khoác vào chiếc áo Hồng Trần để tự phòng vệ nơi đây; cũng giống thế, Linh Hồn tiếp nhận nơi Cõi trên chiếc áo sáng chói để có thể nhìn vào chiếc gương này mà không bị tổn hại và đây là ánh sáng phát xuất từ Vị Chúa Tể của Ánh Sáng.” Kinh Zohar còn dạy rằng Linh Hồn không thể đến Cõi Phúc Lạc nếu chưa nhận được “Chiếc Hôn Thánh Thiện” (Holy Kiss) nghĩa là trước khi kết hợp với Vật Chất Nguyên Thủy mà từ đó Nó được phát tỏa ra: Tinh Thần.

          Tất cả các Linh Hồn đều là Nhị Thể, Linh Hồn nói riêng là một Nguyên Khí Âm, Tinh Thần là một Nguyên Khí Dương. Bị giam cầm trong Thể Xác, Con Người là Tam Vị Nhất Thể (Trinity), sự sa đọa của Con Người tạo nên sự cách biệt với Tinh Thần.

          Một bài cảnh cáo trong quyển sách “Các Bí Quyết” (Book of The Keys), một tác phẩm của Hermes, có đoạn: “Vô phúc thay cho Linh Hồn nào chỉ thích kết hợp Cõi Trần với Thân Xác hơn là kết hợp với Thiêng Liêng (Tinh Thần).” Vô phúc thật, bởi vì không có điều chi của Phàm Ngã được ghi vào ký ức của Chơn Ngã.

          HỎI: Theo như bạn đã nhìn nhận thì cái chi trong Con Người có Vật Chất Nguyên Thủy tương tự như Thiêng Liêng lại có thể thiếu tánh bất tử, nếu không được Thượng Đế truyền hơi vào?

          ĐÁP: Mỗi Nguyên Tử và mảnh nhỏ của Vật Chất, chớ không phải chỉ có Vật Chất Nguyên Thủy, đều bất tử do Bản Tính Thiên Nhiên, chớ không phải bất tử trong ý thức cá nhân. Phải chăng tính bất tử là ý thức liên tục, và ý thức cá nhân không thể duy trì lâu hơn Phàm Ngã? Như trên đã giải thích, một ý thức như thế chỉ thường tồn đến cuối thời kỳ trên Thiên Đàng, khi thời kỳ này trôi qua, ý thức đó bị thu hút trước tiên vào Ý Thức Chơn Ngã, và sau đó, trong Ý Thức Đại Đồng. Bạn hãy hỏi lại các nhà Thần học của bạn vì sao họ giải thích sai lạc Ý Nghĩa Thánh Kinh Do Thái như vậy. Bạn nên đọc Thánh Kinh, bạn sẽ thấy rõ các tác giả của Bộ Pentateuch, nhất là Bộ Sáng Thế Ký không nhìn nhận Nephesh - cái mà Thượng Đế truyền hơi cho Adam (Sáng Thế Ký ii,7) - là Linh Hồn bất tử. Vài thí dụ “Và Thượng Đế tạo lập . . . mỗi Nephesh (Sự Sống) cử động” (Sáng Thế Ký I, 21), ở đây muốn nói về Thú Vật. Kế đó: “Con Người trở thành một Nephesh (một Linh Hồn sống động)” (Sáng Thế Ký ii,7), điều này chứng tỏ danh từ Nephesh được dùng một cách không phân biệt cho Con Người Bất Tử và Con Thú Khả Tử. “Và chắc chắn tôi sẽ đòi máu của anh; máu của sự sống của các anh (Nepheshim), tôi sẽ đòi bàn tay của tất cả các Thú Vật  và bàn tay của Con Người” (Sáng Thế Ký xix, 5). “Ngươi hãy tự cứu cho Nephesh.” Người ta phiên dịch là: “Ngươi hãy tự cứu cho mạng sống của Ngươi” (Sáng Thế Ký xix,17).  “Đừng nên giết hại nó” (Sáng Thế Ký xxxvii.21), là câu nói theo sự phiên dịch của Anh Ngữ, trong sách Hy Bá Lai có viết: “Chúng ta không nên giết hại Nephesh của nó.”. Tác phẩm của Dòng Tu Leviticus có viết: “Kẻ nào đập chết một người dù là ai, sẽ bị xử tử,” vì hiểu theo nghĩa đen, đúng theo sách là: “Kẻ nào đập chết Nephesh của một người” (Lev. xxiv. 17). Các đoạn 18 và tiếp theo, người ta thấy câu: “Kẻ nào đập chết một Con Thú (Nephesh) sẽ thế mạng sống của nó; loài vật biến đổi loài vật,” còn nguyên bản thì lại viết: “Nephesh đổi Nephesh.” Làm sao con người lại có thể giết chết cái chi vốn bất tử?

          Các câu dẫn chứng trên đây cho ta thấy vì sao Giáo Phái Sadducees phủ nhận sự bất tử của Linh Hồn. Hơn nữa, các câu này xác nhận người Do Thái không tin tưởng vào sự thường tồn của Linh Hồn, mặc dù họ theo Luật của Moses, rất có thể là họ chưa được Điểm Đạo.

 

 

VỀ  SỰ  VĨNH  CỬU  CỦA  THƯỞNG,  PHẠT  VÀ NIẾT  BÀN

 

 

          HỎI: Tôi nghĩ rằng: Thật không cần thiết để hỏi bạn xem bạn có tin tưởng vào các Giáo Điều Cơ Đốc về Thiên Đàng, Địa Ngục hoặc về các điều thưởng, phạt vị lai như Chính Thống Giáo đã dạy hay không?

          ĐÁP: Chúng tôi hoàn toàn phủ nhận các Giáo Điều này như đã mô tả trong các loại sách Giáo Lý Cương Yếu của bạn; và chúng tôi cũng phủ nhận quan niệm về vĩnh cửu mà người ta đã diễn tả trong sách. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn vào Định Luật Báo Phục (Law of Retribution), vào sự công bằng và minh triết tuyệt đối đang hướng dẫn Định Luật này, hay là Nghiệp Quả (Karma). Chúng tôi không chấp nhận tín điều về sự thưởng phạt vĩnh viễn, vì chúng độc ác không hợp với Triết Lý. Chúng tôi đồng ý với Horace rằng:

          “Nên có những định luật chận đứng lại sự giận dữ của chúng ta,

          Và phạt các lỗi lầm của một hình phạt tương xứng;

          Chớ nên đánh bằng roi đến tuôn máu,

          Kẻ chỉ đáng chịu một roi da về lỗi lầm của nó.”

          Đây là một qui tắc công bằng nên áp dụng cho tất cả mọi người. Theo ý bạn, Thượng Đế tượng trưng cho Minh Triết, Bác Ái và Từ Bi, vậy chúng ta có nên tin tưởng rằng Ngài ít được xứng đáng với các đặc tính đó hơn là Con Người khả tử hay sao?

          HỎI: Bạn còn lý do nào khác để loại bỏ các Tín Điều này không?

          ĐÁP: Sự kiện về Luân Hồi cung cấp cho chúng ta một lý do vững chắc nhất. Như tôi đã từng nói, việc chúng ta đã phủ nhận quan niệm về sự sáng tạo một Linh Hồn mới cho mỗi đứa trẻ sơ sinh. Chúng tôi tin tưởng rằng mỗi người đều là một hiện thể hay là Dẫn Thể của một Chơn Ngã đồng hiện tồn với tất cả các Chơn Ngã khác. Vì các Chơn Ngã đều cùng chung một tinh hoa và cùng chung một sự phát tỏa nguyên thủy đến từ một Chơn Ngã duy nhất đại đồng và bất tận. Plato gọi Chơn Ngã này là Thượng Đế (hay là Thượng Đế Ngôi Hai). Chúng tôi gọi Ngài là Nguyên Khí Thiêng Liêng biểu lộ, cũng là một với Trí Tuệ Đại Đồng hay Linh Hồn; chớ không phải là Thượng Đế Hữu Ngã, Thần Nhân Đồng Hình và Ngoại Vũ Trụ như các nhà Hữu Thần đã tin tưởng. Chúng ta không nên lẫn lộn cái này với cái kia.

          HỎI: Tuy nhiên, khi người ta chấp nhận Một Nguyên Khí biểu hiện, điều khó khăn là làm thế nào tin rằng Linh Hồn của Một Con Người khả tử mới do Nguyên Khí đó tạo ra, cũng như tất cả Linh Hồn đến trước đều như thế ?

          ĐÁP: Chúng ta không thể tin tưởng như vậy. Bởi vì cái chi Vô Ngã thì không thể sáng tạo hay hoạch định và suy tưởng theo ý thích được. Với tính cách là Một Định Luật Đại Đồng, Bất Biến trong các sự biểu hiện có định kỳ - vào lúc khởi thủy của mỗi chu kỳ mới của sự sống, chính tinh hoa của nó phát tỏa và tự biểu lộ - Nguyên Khí này không phải để tạo ra Con Người rồi sau đó lại hối hận. Nếu chúng ta cần tin tưởng vào Một Nguyên Lý Thiêng Liêng, thì đó chính là Nguyên Lý của sự điều hòa tuyệt đối, hợp lý, công bằng; cũng như là bác ái tuyệt đối, minh triết và vô tư tuyệt đối. Nếu Thượng Đế sáng tạo Một Linh Hồn cho thời gian ngắn ngủi của một kiếp sống ở Cõi Trần, mà không cần biết Linh Hồn này sẽ sống trong thân xác của một kẻ giàu sang hạnh phúc, hay thân xác một kẻ nghèo khổ yếu đau mãi từ lúc sinh ra đời cho đến lúc lâm chung, mặc dù nó không có tội tình chi để gánh chịu số phận đau thương, phũ phàng như thế, thì đó là một ác quỷ điên cuồng chớ không phải là Thượng Đế. (Xin xem đoạn sau: “Hình phạt của một Chơn Ngã”). Các Triết Gia Do Thái đã từng tin tưởng vào Thánh Kinh của Moses (dĩ nhiên theo Bí Truyền) cũng không chấp nhận một tư tưởng như thế. Vả lại, họ tin vào Luật Luân Hồi cũng như chúng tôi.

          HỎI: Bạn có thể cho tôi thí dụ để chứng minh lời nói của bạn chăng?

          ĐÁP: Dĩ nhiên. Trong Tác Phẩm “De Somniis” trang 455, Ông Philo Judaeus có nói: “Không khí đầy dẫy (các Linh Hồn); các Linh Hồn gần Địa Cầu nhất nhập thế và liên kết vào các Xác Thân khả tử, rồi sẽ trở lại trong các Xác Thân khác vì muốn cư trú nơi đây.”

          Trong Kinh Zohar, Linh Hồn được xem như là tự phô trương sự tự do của nó trước Thượng Đế: “Hỡi Đấng Chúa Tể của Vũ Trụ! Tôi được hạnh phúc nơi Cõi Trần này, và tôi không khi nào đi đến Thế Giới khác để trở thành một kẻ tôi đòi và phải gánh chịu đủ điều ô uế.” (Zohar ii, 96)

          Câu giải đáp về Thượng Đế Tính (Deity) chứng minh Giáo Lý cần thiết tất nhiên của Định Luật vĩnh cửu và bất biến: “Ngươi sẽ trở thành một thai nhi ngoài ý muốn và sẽ được sinh ra ngoài ý muốn của ngươi.” (Mishna, Aboth iv.,29)

          Ánh sáng sẽ chẳng được nhận biết nếu không có bóng tối làm nổi bật nó lên; điều thiện sẽ chẳng còn thiện nếu không có điều ác làm tăng giá trị của nó; cũng thế, đức hạnh sẽ không còn xứng đáng nếu con người không trải qua lò thử thách sự cám dỗ. Chỉ có Thượng Đế Tính ẩn tàng là vĩnh cửu, bất biến. Điều chi bị hạn định không thể đứng vững lâu dài được, vì đã khởi đầu ắt có kết cuộc. Thế nên, nó phải tiến tới hoặc phải thối lui. Linh Hồn nào khao khát kết hợp với Tinh Thần một cách nồng nhiệt thì Cái Duy Nhất có thể ban cho nó sự bất tử. Vậy Nó cần phải được thanh lọc qua những chu trình biến đổi, để đi đến mảnh đất phúc lạc duy nhất và an bình vĩnh cửu, được gọi là “Lâu Đài Tình Thương” (The Palace of Love) trong Kinh Zohar. Nó là “Moksha” trong Ấn Giáo, nó là “Ánh Sáng Vĩnh Cửu” theo Phái Ngộ Đạo (Gnostics), và là “Niết Bàn” của Phật Giáo. Tất cả các Trạng Thái này chỉ là tạm thời chớ không vĩnh cửu!

          HỎI: Tôi không thấy nói đến vấn đề Luân Hồi trong các điều trên?

          ĐÁP: Một Linh Hồn chỉ xin được cư trú nơi nào Nó ở và không thể có sự sáng tạo do cơ hội, vì đó là Vấn Đề Tiền Tại (Pre-Existent). Trong Kinh Zohar, quyển III, trang 61, có ghi nhiều chứng cớ rõ hơn nữa. Về việc Chơn Ngã Luân Hồi (Linh Hồn Duy Lý) mà Phàm Ngã cuối cùng phải tan biến hoàn toàn, Kinh Zohar có ghi: “Tất cả các Linh Hồn khi đã rời Cõi Trời của Thánh Chúa - cầu xin Tôn Danh Ngài được tôn kính - đều bị rơi vào vực thẳm trong lúc chúng đang hiện tồn và biết trước ngày giờ chúng trở lại Cõi Trần.” “Thánh Chúa” ở đây ám chỉ Atman hay Atma-Buddhi, theo nghĩa Bí Truyền.

          HỎI: Tôi không thấy nói Niết Bàn đồng nghĩa với Thiên Quốc (Kingdom of Heaven) hay là Thiên Đàng (Paradise), bởi vì theo các nhà Đông Phương Học, Niết Bàn đồng nghĩa với Sự Hủy Diệt hoàn toàn (Annihilation)!

          ĐÁP: Điều này rất đúng khi bạn hiểu theo Nghĩa Đen, nó có liên quan đến Phàm Ngã và Vật Chất đang ở trong Trạng Thái Phân Hóa (Differentiated Matter). Một số Linh Mục đầu tiên có tư tưởng tương tự về vấn đề Luân Hồi và Tam Vị Nhất Thể của Con Người. Các Dịch Giả Kinh Tân Ước cũng như các sách Khái Luận Triết Lý cổ đã lầm lộn giữa Linh Hồn (Soul) và Tinh Thần (Spirit) nên đã tạo ra bao nhiêu quan niệm sai lầm. Đây là một trong những lý do khiến người ta trách Đức Phật, Plotinus và nhiều Vị Điểm Đạo Đồ khác đã mong ước sự hủy diệt toàn diện Linh Hồn của các Ngài, bởi vì theo tư tưởng hiện đại, “sự thu hút vào Thượng Đế Tính” (Absorption unto the Deity), hay    “kết hợp với Linh Hồn Vạn Hữu” hoàn toàn có nghĩa là Hủy Diệt. Dĩ nhiên Phàm Ngã tự phân tán trước khi cái tinh hoa tinh khiết nhất của nó có thể tự kết hợp mãi mãi với Tinh Thần bất tử. Nhưng các Dịch Giả các Kinh Điển Acts và Epistles thiết lập các Triết Lý về các Thiên Quốc cũng như các nhà Bình Luận hiện đại của Kinh Điển Phật Giáo về các nền tảng của Vương Quốc Công Lý, đã biến đổi hoàn toàn tư tưởng của các Đại Sứ Đồ Thiên Chúa Giáo, cũng như tư tưởng của các Bậc Đại Cải Cách Tôn Giáo xứ Ấn Độ. Buổi đầu, người ta đã làm biến tính danh từ Tâm Linh (Psychikos) và Người Học Đạo không bao giờ tin rằng Tâm Linh có liên quan với Linh Hồn. Cũng vì nguyên do lầm lẫn giữa từ ngữ Linh Hồn và Tinh Thần, nên khi nghiên cứu Thánh Kinh, người ta có ý tưởng rất sai lệch. Ngược lại, những người giảng giải Phật Giáo lại không hiểu biết ý nghĩa cũng như mục đích bốn đẳng cấp của Phật Tử Dhyâna. Các học giả Phái Pythagoras thì sao? Các vị ấy hỏi: “Tinh Thần này có thể tạo ra sự sống cùng sự chuyển động và tham dự vào bản chất của ánh sáng; như vậy, Tinh Thần này có thể được thu nhỏ lại để trở thành Phi-Bản Thể chăng?” Các nhà Huyền Linh Học đã lưu ý: “Ngay đến Loài Thú mà Tinh Thần nhạy cảm của chúng chứng tỏ ký ức hoạt động mạnh - một trong các quan năng duy lý - nhưng khi chết lại không trở thành cái chi hay sao?” Theo Triết Lý Phật Giáo thì sự hủy diệt chỉ có nghĩa là sự tan rã của Vật Chất dưới bất cứ hình thức hoặc trạng thái nào. Thế nên, trên thực tế, tất cả hình hài sắc tướng đều là giả tạm, do đó, thật sự chỉ là ảo ảnh. Thời gian lâu dài nhất đối với chúng ta, chỉ là cái chớp mắt trong vĩnh cửu. Vậy, hình hài sắc tướng cũng tương tự như thế. Trước khi ta có đủ thì giờ để nhận biết điều mình đã nhìn thấy, thì mọi vật đã  thoáng qua như làn chớp. Chỉ khi mà thực thể Tâm Linh tự giải thoát ra ngoài tất cả bụi Vật Chất hay Vật Chất Nguyên Thủy (Substance) hay Hình Hài và trở thành Hơi Thở Tâm Linh, lúc ấy nó mới bước vào Cõi Giới Niết Bàn vĩnh cửu, bất biến. Sự vĩnh cửu này thực ra chỉ kéo dài trong một chu kỳ của sự sống. Vả lại, Hơi Thở này nó hiện tồn như Tinh Thần, nó không là gì cả, bởi vì nó là tất cả; cũng như hình hài sắc tướng, nó hoàn toàn bị hủy diệt. Nhưng, giống như Tinh Thần tuyệt đối, nó vẫn tồn tại, bởi vì chính nó đã trở thành Bản Thể (Be-ness). Câu nói: “Bị thu hút vào Tinh Hoa Vạn Hữu” được dùng để chỉ Linh Hồn với tư cách là Tinh Thần, có nghĩa là “kết hợp với.” Câu này không bao giờ có nghĩa là hủy diệt, bởi vì hủy diệt có hàm ý là phân ly vĩnh viễn.

          HỎI: Nhưng, khi giải thích như trên, bạn không sợ bị cho là giảng dạy sự hủy diệt hay sao? Thí dụ, bạn đã nói Linh Hồn Con Người trở về những yếu tố Nguyên Thủy của nó?

          ĐÁP: Nhưng bạn quên rằng tôi đã nêu rõ các sự dị biệt giữa các ý nghĩa khác nhau của từ ngữ “Linh Hồn” và tôi cũng bài bác tính cách mơ hồ mà cho đến nay người ta vẫn dùng để dịch từ ngữ “Tinh Thần.” Chúng ta đã phân biệt Sinh Hồn (Animal Soul),[17] Linh Hồn Con Người (Human Soul) và Linh Hồn Tâm Linh (Spiritual Soul).

          Thí dụ, Plato gọi Linh Hồn Biết Suy Luận (Rational Soul) thì chúng tôi gọi là Tuệ Giác Thể (Buddhi) nhưng, thêm vào đó tĩnh từ  “Tâm Linh” (Spiritual). Cái mà chúng tôi gọi là Chơn Ngã Luân Hồi (Reincarnating Ego) hay Manas, thì Ông gọi là Tinh Thần (Spirit) hay Nous, v.v. . . Trong khi đó, chúng tôi chỉ duy nhất dùng từ ngữ Tinh Thần (Spirit) cho Linh thể Atma và ngoài ra không có ý nghĩa nào khác. Pythagoras, khi giải thích Giáo Lý cổ của chúng tôi, Ông nói rằng Chơn Ngã (Ego) (hay Nous) thì vĩnh cửu với Thượng Đế Tính; còn Linh Hồn chỉ trải qua những giai đoạn khác nhau để đi đến sự hoàn hảo thiêng liêng; trong khi đó Thumos (Xác Thân) lại trở về với cát bụi; còn Phren, hay Hạ Trí (Lower Manas) thì bị loại bỏ. Plato còn định nghĩa Linh Hồn (Buddhi) là “sự vận chuyển tự chính nó.” Ông nói thêm: “Linh Hồn là vật cổ nhất và là khởi thủy của sự chuyển động.” Theo Ông, Linh Hồn là Atma-Buddhi, còn Tinh Thần là Manas, điều mà chúng tôi không làm thế.

          “Linh Hồn có trước Xác Thân, Linh Hồn có quyền trên Xác Thân đến sau nó, vì sự xứng đáng và thứ tự hiện tồn mà Xác Thân tự nhiên phục tòng Linh Hồn.” “Linh Hồn ẩn trong tất cả những gì chuyển động và chế ngự mọi chuyển động, thế nên, Linh Hồn ngự trên Trời.”

          .          .          .          .          .          .          .          .          .          .

          Vậy Linh Hồn cai quản tất cả vật chi ở trên Trời, dưới đất, ngoài biển, bằng chính những chuyển động riêng của Linh Hồn mà chúng ta gọi là ý chí, sự lưu ý, tiên kiến, sự cân nhắc, xét đoán đúng sai, vui buồn, tin tưởng, lo sợ, ghét thương và bởi các chuyển động tương tự, những chuyển động này là các nguyên nhân đầu tiên có hiệu quả ... Linh Hồn là một sự thiêng liêng luôn luôn kết hợp với sự thiêng liêng và Trí Thông Tuệ (Nous) và bấy giờ cai quản mọi vật bằng minh triết và hướng dẫn mọi vật đến chân hạnh phúc. Tuy nhiên, sự trái ngược sẽ đến khi Linh Hồn nghe theo Anoia thay vì nghe theo Nous.”

          Theo những lời diễn giải trên đây, cũng như trong những bản văn Phật Giáo, thì sự phi hiện tồn (negative existence) được xem như là sự hiện tồn thực sự.  “Sự Hủy Diệt” được diễn dịch giải thích tương tự như vậy. Trạng thái tích cực là thực thể chính yếu nhưng không phải là sự biểu lộ hoàn toàn của thực thể đó.

          Khi Tinh Thần nhập Niết Bàn, nó mất đời sống khách quan, nhưng giữ lại bản thể chủ quan (subjective being). Thế nên, đối với những kẻ có óc khách quan, Tinh Thần trở thành “hư vô” tuyệt đối; trái lại, đối với những kẻ có óc chủ quan, Tinh Thần chỉ đơn giản trở thành Hư Vô  hay là cái không tự biểu hiện đối với giác quan chúng ta.

          Do đó, Niết Bàn của Phật tử gồm có sự xác thật về sự bất tử cá nhân nơi Tinh Thần, một sự phát tỏa có giới hạn với tính cách hình hài và với tính cách cá tính Thiêng Liêng; nếu không với tính cách Vật Chất Nguyên Thủy, cũng như các Vị Thần khác đều như thế.

          HỎI: Xin bạn vui lòng cho vài thí dụ, bởi vì tôi chưa hiểu hoàn toàn ý của bạn.

          ĐÁP: Chắc chắn là những tư tưởng này rất khó lĩnh hội, nhất là đối với người đã thấm nhuần quan niệm Chính Thống của Giáo Hội Cơ Đốc. Như vậy, tôi xin nói rõ: Bạn không thể thấu hiểu Triết Lý Đông Phương của chúng tôi, nếu chưa nghiên cứu sâu xa những chức vụ khác nhau dành cho “Các Nguyên Khí” của Con Người và các trạng thái của chúng bên kia cửa tử.

CÁC  NGUYÊN  KHÍ  KHÁC  NHAU 
CỦA  CON  NGƯỜI

 

 

          HỎI: Tôi có nghe nói nhiều về sự cấu tạo của “Con Người Bên Trong” như bạn vừa giải thích, nhưng tôi không hiểu rõ chúng như thế nào.

          ĐÁP: Dĩ nhiên, rất khó mà hiểu đúng được cái gọi là các trạng thái khác nhau hay như chúng tôi gọi, “Các Nguyên Khí Thể” của Chơn Ngã thực sự và phân biệt chính xác giữa chúng với nhau. Điều này lại càng khó khăn hơn vì có sự dị biệt lớn khi đếm số Nguyên Khí theo các Môn Phái Đông Phương khác nhau, mặc dầu, cuối cùng sự giáo huấn đều giống nhau.

          HỎI: Có phải bạn muốn nói về Môn Phái Vedantins không? Bạn nói chỗ họ giảm bớt Bảy Nguyên Khí còn Năm chăng?

          ĐÁP: Vâng; nhưng tôi không có ý muốn tranh luận về điểm này với một nhà Bác Học Vedantin. Theo quan điểm của tôi, họ có lý do để làm như vậy. Sự kết hợp Tâm Linh gồm có nhiều khía cạnh Tinh Thần khác nhau được mệnh danh là “Con Người”; vì theo họ, Xác Thân chỉ là Ảo Ảnh không đáng xem xét.

          Như vậy, Phệ Đàn Đà (Vedânta) không phải là một Triết Phái duy nhất đã lý luận như thế. Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử chỉ nêu ra Năm Khí Thể, cũng như người Phệ Đàn Đà (Vedantins), Lão Tử bỏ mất Hai: Tinh Thần (Atma) và Thể Xác Vật Chất mà Ông gọi là Xác Chết (Cadaver). Kế đó, có Môn Phái Taraka Raja Yoga cũng chỉ biết có Ba “Khí Thể.” Tuy nhiên, trong thực tế họ gọi Sthulopadi hay Thể Xác, ở trạng thái ý thức tỉnh, gọi là Sukshmopadhi, cùng một thể trong Svapna hay Trạng Thái Mơ Mộng, và gọi Karanopadhi hay Linh Hồn Thể (Causal Body), tức là những Thể trải qua nhiều lần tái sinh, đều ở Trạng Thái Nhị Thể, và do đó, gồm có Sáu Nguyên Khí. Nếu thêm vào đó Linh Thể (Atma) là Nguyên Khí Thiêng Liêng vô ngã, hay yếu tố bất tử trong Con Người, Khí Thể này không phân biệt với Tinh Thần Vạn Hữu, bạn sẽ có Bảy Nguyên Khí (Muốn hiểu rõ hơn xin xem Giáo Lý Bí Nhiệm quyển I, trang 157). Những người khác có toàn quyền sắp xếp phân chia theo sự phân loại của họ; chúng tôi vẫn giữ sự phân loại của chúng tôi.

          HỎI: Sự sắp xếp này hơi giống với sự sắp xếp của Cơ Đốc Giáo Huyền Bí: Thể Xác, Linh Hồn và Tinh Thần không?

          ĐÁP: Đúng vậy. Người ta có thể dễ dàng cho rằng: Thể Xác là Dẫn Thể của Dĩ Thái Thể, Khí Thể này là Dẫn Thể (hay Hiện Thể ) của Thể Sinh Lực hay Prana; của Cảm Thể (Kama Rupa) hay Sinh Hồn là Dẫn Thể của Thượng Trí và Hạ Trí. Như thế, người ta đặt ra Sáu Khí Thể, còn Tinh Thần đơn nhất và bất tử hợp thành đỉnh chóp của Sáu Khí Thể.

          Về phương diện Huyền Linh Học, bất cứ sự thay đổi nào về tính chất của trạng thái ý thức, đều tạo cho Con Người một sắc thái mới. Nếu sắc thái này kéo dài và trở thành một phần trong toàn thể Chơn Ngã sống động, người ta cần phải có một tên đặc biệt (thực tế người ta đã đặt tên cho nó rồi) để phân biệt Con Người đang ở trong trạng thái đặc biệt đó với Con Người đang ở trạng thái khác.

          HỎI: Chính điều này thật là khó hiểu.

          ĐÁP: Trái lại, điều này rất dễ hiểu, khi quí bạn đã thấu triệt tư tưởng chính yếu sau đây: Dù đang ở Cảnh Giới nào đi nữa, Con Người vẫn hành động chặt chẽ theo điều kiện Trí Tuệ và Tâm Linh. Bởi vì  Chủ Nghĩa Duy Vật hiện tại mạnh đến nỗi chúng tôi càng giải thích càng làm cho người ta tỏ ra ít hiểu biết hơn. Bây giờ, bạn thử phân chia Con Người làm Ba Trạng Thái chính, nếu bạn không xem họ như một con vật đơn thuần, bạn không thể nào có được những Nguyên Khí ít hơn. Bạn hãy xem cái Thể Xác khách quan (objective Body) của họ; kế đó, Nguyên Khí biết suy tư nơi họ, Nguyên Khí này chỉ hơi cao hơn bản năng trong con thú hay Hồn linh hoạt hữu thức mà thôi. Và chính Nguyên Khí biết suy tư đó đã làm cho họ cao hơn và vượt qua loài thú này, nó được gọi cách khác là Linh Hồn Duy Lý (Reasoning Soul) hay Tinh Thần. Như vậy, chúng ta thử chọn Ba Nhóm này hay Ba Thực Thể tiêu biểu, và nếu chúng ta phân chia chúng theo Giáo Lý Huyền Môn, chúng ta sẽ được gì?

          Trước tiên, chúng ta có Tinh Thần (theo nghĩa tuyệt đối và kế tiếp của cái Toàn Thể bất khả phân) hay Atma. Thật ra, người ta không nên gọi nó là Nguyên Khí Con Người; bởi vì, nói theo phương diện Triết Học, người ta không thể định vị trí, cũng không thể giới hạn nó được, bởi vì nó chính là Cái Hiện Hữu của tất cả mọi vĩnh cữu, nó là cái không thể thiếu được ở bất cứ một điểm nhỏ vô cùng nào của Vũ Trụ Vật Chất hay Vật Chất Nguyên Thủy. Theo Khoa Siêu Hình Học, thì đây là Một Điểm trong Không Gian, mà Chơn Thần Con Người và các Dẫn Thể của Con Người chiếm chỗ trong suốt kỳ gian của mỗi kiếp sống. 

          Vả lại, Điểm này dù được xem như là chính Con Người thực tế, cũng chỉ là một ảo ảnh, một Maya mà thôi. Nhưng chúng ta cũng như tất cả các Phàm Ngã khác, là các Thực Thể thực sự trong giai đoạn ảo ảnh mà chúng ta gọi là cuộc sống này; và chúng ta phải quan tâm đến chính chúng ta - ít nhất bằng sự tưởng tượng - nếu không có ai khác làm thay thế cho chúng ta.

          Để giúp cho trí thông minh của Con Người thấu hiểu điều đó dễ dàng hơn, người ta phải nhờ đến Huyền Linh Học. Và để giải quyết ngay từ đầu về cái bí ẩn của Con Người, Huyền Linh Học gọi Nguyên Khí Thứ Bảy này là sự tổng hợp của Nguyên Khí Thứ  Sáu và cho Hiện Thể của nó là Linh Hồn Tâm Linh (Spiritual Soul, Buddhi). Vả lại, Linh Hồn Tâm Linh này chứa một bí nhiệm không được tiết lộ, ngoại trừ các Môn Đệ đã tuyên thệ giữ bí mật, hay những người được sự tin cậy tuyệt đối. Dĩ nhiên, sự lầm lẫn sẽ ít hơn, nếu người ta truyền bá sự bí nhiệm đó, “nhưng việc này có liên quan trực tiếp đến quyền năng phóng xuất Dĩ Thái Thể một cách có ý thức và theo ý muốn.” Như thế, nó được xem như “chiếc vòng của Gyges”,[18] tai hại cho xã hội cũng như cho kẻ nào có được nó, thế nên, bí mật này phải được giữ gìn cẩn thận.

          Nhưng chúng ta hãy trở lại vấn đề “Nguyên Khí.” Linh Hồn Thiêng Liêng hay Tuệ Giác Thể (Buddhi) là Hiện Thể của Tinh Thần. Nếu hai Nguyên Khí này được kết hợp lại thành Một, sẽ thành Vô Ngã và không có thuộc tính nào cả (dĩ nhiên ở trên Cõi Giới này), và chúng hợp thành hai “Nguyên Khí” Tâm Linh.

          Về điều có liên quan đến Linh Hồn Nhân Loại, Manas hay Mens, mọi người đều đồng ý về Nhị Nguyên Tính (Duality) của Trí Thông Minh Nhân Loại. Thí dụ: Một người có trí thông minh, cao thượng không thể trở thành ti tiện được; có một vực thẳm ngăn cách người thông minh và phát triển về Tinh Thần với kẻ đần độn, chậm chạp, còn nhiều thú tính và ham thích của cải vật chất.

          HỎI: Nhưng tại sao không thể tượng trưng Con Người có hai “Nguyên Khí” này hay đúng hơn có hai “Trạng Thái”?

          ĐÁP: Mỗi người đều có hai “Nguyên Khí,” nhưng cái này linh hoạt hơn cái kia. Đôi khi, nhưng rất hiếm, một trong hai “Nguyên Khí” bị hoàn toàn ngưng tăng trưởng hay suy yếu dưới mọi khía cạnh, bởi sức mạnh và sự hướng thượng của trạng thái kia. Đây là trường hợp hai Nguyên Khí hay Trạng Thái của Trí Tuệ, một cao, một thấp. Nguyên Khí cao hay Thượng Trí hay Chơn Ngã hữu thức và biết suy tư, có khuynh hướng tiến về phía Linh Hồn Tâm Linh (Buddhi). Còn Hạ Trí hay là Khí Thể của Bản Năng bị lôi cuốn xuống dưới về phía Cảm Thể (Kama), trung tâm của các sự ham muốn và đam mê trong Con Người. Bởi thế, chúng ta có bốn Nguyên Khí được chứng minh mà ba Nguyên Khí sau cùng là: Thứ nhất là Dĩ Thái Thể [19] mà chúng tôi đồng ý đặt tên là Hồn Biến Dạng (Protean, or Plastic Soul), Dẫn Thể của cái thứ hai là Nguyên Khí của Sự Sống, còn cái thứ ba là Thể Xác. Dĩ nhiên, không một nhà Sinh Lý Học hay Sinh Vật Học nào đồng ý chấp nhận các Nguyên Khí này và họ cũng không tìm ra được nguồn gốc. Thế nên, cho đến ngày nay, không ai hiểu rõ nhiệm vụ của Lá Lách (Spleen) vốn là Hiện Thể của Dĩ Thái Thể hay biến đổi. Cũng như không ai biết nhiệm vụ của một cơ quan nào đó ở phía bên phải của con người là trung tâm của các dục vọng đã nói ở trên. Vì thế, Tùng Quả Tuyến[20] rất xa lạ với các nhà Sinh Lý Học và người ta mô tả nó như một Tuyến Giác Mô có chứa một ít cát ở bên trong. Trong khi, thật sự, Tuyến này là trung tâm của ý thức thượng đẳng và Thiêng Liêng nơi Con Người, và là sự thông tuệ toàn tri và tâm linh bao trùm tất cả. Những điều vừa kể trên, chứng tỏ bảy Nguyên Khí không do chúng tôi tạo ra, cũng không phải là điều mới lạ trong lãnh vực Triết Học như chúng tôi có thể chứng minh dễ dàng.

          HỎI: Theo tín ngưỡng của bạn, điều chi tái sinh?

          ĐÁP: Chính Chơn Ngã tâm linh và biết suy tư, cái Nguyên Khí thường tồn của Con Người, là trung tâm của Trí Tuệ (Manas). Chơn Thần nhị thể (dual Monad) không phải là Atma, cũng không phải là Atma-Buddhi, là con người cá biệt thiêng liêng, mà là Trí Tuệ (Manas). Bởi vì Atman là cái Toàn Thể Đại Đồng (Universal All) chỉ trở thành Thượng Ngã của Con Người khi phối hợp với Buddhi là hiện thể của nó, hiện thể này kết hợp nó với cá tính Thiêng Liêng (Chơn Ngã hay con người thiêng liêng). Bởi vì chính Buddhi-Manas được gọi là Linh Hồn Thể (Causal Body, còn được dịch là Nhân Thể ) - do Nguyên Khí thứ Năm và Sáu kết hợp lại - và là ý thức nối liền nó với Phàm Ngã đang ở tại Hồng Trần. Vậy thì, Linh Hồn chỉ là một danh xưng chung, trong Con Người có ba Linh Hồn: (1) Linh Hồn Trần Tục hay Sinh Hồn (Terrestrial, or Animal Soul); (2) Linh Hồn Con Người (Human Soul); và (3) Linh Hồn Tâm Linh (Spiritual Soul). Nói đúng ra, chỉ là một Linh Hồn duy nhất dưới ba trạng thái. Từ trạng thái thứ nhất, chẳng có chi tồn tại sau khi chết. Từ trạng thái thứ nhì, (Nous hay Manas), chỉ có cái tinh hoa Thiêng Liêng tồn tại nếu Linh Hồn vẫn còn Trong Trắng. Từ trạng thái thứ ba, ngoài tính chất bất tử, còn trở nên thiêng liêng một cách ý thức bằng cách đồng hóa với Thượng Trí (Higher Manas). Để hiểu rõ hơn, chúng ta phải nói đến vấn đề Luân Hồi.

          HỎI: Bạn giải thích rõ như thế, nhưng tại sao Giáo Lý này lại bị phe đối lập chỉ trích nhiều nhất?

          ĐÁP: Có phải bạn muốn nói đến các nhà Giáng Ma Học chăng? Tôi đã biết sự phản kháng vô lý của họ đăng trong Báo Light. Có các nhà Đồng Cốt quá khích, chúng tôi không thể ngăn cản họ được. Mới đây, một người trong nhóm đó tìm được sự mâu thuẫn trong hai câu sau đây, khi ông Sinnett diễn thuyết, và họ làm to chuyện trong Tờ Tập San. Hai câu đó là: “Trong trường hợp có thể xảy ra sự phản hồi quá sớm đời sống Trần Gian do sự phức tạp của Luật Nhân Quả”; và “không có Sự Ngẫu Nhiên trong tác động tối thượng của sự công bình thiêng liêng đang ngự trị Cơ Tiến Hóa.” Một người biết suy nghĩ sâu xa, đương nhiên sẽ trông thấy sự mâu thuẫn về Luật Hấp dẫn trong sự việc một người đưa tay ra ngăn viên đá đang rớt xuống đầu một đứa trẻ!


CHƯƠNG   8

 

 

SỰ  LUÂN  HỒI   HAY  TÁI  SINH

 

 

  ỨC      THEO  GIÁO   
THÔNG  THIÊN  HỌC ?

 

 

          HỎI: Thật ra bạn khó giải thích sự tin tưởng này một cách thỏa đáng. Đến ngày nay, không một nhà Thông Thiên Học nào có thể chứng minh sự Luân Hồi để đánh tan lòng ngờ vực của tôi. Trước tiên, người ta chưa tìm được một người nào có thể nhớ rõ kiếp trước của mình, đó là lý do để chống lại Thuyết Luân Hồi.

          ĐÁP: Luận chứng của bạn dựa trên một lý luận cổ, đó là việc mỗi người trong chúng ta đều không nhớ được các tiền kiếp. Bạn nghĩ rằng điều ấy làm tổn thương Giáo Lý của chúng tôi chăng? Tôi cho rằng không, và trong bất cứ trường hợp nào, sự phản kháng như thế cũng không có tính cách quyết định tối hậu.

          HỎI: Tôi muốn nghe thêm các luận cứ của bạn.

          ĐÁP: Các luận cứ đó không dài và cũng không nhiều, nếu bạn suy xét:

          a)- Các nhà Tâm Lý Học giỏi nhất hiện nay cũng không thể giải thích bản chất của Thể Trí.

          b)- Họ hoàn toàn không hiểu gì về các tiềm lực và các trạng thái cao của Thể Trí. Bạn nên nhìn nhận rằng: Sự bác bỏ mà bạn nêu ra đã căn cứ vào một kết luận tiên khởi rút ra từ các điều hiển nhiên và gián tiếp hơn là một sự kiện nào khác. Nhưng xin bạn cho biết quan niệm của bạn về “ký ức” như thế nào?

          HỎI: Theo định nghĩa thường được chấp nhận nhất, thì đó là khả năng của trí thông minh để ghi nhớ, để giữ lại sự hiểu biết của tư tưởng, của hành động và biến cố đã qua.

          ĐÁP: Bạn nên thêm vào đó là có sự dị biệt rất lớn giữa ba hình thức được chấp nhận của ký ức. Ngoại trừ ký ức tổng quát, còn có:

          1)- Kỷ Niệm (Remembrance).

          2)- Hồi Ức (Recollection).

          3)- Huyền Niệm (Reminiscence).[21]

          Có lúc nào bạn nghĩ về điều đó chăng? Bạn nên nhớ rằng “ký ức” chỉ là một danh từ chỉ sự việc một cách tổng quát.

          HỎI: Nhưng các danh từ này đều đồng nghĩa.

          ĐÁP: Về phương diện Triết Học, thì không hề có. Ký Ức chỉ đơn giản là khả năng bẩm sinh của các Sinh Vật biết suy luận, kể cả Loài Thú, nó tái diễn lại những ấn tượng của quá khứ do sự phối hợp các ý tưởng được khêu gợi bởi sự vật khách quan hay tác động ảnh hưởng đến các bộ phận giác quan của chúng ta. Ký Ức là một khả năng hoàn toàn tùy thuộc vào sự vận chuyển bình thường và lành mạnh nhiều hay ít của khối óc vật chất. Còn Kỷ Niệm và Hồi Ức là các thuộc tính và kẻ phụng sự của Ký Ức này. Nhưng Huyền Niệm thì hoàn toàn khác hẳn. Nhà Tâm Lý Học định nghĩa Huyền Niệm là trung gian giữa Kỷ Niệm và Hồi Ức, hoặc là một phương cách hữu thức, giúp cho ta nhớ lại các biến cố đã qua, nhưng thiếu các chi tiết có liên quan đến vài việc riêng biệt. Đó là đặc điểm của Hồi Ức.

          Bàn về Kỷ Niệm và Hồi Ức, ông Locke nói: “Khi một tư tưởng trở lại trong trí một cách tự nhiên và không bị một mục đích tương tự nào tác động bởi giác quan bên ngoài thì đó là Kỷ Niệm. Nhưng nếu tư tưởng nào đòi hỏi Trí thông minh phải tìm tòi và nó chỉ hiện ra với sự cố gắng cực nhọc thì chính là Hồi Ức.”

          Tuy nhiên, chính ông Locke cũng chưa định nghĩa rõ ràng Huyền Niệm là gì. Thật ra, Huyền Niệm không phải là khả năng và cũng không phải là thuộc tính của ký ức vật chất, mà là một Tri Thức Trực Giác (Intuitional Perception) không dính dáng gì với khối óc xác thịt. Vả lại, Tri Giác này (hoạt động do sự tri thức hằng hữu của Chơn Ngã tâm linh) bao gồm mọi linh ảnh dị thường của Con Người, từ các hình ảnh được khêu gợi bởi Bậc Siêu Tài[22] đến những điều vớ vẩn do cơn sốt tạo ra, ngay cả đến sự điên cuồng nữa - theo Khoa Học thì các hình ảnh này không hiện thực nếu không có sự tưởng tượng của chúng ta. Bởi thế, các nhà Huyền Linh Học cũng như Thông Thiên Học đều nhìn nhận Huyền Niệm hoàn toàn khác hẳn. Ký Ức có tính cách tạm bợ, vật chất, tùy thuộc vào điều kiện sinh lý của khối óc. Đây là một đề xướng căn bản của những giáo sư giảng dạy Khoa Ký Ức được các nhà Tâm Lý Học hiện tại truyền bá bằng các sự sưu tầm. Chúng tôi gọi Huyền Niệm là Ký Ức của Linh Hồn. Chính Ký Ức này ban cho Con Người sự tin tưởng chắc chắn về kiếp sống quá khứ và hiện tại, mặc dù họ hiểu biết điều đó hay không. Thi Sĩ Wordsworth viết:

          “Sự sinh ra của chúng ta chỉ là một giấc ngủ và sự quên lảng,

          Linh Hồn thức dậy trong chúng ta, Ngôi Sao của đời ta,

          Linh Hồn có nơi an nghỉ khác,

          Và từ chốn xa xăm, Linh Hồn đã đến đây.”

          HỎI: Nếu Giáo Lý của bạn chỉ căn cứ vào Loại Ký Ức này do sự thú nhận của bạn, chỉ là Thi Ca và sự tưởng tượng bất thường, tôi e rằng rất ít người chịu tin theo.

          ĐÁP: Tôi đã không “thú nhận” rằng điều đó chỉ là sự tưởng tượng. Tôi đã nói một cách giản dị rằng đa số các nhà Sinh Lý Học và Bác Học xem các Huyền Niệm đó như là những ảo giác và những sự tưởng tượng. Họ có tự do để bám víu vào kết luận hiểu biết nào mà Họ ưng ý nhất. Về phần chúng tôi, chúng tôi không bao giờ phủ nhận những linh ảnh của quá khứ và những khoảnh khắc ngắn về phía sau của mê lộ thời gian là không bất thường; nhất là nếu người ta so sánh chúng với kinh nghiệm của chúng ta về đời sống bình thường hằng ngày với ký ức vật chất. Tuy vậy, chúng tôi đồng ý với Giáo Sư W. Knight rằng “sự vắng mặt của Ký Ức về một hành động nào đó đã được thực hiện trong trạng thái quá khứ không phải là luận cứ để chứng minh Con Người không hề sinh sống trong trạng thái xác định đó.” Bất cứ đối thủ trung thực nào cũng phải nhìn nhận sự hữu lý mà Ông Butler đã nói trong Bài Thuyết Trình của ông về Triết Lý của Plato như sau: “Ý tưởng phi lý về Tiền Sinh Tồn (Pre-Existence) có nguồn gốc bí ẩn trong thành kiến Duy Vật hay Bán Duy Vật của chúng ta.” Hơn nữa, chúng tôi xác nhận rằng Ký Ức chỉ là cái mà Ông Olympiodorus gọi là “sự tưởng tượng,” đó là điều ít chắc chắn nhất nơi chúng ta. Ông Ammonius Saccas tuyên bố rằng Ký Ức là quan năng duy nhất của Con Người, trực tiếp đối lập với khả năng dự đoán hay nhìn thấy trong tương lai. Vả lại, ta cần phải ghi nhớ rằng Ký Ức là một việc, còn Trí thông minh hay tư tưởng là một việc khác. Ký Ức giống như một cái máy để ghi nhận, cho nên bị hư hỏng một cách dễ dàng, còn tư tưởng thì vĩnh cửu, trường tồn. Có thể bạn đã từ chối tin nơi sự hiện tồn của một số sự vật hay nhân vật nào đó bởi vì bạn chưa hề thấy bằng chính mắt của bạn chăng? Sự xác chứng Tập Thể của những thế hệ đã qua, thí dụ của những người đã trông thấy Đại Đế Julius Caesar không đủ để chứng minh rằng Ông đã từng có thật hay sao? Tại sao một xác chứng tương tự do giác quan Tâm Linh của một số người lại không được xem xét đến?

          HỎI: Bạn có nghĩ rằng sự phân biệt đó quá tế nhị khiến cho phần đông Con Người khó có thể chấp nhận chăng?

          ĐÁP: Có lẽ bạn muốn nói đến các nhà Duy Vật? Tôi xin nhắn nhủ với các bạn: Các ông thấy chăng Ký Ức rất yếu kém, ngay cả trong thời gian ngắn ngủi của một kiếp sống, để ghi nhận tất cả các biến cố trong kiếp sống này. Biết bao lần những biến cố quan trọng nhất nằm im trong Ký Ức chúng ta chỉ được đánh thức do một Sự Hội Ý (Association of Ideas) hay do một sợi dây liên lạc nào đó. Đây là trường hợp của những người lớn tuổi, Ký Ức của họ gần như thường xuyên bị suy yếu. Bây giờ, nếu chúng ta chú ý đến các Nguyên Khí vật chất và tinh thần của con người, chúng ta sẽ không ngạc nhiên vì sao Ký Ức không thể ghi nhận nổi kinh nghiệm của kiếp sống đã qua và những kiếp sống trước của Con Người. Trái lại, nếu Ký Ức ghi nhớ được tất cả, thì đó là một điều đáng ngạc nhiên.

 

 

TẠI  SAO  CHÚNG  TA  KHÔNG  NHỚ  ĐƯỢC
CÁC  KIẾP  SỐNG  Đà QUA ?

 

 

          HỎI: Bạn vừa giúp tôi có một cái nhìn tổng quát về bảy Nguyên Khí. Làm thế nào chúng giải thích được sự việc người ta không nhớ được tiền kiếp?

          ĐÁP: Bằng cách rất giản dị. Các “Nguyên Khí” mà chúng ta gọi là vật chất, Khoa Học không hề phủ nhận, mặc dù Khoa Học gọi bằng các tên khác.[23]  Những Nguyên Khí này tự tan rã sau khi chết, cùng lúc với các nguyên tố đã tạo ra chúng, còn Ký Ức biến mất cùng một lượt với Khối Óc. Ký Ức bị tan mất khi một Phàm Ngã không còn, nó không thể nhớ lại và ghi nhận lại được điều chi trong kiếp tái sinh kế tiếp của Chơn Ngã. Sự tái sinh có nghĩa là Chơn Ngã sẽ được ban cấp cho một Thể Xác mới, một Khối Óc mới và một Ký Ức mới. Thật là phi lý nếu chúng ta chờ đợi cái Ký Ức mới nhớ lại những gì mà nó không ghi nhận. Khi ta dùng Kính Hiển Vi quan sát một cái áo sơ mi mà kẻ sát nhân chưa mặc lần nào, để tìm các vết máu dính vào khi xảy ra án mạng, hoặc là, nếu quần áo của kẻ sát nhân đã bị thiêu hủy, bấy giờ ta phải làm thế nào?

          HỎI: Đúng vậy, làm thế nào ta biết chắc Tội Ác đã xảy ra, hoặc “người mặc chiếc áo sơ mi sạch” đã sống ở kiếp trước?

          ĐÁP: Dĩ nhiên sẽ không phải bằng những phương pháp Vật Lý, cũng không dựa vào chứng cớ của điều chi không còn tồn tại nữa. Nhưng nhờ các Định Luật minh triết, chúng ta nhận biết các chứng cớ hiển nhiên gián tiếp qua những hoàn cảnh mà các Bậc Uyên Thâm về Pháp Luật huyền diệu của chúng ta thường áp dụng. Để có sự tin tưởng vững chắc về sự kiện Luân Hồi và các kiếp sống đã qua, chúng ta phải liên lạc với Chơn Ngã thật sự và vĩnh cửu, chớ không phải với Ký Ức tạm bợ.

          HỎI: Nhưng làm cách nào để cho người đời tin tưởng điều mà họ chưa từng trông thấy, hiểu biết và cũng không thể liên lạc được?

          ĐÁP: Nếu người thường và các nhà Thông Thái đã tin tưởng vào Trọng Lực, vào Dĩ Thái, vào Năng Lực, và tất cả những gì trừu tượng cùng các Giả Thuyết có thể chấp nhận của Khoa Học, dù họ không thể sờ mó, ngửi được, trông thấy, nghe hay nếm được, thì tại sao họ không tin tưởng có Chơn Ngã trường tồn, tuy nó cũng là một “Giả Thuyết tạm thời,” nhưng hữu lý và quan trọng hơn bất cứ Giả Thuyết nào khác.

          HỎI: Nhưng cuối cùng, cái Nguyên Khí bí mật và vĩnh cửu này là gì? Bạn có thể giải thích bản chất của nó ra sao cho mọi người hiểu rõ được không?

          ĐÁP: Đó là Chơn Ngã tự Luân Hồi, Bản Ngã cá biệt và bất tử chớ không phải là Phàm Ngã. Tóm lại, đó là Dẫn Thể của Chơn Thần Atma-Buddhic, nó được ban thưởng nơi Thiên Đàng và bị trừng phạt tại Trần Gian. Kết cục, chỉ có điều gì liên quan tới phản ảnh của các Uẩn (Skandhas) hay Thuộc Tính của mỗi kiếp Luân Hồi là bị ràng buộc với Chơn Ngã mà thôi.[24]

          HỎI: Vậy Uẩn là chi?

          ĐÁP: Đó là các Thuộc Tính như tôi vừa nói, trong đó có Ký Ức, và tất cả đều tàn phai như một bông hoa, chỉ còn thoảng lại mùi thơm yếu ớt. Sau đây là một đoạn khác trong quyển “Phật Giáo Đại Cương”[25] của ông Olcott để thảo luận trực tiếp về vấn đề này: “Người cao niên thường nhớ lại các biến cố của thời thanh xuân, dù người đó đã đổi thay về mặt Vật Chất và Tinh Thần. Vậy, vì sao ta không nhớ được những kiếp quá khứ trong đời sống hiện tại? Bởi vì Ký Ức được bao hàm trong các Uẩn, và vì các Uẩn lại thay đổi mỗi lần có một kiếp sống mới, một Ký Ức mới được phát triển và nó là sự ký thác của kiếp sống riêng biệt đó. Tuy nhiên, sự ghi nhận hay phản ảnh của tất cả các kiếp sống trước phải tồn tại, thế nên, khi Thái Tử Siddhartha thành Phật, Ngài biết được một cách liên tục các kiếp trước của Ngài . . . . Người nào đạt được Trạng Thái Minh Triết, có thể Hồi Cố (Retrospectively) để nhìn thấy các kiếp sống trước của họ.”

          Điều này chứng tỏ cho bạn hiểu rằng: Nếu các đức tính bất tử của Phàm Ngã như lòng bác ái, lòng tốt, từ tâm . . . vẫn bám chặt vào Chơn Ngã bất tử và ghi lại nơi đây hình ảnh thường xuyên thuộc trạng thái Thiêng Liêng của Người đã chết, các Uẩn vật chất của họ (những cái đã tạo ra những Nghiệp Quả sâu đậm nhất) thoáng qua nhanh như tia chớp và không để lại ấn tượng nào trong khối óc mới của Phàm Ngã mới. Nhưng dù không lưu lại dấu vết nào, các Uẩn này cũng không mất tính cách đồng nhất với Chơn Ngã Luân Hồi.

          HỎI: Có phải bạn muốn nói rằng: Chỉ có Ký Ức của Linh Hồn là tồn tại, ngoài ra không có cái gì của Phàm Ngã được duy trì cả, Linh Hồn và Chơn Ngã chỉ là một mà thôi, phải không?

          ĐÁP: Không hẳn đúng như thế. Ngoại trừ trường hợp của một người hoàn toàn Duy Vật mà tia sáng Tinh Thần không thể nào xuyên qua Bản Tính của y được. Có một điểm nào đó của mỗi Phàm Ngã phải tồn tại, để lại dấu vết vĩnh cửu trên Bản Ngã thường tồn (permanent Self) hay Chơn Ngã tâm linh (spiritual Ego) đang Luân Hồi.[26] (Xem “Ý thức sau khi chết và trước khi sinh.”)

          Vì các Uẩn của nó mà Phàm Ngã luôn luôn thay đổi theo mỗi kiếp sống mới. Như chúng ta đã trình bày nhiều lần, Phàm Ngã chỉ là vai tuồng do anh kép hát (tức là Chơn Ngã thật sự) đã trình diễn vào một buổi tối mà thôi. Điều này giải thích vì sao chúng ta không giữ được một Kỷ Niệm nào của những kiếp đã qua nơi Cõi Hồng Trần, mặc dù Chơn Ngã thật sự đã sống và hiểu rõ chúng nó.

          HỎI: Như thế thì tại sao Con Người thật (real Man) hay Con Người Tinh Thần không ghi được sự hiểu biết đó vào Phàm Ngã mới của nó?

          ĐÁP: Vì sao một người giúp việc cho một nông trại nghèo nàn lại có thể nói Tiếng Hy Bá Lai (Hebrew) hay kéo vĩ cầm đang lúc Ngồi Đồng hoặc Mộng Du, mà khi trở về trạng thái bình thường, họ lại không làm được như vậy? Bất cứ nhà Tâm Lý Học Phái Cổ nào cũng có thể xác nhận với bạn rằng Chơn Ngã tâm linh chỉ hoạt động khi Phàm Ngã bị tê liệt. Bản Ngã tâm linh của Con Người thì toàn tri và có sẵn ở nơi nó sự hiểu biết bẩm sinh; trong khi đó, Phàm Ngã là một Sinh Vật (The Creature) trong môi trường của nó và là kẻ nô lệ cho Ký Ức vật chất. Nếu Chơn Ngã tâm linh có thể tự biểu hiện mà không bị gián đoạn hay trở ngại, thì con người trên Cõi Trần này sẽ trở thành Tiên Thánh cả.

          HỎI: Tuy nhiên, có một số người nhớ lại tiền kiếp, phải chăng đó là trường hợp ngoại lệ?

          ĐÁP: Thật vậy, có một số người nhớ được kiếp trước, nhưng mà có ai tin tưởng sự tường trình của họ? Các nhà Duy Vật ngày nay gán cho những người nhạy cảm như thế là cuồng trí, là có ảo tưởng hay kẻ bịp bợm, lang băm. Tôi khuyên các nhà Duy Vật nên đọc kỹ các tác phẩm viết về vấn đề đó, đặc biệt nhất là quyển: “Luân Hồi, một sự nghiên cứu Chơn Lý Bị Lảng Quên” (Reincarnation, a study of Forgotten Truth) của ông E.D. Walker, Hội Viên Hội Thông Thiên Học, người ta sẽ tìm thấy trong sách có hàng loạt chứng cớ liên quan đến vấn đề gai góc đó mà Tác Giả đã thu thập được. Nếu bạn nói về Linh Hồn cho một số người biết, họ sẽ hỏi lại bạn: “Linh Hồn là cái chi? Bạn có cách nào chứng minh sự hiện diện của Linh Hồn không?” Thật ra, rất khó tranh luận với các nhà Duy Vật, nhưng tôi xin hỏi lại họ: “Bạn có thể nào nhớ rõ bạn đã suy nghĩ ra sao, làm điều chi, khi bạn được sinh ra lối mười tám tháng hay hai năm đầu chăng? Vậy thì, cùng một nguyên tắc như thế, tại sao bạn không phủ nhận rằng: Bạn đã là một đứa trẻ con?" Ngoài ra, Chơn Ngã tái sinh hay con người thiêng liêng chỉ giữ lại cái tinh hoa của kinh nghiệm tiền kiếp trong thời gian ở Devachan,[27] nghĩa là tinh hoa kinh nghiệm của Phàm Ngã được chuyển hóa vào trạng thái tiềm tàng hay có thể diễn dịch ra bằng công thức Tinh Thần. Hơn nữa, ta cần phải ghi nhớ rằng: Thời gian xảy ra giữa hai kiếp sống từ mười đến mười lăm thế kỷ. Trong thời gian này, Ý Thức vật chất hoàn toàn và tuyệt đối bất động vì lẽ nó không có cơ quan nào để tác động, và do đó, nó không hiện tồn. Như thế, trong Ký Ức thuần vật chất không có một Kỷ Niệm về kiếp sống ở Trần Gian.

          HỎI: Bạn vừa nói rằng: Chơn Ngã tâm linh thì toàn tri. Vậy sự toàn tri này ra sao trong thời gian ở Thiên Đàng?

          ĐÁP: Sự toàn tri này có năng lực tiềm tàng trong thời gian ở Thiên Đàng (Devachan). Trước nhất Chơn Ngã Tâm Linh là một phức hợp của Buddhi và Manas chớ không phải là Thượng Ngã (Higher Self). Thượng Ngã vốn là một với Linh Hồn Vạn Hữu hay Toàn Linh Trí, chỉ có Thượng Ngã mới toàn tri. Kế đó, vì Thiên Đàng (Devachan) là sự nối tiếp lý tưởng hóa đời sống Trần Gian vừa chấm dứt; đây là thời kỳ ban thưởng công minh, sự ban thưởng cho mọi tội lỗi và đau khổ oan ức mà con người đã gánh chịu trong kiếp sống riêng biệt đó. Chơn Ngã Tâm Linh chỉ toàn tri một cách tiềm tàng nơi Devachan, trừ ra trường hợp ở Cõi Niết Bàn, Chơn Ngã Tâm Linh mới thật sự toàn tri, khi Chơn Ngã tự tan hòa vào Linh Hồn Thông Tuệ Vạn Hữu (Universal Mind-Soul).

          Tuy nhiên, Chơn Ngã gần như toàn tri trong những giờ phút của kiếp sống Trần Gian mà một vài cách thay đổi Sinh Lý của Thể Xác có thể giúp nó thoát ra ngoài các trở ngại của vật chất. Thí dụ: Trường hợp những người Mộng Du, một người giúp việc nghèo nàn biết nói Tiếng Hy Bá Lai (Hebrew) và một người khác biết kéo vĩ cầm. Người ta không thể trình bày thật đơn giản sự giải thích của Y Học về các sự kiện vừa kể. Đúng thật, người giúp việc nghèo khổ, cách đây vài năm, có dịp nghe chủ của cô ta là một Vị Mục Sư, đọc Thánh Kinh bằng tiếng Hy Bá Lai, còn người kia đã có dịp nghe một Nhạc Sĩ kéo vĩ cầm tại nông trại. Nhưng hai người này không thể làm được những việc đó một cách hoàn toàn, nếu họ không được khêu gợi bởi Cái Đó (That) vốn toàn tri, vì bản chất của Cái Đó tương đồng với Toàn Linh Trí (Universal Mind).

          Trong trường hợp thứ nhất, Nguyên Khí cao tác động trên các Uẩn, khiến cho chúng linh hoạt; trong trường hợp sau, vì Phàm Ngã bị tê liệt, nên Con Người thiêng liêng tự biểu lộ. Chúng ta không nên lầm lẫn hai sự việc này.

 

 

CON  NGƯỜI  THIÊNG  LIÊNG    PHÀM  NGÃ

 

 

          HỎI: Làm thế nào bạn thiết lập được sự khác nhau giữa Con Người thiêng liêng và Phàm Ngã? Thú thật, tôi chưa biết rõ điều đó.

          ĐÁP: Đó là điều mà tôi đang cố gắng làm. Nhưng than ôi! Làm cho một số người hiểu được sự dị biệt này còn khó hơn là gợi cho họ tôn trọng những điều bất khả, chỉ vì những điều này thuộc về Chính Thống Giáo mà Chính Thống Giáo thì rất là khả kính. Để hiểu rõ hơn sự phân biệt đó, trước tiên, ta phải nghiên cứu tính cách song hành của “Các Nguyên Khí”: Nguyên Khí tâm linh hay Nguyên Khí thuộc Chơn Ngã bất tử; và Nguyên Khí vật chất hay những Nguyên Khí mà thành phần luôn luôn đổi mới, hay là một loạt các Phàm Ngã của Chơn Ngã. Vậy chúng ta hãy gọi chúng bằng những danh từ như sau:

          1)- Atma hay Thượng Ngã (Higher Self), không phải là Tinh Thần của bạn hay của tôi, cũng như ánh sáng Mặt Trời, nó chiếu sáng mọi vật. Đó là Nguyên Khí thiêng liêng lan tràn khắp cả mọi nơi và bất khả phân ly với cái Siêu Tinh Thần (Meta-Spirit) đơn nhất và tuyệt đối, cũng như tia sáng mặt trời không thể tách biệt với ánh sáng Mặt Trời.

          2)- Buddhi hay Linh Hồn Tâm Linh (the Spiritual Soul) chỉ là hiện thể của Atma. Atma-Buddhi được hiểu riêng rẽ hay hợp chung lại, chúng không giúp ích cho thể xác con người, giống như ánh sáng Thái Dương và các tia sáng của nó không giúp ích chi cho một tảng đá bị chôn vùi dưới đất, trừ phi là Nhị Thể Thiêng Liêng (divine Duad) được đồng hóa bởi một ý thức nào đó và phản chiếu nơi ý thức này. Atma và Buddhi không bao giờ có thể bị Karma tác động, vì chính Atma là trạng thái cao nhất của Karma (Nghiệp quả), về một phương diện nào đó, là cái tác nhân linh hoạt riêng của Karma; trong khi đó Tuệ Giác Thể (Buddhi) không có ý thức nơi Cõi Giới của chúng ta. Ý thức này hay trí thông minh là:

          3)- Manas (Thể Trí) là cái dẫn xuất hay là sản phẩm dưới hình thức phản ảnh của Ahamkara, tức là “quan niệm về Bản Ngã” hay “Chơn Ngã Tính” (Ego-Ship). Khi Thể Trí (Manas) liên kết chặt chẽ với hai Nguyên Khí trên thì được gọi là Chơn Ngã Tâm Linh và Trí Tuệ Quang Huy (Spiritual Ego, and Taijasi). Đó là Con Người Thiêng Liêng thực sự hay còn được gọi là Con Người Thiêng Liêng. Trong lúc luân hồi ngay từ nguyên thủy nhập vào hình hài con người, không có trí thông minh nhưng linh hoạt, không hiểu biết, vì không có ý thức, do sự hiện diện của Chơn Thần lưỡng nguyên. Chính Chơn Ngã này tạo ra hình hài bên ngoài của con người thật sự. Chính là Chơn Ngã này, Linh Hồn Thể này ám trợ, phù trì hay là phủ bóng (overshadow) lên mỗi Phàm Ngã mà Nghiệp Quả bắt buộc nó phải Luân Hồi vào. Chính Chơn Ngã này hứng chịu trách nhiệm về tất cả những tội lỗi mà mỗi Xác Thân mới phạm phải, cũng như mỗi Phàm Ngã mới phạm phải. Những lớp vỏ giả tạm này, che giấu Con Người Thiêng Liêng thật sự trải qua những chuỗi dài các kiếp tái sinh.

          HỎI: Nhưng điều đó có công bình không? Tại sao Chơn Ngã phải chịu sự trừng phạt về các hành động mà nó đã quên lãng?

          ĐÁP: Chơn Ngã không bao giờ quên, Nó hay biết những lỗi lầm của Nó và ghi nhớ các lỗi lầm đó rõ như bạn nhớ rõ việc bạn đã làm ngày hôm qua. Bởi vì ký ức thuộc về các yếu tố Vật Lý mà người ta gọi là Thể Xác, không nhớ các hành động của kẻ tiền nhiệm đã làm, bạn cho rằng Chơn Ngã thật sự đã quên rồi hay sao? Như thế chẳng khác gì khi bắt gặp một đứa trẻ hái trộm táo, người ta lại đánh vào đôi giày của nó, sự trừng phạt ấy có đúng hay không, vì đôi giày đâu có biết gì về hành động của đứa bé?

          HỎI: Nhưng giữa ý thức tâm linh và ý thức con người hay ký ức, có phương tiện liên lạc nào không?

          ĐÁP: Dĩ nhiên là có, nhưng các Nhà Tâm Lý Học hiện đại không hề biết được việc này. Như thế, Trực Giác, “Tiếng Nói của Lương Tâm,” các Linh Giác, các Huyền Niệm mơ hồ  . . . . bạn qui định vào cái gì nếu không có những sự liên lạc như thế ? Người ta ước mong rằng đa số những kẻ có học thức, ít nhất có Trực Giác tâm linh như ông Coleridge; trong những bài Bình Luận, ông này đã chứng tỏ có một Trực Giác khá phát triển. Bạn hãy nghe ông nói về “Tất cả những tư tưởng tự chúng đều bất diệt.”

          “Nếu khả năng Trí Tuệ (nhờ đó chúng ta hiểu được những sự “đánh thức” thình lình của Ký Ức) được nhận thức dễ dàng hơn, thì chỉ cần một cơ cấu khác hẳn và thích hợp - một Thể Siêu Trần (The Body Celestial) thay vì Thể Hồng Trần (The Body Terrestrial) - để cho những kinh nghiệm tổng hợp của tất cả các kiếp sống đã qua diễn ra trước mỗi Linh Hồn Con Người.”

          Và cái Thể Siêu Trần đó chính là Chơn Ngã Manas (Manasic Ego) của chúng ta.

 

 

VỀ  SỰ  THƯỞNG    PHẠT  CỦA  CHƠN  NGÃ.

 

 

          HỎI: Bạn nói rằng Chơn Ngã không bao giờ bị trừng phạt sau khi chết, mặc dầu Phàm Ngã mà nó Luân Hồi vào có sống như thế nào đi nữa tại Trần Gian.

          ĐÁP: Không bao giờ, ngoại trừ trường hợp rất hiếm mà chúng tôi không nói ở đây, bởi vì bản chất của sự trừng phạt này không giống chút nào với quan niệm Thần Học của bạn về sự đền tội.

          HỎI: Nhưng nếu Chơn Ngã chịu sự trừng phạt ở kiếp này do lỗi lầm đã phạm phải trong các kiếp trước, thì chính nó cũng phải được tưởng thưởng hoặc tại Trần Gian, hoặc khi nó bỏ Thể Xác.

          ĐÁP: Đúng thế. Sở dĩ chúng tôi không thừa nhận sự trừng phạt nào khác hẳn sự trừng phạt tại Cõi Trần, là vì Chơn Ngã không biết trạng thái nào khác ở bên kia cửa tử hơn là trạng thái thuần túy phúc lạc.

          HỎI: Bạn muốn nói chi?

          ĐÁP: Chỉ giản dị như thế này: Những tội nặng hoặc nhẹ phạm phải trên Cõi Giới khách quan và trong thế giới vật chất, không thể bị trừng phạt trong thế giới thuần chủ quan (world of pure subjectivity). Chúng tôi không tin nơi một Địa Ngục hay Thiên Đàng có tính cách địa phương, không tin nơi ngọn lửa của Hỏa Ngục, không tin có loài sâu bọ không hề chết, hoặc thành Jerusalem có những con đường lót bằng lam ngọc và kim cương. Nhưng chúng tôi tin có trạng thái Hậu Tử (Post Mortem state) hay là một tình trạng tinh thần, giống như tình trạng mà chúng ta trải qua trong một cơn mơ cực kỳ linh hoạt. Chúng tôi tin tưởng vào một Định Luật bất di bất dịch về Lòng Bác Ái, Công Bằng và Từ Bi tuyệt đối. Vì tin tưởng như thế, nên chúng tôi cho rằng, dù tội lỗi và kết quả khủng khiếp do sự vi phạm Luật Nghiệp Quả khởi thủy của các Chơn Ngã hiện đang Luân Hồi[28] có ra sao đi nữa, không một người nào - hay là hình thể bên ngoài bằng vật chất và có định kỳ của Thực Thể Tâm Linh - do lẽ công bằng tuyệt đối, có thể được coi như có trách nhiệm về các hậu quả của việc sinh ra đời của họ. Con Người không cầu xin để được sinh ra và Con Người cũng không thể chọn lựa cha mẹ. Về mọi phương diện, Con Người là nạn nhân của hoàn cảnh của nó. Con Người là đứa bé của những hoàn cảnh mà nó không kiểm soát nổi. Nếu người ta khảo sát một cách vô tư mỗi trường hợp vi phạm, người ta sẽ thấy rằng: Chín phần mười tội lỗi đã phạm đều trái với ý muốn của họ và họ không phải là kẻ phạm tội. Cuộc đời chỉ là một lớp tuồng độc ác, một biển dông tố phải trải qua, một gánh nặng, quá nặng để chịu đựng. Các Triết Gia vĩ đại đã cố gắng thăm dò một cách vô ích để khám phá lý do hiện tồn của Con Người, ngoại trừ những kẻ đã có được chiếc chìa khóa, đã gặp được các Bậc Hiền Triết Đông Phương, còn tất cả đều đã thất bại.

          Như Shakespeare đã nói, cuộc đời:

“. . . . chỉ là một cái bóng lang thang - một kịch sĩ khốn khổ,

Đầy sự trình diễn và hoạt động trên sân khấu,

Trong thời gian một giờ để rồi sau đó rút vào

Mãi mãi trong im lặng. Đó là một bài ngụ ngôn

Do một kẻ ngốc thuật lại, đầy ồn ào, thịnh nộ,

Và không có ý nghĩa gì cả.”

 

          Không có ý nghĩa gì ở trong các phần riêng rẽ của nó, tuy nhiên, có ý nghĩa quan trọng nhất ở trong toàn thể hay các loạt kiếp sống. Trong bất cứ trường hợp nào, nếu nhìn một cách tổng quát, mỗi kiếp sống cá nhân (individual life) hầu như luôn luôn là một sự buồn thảm lớn. Phải chăng số phận của Con Người đã khốn khổ, bất lực, lại còn bị đày ải vĩnh viễn? Dù có hành phạt tạm thời, sau khi bị trôi giạt như khúc củi mục trên những lượn sóng phũ phàng của cuộc đời, phải chăng họ tỏ ra quá yếu đuối trong khi chống trả? Không thể như vậy được! Một người, dù đã phạm tội nặng hay nhẹ, hoặc người ấy tốt hay xấu, có tội hay vô tội, một khi đã được giải thoát khỏi gánh nặng của đời sống vật chất, thì Con Người (Manu) mệt mỏi, kiệt sức, hay “Chơn Ngã biết suy tư” (thinking Ego) được quyền an hưởng một thời kỳ nghỉ ngơi và phúc lạc tuyệt đối. Chính Định Luật này tất nhiên Minh Triết và Công Bằng, nó đã bắt buộc Chơn Ngã Luân Hồi thọ lãnh hình phạt về Nghiệp Quả của mọi tội lỗi phạm phải trong tiền kiếp tại Trần Gian. Và bây giờ, Định Luật này ban thưởng cho Thực Thể khi thoát khỏi xác, một thời kỳ nghỉ ngơi về Tinh Thần và quên hoàn toàn mọi biến cố buồn phiền, dù cho một tư tưởng đau đớn nhỏ nhặt xảy ra vào lúc cuối cùng của Phàm Ngã cũng không còn. Nơi ký ức của Linh Hồn, chỉ có kỷ niệm về lạc phúc và những gì dẫn dắt đến hạnh phúc. Ông Plotinus, muốn diễn tả nhiều hơn những câu ông đã giải thích khi nói rằng Thể Xác của chúng ta thật sự là con sông Mê (river of Lethe)[29] vì các “Linh Hồn đắm chìm vào đó đều quên tất cả.” Nếu tại Cõi Trần, Xác Thân của chúng ta giống như dòng sông Lethe, thì Thể Siêu Trần, nơi Cõi Thiên Đàng cũng giống như thế và có phần hơn nữa.

          HỎI: Vậy tôi hiểu như thế này: Kẻ sát nhân, kẻ vi phạm Luật Thiêng Liêng và của con người đều được thoát khỏi sự trừng phạt sao?

          ĐÁP: Ai nói như thế bao giờ? Giáo Lý và Triết Lý của chúng tôi dạy về sự trừng phạt cũng nghiêm khắc như Giáo Lý của Phái Calvin nhưng có phần Triết Lý hơn và thích hợp hơn với Sự Công Bằng Tuyệt Đối. Không một hành động hay tư tưởng sát nhân nào mà không bị trừng phạt. Tư tưởng độc ác như vậy còn bị trừng phạt nặng hơn là hành động, bởi vì tư tưởng mạnh hơn hành động nhiều mới tạo nên điều ác được.[30] Chúng tôi tin nơi Định Luật Báo Phục tất thắng, được gọi là Luật Nhân Quả tác động do sự ràng buộc tự nhiên của những nguyên nhân và kết quả không tránh được của các nguyên nhân đó.

          HỎI: Những Định Luật này tác động ra sao và ở đâu?

          ĐÁP: Minh Triết trong Phúc Âm có dạy: Mọi người thợ đều xứng đáng được hưởng đồng lương. Minh Triết Nghìn Xưa (Wisdom of the Ages) cũng có ghi: Mọi hành động tốt hoặc xấu ví như một bà mẹ sinh nhiều con. Thử so sánh hai Chân Lý đó bạn sẽ tìm được lý do tại sao. Sau khi đã ban thưởng cho Linh Hồn thoát khỏi bao điều đau khổ của kiếp sống Trần Gian, một sự đền bù thích ứng, hay nói đúng hơn được sự ân thưởng gia tăng gấp trăm lần, thì bấy giờ Karma, với đạo quân Ngũ Uẩn, đang chờ đợi Linh Hồn nơi ngưỡng cửa Thiên Đàng, nơi mà Chơn Ngã ra đi để có một kiếp tái sinh mới. Lúc bấy giờ Chơn Ngã đã hưởng được một thời gian ngơi nghỉ, lại bị dao động do cán cân của sự Báo Phục, đúng là lúc Chơn Ngã bị đặt trở lại dưới quyền lực của Định Luật Nghiệp Quả linh hoạt. Chính trong sự tái sinh đang chờ đợi này - sự tái sinh được chọn lựa và sắp đặt bởi Định Luật Huyền Nhiệm này, tuy khắt khe nhưng không thể nhầm lẫn trong sự Công Bằng và Minh Triết - mà các tội lỗi thuộc tiền kiếp của Chơn Ngã sẽ bị trừng phạt. Tuy nhiên, không bao giờ Chơn Ngã bị ném vào Địa Ngục tưởng tượng đầy lửa với quỷ mọc sừng mọc đuôi, mà Chơn Ngã thật sự bị ném vào Cõi Trần là Cõi Giới của tội lỗi, nơi mà Chơn Ngã phải đền tội về mọi tư tưởng và hành động xấu xa. Chơn Ngã phải gặt những gì nó đã gieo. Sự Luân Hồi sẽ gom lại chung quanh nó tất cả các Chơn Ngã khác mà Phàm Ngã cuối cùng của nó đã làm cho đau khổ một cách trực tiếp hay gián tiếp, cho dù nó không hay biết. Nữ Thần Nemesis sẽ hướng dẫn chúng trên con đường của người mới, che giấu Con Người cũ, Chơn Ngã Vĩnh Cửu và . . . .

          HỎI: Nhưng sự công bằng mà bạn vừa nói đó ở đâu? Vì các Phàm Ngã mới này không hay biết rằng chúng có tội hay chúng đau khổ vì tội lỗi do kẻ khác đã gây ra?

          ĐÁP: Chúng ta có thể nói về một chiếc áo bị đánh cắp, người chủ chiếc áo xé rách nó khi y bắt gặp kẻ trộm đang mặc. Như vậy, chiếc áo đã bị đối xử bất công! Phàm Ngã mới chẳng khác gì chiếc áo mới, với những điểm riêng biệt như: Màu sắc, hình dạng, đặc tính, mặc dầu con người thật sự đang mang nó là kẻ phạm tội ngày xưa. Chính Chơn Ngã chịu đau khổ bởi Phàm Ngã của nó. Điều này giải thích rõ ràng: Cái mà người ta nhận thấy dường như bất công ghê gớm trong sự phân phối số mệnh cho chúng sinh. Bao giờ mà các Triết Gia hiện đại của bạn giải thích vì sao nhiều người vô tội và tốt ở bề ngoài, lại được sinh ra để chịu đau khổ suốt cuộc đời. Vì sao bao nhiêu kẻ khác vô phúc, được sinh ra để chịu đói khổ trong các ngõ hẻm của các thành phố lớn. Tại sao người thì chào đời trong các túp lều lụp xụp, kẻ lại mở mắt chào đời trong Cung Điện nguy nga. Tại sao một cuộc sống cao quý và đầy may mắn lại dường như dành cho kẻ xấu xa nhất, và ít khi dành cho kẻ xứng đáng. Tại sao có những kẻ ăn xin mà Bản Ngã Nội Tâm (Inner Selves) bằng với Bản Ngã của người cao cả, quí phái nhất. Khi nào các Triết Gia và các Nhà Thần Học của bạn có thể giải thích các điều này và nhiều điều khác nữa; chỉ lúc bấy giờ, bạn mới có quyền bài bác Thuyết Luân Hồi. Các nhà Thi Sĩ nổi tiếng nhất thường có cái nhìn một cách mơ hồ về các Chân Lý này. Chính Shelley đã tin nơi Chân Lý đó. Văn Hào Shakespeare cũng đã có suy gẫm về điều đó, khi Ông viết các câu thơ sau đây về sự vô nghĩa của kiếp sống:

          “Tại sao sự ra đời của tôi lại làm giảm mất sự phấn khởi Tinh Thần trong tôi?

          Phải chăng tất cả mọi sinh vật đều không lệ thuộc thời gian?

          Khắp Thế Gian đều có hàng đoàn người ăn xin,

          Những người này, lúc ban sơ đều là Vua Chúa,

          Và hiện giờ, có biết bao vị Vua mà Tổ Tiên của họ

          Là kẻ bần cùng của thời họ.”

          Hãy thay danh từ “Tổ Tiên” (Fathers) bằng danh từ “Chơn Ngã” (Egos), thì bạn sẽ hiểu được Sự Thật.


 

C H Ư Ơ N G    9

 

 

CẢM  DỤC  GIỚI    THIÊN  ĐÀNG

 

 

ĐỊNH  MẠNG  CỦA  “CÁC  NGUYÊN  KHÍ  THẤP”

 

 

          HỎI: Cảm Dục Giới mà bạn vừa nói đến là Cõi chi?

          ĐÁP: Khi Con Người thở hơi cuối cùng, thì luôn luôn ba Nguyên Khí thấp (Khí Thể thấp) tách rời khỏi Y. Đó là Thể Xác, Sinh Khí Thể và Dẫn Thể của Sinh Khí Thể này, nghĩa là Cảm Dục Thể [31] của Người Sống.

          Lúc bấy giờ, bốn Nguyên Khí khác - Nguyên Khí trung gian, Sinh Hồn hay Cảm Thể (The Animal Soul or Kama Rupa) cùng với những gì mà Nguyên Khí trung gian này đồng hóa được từ Hạ Trí và Tam Thể Thượng - đều trú tại Cảm Dục Giới (Kama Loka). Cảm Dục Giới là một vị trí ở Cảnh Giới Cảm Dục (An Astral Locality), tức là Cõi Âm U (Limbus) mà Khoa Thần Học đã dạy ở các trường, hay là Âm Phủ (Hades) mà người xưa hiểu.

          Nói một cách đúng hơn thì Cảm Dục Giới chỉ là một chỗ theo ý nghĩa tương đối. Nó không có bề rộng, không có giới hạn, vì nó chỉ có trong không gian chủ quan (subjective space) nghĩa là vượt ra ngoài sự tri giác của giác quan chúng ta. Tuy nhiên, nó vẫn có, và chính nơi đây các Ma Hình (Astral Eidolons) của tất cả các Thực Thể đã sống, kể cả Loài Thú, đang chờ sự chết lần thứ nhì. Đối với Loài Thú, lần chết này xảy ra vào lúc các Nguyên Tử Thanh Khí (Astral Particles) hoàn toàn tan rã. Đối với Ma Hình Con Người (Human Eidolon), lần chết thứ hai bắt đầu lúc Tam Thể Thượng là Atma-Buddhi-Manas “tự tách rời” khỏi các Nguyên Khí thấp, tức là cái phản ảnh của Phàm Ngã cũ để đi vào trạng thái Thiên Đàng.

          HỎI: Và kế đó ra sao?

          ĐÁP: Vì thiếu Thượng Trí là Nguyên Khí biết suy tưởng để hướng dẫn nó, nên Hạ Trí, hay Trí Khôn Động Vật (Animal Intelligence) không còn tiếp nhận được ánh sáng nữa. Và cũng vì không có khối óc vật chất nữa để có thể làm dụng cụ cho Thượng Trí, lúc bấy giờ Con Ma Cảm Dục (Kama-Rupic Phantom) tự tiêu tan.

          HỎI: Nhưng bằng cách nào?

          ĐÁP: Nó giống như tình trạng của con ếch mà Nhà Giải Phẫu sinh thể đã cắt mất vài bộ phận trong khối óc. Sự suy tưởng không còn nữa, dù trên bình diện thấp nhất của con vật. Chính nó cũng không được gọi là Hạ Trí nữa, vì Hạ Trí không còn là gì cả nếu thiếu mất Thượng Trí.

          HỎI: Có phải cái Phi Thực Thể này tự hiện hình trong các Buổi Lên Đồng không?

          ĐÁP: Chính là Phi Thực Thể này, nhưng đó chỉ là Phi Thực Thể đối với những gì liên quan đến khả năng suy luận hợp lý và suy nghĩ chín chắn, mặc dù bằng chất Thanh Khí hay Lưu Chất, đó chính là một Thực Thể. Và trong nhiều trường hợp được chứng minh, chính Thực Thể này bị hút vào người Đồng Cốt bằng từ điện một cách vô ý thức, tự nó linh hoạt một thời gian và sống nơi người này, có thể nói là bằng sự ủy quyền. Con Ma này hay Cảm Dục Thể, có thể so sánh với con sứa, bên ngoài bằng chất Dĩ Thái nhầy nhụa bao lâu mà nó còn ở trong chất riêng của nó là nước (đối với Con Ma là hào quang riêng biệt của người Đồng Cốt), nhưng ngay khi ra khỏi nước, nó tan rã trong bàn tay hoặc trên cát, nhất là dưới ánh sáng Mặt Trời. Con Ma sống một cuộc sống vay mượn trong hào quang của người Đồng Cốt, nó lý luận và nói năng, hoặc bằng khối óc của người Đồng Cốt, hoặc bằng khối óc của những kẻ dự thính. Nhưng đây là một đề tài lôi cuốn chúng ta đi quá xa, hơn nữa vào trong lãnh vực của kẻ khác, mà tôi không muốn xâm phạm. Chúng ta hãy trở lại Thuyết Luân Hồi.

          HỎI: Về vấn đề này, Chơn Ngã Luân Hồi ở trạng thái Devachan được bao lâu?

          ĐÁP: Người ta dạy chúng tôi rằng: Thời gian này tùy thuộc vào trình độ Tâm Linh cũng như là sự xứng đáng hay không xứng đáng của Kiếp Luân Hồi mới vừa qua. Thời gian trung bình là từ 10 đến 15 thế kỷ như tôi đã trình bày.

          HỎI: Nhưng tại sao Chơn Ngã này không thể tự biểu hiện và liên lạc với Con Người như các Nhà Giáng Ma Học quả quyết? Điều chi ngăn cản một bà mẹ liên lạc với các con sau khi bà lìa Trần, hoặc chồng liên lạc với vợ? Tôi thú thật, đây là một niềm tin tưởng rất đáng khích lệ, và tôi không nghĩ rằng những người tin tưởng như tôi sẽ sẵn sàng chịu bỏ cuộc.

          ĐÁP: Không có điều chi bắt buộc nếu họ thích tìm sự an ủi, trừ phi họ yêu mến Chân Lý hơn sự tưởng tượng. Có thể rằng các Nhà Giáng Ma Học không có thiện cảm đối với Giáo Lý của chúng tôi. Tuy nhiên, những điều chúng tôi tin tưởng và giảng lý, lại không bằng phân nửa sự độc ác, ích kỷ mà họ đã nói ra.

          HỎI: Tôi không hiểu bạn muốn nói chi? Xin bạn nói rõ hơn. Vì sao có sự ích kỷ?

          ĐÁP: Các Nhà Giáng Ma Học trình bày Giáo Lý của họ về sự trở lại của những Linh Hồn, tức là những “Con Người” thật sự (the real “Personalities”) theo như họ nói. Tôi sẽ nói cho bạn biết tại sao. Nếu Devachan - nếu bạn thích thì cứ gọi là “Thiên Đàng” (Paradise), “một nơi phúc lạc tối thượng” - đúng thật là một nơi như thế, hay là một trạng thái (state) như thế, ta có thể lý luận rằng không một sự đau khổ, hay ngay cả một cái bóng của sự đau khổ cũng không thể lọt vào đó. Trong tác phẩm về các điều hứa hẹn, có nói: “Thượng Đế sẽ lau nước mắt” cho tất cả những kẻ ở Thiên Đàng. Như thế, nếu “Linh Hồn của kẻ chết” có khả năng trở lại để nhìn thấy tất cả những gì diễn ra trên Cõi Trần, đặc biệt nhất là trong gia đình họ, thì làm sao họ có thể đạt đến Cõi phúc lạc được?

 

 

TẠI  SAO  CÁC  NHÀ  THÔNG  THIÊN  HỌC  KHÔNG TIN TƯỞNG  SỰ  TRỞ  LẠI  CỦA  NHỮNG  LINH HỒN THUẦN  KHIẾT?

 

 

          HỎI: Bạn muốn nói chi? Tại sao điều đó xâm phạm đến lạc phúc của những Linh Hồn người chết?

          ĐÁP: Điều này rất dễ hiểu, ta hãy lấy một thí dụ. Một bà mẹ qua đời, bỏ lại chồng và các con thân yêu còn nhỏ dại. Chúng tôi có thể nói rằng Linh Hồn (Spirit) hay Chơn Ngã của bà - Con Người Thiêng Liêng (Individuality) sẽ hoàn toàn thấm thuần tình cảm cao thượng nhất trong trọn thời kỳ ở Thiên Đàng mà Phàm Ngã cuối cùng của Chơn Ngã đã duy trì như: Tình thương con, lòng thương xót kẻ đau khổ v.v… - chúng tôi cho rằng lúc bấy giờ Chơn Ngã của bà đã hoàn toàn tách rời “biển nước mắt” này và lạc phúc tương lai cũng bao gồm trong một điều sung sướng là không còn biết đến mọi điều đau khổ mà Chơn Ngã đã để lại Trần Gian. Trái lại, các Nhà Giáng Ma Học đã quả quyết rằng: “Linh Hồn cảm nhận sự đau khổ rất mạnh, mạnh hơn lúc còn sống, vì Linh Hồn thấy rõ hơn là Con Người ở trong Xác Thân.” Về phần chúng tôi, chúng tôi cho rằng, lạc phúc của người ở Thiên Đàng gồm có sự tin tưởng rằng họ không hề rời khỏi Trần Gian và sự chết không có. Ý Thức Tâm Linh sau khi chết của bà mẹ làm cho bà tin tưởng rằng bà vẫn còn chung sống với các con và những người thân yêu, không có một chỗ trống hay một mối liên lạc nào bị thiếu để góp phần vào việc tạo hạnh phúc lúc bà đang ở trạng thái thoát xác, mà bà chỉ thấy đang ở vào trạng thái phúc lạc hoàn toàn và tuyệt đối. Các Nhà Giáng Ma Học phủ nhận hoàn toàn điều đó. Theo Giáo Lý của họ, thì Con Người thật vô phúc, vì mặc dầu từ giã cõi đời, họ cũng không thoát được sự đau khổ của Trần Gian. Họ phải uống cạn chén nước đau khổ đến giọt cuối cùng, vì lẽ họ nhìn thấy tất cả. Thế nên, người vợ yêu quí, lúc còn sống, đã sẵn sàng tránh mọi điều đau khổ cho chồng, dù phải tan nát Tâm Hồn, giờ đây, bà bị bắt buộc thấy rõ niềm thất vọng, buồn phiền của chồng mà bà không sao an ủi, vỗ về được, cũng như giọt lệ sinh ly của chồng khóc vì sự tử biệt của bà. Còn một điều tệ hơn nữa là khi bà nhìn thấy chồng bà ngưng khóc quá nhanh, để vui cười với một người đàn bà khác mà ông sẽ yêu, rồi một người đàn bà khác có thể thay thế bà trong tình thương con; bà bị bắt buộc phải nghe rõ các con bà gọi người ấy bằng “mẹ,” nhưng chúng không được yêu thương, mà đôi khi còn bị hành hạ. Theo Giáo Lý đó, thì sự êm dịu khi bước vào đời sống bất tử trở nên không có sự chuyển tiếp nào và Con Người bị đưa đến một đời sống mới là bị đau khổ Tinh Thần! Tuy nhiên, trong một tờ báo xưa nhất của các Nhà Giáng Ma Học Hoa Kỳ, tờ Banner of Light (Ngọn Cờ Ánh Sáng), lại đăng nhiều bức thơ của “Những người quá cố thân yêu” đã viết cho kẻ còn sống để nói về hạnh phúc của họ. Sự hiểu biết như thế có tương xứng với lạc phúc hay không? Như vậy, lạc phúc chỉ là một lời nguyền rủa nặng nhất, nếu đem so sánh thì sự kết tội bên Chính Thống Giáo còn nhẹ hơn nhiều!

          HỎI: Nhưng lý thuyết của bạn có tránh được điều đó không? Làm sao bạn có thể dung hòa Lý Thuyết về Sự Toàn Tri (Omniscience) của Linh Hồn với sự mù quáng đối với tất cả mọi điều xảy ra tại Thế Gian này?

          ĐÁP: Định Luật Bác Ái và Từ Bi là thế. Trong mỗi thời kỳ ở Thiên Đàng, Chơn Ngã tự nó đã Toàn Tri, và có thể nói nó khoác vào cái phản ảnh của Phàm Ngã thuở trước. Tôi vừa trình bày với bạn cái tinh hoa lý tưởng của tất cả những đức tính trừu tượng, hay những thần đức (thuộc tính) bất tử và vĩnh cửu, mặc dù trừu tượng như bác ái, từ bi, và lòng yêu chân, thiện, mỹ lúc con người còn sống ở Trần Gian. Cái tinh hoa này, sau khi con người chết, dính liền với Chơn Ngã và theo Chơn Ngã vào Devachan. Vậy thì, tạm thời Chơn Ngã trở thành cái phản ảnh lý tưởng của Con Người lần cuối cùng trên Cõi Trần, nhưng Thực Thể này không toàn tri. Bởi vì nếu Thực Thể này được toàn tri, thì nó sẽ không bao giờ ở trạng thái mà chúng ta gọi là Devachan.

          HỎI: Tại sao?

          ĐÁP: Nếu bạn muốn một câu trả lời thích hợp nhất với Triết Lý của chúng tôi, thì đó là câu: Tất Cả đều là Ảo Tưởng (Maya), bên ngoài cái Chân Lý vĩnh cửu, không có hình hài, màu sắc, giới hạn. Những người ở ngoài bức tường ảo giác - như những Bậc được Điểm Đạo và các Thánh Sư - không còn trạng thái Devachan nữa. Còn đối với chúng sinh thường tình, phúc lạc của họ ở Devachan rất đầy đủ. Đó là sự quên lảng tuyệt đối tất cả những gì đã gây cho họ sự đau khổ buồn phiền trong kiếp Luân Hồi vừa qua, ngay cả những sự đau đớn, buồn phiền hiện tại, họ cũng đều quên hết. Trọn thời kỳ trung gian giữa hai kiếp tái sinh, những kẻ ở Devachan được sống với những gì họ từng ao ước, nhưng đã bị thất vọng, họ được chung sống với những người mà họ yêu thương tại Trần Gian. Những ước vọng nồng nhiệt nhất của Linh Hồn đều được tìm lại đầy đủ. Trong nhiều thế kỷ dài, họ sống hoàn toàn trong lạc phúc, đây là thời kỳ mà họ được ban thưởng đền bù lại những đau khổ mà Con Người phải hứng chịu trong kiếp sống Trần Gian. Nói tóm lại, Con Người bị chìm ngập trong biển phúc lạc triền miên; và chỉ bị gián đoạn bởi một sự phúc lạc lớn hơn mà thôi.

          HỎI: Nhưng mà chính điểm đó còn tệ hại hơn một sự lừa dối   đơn thuần, đó là sự sống đầy ảo tưởng và điên cuồng!

          ĐÁP: Có thể như vậy theo quan điểm của bạn, nhưng đó không phải là quan điểm của Triết Học. Vả lại đời sống Trần Tục của chúng ta không đầy dẫy những ảo tưởng như thế à? Bạn há không gặp nhiều người Nam cũng như Nữ đã từng sống nhiều năm trong một Thiên Đàng ảo tưởng như thế ư? Nếu tình cờ bạn được biết một người chồng không chung thủy với vợ, vậy bạn có nỡ tiết lộ sự thật để làm tan nát trái tim và làm tan bao nhiêu mộng đẹp của bà vợ chăng? Tôi không tin bạn làm như vậy. Vì vậy, tôi xin lặp lại, sở dĩ có sự quên lảng hay ảo giác, nếu bạn gọi như thế, chẳng qua chỉ là kết quả của Định Luật Từ Bi của Tạo Hóa và của sự Công Bình Vô Tư. Trong mọi trường hợp, đó là viễn ảnh đầy khích lệ hơn là chiếc đàn bằng vàng có đôi cánh của bên Chính Thống Giáo. Những người này tin rằng “Linh Hồn sống thường bay đến thành Jerusalem ở trên Trời, đi khắp các đường phố, đón chào các Sứ Đồ, ngưỡng mộ các Vị Tử Đạo, thăm viếng các Bậc Tộc Trưởng và Tiên Tri,” mặc dù tất cả các điều đó đều có tính cách tôn kính đối với một số người. Nhưng đây là một trong những ảo giác có tính cách tệ hại nhất, bởi vì nếu tất cả các bà mẹ, như chúng ta biết, đều yêu thương con với một tình mẫu tử bất diệt, thì đời sống của những nhân vật vừa kể trong thành Jerusalem trên Trời, hoàn toàn là giả tưởng. Thà rằng tôi chấp nhận thành “Jerusalem mới” với những đường phố lát đá tương tự như cửa kính của một hiệu kim hoàn, còn hơn là bị bắt buộc tìm sự an ủi trong Giáo Lý độc hại của các Nhà Giáng Ma Học.

          Nếu Linh Hồn thông minh và hữu thức của một ông cha, bà mẹ, hay các con tìm được lạc phúc nơi “Cảnh Giới Trường Hạ” (Summer Land) thì trạng thái này còn ít giả tạo hơn, nhưng thật sự nó cũng khôi hài không kém câu chuyện thành “Jerusalem mới.” Đây là một tư tưởng khiến chúng ta không còn kính nể đối với người thân yêu đã mất. Giả sử một Linh Hồn trong sạch có thể nào có hạnh phúc được chăng khi bị bắt buộc phải nhìn thấy tội lỗi, sự gian trá, nhất là những nỗi đau khổ của những người thân yêu mà không giúp đỡ được vì sự chết chóc làm chia lìa đôi ngả. Thật là một ý tưởng làm kinh hoàng.

          HỎI: Lý luận của bạn khiến tôi phải suy nghĩ, thú thật, về phương diện này tôi chưa từng nghĩ đến.

          ĐÁP: Đúng thế, để tưởng tượng một điều như vậy, ta phải hoàn toàn ích kỷ và rời bỏ cảm tưởng về sự công bằng bù trừ. Thật sự, chúng ta rất gần những người đã mất hình hài vật chất, còn gần hơn lúc họ còn sống. Điều đó không phải chỉ có trong trí tưởng tượng của người ở Tâm Cảnh Devachan, mà còn là sự hiện thực. Bởi vì tình thương trong sạch, thiêng liêng, không những là tinh hoa của trái tim con người, mà nó còn có những gốc rễ ăn sâu vào vĩnh cửu. Tình Thương Tinh Thần và Thánh Thiện vốn bất tử. Sớm hay muộn, Karma cũng dẫn dắt những người thương yêu nhau bằng thứ tình như thế được tái sinh trong cùng một nhóm gia đình. Hơn nữa, mặc dù bạn cho là ảo tưởng, nhưng sau khi chết, Tình Thương có một quyền năng mầu nhiệm và thiêng liêng tác động trên người còn sống. Chơn Ngã của một bà mẹ thương con, thấy các con sống ở gần bà sống một đời hạnh phúc, cũng thật đối với bà như khi bà còn sống tại Cõi Trần. Tại Cõi Trần các con vẫn nhận được tình thương của bà mẹ. Tình thương này sẽ phát lộ trong giấc mơ của các con, cũng như là trong các biến cố khác, trong những sự bảo vệ và những sự phú thác “cho Trời”; vì tình thương là một cái khiên rắn chắc mà thời gian và không gian không giới hạn được. Và điều chi là sự thật của bà mẹ ở Devachan này, cũng là thật như những sự tiếp xúc và những trìu mến khác của Con Người, ngoại trừ những kẻ ích kỷ hay Duy Vật hoàn toàn. Nếu phân tích kỹ lưỡng bạn sẽ thấy rõ.

          HỎI: Có trường hợp nào mà bạn nhìn nhận sự có thể có được mối liên lạc giữa người sống với Hồn người chết không?

          ĐÁP: Có chứ, có đến hai trường hợp ngoại lệ. Trường hợp thứ nhất xảy ra vài ngày sau khi một người chết, trước khi mà Chơn Ngã của người ấy đi vào trạng thái Devachan (Devachanic state). Nhưng sự kiện người sống không cảm thấy một sự lợi ích nào do sự trở lại của Hồn người chết ở Cảnh Giới khách quan thì lại là một điều khác. Điều đó có thể xảy ra trong những trường hợp thật đặc biệt, thí dụ, khi cường độ ước muốn của người mới chết để trở lại Cõi Trần hầu hoàn tất một mục đích nào đó, điều đó bắt buộc ý thức thượng đẳng (higher consciousness) vẫn còn thức tỉnh, lúc ấy, chính Con Người Thiêng Liêng hay Linh Hồn (Spirit) trở về tiếp xúc. Sau khi chết, Linh Hồn ở vào trạng thái tê liệt và rơi một cách mau lẹ vào trạng thái mà chúng ta gọi là “vô ý thức tiền Devachan” (pre-devachanic unconsciousness).

          Ngoại lệ thứ hai là trường hợp các Vị Ứng Thân (Nirmanakayas).

          HỎI: Bạn dùng danh từ này để chỉ những Vị nào?

          ĐÁP: Ứng Thân là từ ngữ dùng để chỉ những Vị mà vì lòng bác ái với Nhân Loại và đàn em mà các Ngài đã bỏ lại ở Cõi Trần, các Ngài đã từ bỏ trạng thái Niết Bàn, mặc dù các Ngài có quyền vào Niết Bàn hưởng chu kỳ nghỉ ngơi. Không phải là Thiên Đàng (Devachan) vì Thiên Đàng chỉ là một ảo giác đối với ý thức chúng ta, một giấc mơ hạnh phúc, vì tất cả những người sẵn sàng vào Niết Bàn phải hoàn toàn mất tất cả các ước muốn về ảo tưởng của Trần Thế, ngay cả việc có thể duy trì một ham muốn như vậy. Một Đức Thầy hay một Vị Thánh, tùy theo tên mà bạn gọi, cho rằng khi mà Nhân Loại còn đang rên siết dưới gánh nặng của sự đau khổ bởi sự vô minh, thì việc an nghỉ hưởng phúc lạc của các Ngài chỉ là một hành động ích kỷ. Thế nên các Ngài từ bỏ Niết Bàn và quyết định ở lại bằng Tinh Thần và vô hình trên Cõi Trần. Các Vị Ứng Thân ( Nirmanakayas ) không có Thể Xác vật chất, vì các Ngài đã bỏ Thể Xác. Trừ ra điều đó, ngay trong đời sống Trung Giới của Bầu Hành Tinh (Cố Thiên Thể) chúng ta, các Ngài giữ lại các Nguyên Khí của các Ngài. Các Ngài có thể giao tiếp một cách có hiệu quả với một vài người được chọn lựa, nhưng chắc chắn không phải với các Người Đồng Cốt thông thường.

          HỎI: Tôi xin hỏi bạn về các Đấng Ứng Thân. Trong một vài quyển sách viết bằng Đức Ngữ và trong một số sách khác nữa thì Vị Ứng Thân, theo Giáo Huấn của Phật Giáo Bắc Tông là sự giáng thế hay mang lấy Thể Xác của Vị Phật.

          ĐÁP: Thật vậy, nhưng các Nhà Đông Phương Học đã tạo ra sự lầm lẫn khi nói về Thể Xác Hồng Trần có tính cách khách quan và vật chất, thay vì hoàn toàn siêu trần và chủ quan.

          HỎI: Các Vị Ứng Thân có thể làm được điều chi hữu ích trên Cõi Trần?

          ĐÁP: Các Ngài không thể giúp chi nhiều cho các cá nhân, vì các Ngài không có quyền xen vào tác động của Nghiệp Quả. Tất cả những gì các Ngài có thể làm là khuyên lơn, giảng dạy chúng sinh và hướng dẫn họ vào đường thiện. Tuy nhiên, các Ngài còn hoàn thành nhiều việc hữu ích hơn là chúng ta tưởng.

          HỎI: Đó là những điều mà Khoa Học và ngay cả Tâm Lý Học hiện đại không bao giờ chấp nhận; đối với Khoa Học và Tâm Lý Học, thì không có một sự thông minh dù nhỏ nhặt nào có thể tồn tại hơn là khối óc vật chất. Bạn trả lời họ như thế nào?

          ĐÁP: Tôi cảm thấy không cần để trả lời họ. Tôi chỉ xin lặp lại những lời sau đây đã chuyển đến ông M.A. Oxon:

          “Sau khi Thể Xác mất đi, sự hiểu biết vẫn còn, mặc dù chỉ có khối óc mới là đáng kể . . .  Vì điều đó thích hợp với sự hiểu biết của chúng tôi, hơn nữa, lại hữu lý nên chúng tôi đặt thành nguyên tắc về sự bất hoại của Linh Hồn Nhân Loại.”[32]

          HỎI: Nhưng Ông M.A. Oxon có phải là Nhà Đồng Cốt không?

          ĐÁP: Đúng vậy, Ông là một Nhà Giáng Ma Học (Spiritualist) thật sự và duy nhất mà tôi biết, mặc dù chúng tôi không đồng ý với ông về nhiều vấn đề phụ thuộc khác. Dù sao, không có Nhà Giáng Ma Học nào đến gần Chân Lý Huyền Linh như ông. Cũng như chúng tôi, Ông luôn luôn nói đến sự “Nguy hại hiển nhiên” đang chờ đợi những kẻ chưa kịp chuẩn bị, lại vội thực hành Khoa Huyền Học, họ vượt qua ngưỡng cửa của Huyền Học mà không suy tính sự nguy hại trong việc thực hành.[33]  Chúng tôi không đồng ý với ông ấy về vấn đề “Sự Đồng Nhất của Linh Hồn.” Ngoài ra, tôi nhìn nhận hầu hết các ý kiến và chấp nhận ba đề nghị mà Ông đính kèm trong bài diễn văn ngắn vào tháng 7- 1884 của ông. Tóm lại, Nhà Giáng Ma Học nổi tiếng này khác với chúng tôi hơn là chúng tôi khác với ông.

          HỎI: Các đề nghị đó như thế nào?

          ĐÁP: Đó là:

          1)- Có một Sự Sống trùng hợp (coincident) với Sự Sống vật chất của Thể Xác, nhưng độc lập với Sự Sống này.

           2)- Sự Sống này kéo dài sau Sự Sống của Thể Xác như là một hậu quả tất nhiên (corollary) cần thiết. (Chúng tôi nói rằng Sự Sống này kéo dài đến hết thời kỳ Devachan).

          3)- Có một sự giao tiếp giữa những cư dân đang ở trạng thái sinh tồn này, với những người đang sống hiện tại trong thế giới của chúng ta.

          Như bạn đã thấy, mọi việc đều tùy thuộc vào các khía cạnh phụ thuộc của ba đề nghị căn bản là Tinh Thần (Spirit) và Linh Hồn (Soul), hoặc là Chơn Ngã (Individuality) và Phàm Ngã (Personality). Các Nhà Giáng Ma Học lầm lẫn hai sự kiện này và nhập làm một, trong khi đó, chúng tôi lại phân tích ra và nói rằng, ngoại trừ những trường hợp kể trên, không một Linh Hồn nào sẽ trở lại viếng Cõi Trần, mặc dù Phàm Ngã hạ đẳng (animal Soul) có thể làm việc đó. Nhưng chúng ta hãy trở lại đề tài trực tiếp của chúng ta là Các Uẩn.

          HỎI: Bây giờ tôi bắt đầu hiểu rõ hơn. Chính là Tinh Thần của Các Uẩn cao cả nhất, kết hợp với Chơn Ngã Luân Hồi, tồn tại và thêm vào với toàn thể các kinh nghiệm thánh thiện.

          Về Các Thuộc Tính (Attributes) liên quan với các khía cạnh vật chất, với các lý do ích kỷ và thuộc Phàm Ngã, chúng biến mất khỏi sân trường hoạt động giữa hai kiếp Luân Hồi để tái hiện vào kiếp Luân Hồi kế tiếp như là kết quả của Nghiệp Báo cần phải tiêu trừ. Đó là lý do khiến Linh Hồn không rời khỏi Devachan. Có phải thế không?

          ĐÁP: Gần đúng như thế. Sẽ đúng với Chơn Lý hơn nếu bạn thêm Định Luật Báo Phục (Law of Retribution) hay Định Luật Nghiệp Quả (Karma), ban thưởng nơi Devachan Các Thuộc Tính cao cả nhất và tâm linh nhất, không bao giờ thiếu sự ban thưởng trên Cõi Trần, tạo cho họ nhiều cơ hội để phát triển hơn và bằng cách cung cấp cho Chơn Nhơn một Thể Xác thích hợp hơn.

 

VÀI   LỜI   VỀ   CÁC   UẨN

 

 

          HỎI: Sau khi Thể Xác chết đi, Các Thuộc Tính thấp của Phàm Ngã (the lower Skandhas of the personality) ra sao? Chúng có hoàn toàn bị phá hủy không?

          ĐÁP: Chúng bị tiêu hủy và cũng không bị tiêu hủy, điều này còn là một bí mật mới mẻ, huyền linh và siêu hình đối với bạn. Với tính cách là cái vốn thiết thực của Phàm Ngã, chúng bị tiêu hủy, nhưng khi là hiệu quả của Nghiệp Báo, chúng vẫn là mầm mống treo trong không khí của Cõi Trần, sẵn sàng sống lại như là ác quỷ báo thù để sáp nhập với Phàm Ngã mới khi Chơn Ngã sẽ Luân Hồi.

          HỎI: Điều đó vượt quá sự hiểu biết của tôi. Quả là khó hiểu.

          ĐÁP: Sẽ không có gì khó hiểu nữa khi bạn đồng hóa với tất cả mọi chi tiết. Lúc ấy bạn sẽ nhận thấy sự hợp lý, sự vững chắc, Triết Lý sâu sắc, Lòng Từ Bi Thiêng Liêng và Sự Công Bằng của nó, Triết Lý về sự Luân Hồi này không có chi sánh bằng ở Cõi Trần này. Đây là đức tin về sự tiến bộ trường cửu bởi sự tiến hoá thăng thượng của bất cứ Chơn Ngã nào, của bất cứ Linh Hồn thiêng liêng nào ở bên ngoài hướng về những gì ở bên trong, từ Vật Chất đến Tinh Thần, để cuối cùng, đến giai đoạn hợp nhất tuyệt đối với Nguyên Lý Thiêng Liêng. Đi từ mãnh lực này đến mãnh lực khác, đi từ sự mỹ lệ và hoàn thiện của một Cảnh Giới, đến sự mỹ lệ và hoàn thiện cao hơn của một Cảnh Giới khác, vượt qua mỗi chu kỳ mới với một sự tăng trưởng và vinh quang, về kiến thức và sức mạnh mới, đó là số mệnh của bất cứ Chơn Ngã nào. Như vậy, Chơn Ngã trở thành kẻ cứu rỗi riêng trong mỗi Thế Giới, cũng như trong mỗi lần tái sinh.

          HỎI: Nhưng chính Cơ Đốc Giáo cũng giảng dạy một Triết Lý về sự tiến bộ như thế.

          ĐÁP: Thật vậy, nhưng Cơ Đốc Giáo thêm vào một điều rằng: Không thể được cứu rỗi mà không nhờ sự giúp đỡ của một Đấng Cứu Thế Huyền Nhiệm. Hơn nữa, Cơ Đốc Giáo còn cho rằng những ai không chấp nhận Giáo Điều này sẽ bị xử phạt trầm luân. Đó là tất cả sự dị biệt giữa Thần Học Cơ Đốc Giáo và Thông Thiên Học.

          Thần Học Cơ Đốc Giáo bắt buộc mọi người phải tin tưởng vào sự giáng xuống của Chơn Ngã Tâm Linh trong Phàm Ngã; Thông Thiên Học giải thích là mỗi người cần phải cố gắng vươn lên đến Christos hay trạng thái Bồ Đề.

          HỎI: Nhưng bạn có tin rằng giảng dạy sự hủy diệt của ý thức trong trường hợp gặp thất bại, chẳng khác nào giảng dạy sự hủy diệt của Chơn Ngã, ít nhất đối với những người chưa hiểu rành Khoa Siêu Hình Học chăng?

          ĐÁP: Lẽ dĩ nhiên, nếu ta đứng trên quan điểm của những người tin tưởng vào sự Phục Sinh của Thể Xác, đối với họ, mỗi khúc xương, mỗi động mạch lớn và mỗi nguyên tử của Xác Thân sẽ sống lại vào Ngày Phán Xét. Nếu bạn cứ nhất quyết tin rằng hình hài khả tử và các khả năng có giới hạn lại tạo được Con Người bất tử, thì chúng ta khó đồng ý với nhau được. Khi giới hạn cuộc sống của mỗi Chơn Ngã vào kiếp sống duy nhất trên Cõi Trần, là bạn biến đổi Thượng Đế Tính thành một Indra luôn luôn say sưa, theo nghĩa đen của Kinh Purana, thì Moloch, một Vị Thần độc ác, đã tạo ra một tình trạng thật rối rắm tại Cõi Trần mà còn đòi hỏi người ta phải tạ ơn hắn. Nếu đó là quan niệm của bạn, thì tốt hơn chúng ta nên dừng lại ở đây.

          HỎI: Chúng ta đã giải quyết xong vấn đề về các Uẩn, vậy chúng ta nên trở lại đề tài về sự tồn tại của ý thức sau khi chết. Đó là một đề tài mà hầu hết mọi người đều lưu ý. Tri Thức của chúng ta tại Devachan có nảy nở hơn lúc chúng ta còn tại Cõi Trần không?

          ĐÁP: Trên một chiều hướng nào đó, con người có thể thu lượm thêm sự hiểu biết, nghĩa là chúng ta có thể phát triển ở một mức độ cao hơn những khả năng mà chúng ta ao ước và chúng ta cố thu đoạt được trong lúc sống, miễn là các khả năng đó liên quan tới điều chi trừu tượng và lý tưởng, thí dụ như Âm Nhạc, Hội Họa, Thi Thơ, v.v. . . ., bởi vì Devachan chỉ là sự tiếp tục lý tưởng hóa và chủ quan hóa cuộc sống Trần Gian.

          HỎI: Theo bạn, khi ở Devachan, Tinh Thần đã thoát khỏi các chướng ngại của Vật Chất, tại sao nó không có được mọi Tri Thức?

          ĐÁP: Vì Chơn Ngã bị trói buộc vào Ký Ức của kiếp Luân Hồi  mới vừa qua như tôi đã trình bày.

          Vậy, nếu bạn suy gẫm về vấn đề mà tôi đã nói, cũng như xem xét phần tổng quát, bạn sẽ bắt buộc nhìn nhận rằng trạng thái Devachan không phải trạng thái toàn tri, mà là sự tiếp tục siêu việt đời sống Phàm Ngã vừa chấm dứt. Đó là thời kỳ an nghỉ của Linh Hồn sau thời gian lao nhọc tại Cõi Trần.

          HỎI: Nhưng các Nhà Khoa Học Duy Vật quả quyết rằng, sau sự chết, không còn cái gì tồn tại, rằng Xác Thân tự phân ra thành những nguyên tố đã cấu tạo nó; và rằng cái được gọi là Linh Hồn chỉ là Ngã Thức tạm thời, mà kết quả hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động của cơ quan, và tự tan ra như hơi nước. Phải chăng đó là một trạng thái Tinh Thần kỳ lạ?

          ĐÁP: Tôi không nhìn nhận như thế. Khi nói rằng Ngã Thức chấm dứt khi Thể Xác tan rã, các Nhà Khoa Học đó đã trở thành những Nhà Tiên Tri vô ý thức, vì khi mà họ tin chắc vào những gì họ quả quyết, cuộc sống hữu thức sau khi chết đối với họ sẽ không còn nữa. Đối với tất cả các Qui Tắc đều có những trường hợp ngoại lệ.

 

 

Ý THỨC  SAU  KHI  CHẾT    TRƯỚC  KHI  SINH

 

 

          HỎI: Nhưng tại sao có những trường hợp ngoại lệ đối với qui tắc cho rằng Ngã Thức Con Người tồn tại sau khi chết?

          ĐÁP: Không có những ngoại lệ cho các Nguyên Khí căn bản của Cảnh Giới Tâm Linh, mà có các qui tắc cho những người thấy và các qui tắc cho những người không muốn thấy.

          HỎI: Tôi đã hiểu. Có phải bạn muốn nói rằng sự sai lầm ở đây cũng tương tự như một người mù, dám cho rằng không có Mặt Trời, chỉ vì y không thấy Mặt Trời. Nhưng sau khi chết, nhãn quan Tâm Linh chắc chắn bắt buộc y phải thấy mặc dù bất đắc dĩ. Phải chăng bạn muốn nói như thế ?

          ĐÁP: Không có điều chi bắt buộc y thấy, và người đó cũng sẽ không thấy gì hết. Chỉ vì cố chấp phủ nhận sự nối tiếp của đời sống sau khi chết, người đó sẽ không có khả năng có được Tri Thức về việc đó sau khi chết: Các khả năng Tâm Linh của người ấy bị suy nhược trong kiếp sống Hồng Trần, không thể tự phát triển được nữa, coi như người ấy bị mù.

          Khi bạn nhấn mạnh rằng y phải trông thấy, hiển nhiên là bạn nói về một sự việc, còn tôi nói về sự việc khác. Bạn nói Tinh Thần phát xuất từ Tinh Thần, lửa phát ra ngọn lửa - nói tóm lại từ Atma - mà bạn lầm với Manas, Linh Hồn Con Người . . . . Bạn không hiểu được tôi, tôi sẽ cố gắng nói rõ hơn. Có phải bạn muốn hỏi một người Duy Vật thái quá, sau khi chết, người ấy mất hoàn toàn Ngã Thức và Tri Giác của Bãn Ngã phải chăng? Tôi xin đáp: Có thể xảy ra điều đó. Giáo Lý Nội Môn có dạy: Thời Kỳ Hậu Tử hay khoảng cách giữa hai kiếp sống hay hai kiếp tái sinh, chỉ là một trạng thái tạm thời, tôi nói rằng:  Khoảng cách Hậu Tử giữa hai màn của vở kịch ảo huyền là đời sống - có thể kéo dài một năm hay một triệu năm - có thể thích ứng với trạng thái của một người bất tỉnh mà không vi phạm Định Luật căn bản.

          HỎI: Nhưng có thể như vậy được sao? Bạn vừa nói những Định Luật căn bản của trạng thái Hậu Tử không chấp nhận trường hợp ngoại lệ kia mà?

          ĐÁP: Tôi xin lặp lại là không có điều chi ngoại lệ trong sự kiện tôi vừa nói cả. Đây chỉ là Định Luật Tâm Linh của sự liên tục, chỉ áp dụng vào những gì là Chân Lý thật sự, mà những người đã đọc và hiểu Kinh Mundakya Upanishad và Kinh Vedanta Sara đều biết. Tôi xin nói thêm: Cần hiểu Buddhi và Nhị Nguyên Tính của Manas (The Duality of Manas) để tạo nên sự nhận thức rõ ràng lý do tại sao sự tồn tại của Ngã Thức sau khi chết có thể không có nơi Người Duy Vật. Manas, ở trạng thái thấp, là trung tâm của sự thông minh ở Cõi Trần, thế nên, nó không thể cung cấp một quan niệm nào khác về Vũ Trụ hơn sự nhận thức mà nó dựa vào các dữ kiện riêng của Thể Trí này. Hạ Trí không thể cung cấp Thị Kiến Tâm Linh được. Học Phái Đông Phương cho rằng không có sự dị biệt giữa Buddhi và Manas (Ego) hay giữa Iswara và Pragna hoặc là sự dị biệt giữa một cánh rừng với các cây trong rừng, giữa hồ nước với nước trong hồ, như Kinh Mundakya đã dạy. Một cánh rừng vẫn là một cánh rừng dù có một cây hay một trăm cây bị bứng đi.[34]

          HỎI: Theo tôi hiểu về sự tương đồng thì Buddhi tượng trưng cho cánh rừng, còn Manas - Taijasi (Trí Tuệ Quang Huy) tượng trưng cho cây. Như thế, nếu Buddhi bất tử, thì tại sao cái tương đồng với Buddhi, nghĩa là Manas - Taijasi lại hoàn toàn mất ý thức cho đến ngày tái sinh mới? Điều đó làm cho tôi không hiểu được.[35]

          ĐÁP: Bạn không hiểu được vì bạn lầm lẫn sự tượng trưng trừu tượng cho Cái Toàn Thể với sự thay đổi tùy cơ hội của hình thể mà Cái Toàn Thể này phải chịu. Bạn nên nhớ rằng người ta có thể nói Buddhi - Manas hưởng được sự bất tử vô điều kiện, nhưng người ta không thể nói Hạ Trí cũng như vậy và Taijasi lại càng không thể được, vì Taijasi chỉ là một Thuộc Tính mà thôi. Manas cũng như Taijasi không thể hiện tồn nếu tách rời khỏi Buddhi, Linh Hồn Thiêng Liêng, bởi vì Manas ở trạng thái thấp là một Thuộc Tính của Phàm Ngã Hồng Trần, còn Taijasi thì tương đồng với Manas, bởi vì chính nó là Manas phản chiếu ánh sáng của Buddhi. Cũng thế, Buddhi cũng sẽ không phải là Tinh Thần Con Người nữa, nếu không có cái yếu tố mà nó vay mượn ở Linh Hồn Con Người, chính Linh Hồn này giới hạn nó tạo cho nó cái bề ngoài phân cách với Linh Hồn Vạn Hữu ở trong Vũ Trụ ảo tưởng này trong suốt cả chu kỳ Luân Hồi. Vậy Buddhi - Manas không thể chết, cũng không thể mất Ngã Thức phức tạp của nó trong Vĩnh Cửu, cũng giống như thế, kỷ niệm của những kiếp Luân Hồi trước, trong đó, Linh Hồn Tâm Linh và Linh Hồn Nhân Loại đã ràng buộc chặt chẽ với nhau. Trong trường hợp của Người Duy Vật thì lại khác, nơi người này Linh Hồn Nhân Loại không tiếp nhận điều chi của Linh Hồn Thiêng Liêng, mà còn từ chối sự hiện tồn của Linh Hồn Thiêng Liêng. Lý luận này không thể áp dụng cho các Thuộc Tính hay tính chất của Linh Hồn Nhân Loại. Bởi vì Linh Hồn Thiêng Liêng của bạn vốn bất tử, còn sự mịn màng của đôi má của bạn, giống như là Taijasi, chỉ là một hiện tượng tạm thời mà thôi.

          HỎI: Như thế, có phải ta không nên lầm lẫn trong tư tưởng, giữa thực tượng với hiện tượng, giữa nguyên nhân với hiệu quả không?

          ĐÁP: Chính thế, tôi xin lặp lại: Sự huy hoàng của Taijasi bị giới hạn chặt chẽ vào Manas hay vào Linh Hồn Nhân Loại, chỉ là vấn đề thời gian. Bởi vì, về những gì liên quan đến Phàm Ngã Hồng Trần của con người, chỉ đơn giản là những thuộc tính có điều kiện. Sự bất tử và ý thức sau khi chết hoàn toàn tùy thuộc vào các điều kiện và vào sự tin tưởng mà chính Linh Hồn Con Người đã tạo ra lúc còn sống trong Xác Thân. Karma tác động không ngừng, chúng ta chỉ gặt hái ở Bên Kia Cửa Tử những Quả mà chính chúng ta đã gieo trong kiếp sống Hồng Trần.

          HỎI: Nhưng mà sau khi chết đi, Chơn Ngã đắm chìm vào trạng thái vô thức hoàn toàn, tại sao các tội lỗi của kiếp sống đã qua có thể bị trừng phạt được?

          ĐÁP: Giáo Lý của chúng tôi dạy rằng: Sự trừng phạt của Nghiệp Quả chỉ tác động vào Chơn Ngã trong Kiếp Luân Hồi sắp tới. Sau khi chết, Chơn Ngã chỉ nhận sự ban thưởng do các điều đau khổ oan uổng mà Chơn Ngã phải chịu trong Kiếp Luân Hồi vừa qua.[36] Ngay chính trong trường hợp của người Duy Vật, sự trừng phạt là sự thiếu hoàn toàn tất cả những sự bù trừ, và mất hoàn toàn ý thức về sự phúc lạc và sự an nghỉ. Nghiệp Quả là con đẻ của Chơn Ngã Hồng Trần, là kết quả các hành động của Chơn Ngã, của cái cây Phàm Ngã khách quan hữu hình đối với tất cả, cũng như là kết quả của tất cả tư tưởng và ngay cả của tất cả các nguyên động lực của Chơn Ngã. Nhưng Nghiệp Quả (Karma) cũng đồng thời là Bà Mẹ Hiền chữa lành những vết thương gây ra bởi bàn tay của Bà trong Một Kiếp Trước, trước khi Bà lại bắt đầu làm khổ Chơn Ngã với các vết thương mới. Người ta có thể nói chắc chắn không có sự đau khổ tinh thần hay vật chất nào trong đời sống của con người mà không là kết quả trực tiếp và hậu quả của một tội lỗi nào đó đã phạm phải trong Một Kiếp Trước. Nhưng, trong Kiếp Hiện Tại, con người không còn giữ một kỷ niệm nào về những lỗi lầm trước kia, con người nghĩ rằng y không xứng đáng phải chịu sự trừng phạt và y tưởng là có quyền được nghỉ ngơi, an hưởng phúc lạc ở Đời Sống Bên Kia Cửa Tử. Đối với Chơn Ngã của chúng ta, sự chết luôn luôn đến như là một sự giải thoát và là một người bạn thân thiết. Đối với Người Duy Vật không xấu xa, khoảng cách giữa hai kiếp sống sẽ như một giấc ngủ không gián đoạn và yên tĩnh của một đứa trẻ không mộng mị, hoặc có những bức tranh mà người ấy không nhận thức được rõ ràng. Trong khi đó, đối với người bình thường, thì khoảng cách đó sẽ là một giấc mơ, cũng thật như đời sống của y, đầy ảo tưởng và phúc lạc thật sự.

          HỎI: Vậy thì, Phàm Ngã luôn luôn đã và đang hứng chịu đau khổ một cách mù quáng những hình phạt của Nghiệp Quả mà Chơn Ngã đã tự lôi cuốn chăng?

          ĐÁP: Không phải lúc nào cũng hứng chịu một cách mù quáng. Trong giờ phút nghiêm trọng trước lúc chết, dù là trường hợp bất đắc kỳ tử, mỗi người đều nhìn thấy tất cả đời sống đã qua của mình diễn ra trước mắt với các chi tiết tỉ mỉ. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, Phàm Ngã hợp nhất với Chơn Ngã và được Toàn Tri. Nhưng khoảnh khắc đó đủ cho họ thấy tất cả mối dây liên lạc của các nguyên nhân đã tác động trong cuộc sống của họ. Họ tự nhìn thấy và hiểu được mình như thế nào mà không bị nịnh bợ hay lừa gạt bởi các ảo tưởng riêng của họ. Họ nhìn thấy cuộc đời của họ như khán giả ngắm nhìn sân khấu trước khi ra về, họ cảm nhận và biết được sự công bằng của tất cả những đau khổ mà họ đã hứng chịu.

          HỎI: Và việc này xảy đến cho tất cả mọi người phải không?

          ĐÁP: Tất cả mọi người chẳng trừ một ai. Những người cao thượng, đạo đức, như người ta đã dạy chúng tôi, chẳng những thấy lại kiếp sống vừa qua, mà còn thấy được nhiều kiếp sống trước đã tạo ra nguyên do ảnh hưởng đến kiếp hiện tại. Họ nhận ra Định Luật Nhân Quả với tất cả sự oai vệ, công bằng.

          HỎI: Trước lúc tái sinh có giống như vậy không?

          ĐÁP: Có. Cũng như lúc lâm chung, con người có một cái nhìn hồi cố (retrospective insight) về kiếp sống của mình, Chơn Ngã, khi vừa thức tỉnh từ trạng thái Devachan vào lúc tái sinh trên Cõi Trần, nhìn thấy một cách tổng quát cuộc sống đang chờ đợi mình và nhận biết tất cả các nguyên do sẽ đẩy đưa mình dần dần đến đó. Chơn Ngã nhìn thấy tương lai, bởi vì khi ở giữa trạng thái Devachan và sự tái sinh, Chơn Ngã lấy lại đầy đủ ý thức trí tuệ, để rồi tạm thời trở thành Vị Thần mà chính Chơn Ngã (hay Vị Thần) trước đây giáng xuống lần đầu trong Vật Chất theo Định Luật Nhân Quả và Luân Hồi trong con người đầu tiên bằng Thể Xác. “Sợi chỉ vàng” (The golden thread) nhìn thấy “các viên ngọc” của nó không sót một viên nào.

 

 

Ý  NGHĨA  THẬT  SỰ  CỦA  TỪ  NGỮ  HỦY  DIỆT

 

 

          HỎI: Các Nhà Thông Thiên Học muốn nói gì về Sợi Chỉ Vàng mà các kiếp sống của họ bị xỏ xâu vào?

          ĐÁP: Kinh sách Ấn Độ Giáo dạy rằng: Sutratma chịu Sự Luân Hồi từng định kỳ, theo sát nghĩa, Sutratma chính là “Chuỗi Linh Hồn” (Thread Soul) đồng nghĩa với Chơn Ngã tái sinh - Manas hợp với Buddhi - Chơn Ngã này thu góp các hồi ức của các kiếp sống trước. Sở dĩ gọi như thế là vì một chuỗi dài các kiếp sống của con người được xỏ xâu vào Linh Hồn này như các hòn ngọc được xâu vào cùng một sợi chỉ duy nhất. Trong một số Kinh sách Upanishad có so sánh sự tái sinh kế tiếp của chúng ta như là một kiếp sống hữu tử duy nhất mà trong đó sự ngủ và thức luân phiên nhau có định kỳ.

          HỎI: Điều này đối với tôi dường như không rõ ràng và tôi xin nói lý do tại sao. Đúng như bạn nói, một ngày mới bắt đầu, con người thức tỉnh sau một giấc ngủ, nhưng con người này, về Thể Xác cũng như Linh Hồn không có chi thay đổi. Trái lại, vào mỗi kiếp tái sinh, đều có sự thay đổi toàn vẹn, từ cái vẻ bên ngoài, từ phái Nam, Nữ và Phàm Ngã cho đến các khả năng trí tuệ và tâm linh. Sự so sánh đối với tôi không có chi xác thật. Con người vừa thức tỉnh sau giấc ngủ, còn nhớ rõ điều chi họ đã làm ngày hôm qua, hôm kia, chí đến những tháng năm trước, có thể họ cũng nhớ. Nhưng không một người nào trong chúng ta nhớ rõ ràng kiếp trước của mình, hoặc một biến cố có liên quan đến nó . . . Có thể là vào buổi sáng, tôi đã quên mất giấc mộng đêm qua, nhưng tôi nhớ rõ tôi đã ngủ và chắc chắn có sống trong giấc ngủ đó. Nhưng tôi không thể nào nhớ lại kiếp luân hồi quá khứ của tôi. Như vậy làm sao bạn có thể giải quyết các điều nghịch lý đó được?

          ĐÁP: Có một số người nhớ lại những kiếp quá khứ của họ ngay trong kiếp sống hiện tại, nhưng đây là trường hợp các Vị Phật và các Vị được Điểm Đạo. Các Nhà Yogi gọi hình thức của ký ức này là Samma - Sambuddha hay là sự hiểu biết về một loạt các tiền kiếp.

          HỎI: Nhưng chúng ta vốn là những Phàm Nhơn chưa đạt được trạng thái Samma-Sambuddha, làm sao chúng ta có thể hiểu được sự dẫn chứng này?

          ĐÁP: Bạn có thể tìm hiểu những nét chính yếu bằng cách nghiên cứu ba loại giấc ngủ. Giấc ngủ là một định luật vừa tổng quát vừa bất di dịch (general and immutable law) đối với con người và con thú, nhưng có nhiều loại giấc ngủ khác nhau và có những mộng mị cùng ảo ảnh còn khác hơn nữa.

          HỎI: Điều mà bạn vừa nói đưa chúng ta đến một đề tài khác. Chúng ta hãy trở lại trường hợp những Người Duy Vật. Mặc dầu Người Duy Vật không phủ nhận những giấc mơ, nhưng họ lại phủ nhận sự bất tử và sự tồn tại của Con Người Thiêng Liêng (Chơn Ngã).

          ĐÁP: Tuy không nhận biết điều đó, nhưng người theo Thuyết Duy Vật hẳn có lý do. Nếu một người không có được sự nhận thức bên trong về sự bất tử của Linh Hồn, cũng như không có một sự tin tưởng nào cả, thì không bao giờ họ đạt được trạng thái Trí Tuệ Quang Huy (Buddhi - Taijasi) mà chỉ ở trạng thái Manas Đơn Thuần và đối với Manas thì sự bất tử của Linh Hồn là chuyện không thể có. Muốn có một đời sống có ý thức sau khi chết, trước tiên, ta phải tin tưởng có sự sống còn ngay trong kiếp sống hiện tại ở Trần Thế. Tất cả Triết Lý về sự hữu thức hậu tử (hay sự hiểu biết của Linh Hồn sau khi chết) và sự bất tử của Linh Hồn đều được xây dựng trên hai câu sau đây của Khoa Học Huyền Bí (Secret Science):

          Chơn Ngã luôn luôn được đối xử tùy theo công trạng của nó. Sau khi Xác Thân tan rã, Chơn Ngã sẽ bắt đầu một thời kỳ hiểu biết hoàn toàn, hay một trạng thái mộng mị hỗn độn, hay một giấc ngủ mê không mộng mị giống như sự hủy diệt. Đó là ba loại giấc ngủ. Nếu các Nhà Sinh Lý Học nhìn thấy nguyên nhân của mộng mị và ảo ảnh trong sự chuẩn bị vô ý thức xảy ra trong lúc thức, thì tại sao họ không chấp nhận dùng một sự khả hữu đối với các giấc mộng sau khi chết? Tôi xin lặp lại điều này: Sự chết chỉ là một giấc ngủ lớn.

          Sau khi chết, chương trình mà chúng ta đã học hỏi và soạn ra, sẽ diễn ra trước cặp mắt Tâm Linh của Linh Hồn. Đó là việc thực hiện những điều tin tưởng đúng hay các ảo ảnh mà chúng ta đã tạo ra. Người Methodist vẫn là người Methodist,[37] người theo Hồi Giáo vẫn là tín đồ Hồi Giáo, ít ra cũng trong một thời gian, và mỗi người sống trong một Thiên Đàng tưởng tượng mà chính họ đã mơ tưởng và tạo nên. Đây là những trái mà chúng ta hái được của cái cây của sự sống sau khi lìa Trần.

          Không cần nói rằng sự thật về sự hiện hữu của sự việc này, chính nó không thể bị ảnh hưởng bởi sự tin tưởng của chúng ta hay sự thiếu tin tưởng của chúng ta vào sự hiểu biết bất tử. Nhưng hiển nhiên là: Dù tin tưởng hay không tin tưởng vào sự bất tử này, như là sở hữu của các thực thể riêng rẽ hay độc lập, cũng không thể thiếu cơ hội tạo cho sự việc này một sắc thái đặc biệt, khi áp dụng vào một trong các thực thể đó một cách riêng biệt. Bây giờ, bạn bắt đầu hiểu rồi chứ?

          HỎI: Tôi có thể hiểu. Người Duy Vật không hề tin tưởng vào những gì mà năm giác quan không kiểm soát được. Dựa vào lý luận Khoa Học họ bác bỏ tất cả những sự biểu hiện Tâm Linh, chỉ chấp nhận sự sống hiện tại như là cuộc sống có ý thức. Người ấy sẽ như thế nào tùy theo sự tin tưởng của y. Y sẽ mất Phàm Ngã và sẽ đắm chìm trong một giấc ngủ không mộng mị cho đến khi tỉnh lại. Có phải như thế chăng?

          ĐÁP: Gần đúng như thế. Bạn nên nhớ rõ Giáo Huấn thực hành và phổ cập về hai loại đời sống có ý thức: Một loại thuộc về Hồng Trần, còn một loại thuộc về Tâm Linh. Cuộc sống Tâm Linh phải được xem như là thật, bởi sự kiện duy nhất rằng cuộc sống đó thuộc về Chơn Thần vĩnh cửu, bất tử, và thường hằng; trong khi Chơn Ngã Luân Hồi chỉ khoác vào bộ y phục mới, khác hẳn bộ y phục của kiếp quá khứ, trong mỗi kiếp Luân Hồi, ngoại trừ Nguyên Hình Tâm Linh (Spiritual Prototype) tất cả đều được thay đổi tận gốc rễ.

          HỎI: Bản Ngã có ý thức và thuộc Hồng Trần của tôi tại sao có thể bị tiêu tan mất, không những trong một thời gian như là ý thức của Người Duy Vật, mà còn hoàn toàn không lưu lại một dấu vết nào cả?

          ĐÁP: Theo Giáo Lý của chúng tôi thì tất cả phải bị tiêu tan hết, ngoại trừ Nguyên Khí có liên kết với Chơn Thần, sẽ trở thành Một Tinh Túy Thuần Tâm Linh và trở nên vĩnh cữu, không thể bị hủy diệt. Nhưng đây là trường hợp của một người hoàn toàn Duy Vật mà Phàm Ngã của y không bao giờ là phản ảnh cho Bồ Đề, thì làm sao Bồ Đề có thể mang vào vĩnh cửu chỉ một mảnh nhỏ của Phàm Ngã Hồng Trần? Bản Ngã Tâm Linh của bạn vốn bất tử, nhưng nó chỉ có thể mang vào trong vĩnh cửu Cái Ngã hiện tại của bạn, khi Cái Ngã này xứng đáng trở nên bất tử, nghĩa là hương vị duy nhất của cái hoa mà sự chết đã hái đi.

          HỎI: Còn cái hoa hay Cái Ngã Phàm Trần thì sao?

          ĐÁP: Đóa hoa cũng giống như tất cả các hoa khác của quá khứ và tương lai đã nở và sẽ nở trên cành mẹ, sợi Sutratma, tất cả các con đều từ một gốc, Buddhi, sẽ trở về cát bụi.

          Như chính bạn biết, Bản Ngã hiện tại của bạn không phải là Thể Xác đang ngồi trước mặt tôi trong lúc này, cũng không phải là Manas - Sutratma, mà là Sutratma - Buddhi.

          HỎI: Nhưng điều đó không giải thích được tại sao bạn cho rằng: Sự Sống Bên Kia Cửa Tử vốn trường tồn, bất diệt, vô hạn và  hiện thực, còn đời sống Trần Gian là bóng ma, ảo ảnh. Theo tôi nghĩ, đời sống sau khi chết có giới hạn của nó mặc dầu những giới hạn này rộng nhiều hơn so với giới hạn của đời sống Hồng Trần.

          ĐÁP: Chắc chắn là thế. Chơn Ngã Tâm Linh của con người hoạt động trong vĩnh cửu, giống như quả lắc của chiếc đồng hồ qua lại giữa sự sinh và sự tử. Nếu giờ phút ghi thời gian của kiếp sống Trần Gian và kiếp sống Tâm Linh được hạn định, và nếu các giai đoạn này trải qua trong vĩnh cửu giữa lúc ngủ và lúc thức, giữa ảo ảnh và thực tế, có khởi đầu và chấm dứt, thì người hành hương Tâm Linh vẫn luôn luôn tồn tại. Như thế, theo quan điểm của chúng tôi, thực tại duy nhất trong thời kỳ hành hương là “chu kỳ các kiếp tái sinh,” đó chính là giờ của đời sống sau khi chết, lúc mà con người đối diện với Chân Lý, chớ không đối diện với ảo ảnh của kiếp sống Hồng Trần tạm bợ. Mặc cho các giới hạn của chúng, những khoảng cách này không ngăn được Chơn Ngã tiếp tục con đường hoàn thiện mặc dù chậm chạp, không lệch lạc bên nào, để đến mục tiêu cuối cùng là Chơn Ngã trở nên Một Thực Thể Thiêng Liêng. Các khoảng cách và các giai đoạn này thay vì ngăn trở Chơn Ngã, lại giúp Chơn Ngã đạt đến kết quả cuối cùng, và nếu không có những giai đoạn giới hạn này, Chơn Ngã thiêng liêng không bao giờ đi đến mục đích tối hậu. Tôi đã gợi ý một hình ảnh quen thuộc khi so sánh Chơn Ngã, hay Con Người Thiêng Liêng, với Một Diễn Viên và vô số kiếp Luân Hồi của Chơn Ngã, giống như các vai trò do Diễn Viên này đóng. Bạn có nghĩ rằng: Các vai trò hay các y phục của Diễn Viên là chính Diễn Viên hay không? Trong chu kỳ cần thiết kéo dài đến ngưỡng cửa Đại Niết Bàn (Paranirvana), Chơn Ngã cũng giống như Anh Kép Hát bị bắt buộc đóng nhiều vai trò mà có lẽ y không ưa thích. Giống như con ong gom góp mật từ hoa này đến hoa khác và để lại phần thừa cho loài trùng đất, Chơn Ngã Tâm Linh của chúng ta, dù chúng ta gọi nó là Ego hay Sutratma, thu góp từ mỗi Phàm Ngã Hồng Trần mà trong đó Karma bắt buộc nó Luân Hồi, cái hương nhụy duy nhất của các Đức Tính và của sự hiểu biết Tâm Linh, kết hợp lại thành một toàn thể và chui ra khỏi cái kén của nó như một Vị Dhyan Chohan (Thiền Định Đế Quân). Các Phàm Ngã Hồng Trần bị bỏ rơi khi Chơn Ngã không có gì để gặt hái. Các Phàm Ngã này chắc chắn sẽ không tồn tại một cách có ý thức với kiếp sống Hồng Trần của chúng.

          HỎI: Dường như rằng đối với Phàm Ngã Hồng Trần, sự bất tử luôn luôn có điều kiện. Vậy thì, tính bất tử, chính nó phải chăng vô điều kiện?

          ĐÁP: Không phải thế. Nhưng tính bất tử không thể chạm đến cái không hiện tồn, bởi vì, đối với cái gì hiện tồn như là Sat hoặc xuất phát từ Sat, thì sự bất tử và sự vĩnh cửu là tuyệt đối. Vật chất là cực đối nghịch với tinh thần, song cả hai chỉ là một. Và tinh hoa của tất cả - nghĩa là Tinh Thần, Mãnh Lực và Vật Chất hay cả ba hợp thành một - thì vô thủy vô chung. Nhưng hình thức mà cái Đơn Vị Tam Phân này khoác vào trong các kiếp Luân Hồi, hay trạng thái bên ngoài của nó, chỉ là ảo tưởng của quan niệm cá nhân chúng ta. Thế nên, chúng tôi gọi Niết Bàn và Sự Sống Đại Đồng mới là thật, còn Sự Sống Hồng Trần, gồm các Phàm Ngã Hồng Trần và ngay cả Sự Sống ở Devachan đều là ảo ảnh.

          HỎI: Nhưng tại sao trong trường hợp này, bạn lại gọi giấc ngủ là thực tại và trạng thái thức tỉnh là ảo tưởng?

          ĐÁP: Đây chỉ là một sự so sánh có mục đích làm cho vấn đề trở thành dễ hiểu, và theo quan điểm Hồng Trần của chúng ta, điều này rất đúng.

          HỎI: Nếu kiếp sống vị lai được căn cứ trên sự công bằng hay sự ban thưởng xứng đáng để bù lại những đau khổ ở Trần Gian, thì tôi không hiểu tại sao trong số những Người Duy Vật, có nhiều người thật sự ngay thẳng, nhân từ, mà Phàm Ngã của họ lại không còn chi cả hay chỉ là một đóa hoa úa tàn?

          ĐÁP: Tôi không hề nói như thế. Dù cho họ thiếu đức tin, không một Người Duy Vật nào mà Chơn Ngã Tâm Linh của họ bị đắm chìm mãi mãi.

          Điều tôi nói là ý thức của Người Duy Vật có thể biến mất hoàn toàn hay chỉ một phần nào, vì vậy ý thức thuộc Phàm Ngã của họ không thể tồn tại.

          HỎI: Nhưng thật sự chính đó là sự hủy diệt phải không?

          ĐÁP: Chắc chắn không phải thế. Trong một cuộc hành trình dài bằng tàu hỏa, ta có thể ngủ ngon đến nỗi xe vượt qua nhiều trạm dọc đường mà không hay biết, cho đến khi thức giấc ở một trạm xa hơn, để rồi tiếp tục cuộc hành trình cho đến nơi. Tôi đã trình bày với bạn ba loại giấc ngủ: Giấc ngủ không mộng mị, giấc ngủ có nhiều mộng mị lẫn lộn và giấc ngủ mà mộng mị trở thành thực tế đối với người nằm ngủ. Nếu bạn tin tưởng loại giấc ngủ sau cùng, tại sao bạn không tin tưởng loại giấc ngủ thứ nhất? Đời sống Bên Kia Cửa Tử sẽ rập khuôn theo những gì con người đã tin tưởng và đã tự biểu lộ lúc còn sinh tiền. Kẻ nào không tin có đời sống vị lai, sẽ rơi vào khoảng trống không tuyệt đối (absolute blank) giữa hai kiếp tái sinh, khoảng trống này giống như là sự hủy diệt. Những điều chúng tôi vừa nói đến sẽ được tạo ra theo một chương trình đặc biệt do chính người Duy Vật đã tự ý sắp đặt. Tuy nhiên, như bạn đã nói, có nhiều hạng Người Duy Vật. Kẻ hung bạo, ích kỷ, phi nhân bao giờ cũng khóc cho chính họ mà thôi. Còn kẻ nào, ngoài sự thiếu đức tin, nếu họ lại thêm lạnh nhạt hoàn toàn với Thế Gian, họ sẽ mất trọn vẹn Phàm Ngã khi lìa Trần. Có thể nói là Phàm Ngã này chẳng có sợi dây liên lạc tình cảm nào với người chung quanh, như vậy, Phàm Ngã sẽ không bị ràng buộc vào Kim-Quang-Tuyến; vì thế, sự liên lạc giữa Phàm Ngã và Sutratma sẽ đứt đoạn, lúc Kẻ Duy Vật thở hơi cuối cùng. Vì chẳng có một Thiên Đàng nào cho Người Duy Vật như vậy, nên sợi Sutratma tái sinh ngay. Mặt khác, những Người Duy Vật mà lỗi lầm duy nhất là không tin tưởng vào kiếp sống vị lai sẽ ngủ mê man, như vậy, họ chỉ mất một trạm mà thôi. Một thời gian sau đó, Người Cựu Duy Vật đó sẽ nhận biết rằng chính y cũng tồn tại trong Vĩnh Cửu, lúc bấy giờ có lẽ y hối tiếc vì đã làm trễ mất một ngày hay một giai đoạn của đời sống vĩnh cửu.

          HỎI: Có phải đúng hơn khi nói rằng: Sự chết chỉ là bắt đầu sống một đời sống mới hay trở về với vĩnh cửu?

          ĐÁP: Bạn muốn trình bày như thế cũng được. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng: Có những sự tái sinh khác nhau, có những kẻ mới sinh đã chết, họ là sự thất bại của Tạo Hóa. Vả lại, những ý tưởng cố định được chấp nhận ở Tây Phương về Đời Sống Vật Chất, thì dị biệt cho đến nỗi họ từ khước những danh từ “sống động” (living) và “hiện tồn” (being) ở trạng thái thuần túy chủ quan của Đời Sống Hậu Tử. Ngoài ra, có vài Triết Gia mà rất ít người chịu đọc tác phẩm của họ, các Triết Gia này không có một quan niệm đủ rõ ràng để trình bày một cách phân minh những đề tài được đem ra thảo luận. Người Tây Phương thường quan niệm về sự sống và sự chết quá hẹp hòi nên tạo ra Thuyết Duy Vật quá thô kệch và còn Duy Vật hơn khi đời sống vị lai được diễn tả trong “Cảnh Giới Trường Hạ” của các Nhà Giáng Ma Học. Trong Thế Giới này, Hồn người chết cũng ăn uống, cưới hỏi, và sinh sống với nhau nơi Thiên Đàng cũng đầy nhục dục giống như Thiên Đàng của Mohamet, nhưng kém Triết Lý hơn.

          Các quan niệm thông thường của người Cơ Đốc Giáo không được giáo huấn cũng Duy Vật không kém. Cõi Trời Cơ Đốc Giáo với các Thiên Thần có xác thân, có đàn, kèn trống, cũng như Địa Ngục với ngọn lửa Vật Chất, giống như một hoạt cảnh Thần Tiên ở Hí Viện vào Lễ Giáng Sinh.

          Chính vì những quan niệm hẹp hòi đó mà sự hiểu biết của bạn gặp nhiều trở ngại. Và chính vì đời sống của Linh Hồn đã thoát xác, thoát khỏi sự ràng buộc bởi các hình thức khách quan của đời sống Trần Gian; con người có cơ hội tiếp xúc với những sự thật hiển nhiên, như trong những giấc mộng rõ ràng; mà các Triết Gia Đông Phương đã ví là những ảo ảnh của giấc ngủ.

 

 

 

CÁC  DANH  TỪ    GIỚI  HẠN  ĐỂ  DIỄN  TẢ  SỰ  VẬT    GIỚI  HẠN

 

 

          HỎI: Bạn có nghĩ đến sự lầm lẫn quan trọng của chúng ta về các quan năng liên hệ của “Những Nguyên Khí” do việc chúng ta thiếu danh từ cố định và có giới hạn để định nghĩa “Mỗi Nguyên Khí” trong con người chăng?

          ĐÁP: Tôi đã có nghĩ đến điều này. Mọi sự lầm lẫn lúc ban đầu do việc chúng tôi dùng những danh từ Bắc Phạn trong các bài diễn văn, hay thảo luận về “Các Nguyên Khí” (Principles) thay vì tạo ra những ngữ vựng bằng Anh Ngữ tương đương cho các Nhà Thông Thiên Học dùng. Bây giờ, chúng ta phải cố gắng cứu vãn lại.

          HỎI: Bạn cần cố gắng vì điều đó sẽ giúp bạn tránh được một sự lầm lộn còn lớn hơn nữa. Tôi thấy dường như không có hai Tác Giả Thông Thiên Học đồng ý với nhau để gọi một “Nguyên Khí” cùng một tên.

          ĐÁP: Thật ra, sự lầm lẫn chỉ có bên ngoài mà thôi. Tôi đã nghe một số Nhà Thông Thiên Học tỏ vẻ ngạc nhiên, và họ đã chỉ trích những từ ngữ nói về “Các Nguyên Khí” này. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại, người ta chỉ thấy lỗi lầm ở chỗ Tác Giả đã dùng từ ngữ “Linh Hồn” (Soul) để chỉ Ba Nguyên Khí mà không xác định đặc tính riêng biệt của chúng. Người đầu tiên và là một Văn Sĩ Thông Thiên Học rõ ràng nhất của chúng tôi, Ông Sinnett, có viết mấy trang đáng thán phục và rất dễ hiểu về cái “Thượng Ngã” (Higher Self).[38] Ý tưởng của Ông rõ ràng đã bị một số người diễn dịch sai lầm do từ ngữ “Linh Hồn” mà Ông dùng theo nghĩa tổng quát. Đây là một vài đoạn chứng tỏ Ông Sinnett đã diễn tả và dẫn khởi rõ ràng về đề tài:

          “. . . Linh Hồn Con Người từ khi bị ném trên con sông Tiến Hóa với tư cách là Con Người Thiêng Liêng,[39]  Linh Hồn trải qua nhiều thời kỳ luân phiên của đời sống vật chất và đời sống ít nhiều Tâm Linh. Linh Hồn Nhân Loại đi từ Cõi Giới hay Lớp (Plane) hay trạng thái của Thiên Nhiên (condition of Nature) đến một Cõi khác dưới sự hướng dẫn của những ái lực Nhân Quả (Karmic affinities) của Nó. Nó sống, và chịu Luân Hồi, kiếp sống mà Karma đã sắp đặt cho Nó. Linh Hồn biến đổi các tiến bộ của Nó trong những giới hạn của nhiều trường hợp và tạo ra một Karma mới do việc dùng đúng hay lạm dụng những cơ hội Nhân Quả mang lại cho nó. Linh Hồn quay về Đời Sống Tâm Linh ở Thiên Đàng (Devachan) sau mỗi kiếp sống Hồng Trần, trải qua vùng trung gian Cảm Dục Giới để hưởng ở nơi đây một sự an nghỉ và sự mát dịu. Linh Hồn thu hút dần dần trong tinh hoa của Nó kinh nghiệm đã gặt hái được trong kiếp sống Hồng Trần. Việc giải thích vấn đề gợi ra một số kết luận phụ cho những ai muốn suy gẫm: Thí dụ sự chuyển tiếp ý thức từ Cảm Dục Giới, qua giai đoạn Devachan phải tuần tự tiến hành từ từ.[40] Trên thực tế, không có sự phân chia rõ rệt giữa các trạng thái Tâm Linh khác nhau. Như các quan năng Tâm Linh của người sống đã chứng minh, thì Cõi Giới Tâm Linh và Vật Chất không tuyệt đối tách rời cái này với cái kia như Lý Thuyết của Phái Duy Vật đề xướng. Ngoài ra, các trạng thái của Thiên Nhiên bao bọc chúng ta cùng một lúc và liên quan đến những khả năng tri giác khác nhau; . . . Hiển nhiên là những người bẩm sinh có khả năng Linh Thông, trong cuộc sống Hồng Trần vẫn có các tiếp xúc với những Cảnh Giới Ý Thức Siêu Trần. Và mặc dù đa số con người không có khả năng đó, tất cả chúng ta có thể nhập vào trạng thái ý thức không liên quan đến ngũ quan như là trong giấc ngủ và nhất là các hiện tượng Mộng Du, Thôi Miên. Chúng ta - Linh Hồn nơi chúng ta - không bị lôi cuốn trôi giạt trên Đại Dương của Vật Chất. Chúng ta vẫn còn nhớ rõ vài quyền lợi đã ràng buộc mình vào bến bờ mà chúng ta đã tạm xa cách một thời gian. Diễn trình của sự Luân Hồi chưa được xác định hoàn toàn khi chúng ta mô tả Nó dưới một kiếp sống luân phiên giữa hai Cảnh Giới Vật Chất và Tinh Thần, và khi Linh Hồn được định nghĩa như một Thực Thể Thông Linh hoàn toàn đi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Định nghĩa chính xác nhất của diễn trình Luân Hồi như là sự tự xuất hiện trên Cõi Vật Chất bởi một luồng sinh khí phát xuất từ Linh Hồn. Vậy Vương Quốc Tâm Linh vẫn mãi mãi là nơi trú ngụ của Linh Hồn, cái mảnh mai của Linh Hồn không thể Vật Chất Hóa và vẫn trú ngụ vĩnh viễn trên Cõi Tinh Thần được gọi là Thượng Ngã.”

          “Thượng Ngã” này là Atma, dĩ nhiên không thể “Bị Vật Chất Hóa” cũng như Ông Sinnett đã nói. Hơn thế, nó không thể trở thành “Khách Quan” trong bất cứ trường hợp nào, ngay cả đối với sự nhận thức Tâm Linh cao nhất. Vì Atman hay Thượng Ngã thật sự là Brahma, Cái Tuyệt Đối và không phân biệt với cái gì nữa. Trong trạng thái Đại Định, ý thức Tâm Linh cao nhất của Người Đạo Đồ hoàn toàn bị thu hút vào Đơn Nhất là Atman, thế nên, không thể có điều chi khách quan hơn Nó. Nhưng có một số Nhà Thông Thiên Học đã quen dùng từ ngữ “Ngã” và “Chơn Ngã” (Self and Ego) như là đồng nghĩa với nhau và chỉ dùng từ ngữ “Ngã” (Self) mà thôi để chỉ Cái Ngã thiêng liêng cao cả của con người, hay cả đến danh từ “Ngã” hay “Phàm Ngã” (Personal Self or Ego). Chúng ta không bao giờ nên dùng danh từ đó, trừ phi là cho Cái Ngã Đơn Nhất và Đại Đồng. Đó là sự lầm lẫn. Khi người ta nói về Thể Trí (Manas), tức là Linh Hồn Thể (Causal Body), khi có việc kết hợp của nó với sự huy hoàng của Tuệ Giác Thể (Buddhi), người ta có thể gọi nó là Thượng Ngã (Higher Ego) chớ không bao giờ gọi là Linh Thể (Higher Self). Vì ngay cả Buddhi, “Linh Hồn Tâm Linh” (Spiritual Soul) không phải là Cái Ngã (The Self) mà chỉ là Dẫn Thể (hay Hiện Thể) của Cái Ngã. Không nên nói hay viết về những “Cái Ngã” khác, như là Individual Self và Personal Self, mà không ghi nhớ cùng lúc các tính chất và đặc điểm của chúng.

          Như thế, trong việc nghiên cứu về “Thượng Ngã,” danh xưng này chỉ dùng cho Nguyên Khí Thứ Sáu hay Buddhi (dĩ nhiên là có liên kết với Manas, vì nếu không có sự kết hợp này thì không thể có Nguyên Khí hay yếu tố suy tưởng trong Linh Hồn Tâm Linh) và điều này đã gây ra nhiều lầm lẫn. Có sự xác định rằng: Chỉ đến khi được bảy tuổi, đứa trẻ mới có được Nguyên Khí Thứ Sáu hay Buddhi, hay mới trở nên người có trách nhiệm Tinh Thần Đạo Đức có khả năng tạo ra Nghiệp Quả (Karma), điều đó chứng tỏ ý nghĩa phù hợp với danh từ “Thượng Ngã” (Higher Self). Kế đó, Tác Giả tài ba này đã hoàn toàn có lý khi giải thích rằng lúc “Thượng Ngã” xâm nhập vào Thể Xác con người và thấm nhuần đầy đủ cái Phàm Ngã của ý thức - trường hợp này chỉ xảy ra trong các cơ quan rất tinh tế - những người bẩm sinh có khả năng Linh Thông có thể thật sự nhận thấy “Thượng Ngã” này, thỉnh thoảng nhờ sự tế nhị của các giác quan của họ. Nhưng có những người giới hạn phạm vi của danh từ “Thượng Ngã” cho Nguyên Khí Thiêng Liêng Đại Đồng, “cũng có lý” khi họ hiểu sai ý của Tác Giả. Như thế, khi chúng ta đọc câu sau đây: “Trong lúc tự biểu hiện nơi Cảnh Giới Vật Chất . . . “Thượng Ngã” vẫn còn là một Chơn Ngã Tâm Linh hữu thức trên Cảnh Giới tương ứng của Thiên Nhiên.” Vì chúng ta chưa được chuẩn bị về sự thay đổi các danh từ Siêu Hình Học,[41] chúng ta có khuynh hướng xem “Cái Thượng Ngã” trong câu này như là Atma, và Chơn Ngã Tâm Linh, như là Manas hay đúng hơn là Buddhi-Manas, điều này làm cho chúng ta biết rằng: Chúng ta chỉ trích cái Toàn Thể là không đúng.

          Từ nay, để tránh sự nhầm lẫn như thế, chúng ta thay thế các danh từ Huyền Bí Đông Phương bằng các danh từ Anh Ngữ tương đương để dùng trong tương lai.

          -Thượng Ngã (The Higher Self) là Atma, tia sáng bất khả phân ly của Cái Ngã Đơn Nhất và Đại Đồng. Đó là Thượng Đế ở trên hơn là ở trong ta. Hữu phúc thay cho người nào thành công để thấm nhuần Cái Ngã Bên Trong của mình!

          - Chơn Ngã Tâm Linh và Thiêng Liêng (The Spiritual Divine Ego) là Linh Hồn Tâm Linh hay Buddhi, phối hợp mật thiết với Manas, Khí Thể Trí Tuệ, nếu không có Manas, Buddhi chẳng phải là Chơn Ngã mà chỉ là Dẫn Thể của Atma (Atmic Vehicle).

          - Chơn Ngã Nội Tâm hay Thượng Đẳng (Inner, or, Higher Ego) là Manas, Nguyên Khí Thứ Năm, được gọi cách biệt với Buddhi. Nguyên Khí Trí Tuệ này chỉ trở thành Chơn Ngã Tâm Linh khi hợp làm một với Buddhi. Không một Người Duy Vật nào có được một Chơn Ngã như thế, dù họ có trí thông minh đến đâu cũng vậy. Đó là Con Người Thiêng Liêng Vĩnh Cửu hay là Chơn Ngã Luân Hồi.

          - Phàm Ngã (The Lower, or, Personal Ego) là Con Người Vật Chất phối hợp Phàm Ngã, nghĩa là các bản năng thú tính, dục vọng, ham muốn . . . Người ta gọi nó là “Phàm Ngã Lầm Lạc” (False Personality). Nó gồm có Hạ Trí (Lower Manas) kết hợp với Cảm Dục Thể (Kama-Rupa) và hoạt động nhờ xác thân vật chất và bóng ma của nó hay Dĩ Thái Thể (Double).

           “Nguyên Khí” còn lại, “Prana” hay “Sinh Khí Thể” (Life), nói theo sát nghĩa là mãnh lực phóng quang hay Năng Lượng của Atma (Energy of Atma). Với tư cách là Sự Sống Đại Đồng và Cái Ngã Đơn Nhất, trạng thái thấp nhất của Nó, hay đúng hơn (theo các hậu quả của Nó) là Vật Chất vì đó là trạng thái tự biểu lộ. Prana hay Sinh Khí Thể thấm nhập vào toàn thể Vũ Trụ khách quan và được gọi là “Nguyên Khí,” chỉ vì đó là một Tác Nhân Tối Cần của con người.

          HỎI: Bảng Liệt Kê này dường như đối với tôi đơn giản nhất và có giá trị hơn là cái trước.

          ĐÁP: Nếu Bảng Liệt Kê này được những người thường cũng như các Nhà Thông Thiên Học chấp nhận, vấn đề chắc chắn sẽ trở nên dễ hiểu hơn nhiều.


C H Ư Ơ N G     10

 

 

BẢN  CHẤT  CỦA  NGUYÊN  KHÍ  SUY    CỦA CHÚNG  TA

 

 

  NHIỆM  CỦA  CHƠN  NGÃ

 

 

          HỎI: Trong một đoạn của quyển “Phật Giáo Cương Yếu” (Buddhist Catechism) có một đoạn mâu thuẫn mà tôi muốn bạn giải thích: Trong đoạn ấy, người ta nói rằng Các Uẩn (Skandhas) ở đây được hiểu là Ký Ức, thay đổi theo mỗi kiếp Luân Hồi mới. Tuy nhiên, người ta quả quyết rằng chính cái phản ảnh của những kiếp sống đã qua “phải tồn tại.” Và đây là điều mà tôi không hiểu và muốn được bạn giải thích: Cái gì được tồn tại? Có phải “cái phản ảnh này?” Có phải Các Uẩn hoặc luôn luôn là Manas của cùng Chơn Ngã?

          ĐÁP: Tôi vừa giải thích với bạn rằng: Nguyên Khí Luân Hồi hay cái được gọi là Con Người Thiêng Liêng thì không thể bị hủy hoại trong suốt kỳ gian của chu trình sống. Nó không thể bị hư hoại không những với tư cách là Thực Thể Thông Linh biết suy tư, mà còn với tư cách Dĩ Thái Hình. “Cái phản ảnh” chỉ là kỷ niệm được Tinh Thần Hóa (Spiritualised Remembrance) trong thời gian ở Devachan của Phàm Ngã cũ - Ông A hay Bà B - Chơn Ngã tự đồng hóa với Phàm Ngã cũ đó trong suốt thời gian này. Vì thời gian ở Devachan chỉ là sự kế tiếp của kiếp sống Trần Gian, hay đúng hơn chỉ là một loạt liên tục của những lúc đầy đủ hạnh phúc hiếm hoi của kiếp sống đã chấm dứt đây, để cho còn lại một điều gì mà Chơn Ngã tự đồng hóa với ý thức Phàm Ngã của cuộc sống Trần Gian này.

          HỎI: Điều đó có nghĩa là Chơn Ngã mặc dù có Bản Chất Thiêng Liêng, đã trải qua một thời kỳ đen tối Tinh Thần hay mất tỉnh táo tạm thời trong giai đoạn giữa hai kiếp Luân Hồi?

          ĐÁP: Bạn có thể xem xét sự kiện đó theo bạn thích. Quan niệm của chúng tôi về Vũ Trụ là: Ngoài Thực Tại Đơn Nhất, tất cả chỉ là ảo ảnh tạm thời. Chúng tôi không nhìn thấy ở đó sự mất tỉnh táo, mà là một sự kế tiếp hay một sự khai triển rất tự nhiên của kiếp sống Hồng Trần. Cuộc sống là gì? Cuộc sống là một tập hợp những kinh nghiệm khác nhau, những ý kiến, những xúc động, những ý tưởng thay đổi mỗi ngày. Lúc còn trẻ, chúng ta thường tận tụy nhiệt thành với một lý tưởng nào đó, với một Vị Anh Hùng hay Anh Thư nào đó mà chúng ta tìm cách bắt chước hay là làm cho sống lại nơi chúng ta. Vài năm sau, khi sự hăng hái của thời trẻ này tàn phai và khi mà chúng ta trở nên bình thản hơn, chúng ta là những người đầu tiên bật cười về những sự tưởng tượng của chúng ta. Tuy nhiên, có một ngày nào đó, lúc mà Phàm Ngã của chúng ta hoàn toàn đồng hóa với cái Phàm Ngã Lý Tưởng mà chúng ta yêu chuộng, thì cả hai hoàn toàn hoà nhập và tan rã cùng với nhau.

          Người ta có thể nói rằng con người 50 tuổi cũng giống như người đó lúc y 20 tuổi chăng? Con người bên trong thì như nhau, nhưng Phàm Ngã bên ngoài thì linh động và hoàn toàn biến đổi. Bạn có gọi sự thay đổi trạng thái Tinh Thần của con người như thế là sự mất sáng suốt không?

          HỎI: Còn chính bạn, bạn gọi những người ấy như thế nào? Và nhất là bạn giải thích như thế nào về sự thường tồn của cái này và sự phù du của cái kia?

          ĐÁP: Giáo Lý Thông Thiên Học giúp chúng tôi giải thích điều đó một cách dễ dàng. Cái điểm then chốt nằm ở chỗ Ý Thức Kép của Trí Thông Minh chúng ta, trong Bản Chất Kép của “Nguyên Khí” Trí Tuệ. Đó là Ý Thức Tinh Thần (Spiritual Consciousness) - sự sáng suốt của Trí Tuệ được tỏ ngộ bởi ánh sáng của Tuệ Giác Thể; chính Ý Thức Tinh Thần này có thể soi thấu những trừu tượng chủ quan và một ý thức nhạy cảm (ánh sáng của Hạ Trí) không thể phân ly với Trí Óc vật chất chúng ta và với 5 giác quan Hồng Trần chúng ta. Ý thức này lệ thuộc vào Bộ Óc và Giác Quan vật chất, vì nó hoàn toàn tùy thuộc vào Giác Quan và nó cần phải trải qua và tiêu tan cùng một lúc với sự tan rã của Bộ Óc và các Giác Quan vật chất. Chỉ có Ý Thức Tinh Anh mà nguồn cội ở trong vĩnh cửu là tồn tại mãi mãi, và như thế, có thể được xem như là bất tử. Tất cả mọi cái còn lại đều thuộc vào ảo ảnh phù du.

          HỎI: Trong thực tế, bạn hiểu sao về các ảo ảnh này?

          ĐÁP: Đây là đoạn sách tuyệt diệu mà Tác Giả của tác phẩm “Thượng Ngã” (Higher Self) đã viết ở trên:

          “Lý Thuyết mà chúng ta bàn đến, tức là sự trao đổi ý tưởng giữa Thượng Ngã và Phàm Ngã, đều rất phù hợp với việc chúng ta xem Thế Giới này như là Thế Giới đầy ảo ảnh phù du, trong khi những Cảnh Giới Tinh Thần của Thiên Nhiên mới là Cảnh Giới Thực Tượng hay Cảnh Giới Thực Tại (Plane of Reality). Có thể nói, đây là vùng mà Linh Hồn ngự trị, Cõi Giới này còn hiện thực hơn là Cõi mà những cánh hoa phù du chớm nở trong một buổi sáng ngắn ngủi, để rồi sau đó tàn phai và biến mất, trong khi thân cây thu góp sinh lực để tạo hoa mới. Giả sử rằng: Chỉ riêng các hoa này là có thể nhận thức được với các giác quan thông thường, và giả sử rằng: Cội rễ của chúng tồn tại trong một trạng thái của Thiên Nhiên không tỏ rạng và vô hình đối với chúng ta, các Triết Gia của Thế Giới chúng ta sẽ nghi ngờ rằng có những cội rễ trong một Cảnh Giới Sinh Tồn khác sẽ mang lấy các hoa này. Chúng nó không phải là những cây thật sự, chúng nó tương đối không quan trọng, chỉ là những ảo giác trong một lúc nào đó.”

          Đây là điều mà tôi muốn nói. Nó không phải là Cảnh Giới của các hoa và các cuộc sống phù du mà là Cõi Giới Hiện Thực và Thường Tồn.  Người ta tìm được nơi đó cội rễ của sự hiểu biết. Cội rễ này vượt qua mọi ảo ảnh và sẽ tồn tại trong vĩnh cửu.

          HỎI: Cội rễ tồn tại trong vĩnh cửu là gì?

          ĐÁP: Cội rễ này là Thực Thể Thông Linh biết suy tưởng. Nó là Chơn Ngã Luân Hồi mà chúng ta xem như một “Thiên Thần,” một “Tinh Thần” hay một “Sức Mạnh.” Về tất cả những gì mà Giác Quan chúng ta nhận thức được, chỉ điều đó phát triển trực tiếp từ cội rễ vô hình này, có thể chia xẻ Cuộc Sống Bất Tử. Vậy thì, tất cả những tư tưởng cao thượng, những ý nghĩ và mọi ước muốn của Phàm Ngã được Chơn Ngã làm cho linh hoạt, phải trở nên thường tại, vì chúng phát xuất và được nuôi dưỡng từ cội rễ này.

          Về phần ý thức vật chất, vì đó là một tính chất của “Nguyên Khí” nhạy cảm nhưng thấp kém (Cảm Thể hay Bản Năng Động Vật được chiếu sáng do phản ảnh của Hạ Trí), hay Linh Hồn Nhân Loại - nó phải tan biến. Ý thức cao biểu lộ sự hoạt động trong khi Thể Xác say ngủ hay bị tê liệt; nhưng Ký Ức chúng ta chỉ ghi lại một cách yếu ớt và không chính xác, vì đó là một cách tự động, về những kinh nghiệm như thế và thường thường nó không nhận được ấn tượng nào.

          HỎI: Nhưng tại sao Thể Trí (Manas) mà bạn gọi là Nous, nghĩa là một Vị Thượng Đế, lại yếu ớt đến nỗi trong những kiếp Luân Hồi nó hoàn toàn ở dưới sự chế ngự của Thể Xác?

          ĐÁP: Tôi có thể dùng phương pháp “ăn miếng trả miếng” đặt một câu hỏi tương tự và hỏi vặn vẹo lại bạn: “Tại sao xảy ra việc mà bạn xem như là “Thượng Đế của các Thượng Đế ” và Vị Thượng Đế Độc Nhất lại yếu ớt đến nỗi cho phép điều ác (hay Ác Quỷ) có được sức mạnh hơn Ngài và tất cả mọi Sinh Vật khác của Ngài, trong khi Ngài đang ở Thiên Giới hay Hóa Thân trên Cõi Trần này?”

          Chắc chắn bạn sẽ trả lời tôi rằng: “Đó là một sự bí ẩn và chúng ta không nên chen vào các bí mật của Thượng Đế.” Nhưng Triết Giáo của chúng tôi không cấm làm việc đó, và tôi nói với bạn rằng trừ phi Thượng Đế giáng Trần như một Đấng Hóa Thân, không thể nào một Nguyên Tắc Thiêng Liêng lại bị chai cứng và bị cầm giữ bởi vật chất hiếu động và quá đỗi tầm thường được. Trong Cảnh Giới ảo ảnh của chúng ta, luôn luôn tính dị đồng nằm trên tính tương đồng, và một Tinh Hoa càng gần với Nguyên Lý Cội Rễ của nó, sự Tương Đồng Nguyên Thủy, thì càng khó cho Tinh Hoa này biểu lộ trên Cõi Trần. Các Quyền Năng Tâm Linh và Thiêng Liêng đang ngủ trong bất cứ người nào; và khi mà Thị Kiến Tâm Linh được nới rộng, Vị Thượng Đế trong người ấy càng trở nên có Quyền Năng hơn. Nhưng ít người tri thức được Vị Thượng Đế này. Theo quy luật chung, Thượng Đế Tính luôn luôn có giới hạn và liên kết trong tư tưởng chúng ta với các quan niệm và với những ý tưởng mà chúng ta đã in sâu vào trí từ thuở nhỏ. Điều đó chỉ cho bạn hiểu rõ tại sao có quá nhiều nỗi khó khăn để hiểu Triết Lý của chúng tôi.

          HỎI: Vậy thì Chơn Ngã của chúng ta là Thượng Đế của chúng ta?

          ĐÁP: Không phải. Một “Vị Thượng Đế ” không phải là Thượng Đế Tính Phổ Cập, mà chỉ là một Tia Lửa Sáng từ Đại Dương Độc Nhất của Lửa Thiêng (Divine Fire). Vị Thượng Đế Nội Tâm nơi chúng ta hay “Cha chúng ta đang ở trên Trời” là cái mà chúng ta gọi là “Thượng Ngã,” Atma. Chơn Ngã Luân Hồi của chúng ta phát xuất từ Thượng Đế, cũng như Các Phân Thân Nguyên Thủy (Primeval Emanations) của Nguyên Lý Đơn Nhất và Bất Tri. Nhưng từ khi “đắm mình vào Vật Chất,” bắt buộc phải chịu nhiều kiếp Luân Hồi kế tiếp bao lâu mà chu kỳ này còn kéo dài, từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc, Kẻ đó không phải là một Vị Thần tự do và hạnh phúc, mà là một người hành hương khốn khổ đang đi trên đường để tìm lại cái đã mất. Sự dẫn chứng sẽ đầy đủ hơn nếu ở đây tôi kể ra đề tài “Con Người Nội Tâm” trong quyển “Isis Unveiled” (quyển 2 trang 593):

          “Vào thời xa xăm nhất, Loài Người luôn luôn được thuyết phục về sự hiện tồn của một Thực Thể Tinh Thần trong Con Người Vật Chất. Thực Thể Thông Linh bên trong này đều có ít hay nhiều Tính Chất Thiêng Liêng tùy theo Nó tiến đến gần Tuyệt Đối hay không. Sự kết hợp này càng chặt chẽ, số phận của Con Người càng sáng sủa, và các điều kiện bên ngoài càng ít nguy hại. Sự tin tưởng này không phải quá mê tín, cũng không phải là dị đoan, mà là một tình cảm theo Bản Năng luôn luôn hiện hữu, kế cận Thế Giới Tâm Linh và Vô Hình. Thế Giới này mặc dù chủ quan đối với giác quan của Phàm Ngã, lại hoàn toàn khách quan đối với Chơn Ngã Bên Trong (Inner Ego). Hơn nữa, người ta tin rằng có những điều kiện bên ngoài và bên trong cùng một lúc có ảnh hưởng đến sự quyết định ý chí chúng ta trên hành động chúng ta. Họ bác bỏ sự may rủi theo Vận Số Tiền Định, vì sự may rủi gợi ý có hành động mù mờ trên một quyền năng còn mù mờ hơn nữa. Nhưng người ta tin vào Số Mệnh hay Nghiệp Quả, từ lúc sinh ra đến lúc lìa đời, bất cứ người nào cũng đều dệt chung quanh mình từng sợi như là con nhện giăng tơ. Và Số Mệnh này được hướng dẫn bởi sự hiện diện của một số người được gọi là Thần Hộ Mệnh (The Guardian Angel) hay bởi Con Người Siêu Phàm bên trong chúng ta, con người này là Hung Thần (Evil Genius) của Con Người Xác Thịt hay Phàm Ngã. Cả hai đều dành quyền điều khiển Con Người, nhưng một trong hai cần phải đè bẹp cái còn lại. Và từ lúc khởi đầu của Cuộc Chiến Vô Hình, Định Luật Báo Phục (Law of Compensation and Retribution) đã nghiêm khắc bước vào diễn trường cùng là theo dõi một cách trung thực tất cả những diễn tiến của cuộc xung đột. Khi sợi chỉ cuối cùng đã được dệt xong, và khi Con Người tự bọc mình trong cái lưới do chính mình tự tạo ra, bấy giờ Con Người thấy mình hoàn toàn nằm dưới phạm vi của Số Mệnh do chính mình tạo ra. Số Mệnh này gắn chặt vào Y như cái vỏ sò gắn vào hòn đá bất động, hay mang đi như cơn gió lốc cuốn theo sợi lông.”

          Đó là Số Phận của Chí Nhân - Chơn Ngã Thật Sự, chớ không như Người Máy, chỉ có cái vỏ bên ngoài mà người ta gán cho Con Người. Chính Bậc Chí Nhân này trở nên kẻ chiến thắng Vật Chất!

 

 

BẢN  CHẤT  PHỨC  TẠP  CỦA  THỂ  TRÍ

 

 

          HỎI: Tôi nghĩ rằng: Bạn dự định nói với chúng tôi về bản chất chính yếu của Thể Trí và sự liên quan của Thể Trí với Các Thuộc Tính (Skandhas) của Con Người Vật Chất phải không?

          ĐÁP: Chính là cái Bản Chất bí ẩn hay thay đổi, không thể nắm được này hầu như lỏng lẻo trong sự liên quan với Các Nguyên Khí khác, hiểu được Thể Trí đã là điều khó khăn, muốn giải thích nó lại càng khó hơn nữa. Thể Trí là một “Nguyên Khí,” song lại là một “Thực Thể” (Entity) và là một Con Người Thiêng Liêng hay Chơn Ngã. Nó là một “Vị Thượng Đế,” nhưng đang bị bắt buộc trải qua một Chu Kỳ Luân Hồi vô tận. Thể Trí có trách nhiệm về mỗi Chu Kỳ đó và chịu đau khổ vì đó. Tất cả những điều ấy vừa trái ngược, vừa nan giải, tuy nhiên, có hàng trăm người, ngay cả ở Âu Châu hiểu được đúng hoàn toàn điều đó, vì họ xem xét và hiểu rõ Chơn Ngã dưới những khía cạnh khác nhau, chớ không phải ở cái Tổng Thể mà thôi. Nhưng để hiểu rõ hơn, chúng ta nên bắt đầu lại, và tôi xin nói vắn tắt về Khởi Nguyên của Chơn Ngã này.

          HỎI: Xin bạn cho nghe tiếp.

          ĐÁP: Tôi cố gắng trình bày với bạn một “Tinh Thần” (Spirit), một Sinh Linh Siêu Phàm (Celestial Being), dù chúng ta gọi Nó dưới tên này hay tên khác, Bản Chất Chính Yếu của Nó là Thiêng Liêng nhưng chưa trong sạch so với Vạn Hữu. Để đạt đến mục đích đó, Nó bắt buộc phải qua một thời kỳ thanh lọc Bản Chất của Nó. Phương cách duy nhất để đạt đến điều đó là trải qua giai đoạn Chơn Ngã và Phàm Ngã, nghĩa là về phương diện Tinh Thần và phương diện Vật Chất, bằng mỗi kinh nghiệm và mỗi tình cảm có sẵn trong Vũ Trụ đa dạng và biến dịch này.

          Sau khi thu hoạch được những kinh nghiệm này trong các giới thấp, và sau khi leo lên ngày càng cao trên nấc thang, Nó cũng phải trải qua mọi kinh nghiệm trên các phương diện của Con Người. Tinh Hoa của Thực Thể Thông Linh này là Tư Tưởng (Thought) và điều đó giải thích tại sao người ta gọi là Manasa putra hay là “Những đứa Con của Trí Tuệ (Đại Đồng).” Chính là Tư Tưởng Biệt Ngã (Individualized Thought) này mà các Nhà Thông Thiên Học gọi là Chơn Ngã thật sự của con người. Thực Thể Thông Linh Biết Suy Tưởng bị giam hãm trong Lớp Vỏ Nhục Thể. Thực Thể Tinh Thần này không có điểm Vật Chất nào cả. Những Thực Thể như thế là Những Chơn Ngã Luân Hồi, chúng nó làm linh động khối Vật Chất Sinh Động gọi là Nhân Loại và có tên là Manasa, hay là Sự Thông Tuệ. Nhưng khi Bị Tù Hãm hay Luân Hồi, Tinh Hoa của chúng tăng lên gấp đôi, nghĩa là với bản chất là Thực Thể Thông Linh Biệt Lập Ngã Tính, Những Tia Sáng (Rays) của Trí Tuệ Thiêng Liêng và Vĩnh Cửu này khoác lấy Thuộc Tính Kép:

          a)- Tinh Thần chính yếu, cố hữu và đặc thù đang khao khát hướng thượng tức Thượng Trí (Higher Manas), và

          b)- Tính Chất Suy Tưởng của con người hay là khả năng suy luận nơi Động Vật, trở nên duy lý vì sự cao siêu của Bộ Óc Con Người, Hạ Trí, có khuynh hướng tiến xuống.

          Một đàng tiến lên Tinh Thần, một đàng tiến về trung tâm cảm dục thấp kém và đầy thú tánh. Cái sau này không thể tồn tại ở Devachan, cũng không hợp nhất được với Tam Thể Thượng Thiêng Liêng, để vươn lên như là một Đơn Nhất, tiến về sự phúc lạc Tinh Thần. Nhưng đó là Chơn Ngã, Thực Thể Trí Tuệ, có trách nhiệm về tất cả các lỗi lầm của các Thuộc Tính thấp, cũng như một người cha phải có trách nhiệm về các lỗi lầm mà con ông phạm phải cho đến khi nào mà đứa con này trưởng thành.

          HỎI: Có phải đứa con này là Phàm Ngã không?

          ĐÁP: Đúng vậy. Nhưng khi người ta nói rằng Phàm Ngã chết theo thể xác không phải là người ta nói tất cả. Thể xác chỉ là biểu tượng khách quan của Ông A hay là Bà B sẽ biến mất với các Uẩn vật chất vốn là những biểu lộ hữu hình của nó. Nhưng tất cả những gì mà trong kiếp sống đã cấu tạo thành toàn thể những kinh nghiệm Tinh Thần là những ước mơ cao thượng nhất, những sự thương yêu vĩnh cửu và bản chất không vụ lợi của Ông A hay của Bà B, trong thời gian ở Devachan, sẽ liên kết lại với Chơn Ngã, và Chơn Ngã sẽ đồng hóa với phần Tâm Linh của Thực Thể Thông Linh Hồng Trần mà từ đây đã tan biến. Diễn Viên đã lảu thông vai trò mà y vừa đóng, cho đến nỗi trong suốt thời gian ở Devachan, y đã mơ tưởng đến nó, và ảo ảnh nầy vẫn liên tục cho đến lúc y trở lại sân khấu của cuộc đời để đóng vai trò mới.

          HỎI: Nhưng tại sao Triết Lý này mà bạn đã gọi rằng cổ xưa như tư tưởng con người, lại không được Thần Học Cơ Đốc thừa nhận?

          ĐÁP: Đó là chỗ mà bạn lầm lẫn. Triết Lý này đã được thừa nhận, nhưng Thần Học đã nhìn Triết Lý đó như đã nhìn nhiều Triết Lý khác và đã hiểu sai nó. Theo Thần Học, Chơn Ngã là Thiên Thần mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta từ lúc sinh ra để săn sóc Linh Hồn chúng ta. Theo lý luận của Thần Học, không phải chính vị Thiên Thần này chịu trách nhiệm về các vi phạm của Linh Hồn khốn khổ, bất lực, và không khả năng này; chính Linh Hồn này mang lấy khổ hình về tội lỗi của Tinh Thần và Thể Xác! Chính là Linh Hồn, luồng hơi phi vật chất (the immaterial breath) và bằng cớ Sáng Tạo của Thượng Đế, bởi một mãnh lực Tinh Thần, lại bị kết tội thiêu đốt đời đời trong Hỏa Ngục vật chất; trong khi đó, vị Thiên Thần, thoát khỏi hình phạt bằng cách xếp lại đôi cánh trắng đã thấm ướt vài giọt lệ xót thương.

          Vâng, đó là “Tinh Thần phụng sự của chúng ta”, “những Sứ giả mang những thông điệp của Từ Bi” được gởi đến cho chúng ta như Giám Mục Mant đã viết, “để chúc lành cho những kẻ được cứu rỗi, vì họ khóc cho chúng ta, khi chúng ta phạm tội, và họ vui thích khi chúng ta biết ăn năn.”

           Dường như hiển nhiên là tất cả các vị Giám Mục trên Địa Cầu được mời để giải thích, dù chỉ một lần thôi, về tất cả những gì họ hiểu được về Linh Hồn, và chức năng của Linh Hồn; họ sẽ không thể chứng minh cho chúng ta một chút lý luận trong sự tin tưởng theo Chính Thống Giáo!

 

 

GIÁO    ĐƯỢC  DẠY  TRONG 
KINH  THÁNH  JOHN

 

 

          HỎI: Những kẻ bám víu vào sự tin tưởng này có thể trả lời, dù chỉ phần nào thôi, rằng Triết Lý Chính Thống Giáo hăm dọa kẻ tội lỗi liều mạng và kẻ Duy Vật, về sự đau khổ trong một Hỏa Ngục ít có thật. Mặt khác, lý thuyết đó kết hợp họ với một sự may mắn vào phút cuối cùng do sự ăn năn. Nó không giảng dạy về sự hủy diệt hay sự mất Phàm Ngã.

          ĐÁP: Nếu Giáo Hội không giảng dạy về việc đó, thì Đức Jesus đã làm rồi; và điều đó không quan trọng ít nhất đối với những ai đặt Đấng Christ cao hơn Cơ Đốc Giáo.

          HỎI: Đấng Christ có giảng dạy những điều tương tự như thế không?

          ĐÁP: Chắc chắn có. Cũng như bất cứ Nhà Huyền Linh Học có kiến thức rộng nào, ngay cả các Nhà Do Thái Bí Giáo nào cũng có thể nói điều đó với bạn. Đấng Christ hay nếu bạn thích, quyển Phúc Âm thứ tư, có dạy về sự Luân Hồi cũng như là sự hủy diệt của Phàm Ngã, miễn là người ta ít chú trọng đến nghĩa đen, mà chỉ để ý đến Tinh Thần bên trong. Bạn hãy nhớ câu 1 và 2 trong Chương XV của Thánh John (Jean). Ngụ ý nói gì nếu không phải là Tam Thể Thượng nơi con người? Linh Thể Atma[42] là Người Trồng Nho, Chơn Ngã Tinh Thần hay Buddhi (Christos) là Gốc Nho, trong khi Sinh Hồn (Animal Soul) và Sinh Khí Thể (Vital Soul) là Phàm Ngã là “Cành Nho” (Branch).

          “Ta là Gốc Nho thật sự, Cha ta là người Trồng Nho. Ngài chặt tất cả Cành Nho không mang trái nơi ta . . . Cũng thế đó, một Cành không thể mang trái được, nếu Cành đó không còn dính với Gốc, chính ngươi cũng thế, ngươi không thể tạo ra gì được nếu ngươi không ở nơi ta. Ta là Gốc Nho, ngươi là Cành Nho . . . Nếu ngươi không ở nơi ta thì ngươi giống như Cành Nho bị khô đi, người ta sẽ ném vào lửa cho cháy hết.”

          Bây giờ chúng ta hãy giải thích lời nói bóng bảy này.

          Vì chúng tôi không tin vào ngọn lửa Địa Ngục mà Khoa Thần Học đặt ra để hăm dọa các “Cành Nho,” chúng tôi cho rằng “Người Trồng Nho” là Atma, Biểu Tượng của Nguyên Khí vô ngã và vô tận; trong khi đó “Gốc Nho” là Linh Hồn Tâm Linh, hay Christos, và mỗi “Cành Nho” tượng trưng một Kiếp Luân Hồi mới.

          HỎI: Nhưng bạn dựa vào bằng chứng nào để đưa ra một sự giải thích độc đoán như thế ?

          ĐÁP: Sự giải thích này không độc đoán chút nào cả, vì Khoa Biểu Tượng Học Phổ Cập bảo đảm sự chính xác cho chúng tôi. Hermas nói rằng “Thượng Đế trồng Nho,” nghĩa là Ngài tạo ra Con Người. Theo Kinh Kabala, thì các Người Thái Cổ (the Aged of the Aged) hay người “Trường Diện” (Long Face) trồng một Cây Nho tượng trưng cho Nhân Loại; và một Gốc Nho có nghĩa là một Kiếp Sống. Điều đó giải thích tại sao người ta chứng minh với chúng tôi Tinh Thần của Thánh Vương, từ lúc Sáng Tạo Thế Giới, giặt giũ y phục trong Thánh Tửu (Kinh Zohar, XL,10). Thánh Vương (King Messiah) là Chơn Ngã (Ego) tự thanh lọc bằng cách giặt y phục (nghĩa là các Phàm Ngã của các lần Tái Sinh của Chơn Ngã) trong Thánh Tửu, nghĩa là Buddhi. Adam hay A-dam là “máu.” Sự sống của nhục thể ở trong máu (Nephesh - Linh Hồn) (Leviticus, xvii). Và Adam-Kadmon là Đứa Con Duy Nhất. Noah cũng đã trồng một Cây Nho, mầm móng bóng bảy của Con Người tương lai. Và như đã chứng minh rằng biểu tượng này thường được thừa nhận, chúng tôi tìm thấy nó trong Nazarene Codex. Bảy Gốc Nho tức là bảy Giống Dân của chúng ta với bảy Đấng Cứu Thế hay Đức Phật được sáng tạo. Bảy Gốc Nho này do Iukabar Zivo và Ferho (hay Parcha) sinh ra. Raba vun tưới chúng (Codex Nazaroeus, quyển III, trang 60,61.) Khi những kẻ may mắn vươn lên giữa sinh vật của Ánh Sáng, họ sẽ thấy Iavar- Xivo, Chúa Tể của Sự Sống và Gốc Nho Đầu Tiên (Ibid, quyển II, trang 281). Như thế những biểu tượng của Do Thái Bí Giáo được tìm thấy một cách tự nhiên trong Phúc Âm theo Thánh John (XV,1).

          Chúng ta không nên quên rằng, ngay cả các Môn Phái Triết Học không biết về sự phân chia bảy Thể của chúng tôi trong con người. Chơn Ngã hay con người biết suy tư được gọi là Thượng Đế (Logos) hay là con trai của Linh Hồn và của Tinh Thần. “Manas là con nuôi của Vua và Hoàng Hậu” (thuật ngữ Bí Truyền tương đương với Atma và Buddhi) đã được nói đến trong một tác phẩm Huyền Môn. Theo Plato, đó chính là Thánh Nhân (Man-God), chính vị Thánh Nhân này tự đóng đinh trong Không Gian (kỳ gian của chu kỳ sự sống) để chuộc lại Vật Chất. Ngài làm việc đó trong vô số Kiếp Luân Hồi, để hướng dẫn Nhân Loại đến sự hoàn thiện và để lại vị trí cần thiết cho những hình thức thấp thỏi hơn phát triển thành những hình thức cao hơn. Trong mỗi Kiếp Sống, Ngài luôn luôn làm việc không ngừng cho sự tiến bộ của Ngài và để giúp cho sự tiến hóa của toàn thể Bản Chất Hồng Trần (Physical Nature). Và trong những trường hợp hiếm có, Ngài mất một trong các Phàm Ngã, vì Phàm Ngã này không có được một tí tia sáng Tinh Thần, sự mất mát này rất hữu ích cho sự tiến bộ cá nhân.

          HỎI: Nhưng sau cùng, nếu Chơn Ngã có trách nhiệm cho những sự phạm tội của các Phàm Ngã của mình, Chơn Ngã cũng phải chịu sự mất mát hay đúng hơn là sự bị hủy diệt hoàn toàn một trong các Phàm Ngã.

          ĐÁP: Không cách nào cả, trừ phi Chơn Ngã không làm gì hết để tránh cái chung cuộc đáng trách này. Nhưng mặc dầu hết sức cố gắng, tiếng nói của Chơn Ngã, hay tiếng nói của Lương Tâm chúng ta không thể xuyên qua bức tường vật chất quá dày đặc và nặng trược, vì bản chất của Phàm Ngã vốn không hoàn thiện và Phàm Ngã này được sắp vào sổ những thất bại của Thiên Nhiên. Chơn Ngã đã đủ bị trừng phạt do sự mất Tâm Cảnh Devachan và nhất là khi bị bắt buộc Luân Hồi hầu như tức khắc.

          HỎI: Triết Lý về sự khả hữu mất Linh Hồn này (hay mất Phàm Ngã của Linh Hồn như bạn gọi) thì hoàn toàn không phù hợp với lý thuyết của những người theo Cơ Đốc Giáo và của các Nhà Giáng Ma Học, mặc dầu Swedenborg đã thừa nhận điều ấy đến một điểm nào đó khi Ông gọi là cái chết Tinh Thần (Spiritual death). Người ta sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó.

          ĐÁP: Điều ấy không thể thay đổi một chút nào một sự kiện của Thiên Nhiên, nếu đó là một sự kiện, và điều đó cũng không thể ngăn cản sự việc xảy đến.

          Vũ Trụ với tất cả những gì chứa đựng về luân lý (moral), trí tuệ (mental), vật chất (physical), Tâm Linh hay Tinh Thần (psychic, or spiritual), được thiết lập trên một Định Luật hoàn toàn thăng bằng và hài hòa. Vả lại, như đã nói trên, (bạn hãy đọc “Isis Unveiled”) lực hướng tâm không bao giờ có thể tự biểu lộ mà không có lực ly tâm, trong các cuộc xoay vòng điều hòa của các Bầu, và rằng tất cả các hình thức và tiến bộ của chúng là sản phẩm của Năng Lực Kép của Thiên Nhiên.

          Tinh Thần hay Buddhi là Năng Lượng Tinh Thần ly tâm, còn Linh Hồn (Manas) là Năng Lượng Tinh Thần hướng tâm. Muốn tạo thành một kết quả duy nhất, cần phải có sự kết hợp và hài hòa hoàn toàn. Nếu chuyển động hướng tâm của Linh Hồn trần tục có khuynh hướng tiến về trung tâm thu hút nó bị gãy vỡ hay ngăn trở sự tiến bộ của nó hoặc là bị dừng lại bởi một trọng lượng vật chất quá nặng đối với Linh Hồn hay đối với trạng thái Devachan, và thế là sự hòa hợp của toàn thể bị gãy vỡ. Kiếp Sống Phàm Ngã hay nói đúng hơn, cái phản ảnh lý tưởng của nó chỉ có thể được nối tiếp, nếu cuộc sống đó được chống chịu bởi một Lực Kép (Two-Fold Force) đến, do sự phối hợp chặt chẽ của Buddhi và Manas trong mỗi Kiếp Tái Sinh hay cuộc sống Phàm Ngã. Sự lệch lạc nhỏ nhất trong sự hòa hợp làm ngăn trở nó - và khi mà sự lệch lạc đó bị phá đi mà không có sự cứu chuộc, cả hai lực tự tách ra đúng lúc chết. Hình tướng Phàm Ngã (Personal Form) (còn được gọi là Cảm Dục Thể (Kama Rupa) và Huyễn Hình (Mayavi Rupa)) mà sự khai mở Tâm Linh, dính liền với Chơn Ngã, theo nó vào Devachan, để tạo nên (trong lúc này có thể nói như thế ) màu sắc con người cá biệt của nó đối với Con Người Thiêng Liêng thường tại, được luyện tập trong một thời gian ngắn ở Cảm Dục Giới (Kamaloka) nơi mà nó từ từ phải chịu tiến trình hủy diệt. Đối với kẻ hoàn toàn trụy lạc, những kẻ thiếu Phần Tâm Linh mà sự tàn ác không thể cứu chuộc được, sau khi chết là đến thời kỳ biến chuyển vô cùng trầm trọng. Nếu trong suốt kiếp sống mà sự cố gắng Tột Độ và Tuyệt Vọng của Chơn Ngã Nội Tâm hay Thượng Trí (Manas) không thể kết hợp Phàm Ngã với Chơn Ngã, và nó không thể đón nhận được những tia sáng Thiêng Liêng của Buddhi,  bởi vì sự ngăn trở của Bộ Óc Hồng Trần dày đặc. Dù lúc bấy giờ Chơn Ngã Tâm Linh hay Manas đã thoát khỏi Thể Xác, vẫn hoàn toàn tách biệt với dấu vết Dĩ Thái của Phàm Ngã. Và Phàm Ngã này hay Cảm Dục Thể (Kama Rupa) bị thu hút về Hades mà chúng ta gọi là Cảm Dục Giới (Kama Loka) và không rời nơi đó nữa. Chính Đức Jesus muốn ám chỉ điều đó khi Ngài nói “Cành Nho bị héo khô” nếu người ta tách nó ra khỏi Gốc Nho.

          Tuy nhiên, sự hủy diệt không bao giờ xảy ra tức khắc và đôi khi cần nhiều thế kỷ mới hoàn thành. Phàm Ngã vẫn ở Cảm Dục Giới với các phần còn lại của các Phàm Ngã khác may mắn hơn nó và trở thành Ma Hình (Shell) và Ma Tinh (Elementary) với các Phàm Ngã này. Như chúng tôi đã viết trong Isis, đó là hai loại “Linh Hồn” (tức là các Ma Hình và Ma Tinh), chúng đóng vai trò chính yếu trong các buổi Lên Đồng và Hiện Hình. Vì bạn có thể đoan chắc rằng không phải chúng Luân Hồi, điều đó giải thích tại sao rất ít người “thân yêu” đã chết và biết được điều gì về sự Luân Hồi và tại sao họ gợi ra các sai lầm cho những người Đồng Tử.

          HỎI: Nhưng người ta đã chẳng tố cáo Tác Giả của “Isis Unveiled” đã thuyết giảng điều trái ngược với sự Luân Hồi hay sao?

          ĐÁP: Những người đã tố cáo đó không hiểu về những gì mà Tác Giả “Isis Unveiled” đã viết. Khi tác phẩm này được viết ra, không có một người nào trong số các đồng tử Anh và Mỹ tin vào sự Luân Hồi, còn những gì người ta nói đến về sự Luân Hồi thì chỉ liên quan đến các đồng tử Pháp mà lý thuyết thì vô lý và thiếu Triết Lý, trong khi đó, giáo huấn của Đông Phương thì vừa hợp lý và hiển nhiên là đúng Chân Lý.

          Những người theo thuyết Luân Hồi (Reincarnationist) của Môn Phái Allan Kardec tin vào sự Luân Hồi ngay tức khắc và độc đoán. Như thế, theo họ, người cha vừa mới chết, có thể đầu thai vào con gái ông ta, dầu đứa con gái này chưa được sinh ra và cứ như thế tiếp tục. Những người này không biết gì về Devachan lẫn Nghiệp Quả, và không một Triết Lý nào có thể chứng minh hay bảo đảm những sự cần thiết phải có những sự Tái Sinh liên tục như vậy. Nhưng tại sao Tác Giả của “Isis” có thể nói trái lại với sự Luân Hồi theo Nghiệp Quả, với những khoảng cách dài từ 1.000 đến 1.500 năm, trong khi các Phật Tử và những người Ấn Giáo xem đó như là các Tín Điều căn bản của họ?

          HỎI: Như vậy, bạn hoàn toàn bác bỏ lý thuyết của các Nhà Đồng Cốt (Spiritists) và các Nhà Giáng Ma Học (Spiritualists) hay sao?

          ĐÁP: Không phải hoàn toàn mà chỉ ở những chỗ có liên quan đến các Tín Điều căn bản của họ. Các Đồng Tử và các Nhà Giáng Ma Học dựa vào điều mà các “Hồn Linh” của họ nói cho biết; và họ cũng ít đồng ý với nhau cũng như các Nhà Thông Thiên Học chúng tôi cũng không đồng ý với họ.

          Chân Lý là một. Và khi chúng tôi nghe các Hồn Ma Pháp thuyết giảng sự Luân Hồi, còn các Hồn Ma Anh phủ nhận lý thuyết này, chúng tôi bắt buộc phải nói rằng “Hồn” Pháp hay “Hồn” Anh không biết gì về điều mà họ xác nhận hay phủ nhận. Cùng với các Nhà Giáng Ma Học và các Đồng Tử, chúng tôi tin rằng có sự hiện hữu của Linh Hồn, hay các Thực Thể vô hình ít, nhiều thông minh. Nhưng theo Giáo Lý của chúng tôi, thì có rất nhiều loại Linh Hồn, còn các kẻ chống đối với chúng tôi tuyệt đối chỉ thừa nhận có các “Hồn” con người thoát xác, cái mà theo sự hiểu biết của chúng tôi, đa số chỉ là các Ma Hình của Cảm Dục Giới (Trung Giới).

          HỎI: Bạn đã tỏ ra có nhiều cay đắng với các Linh Hồn. Nhưng vì bạn đã trình bày cho tôi lý do để không tin theo sự hiện hình của các Linh Hồn thoát xác (disembodied Spirits) hay các “Hồn của người chết” (Spirits of the dead) cũng như vào sự giao tiếp trực tiếp với họ, trong các buổi Cầu Đồng. Tôi xin bạn hãy giải thích thêm một sự kiện khác nữa. Tại sao các Nhà Thông Thiên Học cứ tiếp tục lặp đi lặp lại không mệt rằng các sự giao tiếp với Linh Hồn, như là Đồng Cốt, là những việc rất nguy hiểm? Họ có lý do đặc biệt nào để nói như vậy?

          ĐÁP: Phải tin như thế. Riêng tôi, tôi có lý do và theo ý tôi, tôi có quyền. Vì tôi biết rất rõ từ hơn nửa thế kỷ nay các ảnh hưởng của Đồng Cốt dù vô hình, nhưng lại có thật và xác thật đến nỗi không thể phủ nhận được, từ các Ma Tinh có ý thức và các Ma Hình bán ý thức (the conscious Elementals, semi-conscious Shells) đến các Ma Quái (Spooks) vô ý thức nhất, về tất cả mọi loài mà người ta có thể tưởng tượng được.

          HỎI: Bạn có thể cho tôi một hay nhiều thí dụ để chứng minh tại sao người ta phải xem các thực hành Huyền Linh này là nguy hiểm không?

          ĐÁP: Điều đó đòi hỏi nhiều thì giờ mà tôi không thể sắp đặt cho đề tài này. Phải xét đoán mỗi nguyên nhân tùy theo kết quả của nó. Chúng ta hãy xem lịch sử của Giáng Ma Học trong khoảng 50 năm gần đây, từ khi môn này tái xuất hiện ở Mỹ Châu trong thế kỷ hiện tại. Và chính bạn hãy xét đoán đến điều tốt hay xấu do các Hội Viên của nó tạo ra.

          Nhưng ở đây, xin bạn đừng ngộ nhận. Tôi không có gì để nói trái lại với phong trào Giáng Ma Học thật sự, mà chỉ chống lại với phong trào hiện tại mang tên đó, và chống lại với cái tự nhận là Triết Học mới được phát minh để giải thích những Hiện Tượng đó.

          HỎI: Phải chăng bạn không tin chút nào về các Hiện Tượng của Giáng Ma Học?

          ĐÁP: Trái lại, chính vì tôi tin tưởng vào đó với nhiều lý luận, và chính vì (trừ một số trường hợp cố ý gian trá) tôi biết rằng chúng cũng thật như tôi và bạn đang sống đây, mà tôi phải chống lại chúng. Nhưng tôi lặp lại, tôi chỉ nói những hiện tượng vật chất, mà không nói đến các hiện tượng Tinh Thần hay Tâm Linh. Hữu cầu tất ứng. Tôi biết cá nhân nhiều người, Nam cũng như Nữ, rất tinh khiết, với trình độ Tâm Linh cao, họ đã sống nhiều năm dưới sự hướng dẫn và ngay cả sự che chở của các “Hồn” (Spirits), hoặc là đã thoát xác, hoặc là còn đang ở Trần Gian. Nhưng các Thông Linh (Intelligences) này không giống như kiểu của John Kings và Ernests đã xuất hiện trong các buổi Cầu Đồng. Đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi và ngoại lệ mà họ hướng dẫn và ảnh hưởng đến những người Trần Gian, mà Nghiệp Quả trong quá khứ thu hút họ về mặt từ điện. Nhưng, để thu hút những người này, chúng ta không thể chỉ ngồi và chờ là được. Điều đó chỉ xúi giục ta mở cánh cửa cho bầy Ma Quái xấu có, tốt có hay không xấu cũng không tốt, mà người Đồng Tử trở nên lệ thuộc trọn cuộc đời còn lại của họ.

          Như vậy, tôi không chống lại với Huyền Học Tâm Linh (Spiritual Mysticism), mà chỉ chống với trạng thái Đồng Bóng thụ động, có thể làm cho bạn giao tiếp với các Ma Quái. Huyền Học Tâm Linh là một Khoa có tính cách Thánh Thiện, Thanh Cao; còn Đồng Bóng là loại hiện tượng, mà trong nhiều thế kỷ đã tạo đau khổ cho bao nhiêu kẻ theo Bàng Môn. Bạn hãy đọc Glanvil và nhiều Tác Giả khác đã luận về các Bàng Môn và bạn sẽ thấy đa số, nếu không nói là toàn thể các hiện tượng vật chất của Giáng Ma Học thế kỷ XIX.

          HỎI: Như vậy, bạn xem tất cả những điều đó như là Bàng Môn, không hơn, không kém phải không?

          ĐÁP: Tôi nói rằng tất cả những sự giao tiếp với người chết, dù hữu thức hay vô thức, đều là Thuật Gọi Ma Hình (Necromancy),[43] nên vì thế là một sự thực hành rất nguy hiểm.

          Đã từ lâu, trước thời Moses, trong tất cả các quốc gia tiến bộ, sự kêu gọi người chết được xem như là tội lỗi và tàn ác vì làm quấy rối sự an tĩnh của các Linh Hồn và ngăn cản sự tiến hóa của họ. Nền Minh Triết tổng hợp của tất cả các thế kỷ vừa qua đã mạnh mẽ chống lại các sự thực hành này.

          Sau rốt, tôi nói rằng điều mà tôi không ngừng lặp lại bằng lời nói và chữ viết từ 15 năm nay rằng: Có một số người tự nhận là “Hồn Linh” (Spirits), không biết gì về cái mà họ nói và chỉ lặp lại như con kéc điều mà họ thấy được trong óc của Người Đồng Tử hay của những người khác, còn có những kẻ khác rất nguy hiểm và họ chỉ có thể dẫn dắt bạn đến điều xấu. Hai việc này rất là hiển nhiên. Nếu bạn hay lui tới các Câu Lạc Bộ Đồng Cốt của Môn Phái Allan Kardec, bạn sẽ thấy nơi đó các “Hồn Linh” quả quyết là có Luân Hồi và họ nói giống như những người Thiên Chúa Giáo La Mã bẩm sinh. Về phía “Những Người Quá Vãng Thân Yêu” ở Anh và Mỹ, bạn sẽ thấy họ từ chối Thuyết Luân Hồi và dạy ta các Tín Điều của Đạo Tin Lành. Những Người Đồng Cốt đều đau khổ về Thể Xác lẫn Tinh Thần. Bạn hãy nhớ lại kết cục bi thảm của Charles Foster, người đã chết vì điên cuồng trong một Nhà Thương Điên; bạn hãy nhớ Ông Slade đã bị chứng động kinh, và còn nữa, Ông Eglinton - Nhà Đồng Cốt hàng đầu của nước Anh cũng đau như vậy . . . Còn trường hợp của Ông Calvin bên Giáng Ma Học y đã đau khổ trong nhiều năm trời về một chứng bệnh khủng khiếp ở tủy xương sống, vì đã có giao tiếp với các “Hồn Linh” và ở trong tình trạng thảm hại cho đến khi mất, và còn nhiều trường hợp khác nữa. . .

          HỎI: Nhưng các tin tức của bạn có đúng không?

          ĐÁP: Rất đúng. Nếu các học sinh ưu tú của một trường dạy hát đều bị mất giọng tất cả bởi vì một bài luyện tập làm đau cuống họng, bạn có kết luận rằng các học sinh ấy đều theo một phương pháp sai lầm hay không? Và đối với tôi cũng đúng như vậy khi người ta thất bại về vấn đề Giáng Ma Học.

          Đây là điều mà chúng tôi có thể nói: Hãy để cho những người lưu tâm đến vấn đề này phán đoán về cây Giáng Ma Học do các kết quả của nó, họ suy nghiệm dựa trên bài học mà họ thấy ở đó. Chúng tôi, các Nhà Thông Thiên Học luôn luôn xem các Đồng Tử như là các huynh đệ có cùng khuynh hướng về Huyền Học như chúng tôi, nhưng họ lại luôn luôn xem chúng tôi như kẻ thù. Là những kẻ có được một Triết Lý cổ hơn Triết Lý của họ, chúng tôi đã tìm cách giúp đỡ và cảnh giác họ, nhưng họ lại nhục mạ và vu khống chúng tôi bằng mọi cách. Dù vậy, các Nhà Đồng Cốt hàng đầu người Anh cho là chúng tôi có lý mỗi lần mà họ bàn bạc đứng đắn về sự Tin Tưởng của họ.

          Đây là sự thật mà Ông Oxon đã thú nhận: “Các Đồng Tử đều quá để ý về sự can thiệp của các Linh Hồn bên ngoài thế giới chúng ta và họ không biết đến các Quyền Năng của Linh Hồn đang Luân Hồi (Incarnate Spirit).”

          Tại sao họ lại nguyền rủa và vu khống chúng tôi vì chúng tôi nói đến cùng một sự việc?

          Từ nay, chúng tôi không muốn bận tâm về vấn đề Giáng Ma Học nữa. Bây giờ chúng ta hãy trở lại vấn đề Luân Hồi.


 

C H Ư Ơ N G    11

 

 

  NHIỆM  CỦA  SỰ  LUÂN  HỒI

 

 

TÁI  SINH  THEO  CHU  KỲ

 

 

          HỎI: Bạn nói rằng tất cả chúng ta đã sống trên Cõi Trần từ nhiều kiếp rồi và chúng ta sẽ tiếp tục tái sinh nữa phải không?

          ĐÁP: Đúng vậy. Chu Kỳ Cuộc Sống hay đúng hơn Chu Kỳ của Sự Sống Hữu Thức bắt đầu từ lúc xảy ra sự phân chia Phái Tính của con người Phàm Trần hữu tử và sẽ chấm dứt với sự kết thúc của thế hệ cuối cùng của cuộc Tuần Hoàn thứ Bảy và vào Giống Dân thứ Bảy của Nhân Loại. Và vì chúng ta đang ở vào Giống Dân thứ Năm của Cuộc Tuần Hoàn thứ Tư, sẽ dễ dàng hình dung được Kỳ Gian của Chu Kỳ Sống này.

          HỎI: Chúng ta cứ tiếp tục Đầu Thai vào các Phàm Ngã mới hoài hay sao?

          ĐÁP: Chắc chắn như vậy, bởi vì Chu Kỳ Sống này hay Thời Kỳ Luân Hồi có thể so sánh với Cuộc Sống của Con Người. Tương tự với mỗi Kiếp Sống của con người gồm các chuỗi Ngày hoạt động, ngăn cách bởi những Đêm Tối hay bởi sự nghỉ ngơi, mỗi Kiếp Sống của Chu Kỳ Luân Hồi được tiếp nối bởi một thời gian nghỉ ngơi ở Devachan.

          HỎI: Và chính những sự sinh ra kế tiếp này (succession of births) được đặt cho cái tên là sự Luân Hồi (reincarnation) phải không?

          ĐÁP: Đúng vậy. Chỉ nhờ vào những sự Tái Sinh kế tiếp này mới có thể hoàn thành sự tiến bộ không ngừng của hàng triệu Chơn Ngã đang tiến đến sự hoàn thiện và đến một thời kỳ an nghỉ cuối cùng, một thời kỳ cũng dài như thời kỳ hoạt động.

          HỎI: Điều gì qui định khoảng thời gian hay đặc tính của các sự Luân Hồi này?

          ĐÁP: Đó là Karma, Định Luật Báo Phục của Công Lý Phổ Cập (Universal Law of Retributive Justice).

          HỎI: Định Luật này có sáng suốt hay không?

          ĐÁP: Nhà Duy Vật đã xem định luật theo chu kỳ chế ngự các Thiên Thể, cũng như tất cả các định luật khác (các định luật Cơ Học) trong Thiên Nhiên là những sức mạnh mù quáng, thì chắc chắn họ xem Karma không gì khác hơn là một Định Luật ngẫu nhiên. Theo chúng tôi, nó không có ngã tính (impersonal), không phải là một thực thể, mà là một Định Luật linh động và phổ cập, không thể dùng một tính chất nào để mô tả được cả. Nếu bạn hỏi tôi về sự sáng suốt của Định Luật Karma, tôi sẽ trả lời bạn rằng tôi không biết gì hết. Nhưng nếu bạn muốn tôi xác định các hậu quả của Định Luật này, và nói chung là gì theo sự tin tưởng của chúng tôi, thì tôi có thể nói rằng kinh nghiệm của hàng ngàn năm đã chứng minh cho chúng ta thấy sự Bình Đẳng, sự Minh Triết và sự Thông Tuệ tuyệt đối tất thắng của nó. Karma là một Tác Nhân sửa chữa không thể nào lầm lẫn được trong các hậu quả. Karma cũng là Kẻ Điều Chỉnh sự bất công ở con người và tất cả những sự thất bại của Thiên Nhiên; là Kẻ Hiệu Chính nghiêm nhặt tất cả mọi sai lầm, là Định Luật Báo Phục, thưởng và phạt với một sự công bằng không thiên lệch. Karma không nể nang, cũng không làm dịu bớt, cũng không đổi hướng bởi sự khẩn cầu. Đó là sự tin tưởng chung của những người theo Ấn Giáo và Phật Giáo, họ tuyệt đối tin nơi Luật Nhân Quả.

          HỎI: Nhưng các Giáo Điều  của Cơ Đốc Giáo không phù hợp với hai Tôn Giáo này ở điểm đó. Và tôi nghĩ rằng khó mà tìm được một người Cơ Đốc Giáo nào chấp nhận lý thuyết này.

          ĐÁP: Đúng vậy. Và Inman đã đưa ra lý luận về chỗ đó từ nhiều năm nay. Đây là những gì Ông ấy nói: “Trong khi người Cơ Đốc Giáo thừa nhận mọi sự phi lý, miễn là Giáo Hội xem đó như là một thứ Đức Tin, thì người theo Phật Giáo cho rằng tất cả những gì trái ngược với lý luận lành mạnh đều không thể là Triết Lý thật sự của Đức Phật.”

          Họ không tin rằng tội lỗi của họ sẽ được xóa bỏ hết, trước khi mà chính họ đã chịu, trong một Kiếp Luân Hồi tương lai, một hình phạt xứng đáng với mỗi hành động xấu hay mỗi tư tưởng xấu, và mỗi người vi phạm sẽ nhận được một sự thưởng phạt cân xứng với lỗi lầm mà họ đã tạo ra.

          HỎI: Điều này được ghi chép ở đâu?

          ĐÁP: Điều ấy nằm trong các Tác Phẩm Thiêng Liêng nhất của họ. Thí dụ trong quyển “Bánh Xe của Định Luật” (Wheel of the Law) ở trang 57, quí bạn tìm thấy Giáo Lý Thông Thiên Học như sau:

          “Các Phật Tử tin rằng mỗi hành động, mỗi lời nói hay mỗi ý tưởng, sớm hay muộn đều có các hậu quả xuất hiện trong hiện tại hay tương lai. Các hành động xấu sẽ tạo nên những kết quả xấu, các hành động tốt sẽ tạo nên hậu quả tốt, nghĩa là được giàu sang trong Cõi này hay là được sinh vào Cõi Trời (Heaven) (Devachan) . . . trong Kiếp Tới.”

          HỎI: Những người theo Cơ Đốc Giáo cũng tin điều ấy hay sao?

          ĐÁP: Không, họ tin vào sự tha thứ và cứu chuộc mọi tội lỗi. Họ được hứa hẹn rằng nếu họ chỉ tin vào máu của Đấng Christ - một Nạn Nhân vô tội! -máu mà Ngài đã hiến dâng để cứu chuộc mọi tội lỗi của Nhân Loại, thì tội lỗi dù nặng đến đâu cũng được xóa bỏ hết. Còn chúng tôi, chúng tôi không tin vào sự đền tội thế cho người khác, không tin vào sự có thể cứu chuộc một tội lỗi dù nhỏ nhất bởi bất cứ một Đấng Tuyệt Đối, hay một Đấng Vô Cùng nào nếu Đấng ấy có thể hiện tồn. Chúng tôi tin vào một sự Công Bằng chặt chẽ không thiên lệch.

          Cái ý tưởng rằng chúng ta tạo nên một Đấng Thiêng Liêng Phổ Cập vô danh, tiêu biểu bởi Karma là ý tưởng về một Quyền Năng tất thắng, do đó không thể tỏ ra phẫn nộ cũng như không có lòng trắc ẩn, mà chỉ hành động với một sự Công Bằng tuyệt đối, mỗi nguyên nhân dù lớn hay nhỏ đều tạo ra những hậu quả không thể tránh được.

          Đây là lời của Đức Jesus: “Ngươi đo lường người ta như thế nào thì ngươi sẽ bị đo lường như thế ấy” (Matt., vii. 2), các lời này không hàm chứa và không để lại một hy vọng nào về sự tha thứ hay cứu chuộc trong mai sau do bởi sự ủy thác. Dù rằng chúng tôi tin tưởng vào sự công bằng của sự tuyên bố này, chúng tôi cũng không có đủ sức khuyên người ta có lòng trắc ẩn, bác ái và tha thứ cho nhau về các sự xúc phạm. “Đừng chống lại điều ác. Hãy lấy đức báo oán,” các châm ngôn này của Đức Phật đã được thuyết giảng từ lâu về việc không thể xóa bỏ được Luật Quả Báo. Vì, bằng mọi cách, con người tự cho mình cái quyền áp dụng Luật Pháp và ấn định Hình Phạt, đó là một sự phỏng đoán phạm thượng.  Con người được phép áp dụng Luật Pháp để chế tài trong các phạm vi có giới hạn hơn là Hình Phạt. Tuy nhiên, con người dù rất tin vào Luật Quả Báo, chính y lại tìm cách báo thù và không chịu tha thứ cho các sự vi phạm, thay vì “Lấy đức báo oán”; kết cục kẻ báo thù là người phạm tội, chỉ làm hại cho chính mình. Bởi vì kẻ đã phạm tội thì chắc chắn là sẽ bị Luật Nghiệp Quả tác động. Nếu kẻ bị xúc phạm, thay vì để cho Đại Luật trừng phạt,  y lại tìm cách báo thù, thì y đã làm tăng sự thù hận, bởi đó y chỉ thành công trong việc tạo thành sự bù trừ trong tương lai đối với kẻ thù và sự  trừng phạt sẽ tới cho y mà thôi. Sự điều hòa tất thắng đã quyết định trong mỗi kiếp Luân Hồi kế tiếp cái bản chất mà con người đã tạo tác. Họa hay Phúc đều tự  ý con người lựa chọn cho y.

          HỎI: Vậy thì chúng ta phải xét đoán quá khứ của một người bằng chính hiện tại của người ấy chăng?

          ĐÁP:  Chúng ta chỉ nên kết luận rằng cuộc sống hiện tại của một người quả là những gì y phải chịu để đền lại các tội lỗi trong kiếp quá khứ. Điều hiển nhiên là ngoại trừ những Bậc có Nhãn Thông và những vị Đệ Tử cao cấp, còn hạng thường nhân như chúng ta không thể biết mình đã phạm các tội lỗi nào. Chúng ta có ít dữ kiện đến nỗi không thể quyết định được điều gì tạo ra từ thuở nhỏ của một người lớn tuổi; và cùng lý do đó, chúng ta không thể kết luận dứt khoát những gì thuộc về Kiếp Trước của một người bằng những điều chúng ta thấy trong Kiếp Hiện Tại của người ấy.

 

 

NGHIỆP  QUẢ    GÌ?

 

 

          HỎI: Nhưng Nghiệp Quả là gì?

          ĐÁP: Như tôi đã nói với bạn ở trên, đó là Định Luật Tối Hậu của Vũ Trụ, là cái nguồn từ đó phát xuất các Định Luật khác trong Thiên Nhiên. Karma là Định Luật không sai lầm, nó làm cho kết quả phù hợp với nguyên nhân, trên bình diện vật chất, trí tuệ hay tâm linh của con người. Từ cái lớn nhất đến cái nhỏ nhất, từ sự xáo trộn của Vũ Trụ, cho đến cử động của bàn tay bạn đều có hậu quả trực tiếp. Vì hậu quả tương ứng với nguyên nhân, Karma là Định Luật vô hình và bất tri, phù hợp với sự minh triết, sáng suốt và bình đẳng. Truy nguyên ra tận nguồn gốc ta thấy Nhân và Quả đi liền với nhau. Karma thì không thể nhận thấy được, nhưng tác động của nó có thể nhận biết được.

          HỎI: Vậy thì đây là “Cái Tuyệt Đối”, “Bất Khả Tri” và ta không thể tìm nơi đó một sự giải thích cho các vấn đề của cuộc sống chăng?

          ĐÁP: Trái lại. Mặc dầu chúng ta không biết Karma là gì, nguồn cội của nó ra sao, chúng ta không biết nó tác dụng như thế nào, chúng ta cũng có thể xác định và mô tả cách tác động của nó một cách chính xác. Chúng ta không biết được Nguyên Nhân tối hậu của Karma, cũng như nền Triết Học Phổ Cập hiện đại thừa nhận rằng cái Nguyên Nhân tối hậu của mọi vật thì “bất khả tri.”

          HỎI: Thông Thiên Học đem lại những gì để giải quyết các nhu cầu hiện đại và cấp bách của Nhân Loại? Nó trình bày thế nào về các mối đau khổ khủng khiếp và tuyệt vọng trong lớp người được mệnh danh là “thấp kém”?

          ĐÁP: Theo Giáo Lý của chúng tôi, tất cả những tai họa lớn trong xã hội - những sự phân biệt giữa các tầng lớp trong Xã Hội, giữa Nam Nữ, trong các công việc của đời sống, cũng như sự phân phối không đồng đều về vốn liếng và công việc - tất cả đều tạo nên bởi điều mà chúng tôi gọi một cách vắn tắt nhưng chính xác là Karma.

          HỎI: Nhưng sau rốt tất cả những tai họa này dường như rơi trên khối quần chúng, ít hay nhiều ngẫu nhiên, mà không thể tượng trưng cho một Nghiệp Quả riêng nào xứng đáng cho từng cá nhân phải chăng?

          ĐÁP: Không, người ta không thể chỉ dựa vào kết quả của các tai họa này mà đưa ra kết luận như vậy. Đó không phải là sự ngẫu nhiên. Những điều kiện sống đặc biệt của từng cá nhân, và hoàn cảnh riêng biệt của mỗi cá nhân, thì không gì khác hơn là biệt nghiệp mà mỗi cá nhân đó đã tạo ra trong một Kiếp Sống trước. Chúng ta đừng nên quên rằng mỗi nguyên tử đều chịu cùng một Định Luật tổng quát cai quản toàn thể cơ quan mà nó được tạo thành; như thế, chúng ta đi đến một quan niệm rộng lớn hơn của Luật Quả Báo. Bạn có nhận thấy chăng tập hợp các Biệt Nghiệp tạo thành Nghiệp Quả Quốc Gia và tiếp theo, Nghiệp Quả Quốc Gia tổng hợp lại tạo thành Nghiệp Quả Thế Giới? Các tai họa mà bạn nói đến không phải là tai họa của Cá Nhân, cũng không phải của Quốc Gia mà ít nhiều chúng đều phổ cập chung cho mọi người trên Địa Cầu. Và chính ở sự tương quan rộng rãi này mà Định Luật Quả Báo mới tìm thấy kết luận chính đáng và công bằng của nó.

          HỎI: Như vậy, ta có nên hiểu rằng: Định Luật Karma không nhất thiết là Định Luật cho cá nhân chăng?

          ĐÁP: Đó chính là điều mà tôi muốn nói. Nếu như không có một tác động rộng lớn cũng như tổng quát, Karma không bao giờ có thể dựng lại sự cân bằng về quyền lực, của cuộc sống và của sự tiến bộ trên Thế Gian. Các Nhà Thông Thiên Học xem như là Chân Lý, rằng sự hợp quần của Nhân Loại là nguyên nhân của điều mà người ta gọi là Biệt Nghiệp. Chính trong Định Luật này mà người ta tìm thấy cách giải quyết vấn đề trọng đại về sự đau khổ chung và cách làm nhẹ nỗi đau khổ. Vả lại, theo một Định Luật Huyền Môn thì không ai có thể tự nâng cao nhờ những sự hoàn thiện cá nhân mà đồng thời lại không nâng cao toàn thể. Cũng thế, không ai có thể gây tội một mình mà riêng kẻ ấy chịu đau khổ về hậu quả của tội lỗi. Trong thực tế, không có “sự tách biệt,” vì các Định Luật của đời sống không dung thứ một trạng thái ích kỷ như thế. Và trạng thái này chỉ có thể có được trong ý định hay trong động cơ của cá nhân.

          HỎI: Nhưng có cách nào để gom góp hay tập trung Biệt Nghiệp hay Nghiệp Quả Quốc Gia (Distributive or National Karma) để chấm dứt một cách tự nhiên mà không làm cho sự đau khổ kéo dài không?

          ĐÁP: Theo qui tắc chung và trong các giới hạn thích hợp với thời đại chúng ta, sự thanh toán Nghiệp Quả không thể vội vàng cũng như không thể trì hoãn. Do sự tác động đúng độ tuyệt đối của Luật Nhân Quả, tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng có thể một trong hai trường hợp trên chưa bao giờ được thừa nhận. Bạn hãy nghe câu chuyện sau đây có liên quan đến giai đoạn đau khổ quốc gia, và kế đó bạn hãy tự hỏi mình xem có nên thừa nhận nỗ lực hoạt động cá nhân, của thân nhân, và sự biến chuyển của Biệt Nghiệp hay không? Dù bạn nhận biết tác động của Luật Nhân Quả, bạn không thể nào biến đổi các tai nạn này một cách đáng kể và đề ra một phương pháp cứu trợ tổng quát. Điều mà tôi muốn kể với bạn do ngòi bút của một Vị Phò Trợ Quốc Gia, Vị này, nhờ đã thắng được Phàm Ngã, đang được tự do chọn lấy con đường, được phó thác cho việc phụng sự Nhân Loại để gánh vác những gì mà hai vai người đàn bà có thể gánh vác được đối với Nghiệp Quả Quốc Gia. Đây là điều Bà nói:

          “Vâng. Có phải chăng Thiên Nhiên luôn luôn thố lộ? Nhưng chúng ta thường làm ồn quá nên không nghe được tiếng nói của Thiên Nhiên. Điều đó chỉ rõ tại sao người ta tìm thấy sự nghỉ ngơi hoàn toàn lúc ra khỏi thành phố để đắm mình trong chốc lát vào cánh tay của Thiên Nhiên. Tôi đang nghĩ đến buổi chiều xuống trên thành phố Hampstead Heath, khi chúng tôi ngắm Mặt Trời từ từ lặn; ôi! Mặt Trời lặn trên cảnh đau thương biết bao nhiêu! Một Mệnh Phụ Phu Nhân (Lady) ngày hôm qua đã đem lại cho tôi một giỏ hoa dại to lớn. Tôi nghĩ đến một số người trong các gia đình của tôi ở Cực Đông hẳn là có quyền nhận giỏ hoa đó hơn tôi, và thế là sáng nay, tôi đem giỏ hoa xuống một ngôi trường nghèo nàn ở Whitechapel. Bạn hãy tưởng tượng thấy được những gương mặt nhỏ bé xanh xao sáng rực lên như thế nào! Từ đó, tôi đi đến trả tiền một số bữa ăn trưa ở một hiệu ăn nhỏ cho một số trẻ em. Hiệu ăn ở trong một phố hẻm nhỏ hẹp, đông đúc những người; mùi hôi thối không thể tả bốc lên từ cá, thịt và bao nhiêu thức ăn khác, tất cả xông mùi hôi hám dưới ánh Mặt Trời ở Whitechapel, và làm cho độc hại thay vì làm cho thanh khiết. Hiệu ăn quả là tinh hoa của mọi mùi vị. Những miếng bánh ba-tê không thể tả nỗi, từng khối “thực phẩm” kinh khiếp, và hàng đàn ruồi . . . Khắp nơi, nhiều trẻ thơ đang đi tìm kiếm những mẩu thức ăn dư thừa . . . Tôi đến khu phía Tây với một nỗi rùng mình và xúc động, tự hỏi không biết phải làm gì đối với một số vùng của Luân Đôn để cứu nó khỏi bị nuốt trửng trong một cơn động đất và để mở đầu lại cho dân cư ở đấy, sau khi đã nhúng họ vào con sông Lê-The để được thanh lọc . . .”

          HỎI: Đó là một bức thư buồn bã nhưng rất đẹp, chứa đựng câu chuyện lý thú và đau đớn của những tác động khủng khiếp về điều mà bạn gọi là “Nghiệp Quả chung và Nghiệp Quả riêng.” Nhưng than ôi, cái hy vọng duy nhất để làm dịu bớt dường như chỉ nhờ một trận động đất hay một tai biến nào khác giống như vậy!

          ĐÁP: Chúng ta có quyền gì để nghĩ như thế, khi mà một phần hai  Nhân Loại có các phương tiện để cứu vãn ngay tức khắc những sự thiếu thốn mà số người còn lại gây nên? Khi mỗi cá nhân đóng góp phần mình vào ích lợi chung, bằng công sức, của cải, bằng cách mang đến hoặc bằng tiền bạc, hay tư tưởng cao quý, chính bấy giờ và chỉ bấy giờ thôi, cán cân Nghiệp Quả Quốc Gia sẽ có được sự thăng bằng. Cho đến lúc đó, chúng ta không có quyền gì, và không có lý do gì để nói rằng trên Cõi Trần này có nhiều đời sống mà Thiên Nhiên không thể duy trì được. Chính nhờ những Vị Anh Hùng và các Đấng Cứu Trợ của Chủng Tộc chúng ta, của Quốc Gia chúng ta, Họ được dành cho việc khám phá nguyên nhân của sự phân phối không đồng đều của Biệt Nghiệp. Do một sự cố gắng phi thường, Họ dựng lại cán cân Quyền Lực và để cứu giúp người đời tránh khỏi tai họa thường xuyên và tránh khỏi một Bệnh Dịch Tinh Thần cả ngàn lần tàn hại hơn là tai họa vật chất, mà đối với bạn, dường như là phương tiện duy nhất để thoát ra khỏi sự chất chứa các đau khổ này.

          HỎI: Bây giờ bạn giải thích Định Luật Quả Báo bằng cách nào?

          ĐÁP: Chúng tôi nhận thấy nơi Luật Quả Báo một khuynh hướng không ngừng thiết lập sự thăng bằng đã bị tàn phá trong Cõi Giới Vật Chất và sự hài hòa bị gián đoạn trong Cõi Giới Tinh Thần. Chúng tôi cho rằng Karma không luôn luôn tác động theo cùng một phương pháp; mà luôn luôn bằng cách thiết lập sự Hài Hòa và duy trì sự cân bằng cần thiết cho sự hiện tồn của Vũ Trụ.

          HỎI: Xin bạn cho một thí dụ.

          ĐÁP: Sau này, bạn sẽ có một thí dụ rõ ràng, đầy đủ. Tạm thời bây giờ, bạn hãy xem một cái ao. Một viên đá rơi vào cái ao tạo nên các gợn sóng qua lại, lan rộng khắp mặt ao. Chúng cứ tiếp tục gợn sóng qua lại mãi cho đến khi nhờ sự vận hành mà trong Vật Lý Học được biết dưới tên là Định Luật Phân Tán Năng Lượng, chúng ngừng lại, mặt nước trở lại yên tĩnh. Cũng thế, bất cứ tác động nào trên mọi bình diện đều gây nên sự khuấy động, mất sự Hài Hòa toàn hảo của Vũ Trụ. Các chấn động là kết quả liên tục của sự dao động, cho đến khi sự thăng bằng được tái lập, giả sử rằng điều này xảy ra trong một môi trường có giới hạn. Nhưng vì mỗi sự xáo trộn này xuất phát từ một điểm đặc biệt nào đó, hiển nhiên là sự Thăng Bằng và sự Hài Hòa chỉ có thể được lặp lại bởi sự trở lại cùng một điểm của tất cả các lực đã tạo ra chuyển động. Điều đó chứng tỏ rằng tất cả các hiệu quả của các hành động và tư tưởng của một người sẽ trở lại tác động trên chính y với một lực bằng với lực đã gây ra chúng.

          HỎI: Nhưng theo tôi nhận thấy thì Định Luật này không có gì thuộc về Tinh Thần cả. Nó không gì khác hơn là Định Luật Vật Lý về tác động và phản tác động, tương đương và ngược chiều với nhau.

          ĐÁP: Điều bạn nói với tôi không làm cho tôi ngạc nhiên một chút nào. Người Âu Châu có thói quen từ cội rễ là xem điều công bằng và bất công, điều thiện và ác như là những quyết định độc đoán do con người tạo ra hay do một vị Thượng Đế Nhân Hình (Personal God) đặt để cho con người. Nhưng các Nhà Thông Thiên Học chúng tôi cho rằng điều “Thiện” và “Hài Hòa”, điều “Ác” và “Bất Hài Hòa” là đồng nghĩa. Chúng tôi cũng cho rằng tất cả những điều đau đớn và khổ sở đều là kết quả của sự Thiếu Hài Hòa, và rằng cái nguyên nhân duy nhất và khủng khiếp làm mất sự Hài Hòa là sự Ích Kỷ dưới bất cứ hình thức nào. Bởi đó, Karma trả lại cho mỗi người những hậu quả đích thực cho các hành động của y, bất chấp trình độ Đạo Đức cá nhân; như vậy mỗi người sẽ nhận lại tất cả những gì xứng đáng, y phải đền trả lại các đau khổ mà y đã gây ra và y cũng sẽ gặt hái một cách vui vẻ các hạnh phúc được đền đáp và tất cả mọi hài hòa mà y đã góp phần tạo ra.

          Tôi chỉ có thể làm cho bạn hiểu rõ điều này hơn bằng cách trích dẫn vài đoạn mượn trong các sách của các Nhà Thông Thiên Học, nghĩa là bởi những người có một quan niệm chính xác về Luật Karma.

          HỎI: Chính bạn mới giúp tôi hiểu rõ hơn, vì văn từ Thông Thiên Học không giải thích về vấn đề này.

          ĐÁP: Bởi vì trong tất cả các Giáo Lý của chúng tôi, đây là đề tài khó giải thích nhất. Đây là một điều bài bác mới được đưa ra gần đây do ngòi bút của một Nhà Cơ Đốc Giáo chống đối Giáo Lý Thông Thiên Học rất mạnh mẽ:

          “Giả sử rằng Giáo Điều của Thông Thiên Học là đúng, giả sử rằng con người phải tự cứu lấy mình, tự chinh phục và đánh ngã điều ác hiện diện trong bản chất vừa thiện, vừa ác của mình, để cho Linh Hồn được giải thoát, con người phải làm gì sau khi thức tỉnh để hoán cải ác ý của y? Làm thế nào để được tha thứ hay để tẩy sạch những điều ác y đã phạm phải?”

          Về vấn đề này, Ông Connelly đã trả lời với nhiều lý lẽ thích đáng rằng người ta không thể chờ đợi “đầu máy Thông Thiên Học chạy trên đường Thần Học.” Và Ông thêm: “Sự khả hữu tránh khỏi trách nhiệm cá nhân không được chấp nhận trong số các khái niệm Thông Thiên Học.” Vấn đề nêu ra không phải là tha thứ hay tẩy sạch điều ác đã phạm phải bằng một hình phạt tương xứng với lỗi lầm của người phạm tội mà là bằng sự thiết lập sự Hài Hòa của Vũ Trụ đã bị gián đoạn bởi hành động xấu này. Chính vì thủ phạm đã phạm tội và vì những kẻ khác hơn y đã hứng chịu hậu quả, như vậy chỉ một mình y là phải đền tội mà thôi!

          Kẻ nào đã thức tỉnh và được chuyển hóa trong một phạm vi nào đó về tội lỗi do y làm ra, thì y sẽ hiểu rằng: Các hành động xấu đều tạo nên sự trừng phạt . . . Một kết quả tương tự cần thiết để dẫn đến ý thức về trách nhiệm cá nhân, và ý thức về trách nhiệm này là một sức mạnh tương xứng với sức mạnh của sự thức tỉnh hay của sự hoán cải người này. Chỉ  khi nào người ta tự đặt mình dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của ấn tượng này, người ta mới chấp nhận Triết Lý Về Sự Hy Sinh Chuộc Tội.

          Người ta cũng nói với y rằng cần phải hối hận, nhưng họ không có gì thêm để giúp cho y tiến bộ hơn nữa. Do bản chất tự nhiên yếu đuối đáng thương hại của con người, chúng ta luôn luôn hối tiếc điều xấu mà chúng ta phạm phải, khi mà sự chú ý của chúng ta dừng lại nơi đó, sau khi chính chúng ta bị đau khổ hay sau khi chúng ta rút được sự lợi lộc trong đó. Có thể rằng nếu chúng ta chịu khó phân tích kỹ lưỡng tình cảm này, chúng ta sẽ khám phá được rằng: Điều làm chúng ta hối tiếc chỉ là sự cần thiết phải gây ra điều ác để đạt mục đích ích kỷ mà chúng ta dự tính sẵn, hơn là điều ác do chính chúng nó.

          Môn Đệ Thông Thiên Học không chịu tán thành cái triển vọng ném gánh nặng của mình “dưới chân thập tự giá,” dù ý tưởng này đối với trí tuệ người thường có vẻ rất là hấp dẫn. Y không hiểu được tại sao một kẻ tội lỗi, dù đã hiểu rõ, lại nhận được sự tha thứ hay tiêu hủy tội lỗi đã gây, tại sao sự hối hận và một cuộc sống không thể chê trách được đối với tương lai lại có quyền nhận ngoại lệ của Định Luật Phổ Cập chi phối sự liên quan giữa nguyên nhân và hậu quả. Kết quả về những hành động xấu này vẫn tồn tại; các đau khổ mà sự độc ác của y gây ra cho kẻ khác vẫn không được xóa nhòa. Hậu quả của việc ác rơi xuống cho kẻ vô tội là một vấn đề mà Nhà Thông Thiên Học tìm cách giải quyết. Y không những chỉ nghĩ đến kẻ phạm tội, mà còn nghĩ đến nạn nhân nữa.

          Điều ác là một sự vi phạm Luật Hài Hòa cai quản Vũ Trụ và chính kẻ vi phạm Luật này phải hứng chịu hình phạt. Đây là lời cảnh cáo của Đấng Christ: “Đừng nhúng tay vào tội lỗi vì rằng điều tai hại sẽ đến với con,” và đây là lời Thánh Paul: “Hãy làm việc cho sự cứu rỗi của bạn, con người sẽ gặt hái điều gì mà y đã gieo.” Các lời nói bóng bảy sau đây đã có trong kinh Puranas từ ngàn xưa: “Con người gặt lấy hậu quả cho mỗi hành động của y.”

          Đây là Nguyên Lý của Định Luật Nghiệp Quả mà Thông Thiên Học đã dạy ra. Ông Sinnett, trong quyển “Phật Giáo Nội Môn” (Esoteric Buddhism) đã gọi Karma là “Định Luật Nhân Quả có tính cách Luân Lý” (The Law of Ethical Causation). Bà Blavatsky đã nói rõ ràng hơn khi Bà gọi đó là “Định Luật Báo Phục” (Law of Retribution). Chính đó là Quyền Năng Bí Nhiệm, nhưng công bằng, đưa ta đến chỗ tất thắng bằng những con đường vô hình và không có sự trừng phạt.

          Nhưng còn điều này nữa. Quyền Năng này rộng quyền Thưởng cũng như Phạt không một chút sai lầm. Chính do hậu quả này mà mỗi người có thể áp dụng cho mỗi hành động, tư tưởng, lời nói, nhờ đó con người tự sắp đặt kiểu mẫu cuộc đời cho chính mình. Triết Học Đông Phương bác bỏ ý niệm cho rằng mỗi Linh Hồn mới được tạo ra cho mỗi đứa trẻ mới ra đời. Triết Học này tin rằng có một số Chơn Thần có giới hạn đang phát triển và tiến đến chỗ hoàn thiện do nhiều Phàm Ngã kế tiếp nhau. Các Phàm Ngã này vốn là sản phẩm của Karma, và chính bởi Karma, chính bởi Sự Luân Hồi mà Chơn Thần con người sau rốt trở lại nguồn gốc cũ - Thiên Tính Tuyệt Đối (Absolute Deity).

          Trong một tác phẩm bàn về Sự Luân Hồi, ông E.D. Walker giải thích như sau:

          “Tóm lại, theo Triết Lý Karma, các hành động đã qua của chúng ta, tạo ra chúng ta ngày hôm nay, còn chính hành động hiện tại sẽ tạo ra tương lai của chúng ta. Không có sự Tiền Định mà chính ta tự quyết định số mạng của mình. Không có sự cứu chuộc, cũng không có sự kết buộc nào lôi cuốn chính chúng ta cả . . .

          Chẳng những Triết Lý Karma này không đưa ra một điểm nào để che chở cho những hành vi tội lỗi, mặt khác, nó còn đòi hỏi chúng ta phải có sự cương nghị, sự dũng cảm. Do đó ta thấy rõ tại sao những người có bản chất yếu đuối, họ không chấp nhận Triết Giáo Karma mà chỉ chấp nhận sự hy sinh chuộc tội, sự ân xá, sự tha thứ, sự hoán cải lúc sắp từ trần do Tôn Giáo khác đưa ra.

          Ở địa hạt Chân Lý về sự công bình vĩnh cửu, sự xúc phạm và hình phạt đều có liên hệ nhau chặt chẽ và chúng nó hợp thành cùng một biến cố, bởi vì không có sự phân biệt thật sự giữa hành động và hậu quả . . .

          Chính là Karma, nghĩa là các hành vi đã qua của chúng ta đưa chúng ta đến cuộc sống Hồng Trần. Trú sở của Tinh Thần thay đổi tùy theo Nghiệp Quả của Tinh Thần. Bởi vì Nghiệp Quả này không ngừng thay đổi, do đó, nó không cho phép dừng lại một thời gian dài trong cùng một điều kiện. Bao giờ mà các hành động của chúng ta còn bị chi phối bởi các nguyên động lực ích kỷ và thiên về vật chất, tất nhiên, hậu quả của các hành động này sẽ thể hiện ra bằng những sự Tái Sinh ở Trần Gian. Trừ ra một số ít Nhân Loại ưu tú, không một ai có thể hoàn toàn thoát khỏi mọi ích kỷ để có thể thoát được sự thu hút của đời sống vật chất. Và mặc dầu ít người đạt đến đó, song Mục Đích hướng về đó đã thúc đẩy Nhân Loại.”

          Đây là đoạn tiếp theo mà Tác Giả mượn trong “Giáo Lý Bí Nhiệm”:

          “Kẻ nào tin tưởng ở Luật Nhân Quả, đều phải tin vào Số Mệnh mà mỗi người từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đều dệt chung quanh mình từng sợi, giống như con nhện giăng lưới, Số Mệnh này được hướng dẫn bởi Tiếng Nói Thiêng Liêng của Nguyên Mẫu Vô Hình (Invisible Prototype) bên ngoài chúng ta hay bởi con người siêu trần hay con người Nội Tâm (Inner man), liên kết chặt chẽ nhất với chúng ta, con người Nội Tâm này chỉ trở thành đặc tính xấu của Thực Thể đang Luân Hồi được gọi là con người. Con người Phàm Tục được hai ảnh hưởng này dẫn dắt, nhưng chỉ có một ảnh hưởng chiếm ưu thế, và từ lúc bắt đầu cuộc tranh chấp vô hình, Định Luật nghiêm khắc của sự Thưởng Phạt xen vào, theo dõi từng bước những bất trắc của trận chiến. Khi sợi chỉ cuối cùng được dệt xong, con người bị bao bọc trong chính cái lưới của mình và hoàn toàn nằm dưới ảnh hưởng của Số Mệnh do y đã tạo ra cho chính mình y . . .  Một Nhà Huyền Linh Học hay Triết Gia không nói đến sự tốt cũng như sự xấu của Thiên Ý (Providence), mà người ấy cho rằng đó là Nghiệp Quả Xấu (Karma-Nemesis), y cho rằng Quyền Lực này giữ gìn và che chở cho người lành trong Cuộc Sống cũng như trong các kiếp sống tương lai, và trừng phạt kẻ ác đến tận kiếp tái sinh thứ bảy (seventh Rebirth) - nghĩa là cho đến khi mà hậu quả của sự biến loạn (perturbation) đã gây ra cho một Nguyên Tử nhỏ nhất của thế giới hài hòa vô hạn đã được tái lập trở lại hoàn toàn. Vì Mệnh Lệnh duy nhất của Karma - Mệnh Lệnh vĩnh cửu và bất di bất dịch - là sự Hài Hòa Tuyệt Đối trong Cõi Vật Chất, cũng như trong Cõi Tinh Thần. Do đó, không phải Luật Nhân Quả thưởng hay phạt, mà là chính chúng ta Tự Thưởng hay Tự Phạt chính chúng ta tùy theo chúng ta làm việc hợp với Thiên Nhiên, tuân theo những Định Luật thiết lập sự Hài Hòa, hay hành động ngược với những Định Luật này.

          Karma sẽ không bí hiểm đối với con người, nếu những người này làm việc với sự Đoàn Kết và Hòa Hợp, thay vì chia rẽ và chống đối nhau.

          Vì sự vô minh của chúng ta về các phương pháp này - mà một phần Nhân Loại gọi những cách biểu hiện của Thiên Ý là những phương pháp hắc ám và phức tạp của Thượng Đế; một phần khác thì xem là sự may rủi không có mắt (blind fatalism); trong khi phần thứ ba chỉ thấy cái may mắn mà không Thần Thánh hay Ma Quỉ nào dẫn dắt cả - chúng tôi nói rằng sự vô minh này không xuất hiện nếu chúng ta liên kết tất cả các hậu quả của Karma vào nguyên nhân thật sự của nó…

          Chúng ta vẫn ngạc nhiên trước cái bí mật mà chính chúng ta đã tạo ra và những nan đề của cuộc sống mà chúng ta không chịu giải quyết, rồi chúng ta cho rằng con Nhân Sư (Sphinx) xâu xé chúng ta. Nhưng trong thực tế, trong Kiếp Sống chúng ta, không một tai nạn nào, không một sự đau khổ nào, không một ngày xấu nào mà nguyên nhân của nó lại không nằm trong các hành động riêng của chúng ta trong Kiếp Sống này hay của một Kiếp Sống trước kia . . . Định Luật Quả Báo (Karma) được kết hợp một cách chặt chẽ với Định Luật Luân Hồi . . . Chỉ có Triết Lý này mới có thể giải thích cho chúng ta vấn đề Bí Nhiệm của điều Thiện và điều Ác, và làm cho con người hiểu rõ tại sao có nhiều nỗi bất công khủng khiếp xuất hiện trong cuộc đời y. Chỉ có sự xác thật này mới có thể làm nhẹ cảm giác kinh hãi của chúng ta khi mà ý niệm về sự công bằng bị gây tổn thương. Vì, khi chúng ta chưa nhận thức được Triết Lý cao cả này và khi nhìn chung quanh, người ta nhận thấy những sự bất bình đẳng của gia thế và của vận mệnh, của sự sáng suốt và sự có khả năng; khi người ta thấy danh vọng được đem đến cho kẻ ngu ngốc và cho kẻ phung phí có được sự may mắn, chỉ bởi đặc quyền của dòng dõi, đã hoang phí các ân huệ của y. Và trong khi đó, người láng diềng của y đã hội đủ các Đức Tính Cao Quý và y vô cùng xứng đáng với hạnh phúc, sẵn có thông minh và đức hạnh, y lại chỉ nhận được sự đau khổ và thiếu thiện cảm. Khi người ta chứng kiến tất cả những điều đó, và khi người ta chỉ có thể rút lui trong sự bất lực vì không thể làm nhẹ nỗi đau khổ không cần phải gánh chịu này; và khi mà những tiếng kêu đau khổ nổi lên khắp nơi, vang dội bên tai ta, làm tổn thương tim ta, chỉ lúc bấy giờ, sự hiểu biết quý giá về Luật Karma mới ngăn cản chúng ta không nguyền rủa cuộc đời, con người và Đấng Sáng Tạo của họ . . .

          Dù biết hay không biết, Định Luật này không chừa một kẻ nào hay một vật nào cả. Luật Karma thật sự có mọi sự vĩnh cửu, và chính nó là sự vĩnh cửu, và bởi vì không có một tác động nào tương xứng với sự vĩnh cửu, người ta không thể nói rằng Định Luật này tác động: Chính nó là sự tác động. Không phải chính lượn sóng nhận chìm con người, mà là hành vi cá nhân của kẻ phạm tội đã tự đặt chính y dưới tác động khách quan (impersonal action) của các Định Luật chế ngự sự chuyển động của Đại Dương. Karma không sáng tạo gì hết và cũng không có một chủ tâm nào. Chính con người gây tạo ra nguyên nhân, còn Luật Karma chỉ hiệu chính các hậu quả, và sự hiệu chính này không phải là một tác động, mà chỉ là sự Hài Hòa Đại Đồng, không ngừng đưa trở lại những điều kiện ban đầu. Và cũng như một cành cây bị uốn cong bằng một sức mạnh, nó sẽ bật trở lại với một sức mạnh tương tự. Và nếu cánh tay tìm cách biến đổi vị trí tự nhiên của cành cây, cánh tay đó sẽ bị trật khớp xương vì sự cố gắng này, chúng ta sẽ nói rằng cành cây làm gãy cánh tay ta hay là chính sự điên cuồng của chúng ta là nguyên nhân của tai nạn này?

          Karma không bao giờ tìm cách phá hủy sự tự do Tinh Thần và cá nhân như Thượng Đế của người Độc Thần đã làm. Các phán quyết của Karma không phải bị bao bọc trong bóng tối để ném con người vào chỗ bối rối khó xử và Karma cũng sẽ không trừng phạt kẻ nào cả gan dám dò xét các Bí Mật. Trái lại, kẻ nào làm điều Thiện cho Nhân Loại, nhờ sự Tham Thiền, nhờ sự Khảo Cứu và nhờ sự Suy Nghiệm, kẻ đó sẽ thành công trong việc vén lên các bức màn đang bao phủ những con đường rắc rối, phức tạp của Karma và rọi một ít ánh sáng trên các con đường tối tăm này bao lâu mà con người còn đắm chìm trong Mê Lộ của Cuộc Sống. Trong thế giới biểu lộ này, Karma là Định Luật Tuyệt Đối và Vĩnh Cửu, vả lại, vì chỉ có một Nguyên Nhân Tuyệt Đối và Vĩnh Cửu, Luôn Luôn Hiện Tồn, những người tin tưởng Luật Karma không thể bị xem như là kẻ Vô Thần hay là kẻ Duy Vật, và lại càng không phải là kẻ theo Thuyết Định Mệnh nữa, bởi vì, về phương diện Thần Bí Thiêng Liêng, đối với những gì có liên quan đến các hậu quả trong Cõi Giới Hiện Tượng này, Karma là Một với “Cái Bất Khả Tri”.”

          Một Tác Giả Thông Thiên Học khác, Bà Sinnett có viết trong tác phẩm: “Mục Đích của Thông Thiên Học”(Purpose of Theosophy) như sau:

          “Mỗi người đều tạo ra Nghiệp Quả tốt hay xấu trong mỗi hành động và mỗi tư tưởng trong cuộc sống hằng ngày, đồng thời, hiện giờ người đó cũng làm vơi bớt Nghiệp Quả xưa đã có do những hành động và ước muốn của kiếp Luân Hồi trước. Khi chúng ta thấy những kẻ chịu đau khổ vì các tật bệnh từ lúc mới sinh ra, người ta có thể nói mà không do dự rằng đây là những hậu quả không thể tránh được mà chính họ đã tạo ra trong một Kiếp Sống trước. Người ta có thể nói được rằng những bệnh tật này là do Di Truyền, chúng không thể có một sự liên quan nào với một Kiếp Quá Khứ; nhưng chúng ta nên nhớ rằng: Chơn Ngã hay con người thật sự, con người Thiêng Liêng, không có nguồn gốc Tâm Linh, ở nơi những người cha mẹ mà họ Đầu Thai vào; mà họ vốn bị thu hút bởi những Ái Lực Nhân Quả mà cách sống trước đây của họ đã tạo ra các mối liên hệ chung quanh cha mẹ này, và hướng về nơi thích hợp nhất khi đến lúc phải Tái Sanh, cho sự phát triển các khuynh hướng của mình. Nếu hiểu đúng, Triết Lý Nhân Quả này sẽ hướng dẫn con người tiến đến một đời sống cao cả hơn, vì chúng ta đừng quên rằng: Không những các hành động, mà các tư tưởng của chúng ta chắc chắn sẽ làm phát sanh ra các ảnh hưởng xấu hay tốt, tác động một cách không thể tránh được trên tương lai chúng ta, và điều quan trọng hơn nữa là trên tương lai của nhiều Đồng Loại chúng ta. Nếu tội lỗi phạm phải do sự cố ý hay vô ý chỉ ảnh hưởng trên chính ta mà thôi, thì hậu quả của chúng sẽ không quan trọng lắm. Tinh Thần đạo đức, công lý và tính vị tha thật sự cần thiết cho hạnh phúc, tương lai và sự tiến bộ của Nhân Loại. Mỗi hành động và mỗi tư tưởng của con người đều tạo nên một ảnh hưởng tốt hay xấu trên kẻ khác. Một trọng tội đã phạm phải, một tư tưởng xấu được điều khiển theo một chiều hướng nào đó, chúng ta không thể thu hồi lại được nữa. Và các hậu quả về sau không thể được xóa nhòa, cho dù kẻ ấy có hối hận cách nào đi nữa. Một sự hối lỗi chân thành có thể giữ một người khỏi tái phạm lầm lỗi, nhưng không thể cứu chuộc cho y được, cũng như cho những kẻ khác; hậu quả của các lỗi lầm đã phạm phải, sớm hay muộn, trong Kiếp Này hay Kiếp Tương Lai, đều tác động vào kẻ phạm lỗi.”

          Ông J.H. Connelly tiếp:

          “Những kẻ tin tưởng vào một Tôn Giáo đặt căn bản trên các Triết Lý như thế sẽ sẵn sàng chấp nhận khi người ta so sánh với một Tôn Giáo khác quả quyết rằng số phận vĩnh viễn của mỗi người đã được chỉ định bởi những sự tình cờ của một Kiếp Sống duy nhất ngắn ngủi ở Hồng Trần, trong lúc đó, y thích thú với lời hứa hẹn rằng: “Cái cây vẫn nằm ở nơi mà nó ngã xuống.” Tín Ngưỡng này đem lại cho y sự hy vọng chắc chắn hơn, khi mà y thức tỉnh, y có thể khơi dậy niềm hy vọng sáng chói nhất trong Triết Lý về sự hy sinh để chuộc tội, mà theo sự thú nhận của các tín đồ Tin Lành, đã có nhiều may rủi không thành công.

          “Do sự phán quyết của Thượng Đế và để cho sự vinh quang biểu lộ, có những Người và Thiên Thần đã được định trước cho mỗi Cuộc Sống Vĩnh Cửu, trong khi bao nhiêu Cuộc Sống khác phải tiến đến Cái Chết Vĩnh Viễn.

          “Những Con Người và Thiên Thần này, như vậy đã được tuyển chọn trước theo một Mục Đích riêng biệt không thay đổi, con số cũng được xác định, không tăng, không giảm . . . Và bởi vì Thượng Đế đã định trước con số những người được tuyển chọn đến vinh quang, thật rõ ràng là có những kẻ được Đấng Christ cứu chuộc và có thể được thừa nhận, Thánh Hóa và cứu độ. Về phần còn lại của Nhân Loại, với các Mục Đích không thể hiểu thấu được của Thượng Đế, chiếu theo cái mà Ngài ban bố ra hay từ chối Lòng Từ Bi theo sở thích; chúng ta nói rằng: Do Quyền Năng tối thượng tác động trên Tạo Vật; định đoạt phần còn lại của Con Người, Ngài trả lại tội lỗi mà họ đã gây ra và trừng phạt họ, với sự khen tặng về sự Công Bằng Vinh Quang của Thượng Đế.”

          Như thế, đó là những điều mà Nhà Biện Hộ tài ba này đã nói, và chúng tôi cũng không thể làm gì khác hơn là kể lại đoạn thơ huy hoàng dùng để khai triển đề tài. Như Ông nói:

          Cái nét thanh tú mà Karma đòi hỏi phải có đã được Edwin Arnold trình bày trong “Ánh Đạo Á Châu” mà chúng tôi thử kể lại nơi đây bằng một vài đoạn mượn trong ấy:

          “Karma, là cái toàn thể của một Linh Hồn,

           Của những sự việc mà Linh Hồn đã làm, những tư tưởng mà Linh Hồn đã có,

          “Bản Ngã” mà Linh Hồn đã dệt trên mạng lưới vô hình của thời gian

           Cái Ngã mà Linh Hồn đã làm cho thành vô hình phát xuất từ những hành động trong quá khứ.

*        *        *        *        *

          Vô thủy và vô chung,

          Vĩnh cửu như không gian, chắc chắn như Chân Lý,

          Một quyền năng Thiêng Liêng hiện hữu có khuynh hướng tiến đến điều thiện.

          Chỉ có các Định Luật của Nó là bền vững mãi mãi.

          Karma không khinh chê một ai;

          Kẻ nào không tuân theo Nó sẽ mất, kẻ nào giữ gìn Nó sẽ được;

          Nó dành riêng sự bình an và hạnh phúc để tưởng thưởng điều thiện trong sự bí mật và điều đau khổ cho kẻ ác.

          Nó thấy rõ khắp nơi và không gì có thể thoát được Nó;

          Làm điều thiện - Nó tưởng thưởng!

          Làm điều ác - Hình Phạt như bóng theo  hình,

          Và có nhiều khi Dharma cố ý phân ly với hành động,

          Nó không biết giận dữ và cũng không tha thứ, mà chỉ có sự công bằng không lay chuyển là phạm vi của Nó, Nó được đo lường với một cán cân hoàn hảo.

          Với Nó, thời gian là hư vô, Nó sẽ phán đoán vào ngày mai hay nhiều ngày sau này.

*        *        *        *        *

          Đó là Định Luật đưa đến sự Công Bình,

          Không một ai có thể ngăn trở được Nó cũng như làm xoay được hướng đi của Nó;

          Tâm của Định Luật này tràn đầy Bác Ái.

          Mục đích của Nó là sự Hoàn Thiện và sự Hòa Bình toàn hảo nhất. Bạn hãy tuân theo.”

 

          Bây giờ xin mời bạn hãy suy gẫm về các Giáo Điều Thông Thiên Học của chúng tôi có liên quan đến Karma, Định Luật Báo Phục để nhận thấy rõ Giáo Lý Thông Thiên Học có đầy Triết Lý và chính xác hơn là cái Giáo Điều độc ác và kém hợp lý, đã được rao giảng rộng rãi, Giáo Lý này đã tạo ra một Vị “Thượng Đế ” là một yêu quái không thông minh, cái Giáo Lý mà theo đó chỉ “những kẻ được chọn trước” là được cứu độ, còn phần Nhân Loại còn lại, bị đày xuống Địa Ngục đời đời!

          HỎI: Vâng, tôi hiểu một cách tổng quát những gì mà bạn muốn nói đến, nhưng bạn có thể cho tôi một thí dụ cụ thể về tác động của Luật Karma không?

          ĐÁP: Đó là điều mà tôi không thể làm được. Nhưng, như chúng tôi đã nói ở trên, những kiếp sống hiện thời của chúng ta và những trường hợp mà chúng ta đang thấy đều là các kết quả trực tiếp của các tư tưởng và hành động của các kiếp sống trước. Chúng ta không phải là bậc có Huệ Nhãn hay là bậc được Điểm Đạo nên không thể biết một chút gì về các chi tiết do tác động của Luật Quả Báo.

          HỎI: Như vậy thật sự có những Vị Chơn Sư hay là những Vị có Huệ Nhãn có thể theo dõi được các chi tiết của Luật Karma chăng?

          ĐÁP: Chắc chắn là có “Những kẻ Hiểu Biết” có thể biết được bằng cách dùng các Quyền Năng ẩn tàng mà tất cả mọi người đều có.

 

 

AI      KẺ   BIẾT ?

 

 

          HỎI: Điều mà bạn vừa nói đến áp dụng cho chính chúng ta cũng như cho những kẻ khác chăng?

          ĐÁP: Đúng thế. Vì năng lực để thấy của tất cả mọi người đều có giới hạn, ngoại trừ đối với những kẻ mà trong kiếp Luân Hồi hiện tại đã đạt đến trình độ Huệ Nhãn và Nhãn Quan Tâm Linh thật cao siêu. Theo Luật Nhân Quả: Nhân nào Quả nấy, chúng ta chỉ có thể nhận ra rằng: Nếu có những việc khác nhau xảy đến cho chúng ta là bởi vì chỉ có những gì mà Luật Nhân Quả tìm kiếm lấy cho ta mà thôi.

          HỎI: Tôi e sợ rằng một quan niệm như thế chỉ làm cho chúng ta đau khổ mà thôi.

          ĐÁP: Tôi nghĩ rằng điều trái lại mới là đúng. Chính vì cả loài người thiếu tin tưởng vào sự chính xác của Định Luật Báo Phục, mới làm nổi lên cảm giác chống đối mạnh bạo nơi con người. Một đứa trẻ, và ngay cả một người trưởng thành cũng vậy, đều công phẫn về một hình phạt hay một lời trách móc mà họ nghĩ rằng: Không thật xứng đáng, nếu y nghĩ rằng: Nhân Quả đã cho y trả ít hơn số đó thì y thật đáng được thưởng. Sự tin tưởng vào Karma tạo cho con người lý do vững chắc nhất để chấp nhận số phận của mình trong kiếp sống, và đó cũng là sự khuyến khích lớn lao nhất trong việc cố gắng để hoàn thiện cho các kiếp lai sinh. Quả vậy, sự thừa nhận này và sự cố gắng này không có lý do để tồn tại nếu chúng ta đặt giả thuyết rằng: Số phận của chúng ta chính là kết quả của Định Luật không thể cưỡng lại được, hay số mệnh chúng ta lại nằm trong tay những kẻ khác, hơn là trong tay chúng ta.

          HỎI: Bạn vừa xác nhận rằng: Sự Luân Hồi này được đặt để dưới Định Luật Nhân Quả, đem lại sự hữu lý, sự công bằng và có ý nghĩa về luân lý. Nhưng phải chăng chúng ta bắt buộc phải hy sinh những tình cảm êm ái nhất về lòng thiện cảm và lòng thương xót và đó có phải là sự chai cứng của những bản năng cao nhất của bản chất con người hay không?

          ĐÁP: Chỉ ở bên ngoài mà thôi, chớ thực tế không phải như vậy. Dù ít hay nhiều không một ai nhận được điều gì mà không gây ra một sự bất công hay thiên vị đối với những kẻ khác. Một Định Luật nào có thể được chuyển hướng bởi lòng thương hại, sẽ tạo ra nhiều đau khổ hơn là tha thứ và tạo ra nhiều sự tổn thương và sự nguyền rủa hơn là lòng biết ơn. Bạn cũng nên nhớ rằng: Mặc dầu chính chúng ta là kẻ tạo nên những nguyên nhân dẫn đến các hậu quả của Định Luật này, điều đó không phải là do chúng ta quản trị Định Luật, mà chính Định Luật tự tác động. Mặt khác, trạng thái Devachan là sự biểu lộ đầy đủ nhất mà người ta có thể có được về Lòng Từ Bi và sự Xót Thương.

          HỎI: Bạn đề cập đến các Vị Thánh Sư như là các ngoại lệ cho sự không hiểu biết tổng quát của chúng ta. Những Vị này có thật sự hiểu biết hơn chúng ta về sự Luân Hồi và các trạng thái tương lai hay không?

          ĐÁP: Chắc chắn thế. Nhờ bởi sự khai mở những khả năng mà tất cả chúng ta đều có, nhưng chỉ có những Vị ấy là biết cách vun trồng cho đến hoàn hảo; bằng Tinh Thần, các Vị này đã vượt lên những Cảnh Giới cao siêu và đã tiến đến những trạng thái khác nhau mà chúng ta vừa nói đến. Đã từ rất lâu, các thế hệ Thánh Sư này đã khảo cứu các Bí Nhiệm của bản thể, của đời sống, của sự chết, và của sự tái sinh, và đến phiên các Ngài đã giảng dạy lại những điều như thế.

          HỎI: Phải chăng Thông Thiên Học có Mục Đích tạo ra những Vị Thánh Sư?

          ĐÁP: Thông Thiên Học xem Nhân Loại như là phát xuất từ Thiêng Liêng đang quay trở về Nguồn Cội. Những kẻ đã tiến đến trước trên con đường này đều đạt đến Quả Vị Chơn Sư sau nhiều kiếp Luân Hồi học hỏi và đã tự nguyện hết lòng hy sinh. Bạn nên ghi nhớ rằng: Từ xưa đến nay theo Khoa Học Huyền Bí đã dạy: Không một người nào đạt đến Quả Vị Chơn Tiên chỉ trong một kiếp sống; mà y phải trải qua nhiều sự Luân Hồi với bao nhiêu sự tận tâm học hỏi để đạt cho được Mục Đích. Có lẽ trong Hội TTH của chúng ta, nhiều người Nam và Nữ, từ nhiều kiếp qua đã bắt đầu công việc khó nhọc đi đến Ánh Đạo; nhưng vì họ bị vô minh lừa gạt bởi những ảo ảnh của cuộc sống hiện tại . . . dần dần họ mất tất cả các cơ hội may mắn để tiến hóa trong cuộc sống hiện tại. Họ cảm thấy bị thu hút về Huyền Linh Học một cách không thể cưỡng lại được và hướng về Đời Sống Cao Cả, nhưng họ còn quá nhiều Ngã Chấp (Personal), còn quá bị ràng buộc vào tư kiến riêng của họ, còn quá bị thu hút theo cuộc sống lừa dối vật chất và các thú vui phù du của Thế Gian, và vì vậy, họ đã mất mọi cơ hội may mắn để tiến hóa trong kiếp sống hiện tại. Nhưng mà, đối với hạng người tầm thường và đối với những bổn phận thực tiễn của đời sống hằng ngày, một kết quả quá đỗi cũng xa cách, không thích hợp để dùng làm mục tiêu, lại càng không thể dùng làm nguyên động lực, vì nó sẽ vô hiệu.

          HỎI: Như vậy, các Hội Viên tham dự vào những gì khi họ gia nhập Hội Thông Thiên Học?

          ĐÁP: Nhiều người chú ý đến Giáo Thuyết của chúng tôi, và họ trực nhận ra rằng: Họ tìm thấy trong Giáo Lý này nhiều Chân Lý hơn là trong các Triết Lý Tôn Giáo khác. Nhiều người khác tìm thấy sự giải quyết vững vàng đạt đến Lý Tưởng cao nhất của Nhiệm Vụ Làm Người.

 

 

DỊ  BIỆT  GIỮA  ĐỨC  TIN   HIỂU  BIẾT  HAY  
ĐỨC  TIN    QUÁNG    ĐỨC  TIN  HỢP 

 

 

          HỎI: Bạn nói rằng: Những người này chấp nhận và tin tưởng vào Triết Lý Thông Thiên Học. Nhưng vì họ không phải ở trong số các vị Cao Đồ (Adepts) mà bạn vừa nói, như vậy, sự việc họ chấp nhận các giáo huấn của bạn là họ đã theo đuổi một đức tin mù quáng. Trong trường hợp này, bạn có một sự dị biệt nào khác với các Tôn Giáo khác hay không?

          ĐÁP: Giáo Lý Thông Thiên Học khác biệt ở điểm này cũng như nhiều điểm khác của hầu hết các Tôn Giáo khác. Điều mà bạn gọi là “đức tin,” nó chính thật là “đức tin mù quáng” (blind faith). Đối với những gì có liên quan đến Triết Lý Cơ Đốc Giáo, nơi chúng tôi, chúng trở thành sự hiểu biết, sự nối tiếp hợp lý của những sự việc mà chúng tôi biết, liên quan đến một số sự kiện của Thiên Nhiên. Triết Lý của bạn dựa trên sự diễn dịch, do đó, chúng đã dựa trên một sự chứng nhận của bàn tay chứng nhân thứ hai; còn Triết Lý của chúng tôi dựa trên một sự chứng nhận không thay đổi và đồng nhất của Bậc có Nhãn Thông. Như vậy, Thần Học Cơ Đốc Giáo thông thường dạy rằng: Con người là một tạo vật của Thượng Đế, gồm có ba phần: Thể Xác, Linh Hồn, và Tinh Thần, tất cả ba phần này cần thiết để hợp thành một tổng thể nguyên vẹn của con người, dưới hình thức thô sơ của đời sống vật chất Hồng Trần, hay dưới hình thức Dĩ Thái của đời sống bên kia cửa tử, sự tiếp nối của nó vốn thường hằng và sự hiện hữu của con người mãi mãi riêng biệt với những kẻ khác và với Đấng Thiêng Liêng.

          Thông Thiên Học, trái lại, cho rằng: Con người là một sự phát tỏa từ Tinh Hoa Thiêng Liêng Bất Khả Tri, nhưng luôn luôn hiện tồn và vô hạn, thể xác của con người cũng như mọi thể xác khác đều không thường hằng và vì thế là một ảo ảnh; chỉ có Tinh Thần (hay Chơn Ngã hoặc Con Người Thiêng Liêng) nơi con người là chất thường tại duy nhất, tuy nhiên, tất cả Chơn Ngã đều mất tính chất riêng biệt vào lúc có sự phối hợp hoàn toàn với Tinh Thần Vạn Hữu (Universal Spirit).

          HỎI: Nhưng nếu chúng ta mất Con Người Thiêng Liêng, điều đó trở thành sự hủy diệt đơn thuần rồi.

          ĐÁP: Chúng tôi nói rằng: Không. Bởi vì đây không phải là Chơn Ngã đại đồng, mà là Chơn Ngã riêng biệt. Chơn Ngã riêng biệt này, từ cái mảnh vụn mà trở thành cái toàn thể; giọt sương không bốc hơi, mà trở thành Đại Dương. Phải chăng con người vật chất bị hủy diệt khi mà từ cái bào thai tạo ra y trở nên một người già nua?  Tâm Thức cực kỳ bé nhỏ của Chơn Ngã nằm trong Tâm Thức đại đồng và vô hạn của Đại Ngã.

          HỎI: Vậy thì trong thực tế, không có ai hiện tồn như con người, mà tất cả chỉ là Tinh Thần phải chăng?

          ĐÁP: Bạn lầm rồi. Sự hợp nhất giữa Tinh Thần với vật chất chỉ là tạm thời; hay để nói rõ hơn, bởi vì Tinh Thần và Vật Chất chỉ là một, là hai đối cực của vật chất đại đồng được biểu lộ. Tinh Thần đã mất đi cái quyền được gọi bằng tên này, bao lâu mà phần tử nhỏ nhất hay nguyên tử của vật chất biểu lộ còn dính liền với một hình thái nào đó vốn là kết quả của sự phân hóa. Người nào tin tưởng theo một cách khác hơn tức là y chỉ có đức tin mù mờ.

          HỎI: Như vậy, chính bạn đã dựa vào sự hiểu biết, chớ không phải dựa vào sự tin tưởng mà bạn quả quyết rằng Nguyên Khí trường tồn, Tinh Thần, chỉ xuyên thấu qua vật chất phải không?

          ĐÁP: Để diễn tả một cách khác, tôi nói rằng: Chúng tôi quả quyết rằng cái bề ngoài vật chất của Nguyên Khí đơn nhất và trường tồn - Tinh Thần - chỉ là tạm thời, và do đó, không gì khác hơn là ảo ảnh.

          HỎI: Rất hay; và bạn nói rằng điều đó là kết quả của sự hiểu biết chớ không phải do sự tin tưởng phải không?

          ĐÁP: Đúng thế. Tôi thêm rằng: Đức tin theo như bạn hiểu, dưới mắt chúng tôi chỉ là một sự tàn tật Tâm Linh, trong khi đó niềm tin thật sự, Pistis của người Hy Lạp, đối với chúng tôi là sự “tin tưởng dựa trên sự hiểu biết,” hoặc là theo sự chứng nghiệm của giác quan vật chất, hoặc theo sự chứng nghiệm của giác quan Tinh Thần.

          HỎI: Bạn muốn nói gì về điểm đó?

          ĐÁP: Nếu bạn muốn biết sự dị biệt giữa hai loại đức tin, tôi có thể nói với bạn rằng: Quả vậy, có một sự dị biệt lớn lao giữa đức tin dựa trên uy quyền của kẻ khác và đức tin dựa trên Trực Giác Tinh Thần của chúng ta.

          HỎI: Sự khác nhau đó như thế nào?

          ĐÁP: Một đàng là sự dễ tin của con người và sự mê tín, đàng khác là sự tin tưởng của con người và trực giác. Như Giáo Sư Alexander Wilder đã viết trong lời mở đầu của “Eleusinian Mysteries”:

          “Chính sự dốt nát đưa đến sự xúc phạm Thần Thánh. Con người hay chế giễu về điều mà họ không biết rõ . . . Dòng hạ lưu của thế giới đều hướng về một mục đích duy nhất; và trong sự dễ tin của con người, có một quyền năng hầu như vô tận, một niềm tin trong sạch, có khả năng hiểu thấu những Chân Lý tối thượng nhất của cuộc sống đại đồng.”

          Những kẻ nào giới hạn sự dễ tin vào các Triết Lý Nhân Loại, dựa trên uy quyền, không bao giờ có thể thâm hiểu được quyền năng này, và họ cũng không nhận thức được quyền năng đó trong bản chất riêng của họ. Vì họ liên kết chặt chẽ với Cảnh Giới bên ngoài, đến nỗi nó không thể cung cấp cho họ cơ hội để tự biểu lộ cái tinh hoa của nó. Muốn làm được điều đó, ta phải dùng đến sự phán đoán của chính mình, và đó là điều không một ai dám liều lĩnh làm.

          HỎI: Phải chăng do chính Trực Giác này mà bạn bác bỏ Thượng Đế như là Cha riêng tư, Đấng có Uy Quyền và Cai Quản Vũ Trụ?

          ĐÁP: Đúng thế. Chúng tôi tin vào một Nguyên Lý bao giờ cũng bất khả tri, bởi vì chỉ có một sự sai lầm mơ hồ ta mới có thể cho rằng Vũ Trụ, với con người biết suy tư và tất cả những sự kỳ diệu mà Cõi Giới vật chất chứa đựng; có thể làm nảy sinh mà không có sự tác động của các Quyền Năng Thông Tuệ, yếu tố của Sự Minh Triết Phi Thường tàng ẩn mọi nơi của cơ cấu. Thiên Nhiên có thể lầm lẫn, thường cũng lắm khi xảy ra những sự sai lầm trong các chi tiết và trong những sự biểu lộ ngoại tại của vật chất, nhưng không bao giờ trong các nguyên nhân, trong các kết quả bên trong.

          Những người Ngoại Giáo thời cổ thảo luận về vấn đề này ở một quan điểm Triết Lý sâu rộng hơn mà những Nhà Triết Học hiện đại của Phái Bất Khả Tri, Phái Duy Vật hay Cơ Đốc Giáo không làm. Không có một Tác Giả Ngoại Giáo nào có thể nói gì khác hơn về điều này: Sự độc ác và sự nhân từ vốn là những tình cảm giới hạn, người ta không thể dựng chúng lên bằng các thuộc tính (attributes) của một vị Thần vô hạn. Các vị Thần của người Ngoại Giáo đều là hữu hạn. Tác Giả quyển “Bánh Xe của Định Luật” diễn tả đề tài này cũng giống như chúng tôi, ở trang 25:

          “Người Phật Tử có thể tin tưởng vào sự hiện tồn của một vị Thần tối thượng, vượt lên trên tất cả mọi Đức Tính và Thần Đức của con người. Một vị Thần hoàn hảo, vượt lên trên sự bác ái, sự oán hờn và sự ganh tị, bao bọc bằng một sự nghỉ ngơi mà không gì có thể quấy rầy sự an tĩnh. Người Phật Tử sẽ không nói với sự khinh khi về một vị Thần như thế, không phải trong sự ước muốn làm hài lòng hay lo sợ xúc phạm, mà với một tấm lòng tôn kính tự nhiên. Điều mà người Phật Tử không hiểu nổi là một vị Thần có nhiều đức tính và thuộc tính như con người, một vị Thần biết yêu thương, ghét bỏ và nổi giận, một Vị Linh Thần, như những vị Truyền Giáo Cơ Đốc mô tả, các Tín Đồ Hồi Giáo, Bà La Môn Giáo hay Do Thái Giáo phác họa, vẫn còn thấp kém hơn Lý Tưởng mà một người Phàm Tục có nhiều tính tốt đang tìm cách thực hiện.”

          HỎI: Nhưng trong hai Đức Tin, mà một do sự yếu ớt và hèn kém của con người, người Cơ Đốc Giáo tin vào Đấng Cha Lành ở trên Trời đang che chở con người chống lại mọi sự cám dỗ, mang đến cho con người sự cứu trợ suốt đời y, và tha thứ cho y về các lỗi lầm; cái Đức Tin này, theo chúng tôi, không có giá trị hơn là Đức Tin đầy kiêu căng và gần như may rủi của những kẻ theo Phật Giáo, theo Môn Phái Vệ Đà và của các Nhà Thông Thiên Học hay sao?

          ĐÁP: Bạn cứ gọi sự tin tưởng của chúng tôi là “Đức Tin” nếu bạn muốn. Nhưng vì chúng ta thường trở lại cùng một vấn đề, đến phiên tôi xin hỏi lại bạn về các Đức Tin mà bạn tỏ ra ưa thích, một Đức Tin dựa vào một lý luận chặt chẽ và một suy luận hợp lý, hay một Đức Tin chỉ đơn thuần dựa vào uy quyền của con người hay dựa vào sự tôn thờ các vị Anh Hùng? Sự tin tưởng của chúng tôi có tất cả sức mạnh hợp lý và chính xác như Toán Học, như là hai với hai là bốn. Đức Tin của bạn tương tự với lý luận của các phụ nữ dễ xúc cảm; mà đối với họ, như Tourgenyeff đã nói, hai với hai thường là năm với một cây nến ở ngoài chợ, sau một cuộc mặc cả. Hơn nữa, Đức Tin của bạn, không những ngược với mọi ý tưởng về sự công bằng và hợp lý, mà còn đưa con người tới chỗ suy thoái Tinh Thần, ngăn trở sự tiến bộ của Nhân Loại, đồng thời tạo ra một luật cho một quyền năng, biến đổi một người khác thành một Cain đối với huynh đệ của y là Abel.

          HỎI: Bạn ám chỉ điều chi?

 

 

THƯỢNG  ĐẾ      TỘI  CHO  CHÚNG  TA 
HAY 
KHÔNG ?

 

 

          ĐÁP: Tôi muốn nói đến Triết Lý của Sự Chuộc Tội; Triết Lý này nguy hiểm cho những người tin vào nó, Triết Lý này dạy rằng: Mặc dầu tội lỗi mà chúng ta phạm phải nặng đến đâu đi nữa, nếu chúng ta chỉ tin vào sự hy sinh hiến dâng của Đức Jesus để cứu chuộc cho Nhân Loại, máu của Ngài sẽ xóa sạch tất cả. Từ 20 năm nay, tôi đã thuyết giảng chống lại với Triết Lý này, tôi xin dẫn chứng với bạn về đề tài này, một đoạn trích trong “Nữ Thần Isis Lộ Diện” (Isis Unveiled) được viết vào năm 1875. Đây là điều mà Cơ Đốc Giáo giảng dạy và chúng tôi chống đối:

          “Sự nhân từ của Thượng Đế thì khôn lường và vô giới hạn. Chúng ta không thể nào quan niệm rằng: Một tội lỗi của con người đáng kết án đến nỗi cái giá phải trả trước để chuộc tội, không thể xóa bỏ được, mặc dù y có tệ hại hơn nghìn lần. Vả lại, người biết hối hận thì không bao giờ quá muộn. Người phạm tội, vẫn có thể chờ đến phút cuối cùng của cuộc đời, miễn là đôi môi y mấp máy thốt ra lời thú tội, y cũng vẫn có thể được phép lên Thiên Đàng. Kẻ trộm cắp đang hấp hối được phép lên Thiên Đàng, những kẻ khác hèn nhát, tội lỗi giống như y cũng đến được Thiên Đàng. Đó là những sở vọng của Giáo Hội và Giáo Đoàn (the Church, and of the Clergy), sở vọng mà những Nhà Thuyết Giảng nổi tiếng nhất ở nước Anh đã nhồi nhét vào óc đồng bào của họ, ngay giữa ánh sáng của Thế Kỷ XIX,” đây là điều nghịch thường nhất của mọi Thế Kỷ. Và điều đó sẽ dẫn dắt chúng ta đến đâu?

          HỎI: Nhưng điều đó không làm cho người theo Cơ Đốc Giáo hạnh phúc hơn là người theo Phật Giáo hay Bà La Môn Giáo hay sao?

          ĐÁP: Không; từ lâu rồi, đa số những người có học thức đã mất niềm tin vào Triết Lý tàn ác này. Chắc chắn rằng Triết Lý này dẫn dắt những kẻ tin vào nó, hơn là các Triết Lý khác mà tôi biết được, đến ngưỡng cửa của tội lỗi. Bạn cho phép tôi trích dẫn vài đoạn trong “Nữ Thần Isis Lộ Diện” (quyển 2, trang 542-543):

          “Nếu thoát khỏi phạm vi chật hẹp của các Tín Điều khác nhau, chúng ta xem Vũ Trụ như là một thăng bằng toàn vẹn bởi sự phối hợp hoàn hảo của tất cả mọi thành phần. Sau khi bạn cảm nhận được sự Thánh Thiện và Quyền Lực thật hợp lý; sau khi bạn nhận thức được sự công bằng của Tạo Vật rồi, thì lúc bấy giờ bạn sẽ chống đối lại cái ý niệm về sự Chuộc Tội! Nếu kẻ tội phạm chỉ phạm tội với chính mình y mà thôi, và chỉ tạo ra lỗi lầm cho chính y thôi; nếu bằng sự thành tâm hối hận, y có thể thành công trong việc xóa bỏ những việc đã qua, không những chỉ trong ký ức con người, mà còn trong Tiên Thiên Ký Ảnh không thể hư hoại được. Dù là Đấng Cao Cả nhất trong các Vị Thần cũng không có quyền năng xóa bỏ. Chỉ đến lúc ấy bạn mới có thể hiểu được Triết Lý này. Nhưng, bạn hãy nhớ rằng: Con người có thể tạo ra sự sai lầm cho tương lai của mình, y giết hại, làm mất sự thăng bằng xã hội và trật tự tự nhiên của mọi vật, và sau hết, bởi sự hèn yếu, bởi hy vọng, hay bởi sự gò bó, y tìm được sự tha thứ bằng sự tin tưởng rằng: Một thứ máu đã chảy, có thể xóa nhòa một thứ máu khác đã chảy. Thật là vô lý ! Kết quả của một tội ác, có thể xóa bỏ được chăng dù cho tội ác đó đã được tha thứ? Các hậu quả của một nguyên nhân không bao giờ bị hạn chế trong phạm vi của nguyên nhân này, và các kết quả của một tội ác không phải chỉ có ảnh hưởng đến kẻ tội phạm và nạn nhân của y mà thôi. Mỗi hành động, dù tốt hay xấu, đều có hậu quả thật rõ rệt, cũng giống như ta ném một viên đá vào cái hồ nước yên tĩnh. Sự so sánh này rất là cũ kỹ, tầm thường, không có gì là mới mẻ, nhưng chúng tôi dùng nó vì đó là cách hay hơn cả mà người ta có thể quan niệm được. Các vòng tròn khi xoáy rộng sẽ ngày càng lớn hơn và nhanh hơn vật đã tạo ra chúng; nhưng dù là một hòn sỏi nhỏ nhất, và ngay cả hột bụi bé nhỏ, cũng vẫn tạo ra gợn sóng. Sự xáo trộn này không những chỉ thấy được ở trên mặt nước mà thôi; ở bên dưới, mặc dầu vô hình, ở bên trong cũng như bên ngoài, trong tất cả mọi hướng, mỗi giọt nước đều đẩy giọt nước khác, cho đến khi lực tác động đi đến tận đáy hồ. Lại nữa, không khí ở trên mặt nước, đến phiên nó cũng bị quấy động, và theo Vật Lý Học, sự quấy động này truyền đi trong không gian từ lớp này đến lớp khác, mãi mãi và vô tận. Một xung lực đã tạo ra cho vật chất, không thể tan mất được và không thể thu hồi được! . . .”

          “Về tội ác cũng thế và ngược lại. Một hành động có thể xảy ra trong chốc lát, nhưng hậu quả của nó thì còn mãi. Sau khi ném viên đá vào ao nước, nếu chúng ta có thể lấy lại viên đá trong tay, làm chạy ngược lại các gợn sóng, tiêu diệt sức đã tạo ra chuyển động, làm trở lui các làn sóng dĩ thái ở trạng thái đầu tiên, và như vậy, xóa bỏ tất cả dấu vết của cái hành động ném viên đá, đến nỗi rằng sự ghi nhận của thời gian không còn giữ lại chứng cớ nào về việc đã xảy ra. Bấy giờ, và chỉ đến lúc bấy giờ thôi, chúng ta mới có thể chấp nhận được một cách kiên nhẫn những người Cơ Đốc Giáo bênh vực hiệu quả của sự Cứu Chuộc này.” Và - chính chúng ta tự ý ngừng tin tưởng vào Luật Nhân Quả. Nhưng chúng tôi kêu gọi toàn thể thế giới cân nhắc rồi quyết định về hai Giáo  Lý Cơ Đốc Giáo và Giáo Lý Thông Thiên Học để biết rõ Triết Lý nào phù hợp nhất với sự Công Bằng Thiêng Liêng và hợp lý nhất, cùng là rõ ràng nhất đối với lý luận của con người.

          HỎI: Tuy nhiên, có hàng triệu người tin tưởng vào Triết Lý Cơ Đốc Giáo và được hạnh phúc.

          ĐÁP: Bởi vì khả năng suy tưởng của họ bị chế ngự bởi một tình cảm thuần túy, mà không một Bậc có Lòng Từ Ái chân thành nào hay Vị Tha nào chấp nhận được. Đó không phải là một giấc mơ ích kỷ, mà đúng hơn là một ác mộng của trí thông minh con người.

          Bạn hãy thử xem điều đó đưa ta đến đâu, bạn hãy chỉ cho tôi tên của một xứ Ngoại Giáo mà kẻ tội phạm đông đảo và phạm tội dễ dàng hơn là trong những xứ Cơ Đốc Giáo. Bạn hãy đọc bảng thống kê hàng năm dài và kinh khủng của các tội ác đã xảy ra ở các xứ Âu Châu, bạn hãy đến các xứ Mỹ Châu có Đạo Tin Lành và tin vào Thánh Kinh. Ở bên đó có nhiều sự hoán cải trong các nhà tù hơn là bởi các phong trào Phục Hưng Tôn Giáo và các buổi thuyết giảng trước công chúng.

          “Bạn hãy xem bảng thống kê về Công Lý Cơ Đốc Giáo (!) (Christian Justice): Những kẻ sát nhân, với những bàn tay đẵm máu, bị thúc đẩy bởi các con quỷ dục vọng, hận thù, tham lam, cuồng tín, hay chỉ bởi sự khát máu, đã giết hại các nạn nhân của họ, mà không cho những nạn nhân kịp hối hận hay kêu gọi đến Chúa Jesus. Các nạn nhân này, theo Lý Luận của Thần Học, có lẽ chết trong tội lỗi, họ sẽ nhận được bổng lộc do bởi sự xúc phạm nhiều hay ít của họ. Nhưng còn kẻ sát nhân bị pháp luật con người bắt giữ và bị cầm tù, đã được những kẻ giàu tình cảm than khóc cho y, cầu nguyện cho y. Sau đó, kẻ sát nhân được hoán cải trước khi bị xử tử y là con của Chúa Jesus. Hiển nhiên là người này đã sát nhân, nhờ đó y nhận được hạnh phúc vĩnh cửu! Nhưng, còn nạn nhân, gia đình y, cha mẹ y thì như thế nào? Công Lý có sự bù trừ nào đối với sự hiến dâng của họ hay không? Họ có chịu đau khổ trong Cõi Giới này hay Cõi khác, trong khi kẻ tạo ra lỗi lầm đã gặp “tên bợm biết hối cải” của gò đất có cắm Thập Tự Giá, và hưởng được phúc lạc vĩnh cửu hay không? Giáo Đoàn giữ im lặng một cách dè dặt về vấn đề này.” (Nữ Thần Isis Lộ Diện)

          Đó là lý do tại sao các Nhà Thông Thiên Học từ khước Triết Lý này, vì họ tin và hy vọng vững chắc rằng Công Lý ngự trị trên tất cả, trên Trời cũng như dưới đất, họ tin vào Luật Quả Báo (Karma).

          HỎI: Như vậy, số mệnh tối hậu của con người sẽ không phải là Cõi Trời, nơi mà Thượng Đế ngự trị, mà đúng ra là sự biến đổi từ từ của vật chất thành yếu tố nguyên thủy là Tinh Thần phải chăng?

          ĐÁP: Chính vì việc hướng về mục đích tối hậu này mà toàn thể vạn vật giương ra (trải ra, tend) trong Thiên Nhiên.

          HỎI: Nhưng có một số người trong các bạn xem sự “giáng hạ của Tinh Thần trong Vật Chất” như là một sự đau khổ, và Sự Tái Sinh như là một sự khổ sở phải không?

          ĐÁP: Đã có những người nghĩ như thế và họ cố gắng rút ngắn thời gian chịu thử thách trên Cõi Trần. Nhưng sự đau khổ này có ích lợi riêng của nó, vì như thế, chúng ta thu đạt được kinh nghiệm của chúng ta đến Sự Hiểu Biết và Minh Triết. Kinh nghiệm này dạy cho chúng ta biết rằng Bản Chất Tinh Thần (Spiritual Nature) của chúng ta không bao giờ được thỏa mãn bằng điều gì khác hơn Hạnh Phúc Tinh Thần (Spiritual Happiness). Cho nên, chừng nào mà chúng ta còn ngự trong Thể Xác, chúng ta còn lệ thuộc vào sự đau đớn, khổ não, và tất cả mọi lừa phỉnh của Cuộc Đời. Nhưng trái lại, do sự đền bù, sau cùng, chúng ta hoạch đắc được Sự Hiểu Biết, chỉ Sự Hiểu Biết này mới giúp chúng ta vượt qua và làm cho chúng ta hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.


C H Ư Ơ N G    12

 

 

THÔNG  THIÊN  HỌC  THỰC  HÀNH 
  GÌ ?

 

 

BỔN   PHẬN

 

 

          HỎI: Nhưng tại sao cần phải Tái Sinh, bởi vì con người không thể tìm thấy nơi đó sự an tĩnh thường tồn?

          ĐÁP: Bởi vì người ta chỉ có thể đạt đến Mục Đích Cuối Cùng bằng các Kinh Nghiệm của Cuộc Sống, và bởi vì đa số kinh nghiệm đều được tạo thành bởi sự đau khổ. Chúng ta chỉ có thể học hỏi bằng cách này. Sự vui thích và lạc thú không dạy chúng ta điều gì hết, chúng chỉ thoáng qua rất nhanh, mau chóng tàn phai, và chung cuộc, chỉ đưa đến sự chán chường. Hơn nữa, sự thất bại thường xuyên của chúng ta trong việc tìm kiếm bất cứ một sự thỏa mãn nào trong Cuộc Sống, để đáp ứng cho nhu cầu của Bản Chất Cao Cả hơn, chứng minh một cách rõ ràng cho chúng ta thấy rằng: Các nhu cầu đó chỉ có thể tìm thấy trên bình diện riêng của chúng là Tinh Thần.

          HỎI: Sự ước muốn lìa bỏ cuộc sống bằng cách này hay cách khác phải chăng là kết quả tự nhiên của điều này?

          ĐÁP: Nếu bạn hiểu sự ước muốn này là “Tự Tử” (Suicide) thì chắc chắn là không phải. Một kết quả như thế không bao giờ là “Tự Nhiên” cả, mà chỉ do Sự Bệnh Hoạn của Trí Não, hay là những Quan Điểm Duy Vật quá mạnh mẽ. Đó là điều xấu xa nhất trong các tội lỗi, hậu quả về việc đó rất là tai hại. Nhưng nếu sự ước muốn mà bạn nói đến, chỉ đơn thuần là một sự ao ước hướng về Cuộc Sống Tinh Thần, chớ không phải là ước muốn lìa bỏ Cõi Trần, thì theo tôi, không có gì là tự nhiên hơn. Một cái chết tự ý sẽ là một Sự Từ Bỏ Nhiệm Sở và các Bổn Phận chồng chất lên trên vai chúng ta, một Sự Cố Gắng Đào Thoát ra khỏi Những Trách Nhiệm mà Nghiệp Quả đặt để, sẽ đưa đến một Nghiệp Quả mới.

          HỎI: Nhưng, nếu các hành động được hoàn thành trên bình diện vật chất không làm cho chúng ta thật sự hài lòng, thì tại sao các Bổn Phận, cũng giống như hành động, lại có tính cách bắt buộc đối với chúng ta?

          ĐÁP: Trước nhất, tại vì Triết Lý của chúng tôi dạy rằng: Thoạt đầu phải làm tròn Bổn Phận đối với mọi người, và kế đó đối với chính mình; không phải với mục đích đạt hạnh phúc cá nhân, mà là hạnh phúc của kẻ khác. Chúng ta làm điều thiện chỉ vì điều thiện mà thôi, chớ không phải vì những gì nó có thể đem lại cho ta. Hạnh Phúc (Happiness) hay đúng hơn là Sự An Phận (Contentment) thật sự có thể theo sau sự hoàn thành Bổn Phận, mà không cố ý đặt để hạnh phúc là nguyên động lực.

          HỎI: Theo Quan Điểm Thông Thiên Học, ý nghĩa thật sự của “Bổn Phận” là gì? Nó không thể là các Bổn Phận mà Đức Jesus và các Tông Đồ của Ngài đã thuyết giảng, bởi vì bạn cũng không thừa nhận.

          ĐÁP: Bạn lầm lẫn nữa rồi. Cái mà bạn gọi là “Bổn Phận theo Cơ Đốc” (Christian Duties) được ghi vào trí bởi mọi Nhà Đại Cải Cách Tinh Thần và Tôn Giáo từ nhiều Thời Đại trước Kỷ Nguyên Cơ Đốc. Vào Thời Cổ, bất cứ điều gì có tính cách vĩ đại, hùng tráng, cao thượng, không những được thuyết giảng và tranh luận ở giảng đài như hiện nay, mà đôi khi cũng được toàn thể các Quốc Gia thực hành nữa. Các Sử Biên Niên về Sự Cải Cách Phật Giáo chứa đầy các chuyện về những hành vi cao cả nhất, vô vị kỷ nhất và có tính cách Anh Hùng. “Các bạn hãy là một Tinh Thần Duy Nhất, hãy có lòng trắc ẩn đối với mọi người; hãy thương nhau như Huynh Đệ, hãy nhân từ và dịu dàng; đừng đem ác trả ác, đừng nguyền rủa; trái lại, hãy chúc lành . . .” Đó là các điều mà các Đệ Tử của Đức Phật đã thực hành nhiều Thế Kỷ trước Thánh Peter. Chắc chắn là Luân Lý của Cơ Đốc Giáo thì cao cả, nhưng điều chắc chắn là Luân Lý đó cũng không phải là mới mẻ và đã phát xuất từ những Bổn Phận của Người Ngoại Giáo (Pagan Duties).

          HỎI: Và bạn định nghĩa các Bổn Phận này, hay đúng hơn Bổn Phận nói chung, là gì?

          ĐÁP: Bổn Phận gồm những gì chúng ta nợ của Nhân Loại, với đồng bào ta, với người lân cận ta, với gia đình ta, và đặc biệt hơn hết về những gì mà chúng ta nợ những người nghèo hơn và yếu hơn chúng ta. Nếu món nợ này không được trả trong kiếp này, thì trong kiếp Luân Hồi tới, chúng ta sẽ lâm vào tình trạng không thể trả nổi về Tâm Linh, và khánh tận về Tinh Thần. Thông Thiên Học là Tinh Hoa của Bổn Phận (Theosophy is the Quintessence of Duty).

          HỎI: Cơ Đốc Giáo, nếu hiểu rõ và thực hành đúng cũng giống như thế.

          ĐÁP: Chắc chắn như vậy. Nhưng Thông Thiên Học sẽ có rất ít việc phải làm, trong số những người Cơ Đốc Giáo; nếu trong thực tế Cơ Đốc Giáo không phải là “Tôn Giáo ở Đầu Môi” (Lip-Religion). Và vô phúc thay, thường thường chỉ là Luân Lý ở Đầu Môi (Lip-Ethics). Rất ít người Cơ Đốc Giáo làm đầy đủ Bổn Phận của mình đối với kẻ khác, và cho chính Bổn Phận của y; và còn ít người hơn nữa bằng lòng tán đồng cho Lương Tâm sâu kín của mình làm đầy đủ Nhiệm Vụ. Bởi vì:

          “Sự ca ngợi của tiếng nói công luận

          Làm vẻ vang và tưởng thưởng cho Đức Hạnh,”

đó là điều mà những kẻ giàu lòng nhân ái nhất lấy làm bận tâm. Nền Luân Lý hiện đại để đọc và để nghe bàn luận thì rất hay; nhưng Lời Nói có nghĩa gì khi mà chúng không biến thành Hành Động? Sau cùng, nếu bạn hỏi tôi rằng chúng tôi hiểu Bổn Phận theo Thông Thiên Học như thế nào, về phương diện thực tiễn và so sánh với Karma, tôi sẽ trả lời bạn rằng: Bổn Phận của chúng tôi là uống đến giọt cuối cùng mà không thốt lời oán trách, tất cả những gì mà cái Tách Sự Sống (Cup of Life) chứa đựng và dành phần cho chúng tôi; là gặt hái hoa hồng trên Đường Đời với mục đích hiến dâng hương thơm cho kẻ khác hơn là cho chúng tôi, và chúng tôi vui lòng hứng chịu gai của chúng.

          HỎI: Những điều đó rất mơ hồ. Bạn làm được những gì to tát hơn là những người Cơ Đốc Giáo?

          ĐÁP: Đây không phải là Điều mà các Hội Viên Thông Thiên Học làm - mặc dầu có nhiều người trong số ấy còn làm hay hơn nữa - nhưng ở đây là để chứng minh rằng Thông Thiên Học còn tiến xa hơn là Cơ Đốc Giáo trên đường Thiện. Tôi lặp lại: Phải hành động, bắt buộc phải hành động thay vì chỉ có ý định và lời nói. Con người có thể trở nên người nào mà y muốn; thế tục nhất, ích kỷ nhất và cứng lòng nhất, y có thể là kẻ hiểm ác hơn cả. Và tất cả sự việc ấy không ngăn cấm y mang danh là người Cơ Đốc và được những kẻ khác xem y như thế. Nhưng không một Nhà Thông Thiên Học nào có quyền được gọi như thế, nếu y không sùng tín một cách sâu xa vào Chân Lý trong Châm Ngôn của Carlyle: “Để tiến đến Mục Tiêu, con người phải Hành Động, chớ không phải có một Ý Tưởng là đủ, dù cho Ý Tưởng đó cao quý hay không” để làm mực thước cho cách xử thế của y. Dạy ra một Chân Lý chưa phải là làm tròn được Chân Lý ấy. Càng chuyên môn, thuyết giáo thật hay, người ta càng lớn tiếng nói về Đức Hạnh và Bổn Phận, thay vì thực hành các điều này, và người ta càng chỉ gặt hái được trái của Tử Hải (Dead Sea fruit). Tính giả Đạo Đức là tật xấu đáng ghê tởm hơn hết trong số các tật xấu; và Tính giả Đạo Đức là nét nổi bật nhất của nước Anh, một Xứ theo Đạo Tin Lành lớn nhất của Thế Kỷ hiện tại.

          HỎI: Theo ý bạn, Nhiệm Vụ của chúng ta đối với Nhân Loại là gì?

          ĐÁP: Đó là nhận thức một cách đầy đủ rằng: Tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau, không phân biệt chủng tộc, màu da, địa vị xã hội, sanh quán.

          HỎI: Khi nào người ta thiếu Bổn Phận này?

          ĐÁP: Mỗi khi mà người ta lấn sang quyền lợi của người khác. Dù bằng cách nào, quan hệ đến một người hay một Quốc Gia; mỗi khi mà chúng ta không biểu lộ cùng một lòng tốt với những kẻ khác nhau, cùng một sự kính nể, cùng một lòng thương xót, hay cùng một sự công bằng mà chúng ta đòi hỏi cho chính chúng ta. Hệ Thống Chính Trị hiện giờ hoàn toàn được thiết lập trên sự quên lảng của các quyền hạn này, và trên sự đòi hỏi quyết liệt của những người ích kỷ có tính cách Quốc Gia. Người Pháp có câu: “Thầy nào tớ nấy,” người ta cần phải thêm “Chính Sách Quốc Gia thế nào thì người dân thế nấy.”

          HỎI: Bạn có quan tâm đến Chính Trị không?

          ĐÁP: Với tư cách Hội Thông Thiên Học, chúng tôi cẩn thận không đụng chạm đến Chính Trị vì các lý do sau đây: Tìm cách đạt được những cải cách Chính Trị trước khi thực hiện được các cải cách trong Bản Chất Con Người, chỉ có giá trị như đổ rượu mới vào trong bình cũ. Dẫn dắt con người cảm giác và nhận thức ở đáy tâm hồn họ những gì tạo nên Bổn Phận thật sự của họ và Bổn Phận thật sự đối với Nhân Loại; thì tự nhiên mỗi sự lạm dụng quyền lực trước kia, mỗi luật lệ bất công của Chính Sách Quốc Gia dựa trên sự ích kỷ của Con Người, của Xã Hội hay của Chính Trị, tự nó sẽ biến mất. Người làm vườn có điên rồ chăng khi thay vì nhổ tận gốc các loại cỏ dại để sửa sang cho vườn hoa của mình, y lại lấy lưỡi liềm cắt chúng sát mặt đất? Người ta sẽ chẳng bao giờ thành công trong việc cải cách Chính Trị lâu dài, chừng nào mà chính những người ích kỷ vẫn còn đứng đầu các công việc ở trong guồng máy Quốc Gia.

 

 

 

 

CÁC  MỐI  LIÊN  QUAN  GIỮA  HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC VỚI  CÁC  CẢI  CÁCH  CHÍNH  TRỊ

 

 

          HỎI: Như vậy, Hội Thông Thiên Học không phải là một Tổ Chức Chính Trị hay sao?

          ĐÁP: Chắc chắn là không. Đó là một Tổ Chức Quốc Tế mà các Hội Viên thuộc về mọi chủng tộc, mọi tín ngưỡng và ý tưởng dị biệt nhau; nhưng họ cùng nhau kết hợp để làm việc với Mục Đích chung là Cải Thiện Con Người. Nhưng với tư cách là Hội, Hội Thông Thiên Học không bận tâm đến một Đảng Phái Quốc Gia hay những Hình Thức Chính Trị nào.

          HỎI: Tại sao thế ?

          ĐÁP: Vì các lý do tôi đã nói ở trên. Còn nữa, chúng ta nên nhớ rằng: Bất cứ hoạt động Chính Trị nào cũng đều thay đổi tùy theo thời gian, trường hợp và theo khuynh hướng cá nhân. Vả lại, sự kiện mà các Hội Viên của Hội Thông Thiên Học đều đồng ý về các Nguyên Lý của Thông Thiên Học - mặt khác, họ không lệ thuộc vào Hội - do đó, không nhất thiết rằng họ đồng ý về tất cả các vấn đề khác. Với tư cách là Hội, họ chỉ có thể Hành Động Nhất Thống trong những vấn đề có liên quan đến chính Hội mà thôi. Với tư cách cá nhân, mỗi người trong số họ được hoàn toàn tự do theo đuổi đường nét tư tưởng và hoạt động Chính Trị riêng của mình, miễn là con đường này không trái ngược với các Nguyên Tắc Thông Thiên Học và không gây ra một tai hại nào cho chính Hội Thông Thiên Học.

          HỎI: Nhưng Hội Thông Thiên Học có chắc chắn đứng ngoài các Vấn Đề Xã Hội mà tầm quan trọng càng ngày càng gia tăng hay không?

          ĐÁP: Ngay các Nguyên Lý của Hội Thông Thiên Học là một bằng chứng mà Hội, (hay đúng hơn là đa số các Hội Viên luôn luôn đứng ngoài và họ không đề cập đến vấn đề này). Nếu sự phát triển Tinh Thần và Tâm Linh Con Người phải tùy thuộc trước nhất vào việc thi hành những Định Luật Sinh Lý Học Hợp Lý nhất và Khoa Học nhất; Bổn Phận bắt buộc tất cả những kẻ làm việc cho sự phát triển này là phải cố gắng hết sức mình làm sao cho những Định Luật này được áp dụng nhiều chừng nào hay chừng nấy. Tất cả các Nhà Thông Thiên Học đều biết rất rõ rằng tình trạng Xã Hội của đa số dân chúng, nhất là ở các Xứ Tây Phương, làm cho việc huấn luyện Thể Xác và Tinh Thần gặp nhiều trở ngại và còn bị đình trệ. Sự Giáo Dục và sự phát triển này chính là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của Thông Thiên Học. Hội Thông Thiên Học hoàn toàn có thiện cảm và hoàn toàn hòa hợp với các cố gắng thật sự tiến về mục đích này.

          HỎI: Nhưng bạn gọi “những cố gắng thật sự này” là gì? Bất cứ Nhà Cải Cách Xã Hội nào cũng đều có Phương Thuốc Thần đặc biệt của y cả, mà y cho rằng công hiệu hơn là các phương thuốc khác, và chỉ có phương thuốc của y là có thể cứu chữa và cải thiện Nhân Loại.

          ĐÁP: Điều bạn nói rất đúng. Và điều đó chỉ rõ tại sao người ta làm được rất ít việc tốt trong Xã Hội. Đa số các “Phương Thuốc Thần” này không được điều khiển bởi một Nguyên Lý đúng đắn, và không có một Nguyên Lý nào nối liền chúng với nhau. Bởi lẽ đó, năng lực và thì giờ quý báu đã mất đi; vì lẽ, thay vì hợp tác với nhau, con người lại chống đối lẫn nhau. Và mục đích của sự xung đột này thì thường thường, than ôi ! lại là sự khao khát tiếng tăm và ước muốn được khen thưởng hơn là Mục Đích Cao Cả mà họ phải hết sức để Tâm vào đó.

          HỎI: Vậy thì, những Nguyên Lý của Thông Thiên Học phải được đem vào thực hành bằng cách nào để có được sự hợp tác Xã Hội, cũng như là có được những cố gắng thật sự hướng về việc cải thiện Xã Hội?

          ĐÁP: Một lần nữa tôi xin nhắc nhở bạn về những Nguyên Lý này: Sự Đơn Nhất và Nhân Quả Đại Đồng; sự Hợp Quần của Nhân Loại; Định Luật Quả Báo; sự Luân Hồi. Đó là 4 cái khoen của sợi xích vàng để kết hợp Nhân Loại vào một gia đình duy nhất, vào một Tình Huynh Đệ Đại Đồng duy nhất.

          HỎI: Nhưng tại sao?

          ĐÁP: Trong tình trạng Xã Hội hiện nay, và nhất là trong những Nước được gọi là Văn Minh, có một sự việc mà chúng ta không ngừng bắt buộc nhận xét: Các nạn nhân của khổ sở, nghèo đói và bệnh tật thì rất nhiều. Tình trạng Vật Chất của họ rất đáng thương và khả năng Tinh Thần và Tâm Linh của họ thì thường còn chưa được tỉnh thức. Mặt khác, ở đầu kia của nấc thang Xã Hội, nhiều người sống một cuộc đời dửng dưng, vô tư lự đầy Vật Chất, xa hoa và hưởng thụ ích kỷ. Hai loại cuộc sống này không phải là tình cờ mà có. Tất cả đều là hậu quả của các điều kiện tạo nên môi trường mà những kẻ sống nơi đó đặt ra; cộng thêm sự né tránh Bổn Phận và Trách Nhiệm mà người ta làm ngưng trệ sự tiến triển của Xã Hội Loài Người. Môn Xã Hội Học cũng như tất cả các ngành Khoa Học chân chính khác, đều ở dưới Định Luật Nhân Quả Đại Đồng. Nó hàm chứa một cách cần thiết và một cách hợp lý sự liên đới giữa con người mà Thông Thiên Học đã nhiều lần nhấn mạnh. Nếu hành động của một cá nhân có tác động trên cuộc sống của tất cả - và đó chính là ý tưởng thật sự Khoa Học - thì tất cả những người Nam phải là anh em với nhau; mọi người Nữ phải là chị em với nhau. Và Tình Huynh Đệ thật sự này phải được thực hành hằng ngày trong Cuộc Sống, để cho con người có thể tiến tới sự hợp quần thật sự của Nhân Loại, nó vốn là cội rễ của sự nâng cao Chủng Tộc. Chính tác động hỗ tương này, Tình Huynh Đệ chân thật này, trong đó mỗi người sống cho mọi người, và mọi người sống cho mỗi người; tạo thành một trong những Nguyên Lý căn bản của Thông Thiên Học, Nguyên Lý mà mọi Nhà Thông Thiên Học chẳng những phải Giảng Dạy, mà còn phải Thực Hành trong Đời Sống hằng ngày của mình.

          HỎI: Tất cả các điều đó đều rất tuyệt diệu vì là Nguyên Lý tổng quát, nhưng quý bạn làm thế nào áp dụng một cách cụ thể được?

          ĐÁP: Xin bạn hãy xem xét chỉ một chốc thôi điều mà người ta gọi là những sự kiện cụ thể của Xã Hội Loài Người. Bạn chẳng những xem xét Cuộc Sống của quảng đại quần chúng, mà còn Cuộc Đời của số người thuộc Giai Cấp Trung Lưu và Thượng Lưu; với những gì mà Cuộc Sống đó có thể có được trong những điều kiện cao quý và lành mạnh hơn, dưới một chế độ công bằng, độ lượng và bác ái; thay vì là ích kỷ, lãnh đạm và tàn bạo dường như quá thường xảy ra hiện nay. Bất cứ điều gì tốt cũng như xấu trong Con Người đều bắt nguồn ở bản tính Con Người, và bản tính này đã và đang bị điều khiển bởi sợi xích vô tận của Nhân và Quả. Nhưng sự ràng buộc này áp đặt vào tương lai cũng như hiện tại và quá khứ. Không thể nào sự ích kỷ, sự lãnh đạm và sự thô bạo lại là trạng thái bình thường của Chủng Tộc. Tin vào đó là ta làm thất vọng Nhân Loại, và đó là điều mà không một Nhà Thông Thiên Học nào có thể tin được. Người ta chỉ có thể đạt đến sự tiến bộ bằng sự phát triển những Đức Tính Cao Quý Nhất. Vả lại, Triết Lý thật sự về Sự Tiến Hóa dạy chúng ta rằng: Trong khi thay đổi môi trường của một cơ thể, người ta sẽ thay đổi và cải tạo chính cơ thể đó; điều đó cũng rất đúng đối với những gì liên quan đến Con Người. Bởi đó, bổn phận của Nhà Thông Thiên Học là phải tận tâm và tận lực giúp đỡ tối đa bằng mọi phương tiện mà y có được theo khả năng của y, bất cứ sự cố gắng nào sáng suốt và hợp lý, và có Mục Đích cải thiện số phận của kẻ khốn khổ. Những sự cố gắng để cải tiến xã hội phải được làm theo quan điểm là cải tiến xã hội mà không bị ràng buộc về Chính Trị trong cuộc sống của chúng ta, hoặc làm phát triển tinh thần trách nhiệm nơi những người thường xao lảng bổn phận trong cuộc đời.

          HỎI: Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với bạn. Nhưng ai sẽ quyết định cho những sự cố gắng Xã Hội là khôn ngoan hay thiếu khôn ngoan?

          ĐÁP: Không một người nào, không một Xã Hội nào, có thể tuyên bố một cách dứt khoát về sự lưu tâm này. Tốt hơn, ta phải nên trao việc đó lại cho sự phỏng đoán của cá nhân. Tuy nhiên, có một tiêu chuẩn nên áp dụng: Hành động được dự tính phải chăng có khuynh hướng hòa hợp Tình Huynh Đệ chân thật mà sự thực hiện điều này cũng là Mục Đích của Thông Thiên Học? Nhà Thông Thiên Học chân chính sẽ phán đoán điều đó không khó khăn gì. Một khi được thỏa mãn về điểm này, Bổn Phận của y là hướng dẫn dư luận quần chúng về Mục Đích này. Và người ta chỉ có thể đạt được một kết quả như thế bằng cách phổ biến khắp nơi những quan niệm cao quý của các Nhiệm Vụ chung cũng như riêng, tạo thành cội rễ của mọi sự tiến bộ Tinh Thần và Vật Chất. Bằng mọi cách, chính y phải là một Trung Tâm Hoạt Động Tâm Linh; và chính nơi y và Cuộc Đời riêng của y, mỗi ngày phải Chiếu Sáng Rực Rỡ những Sức Mạnh Tinh Thần cao cả, có thể ảnh hưởng đến sự Hồi Sinh của Đồng Loại mình trước tiên.

          HỎI: Nhưng tại sao y phải làm điều đó? Như bạn đã nói, tất cả mọi người đều bị lệ thuộc vào Karma của họ, và có phải chăng Karma tác động theo một phương cách đã được ấn định?

          ĐÁP: Vâng. Chính Định Luật Karma đem lại mãnh lực cho tất cả những gì tôi vừa nói. Cá Nhân không thể tách rời khỏi Chủng Tộc, Chủng Tộc cũng không thể tách rời khỏi Cá Nhân. Luật Karma tác động đồng đều trên tất cả mọi người, dù mọi người không đồng mức tiến hóa như nhau.

          Nhà Thông Thiên Học trong khi góp sức vào việc hoàn thiện cho Đồng Loại, không những y tin vào việc giúp ích cho Đồng Loại trả xong Nghiệp Quả, mà y đồng thời cũng tin vào việc thanh toán một cách hiệu quả các Nghiệp Quả của mình nữa.

          Điều mà một Nhà Thông Thiên Học luôn luôn lưu ý đến là việc hoàn thiện của Nhân Loại mà y là một phần tử bất khả phân. Hơn nữa, y biết rằng: Mỗi khi y làm chểnh mảng công cuộc tiến hóa của y, đồng thời, y cũng làm chậm trễ sự tiến bộ của Đồng Loại nữa. Do các hành vi của y, y có thể làm cho dễ dàng hay tạo khó khăn cho sự tiến bộ của Nhân Loại.

          HỎI: Nhưng có sự liên quan như thế nào giữa điều đó và Nguyên Khí thứ tư, là Nguyên Khí của sự Luân Hồi đã nói ở trên?

          ĐÁP: Có một sự liên quan chặt chẽ giữa hai điểm này. Nếu cuộc sống hiện tại của chúng ta tùy thuộc vào sự phát triển của một số Nguyên Khí, những Nguyên Khí này có mầm mống của những điều còn ghi lại của một kiếp sống đã qua, Định Luật này có thể áp dụng đồng đều trong tương lai. Nếu một khi người ta hiểu rõ rằng: Luật Nhân Quả Đại Đồng không những chỉ tác dụng ở hiện tại mà còn ở quá khứ và tương lai nữa; mỗi hành động trên Cảnh Giới hiện tại của chúng ta sẽ rơi một cách dễ dàng và tự nhiên vào đúng chỗ của nó, và sẽ được nhận ra trong mối liên quan thật sự với những kẻ khác và với chính chúng ta.

          Mỗi hành vi ích kỷ và hèn hạ đáng khinh làm cho chúng ta thoái hóa thay vì tiến bộ. Trong khi đó, mỗi tư tưởng cao thượng và mỗi hành vi quên mình tạo thành những bậc thang dẫn đến những Cảnh Giới cao hơn và huy hoàng hơn của cái thang tiến hóa. Nếu chỉ có Kiếp Sống này mà thôi, Kiếp Sống ấy sẽ nghèo nàn và tẻ nhạt dưới nhiều mối liên hệ. Nhưng nếu chúng ta xem chúng như là sự chuẩn bị cho những Kiếp Sống kế tiếp, chúng ta có thể tạo ra một cánh Cửa Vàng, nhờ đó chúng ta sẽ vượt qua, không phải chỉ một mình ta, mà với các Đồng Loại, để chúng ta cùng tiến đến chỗ giải thoát.

 

 

HY  SINH  BẢN  NGÃ

 

 

          HỎI: Phải chăng Lý Tưởng cao nhất của Thông Thiên Học là bình đẳng cho mọi người và bác ái cho vạn vật?

          ĐÁP: Không. Thông Thiên Học có một Lý Tưởng còn cao quý hơn.

          HỎI: Lý Tưởng đó là gì?

          ĐÁP: Đó là hiến dâng cho kẻ khác nhiều hơn cho chính mình, hay là Hy Sinh Bản Ngã. Đó là Lý Tưởng nổi bật nhất của các Đại Thánh Sư và Giáo Chủ của Nhân Loại như là Đức Phật và Đức Jesus. Chỉ nội điểm này cũng đủ thu phục sự tôn kính và sự tri ân mãi mãi của những kẻ đi sau các Ngài. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng: Sự Hy Sinh Bản Ngã cần phải có sự phân biện và mang đến sự lợi ích to lớn, vì một sự hy sinh mơ hồ, thiếu phán đoán và không xem xét tới những kết quả về sau, không những thường là vô ích mà còn có hại nữa. Một trong những qui tắc căn bản của Thông Thiên Học là: Phải ngay thật với chính mình, không phải về phương diện ngay thật cá nhân (a personal self-justice), mà phải như là một phần tử của tập thể Nhân Loại. Sự công bằng không nhiều hơn, nhưng cũng không ít hơn đối với những kẻ khác, trừ phi, do sự hy sinh của chính mình mà chúng ta có thể làm lợi cho tập thể đông người.

          HỎI: Bạn có thể cho một thí dụ để cho Ý Tưởng của bạn sáng tõ hơn chăng?

          ĐÁP: Lịch Sử đã đem lại cho chúng ta nhiều thí dụ. Theo Thông Thiên Học, sự tự hy sinh, với mục đích thực tiễn để cứu giúp một số đông người, thì cao cả hơn là Sự Quên Mình (Self-Abnegation) để phụng sự cho một lý tưởng có tính cách Giáo Phái (Sectarian Idea). Thí dụ: “Cứu người Ngoại Giáo khỏi bị kết tội.” Theo quan niệm của chúng tôi, Linh Mục Damien, lúc 30 tuổi, đã hy sinh cả cuộc đời mình với mục đích làm nhẹ nỗi thống khổ của những người bị bịnh cùi ở Molokai. Ông đã sống một mình trong 18 năm giữa những người cùi, và cuối cùng, chính Ông đã bỏ mình vì chứng bịnh ghê gớm đó. Ông đã không chết vô ích. Ông đã đem lại sự thuyên giảm và một hạnh phúc tương đối cho hàng ngàn kẻ khốn khổ. Ông đã đem lại cho những kẻ này sự an ủi về Tinh Thần và Vật Chất. Ông đã đem lại tia sáng cho đêm tối tăm và u ám của cuộc đời họ, những người bệnh nan y, đau khổ và tuyệt vọng không sao tả được. Linh Mục Damien chính là một Nhà Thông Thiên Học thật sự, mà kỷ niệm của ông sẽ còn mãi nơi chúng tôi. Dưới mắt chúng tôi, vị Linh Mục người Bỉ nghèo nàn này còn cao cả hơn những người đầy Đức Tin, thành tâm, nhưng kiêu căng. Thí dụ như các Nhà Truyền Giáo (Missionaries) đã hy sinh cuộc đời của họ trong các Đảo ở Nam Hải hay ở bên Trung Hoa. Họ đã làm được những điều thiện nào? Một mặt thì họ đến với những người chưa có khả năng để tiếp nhận Chân Lý nào đó; một mặt khác thì họ đến với những Quốc Gia mà Hệ Thống Triết Lý Tôn Giáo, có tầm mức lớn lao ngang bằng với bất cứ Hệ Thống nào khác; miễn là người ta thực hành các Giáo Điều của Khổng Tử và các Hiền Giả khác của Trung Hoa. Những Nhà Truyền Giáo này đã chết, họ là nạn nhân của những kẻ man rợ và của những kẻ ăn thịt người vô trách nhiệm, của những kẻ cuồng tín, và của sự ghen ghét trong dân gian. Nếu họ đã đi vào những khu phố nghèo khổ ở Whitechapel, hay là trong một địa phương nào khác giống như nơi ao tù nước đọng, dưới ánh nắng rực chiếu của nền Văn Minh chúng ta. Họ đã thấy nhiều người Cơ Đốc Giáo man rợ và đã bị cùi hủi Tinh Thần, thì họ đã thật sự làm được một điều tốt và họ đã giữ gìn sanh mạng của họ cho mục đích tốt đẹp và đáng quý trọng.  

          HỎI: Nhưng, những người Cơ Đốc Giáo không nghĩ như thế ?

          ĐÁP: Dĩ nhiên là không, những người Cơ Đốc Giáo đã dựa trên một Tín Điều sai lầm. Họ tin rằng có thể cứu được Linh Hồn của một người kém hiểu biết và vô trách nhiệm bằng cách rửa tội cho Thể Xác người ấy. Một Giáo Hội đã quên đi những kẻ tử vì Đạo của mình, một Giáo Hội khác chúc phúc và xây tượng cho những kẻ như Labro, người mà trong 40 năm trường đã không làm được chuyện gì to tát. Rồi cuối đời đã hy sinh thân xác của mình để đem lại phúc lợi cho những loài côn trùng. Nếu chúng tôi có phương tiện, chúng tôi sẽ xây tượng cho Linh Mục Damien để ghi nhớ như là tấm gương sống động. Linh Mục Damien là một người Thông Thiên Học chân chính. Ông đã thể hiện được Lòng Hy Sinh trọn vẹn cho Nhân Loại. Chúng tôi mãi mãi tri ân Ông.

          HỎI: Bạn có xem sự tự hy sinh như là một Bổn Phận hay không?

          ĐÁP: Chúng tôi xác nhận: Chắc chắn là vậy. Lý do chánh là: Lòng vị tha là một phần trong sự phát triển Bản Ngã. Tuy nhiên, ta phải phân biện, trong khi thực hành. Một người không có quyền tự bỏ bê mình chết đói để cho kẻ khác sống; nếu người ấy không chắc chắn rằng kẻ sống này sẽ hữu ích cho Đồng Loại hơn là kiếp sống của chính y. Nhưng Bổn Phận của y (không thể chối cãi được) là phải Hy Sinh các tiện nghi của chính y, và phải làm việc cho những kẻ khác, nếu những kẻ này không thể tự làm việc được. Tương tự như thế, Bổn Phận của y là đem biếu tặng tất cả những gì riêng thuộc về y, những gì không thể làm ích lợi cho ai khác ngoài y ra, nếu y cố giữ lại một cách ích kỷ mà không phân phát cho những kẻ khác. Thông Thiên Học giảng dạy sự xả kỷ, nhưng không giảng dạy sự hy sinh táo bạo và vô ích, Thông Thiên Học không bênh vực cho Thuyết Cuồng Tín.

          HỎI: Nhưng chúng ta làm thế nào để đạt đến một tình trạng cao siêu như thế được?

          ĐÁP: Bằng sự thực hành sáng suốt các Giáo Điều của chúng tôi. Bằng việc sử dụng các lý luận cao siêu, Trực Giác Tâm Linh và các Giác Quan Tinh Thần. Sau cùng bằng cách lắng nghe “tiếng nói tế vi tịch lặng” của Lương Tâm chúng ta, nó vốn là tiếng nói của Chơn Ngã, và ở nơi ta, nó mạnh mẽ hơn là trận động đất và tiếng sấm của Jehovah, “Đấng hiện diện khắp nơi.”

          HỎI: Nếu đó là Bổn Phận của chúng ta đối với Nhân Loại, thì theo bạn, Bổn Phận của chúng ta là phải làm gì đối với những kẻ chung quanh chúng ta?

          ĐÁP: Cũng giống như thế, cộng thêm với các Bổn Phận bắt buộc do các liên hệ gia đình.

          HỎI: Theo như người ta nói, khi một người gia nhập Hội Thông Thiên Học, thì y bắt đầu tách rời dần dần với vợ, con, và các Bổn Phận gia đình, điều đó có đúng không?

          ĐÁP: Đó là một sự vu khống vô căn cứ, cũng như mọi điều vu khống khác. Bổn Phận đầu tiên trong các Bổn Phận của Nhà Thông Thiên Học là việc làm tròn Bổn Phận đối với mọi người. Và đặc biệt đối với những người mà chúng ta có trách nhiệm riêng biệt, trách nhiệm mà chúng ta tự ý giao kết - là các mối liên hệ hôn nhân - hoặc là những trách nhiệm thuộc về phần chúng ta vì số mệnh đã đặt để như vậy. Đó là các Bổn Phận đối với cha mẹ, và những thân nhân trực hệ thuộc gia đình chúng ta, như là anh, chị, em ruột ta.

          HỎI: Và Bổn Phận của Nhà Thông Thiên Học đối với chính y là gì?

          ĐÁP: Đó là chế ngự và thắng phục được Phàm Ngã nhờ bởi Chơn Ngã. Tinh Luyện Nội Tâm và Tinh Thần, không sợ sệt điều nào hay kẻ nào, ngoại trừ sự phán xét của chính Toà Án Lương Tâm mình. Không bao giờ làm điều gì dở dang, nghĩa là đối với những gì mà con người tin rằng đúng, y phải luôn luôn làm điều ấy một cách công khai, thẳng thắn và dũng cảm. Và nếu nhận thấy là sai quấy, y phải tức khắc trừ bỏ chúng hoàn toàn. Bổn Phận của Nhà Thông Thiên Học là làm nhẹ cái gánh nặng của mình bằng cách nhớ đến các lời răn Minh Triết của Epictetus như sau:

          “Đừng để cho các Bổn Phận của bạn bị lệch hướng bởi một sự phán đoán vô bổ nào mà Thế Gian rồ dại đặt vào bạn; vì những sự chỉ trích như thế không dựa vào khả năng bạn, và do đó, bạn đừng bận tâm.”

          HỎI: Giả sử có một Hội Viên Thông Thiên Học nói rằng: Mình không có khả năng thực hành sự vị tha, bởi vì “Lòng Nhân Ái tự nhiên bắt đầu nơi chính mình” (Charity begins at home). Người ấy nói rằng: Bởi vì y quá bận rộn hay quá nghèo khổ nên y không thể phụng sự Nhân Loại hay giúp ích cho riêng một người nào. Bạn sẽ áp dụng các Qui Luật của bạn trong các trường hợp đó như thế nào?

          ĐÁP: Không một ai, dưới bất cứ luận cứ nào có quyền nói rằng: Y không thể làm gì hết cho kẻ khác. Một Văn Sĩ người Anh nói rằng: “Thế Gian phải mang ơn kẻ nào biết làm tròn Bổn Phận thật sự của y đúng nơi, đúng lúc.” Một ly nước lạnh được trao đúng lúc cho một kẻ đi đường mệt lả đang khát nước là một hành động cao quý hơn hết. Và nghĩa cử nầy có giá trị lớn lao hơn là hàng chục bữa ăn hoang phí, chiêu đãi người có tiền không có lý do. Kẻ nào không làm được như thế sẽ không bao giờ trở nên Nhà Thông Thiên Học được. Dù vậy, y vẫn là Hội Viên Hội Thông Thiên Học. Chúng tôi không có Luật Lệ nào để bắt buộc một người trở thành Nhà Thông Thiên Học, nếu y không ưa thích làm điều đó.

          HỎI: Nhưng tại sao một người như thế lại gia nhập vào Hội?

          ĐÁP: Chính y biết rõ điều đó hơn là những kẻ khác. Lại nữa, ở đây, chúng tôi không có quyền phán đoán một ai cả, dù rằng nhiều người chống đối lại y. Và đây là lý do tại sao: Ở thời đại chúng ta, ý dân không phải là Ý Trời nữa, mà đúng hơn chỉ là tiếng nói của Thành Kiến, của những động lực ích kỷ, và thường thường lại là tiếng nói thất nhân tâm. Bổn Phận chúng ta là gieo những mầm giống tốt cho tương lai, săn sóc cho hột giống được tốt. Chúng ta không nên dừng lại để tự hỏi tại sao chúng ta phải hành động như thế. Và cũng không tự hỏi tại sao chúng ta bị bắt buộc mất thì giờ, bởi vì, chúng ta sẽ không gặt hái được điều đó sau này. Những người khác sẽ thu hoạch phần thưởng thay thế chúng ta theo đúng Luật Nhân Quả công bình tuyệt đối.

 

 

VỀ   LÒNG   NHÂN   TỪ

 

 

          HỎI: Các Nhà Thông Thiên Học nghĩ gì về Bổn Phận của Cơ Đốc Giáo đối với Lòng Nhân Từ?

          ĐÁP: Lòng Nhân Từ nào mà bạn muốn nói đến? Lòng Nhân Từ của Tư Tưởng hay Lòng Nhân Từ Thực Tiễn của Cõi Trần?

          HỎI: Tôi muốn nói về Lòng Nhân Từ Thực Tiễn (Practical Charity), bởi vì Ý Tưởng của bạn về Tình Huynh Đệ Đại Đồng tự nhiên là hàm chứa Lòng Nhân Từ của Tư Tưởng rồi.

          ĐÁP: Vậy thì bạn nghĩ đến các Giới Răn mà Đức Jesus đã đưa ra trong bài “Thuyết Giảng Trên Núi” phải không?

          HỎI: Chính đó.

          ĐÁP: Nhưng tại sao bạn lại gọi chúng là “theo Cơ Đốc Giáo” (Christian)? Mặc dầu Đấng Cứu Thế của bạn đã thuyết giảng và thực hành việc áp dụng chúng vào cuộc sống hằng ngày. Đó chính là việc sau cùng mà những người Cơ Đốc Giáo của thời đại chúng ta đang bận tâm thực hành trong cuộc sống.

          HỎI: Nhưng có nhiều người đã hiến cả cuộc đời của họ vào việc Bố Thí Của Cải ?

          ĐÁP: Vâng. Chỉ khi nào có dư của cải, họ mới làm như thế. Bạn hãy chỉ cho tôi, một người Cơ Đốc Giáo độc nhất thôi, trong số những người Nhân Ái nhất; y sẵn sàng cởi chiếc áo choàng của mình đưa cho kẻ trộm đang bị đói khổ, lạnh run đã ăn cắp chiếc áo của mình. Bạn hãy chỉ cho tôi kẻ nào, sau khi bị tát vào má bên trái, lại đưa má bên phải cho kẻ đánh mình mà không giữ lại một chút oán hờn nào?

          HỎI: À, nhưng bạn nên nhớ rằng: Chúng ta không nên hiểu các lời Giáo Huấn này theo Nghĩa Đen. Thời gian và trường hợp đã thay đổi từ thời của Đấng Christ; và hơn nữa, Ngài đã nói bằng các lời nói bóng bảy (ẩn dụ).

          ĐÁP: Vậy, tại sao các Giáo Hội của bạn không giảng dạy rằng: Người ta phải xem Triết Lý về sự đày xuống Hỏa Ngục và Lửa Hỏa Ngục như là lời nói bóng bảy? Tại sao một vài Nhà Thuyết Giảng bình dân nhất, nhận ra được sự thích hợp để diễn giảng các lời nói “bóng bảy” này theo cách mà bạn vừa nói đến; họ còn nhấn mạnh vào ý nghĩa theo từng mặt chữ của Lửa Địa Ngục và của Khổ Hình Vật Chất của một Linh Hồn “có Bản Chất không bị thiêu hủy” (an “Asbestos-like” Soul)? Trong trường hợp này, cả hai phải được xem như các lời nói bóng bảy. Nếu Lửa Địa Ngục là một Chân Lý theo đúng Nghĩa Đen của nó, thì các Giới Răn của Đấng Christ trong bài “Thuyết Giảng Trên Núi” phải được tuân theo đúng y như thế. Tôi quả quyết với bạn rằng: Có nhiều người như Bá Tước Leo Tolstoi và nhiều Nhà Thông Thiên Học nữa họ không tin tưởng vào Thiên Tính của Đấng Christ (Divinity of Christ). Tuy nhiên, họ thực hành theo từng chữ, các lời khuyên cao quý này, bởi vì chúng rất phổ cập; và bao nhiêu kẻ khác, Nam cũng như Nữ, có Đạo Tâm, cũng hành động như thế . . .

          HỎI: Nhưng chắc chắn mọi người đều biết rằng: Mỗi năm hằng triệu người nhận được Của Bố Thí kia mà?

          ĐÁP: Đúng vậy. Nhưng mà phân nửa Của Bố Thí đã ở lại trong tay những kẻ có nhiệm vụ phân phát của cải đó cho người nghèo. Và một số lớn phần còn lại thuộc về những kẻ ăn xin chuyên nghiệp, quá lười; họ không chịu làm việc, đến nỗi các nạn nhân thật sự đau khổ không được hưởng chút lợi lộc nào. Bạn có bao giờ nghe rằng: Kết quả của Lòng Nhân Ái hoang phí đó, từ nhiều năm nay trong miền Cực Đông của Luân Đôn, đã làm tăng thêm độ chừng 20% giá thuê nhà ở Whitechapel hay không?

          HỎI: Nhưng chúng ta phải làm gì bây giờ?

          ĐÁP: Phải Hành Động một cách cá biệt (Act individually) chớ Không Phải tập trung (Not collectively). Phải thực hành theo các Châm Ngôn của Phật Tử Bắc Tông:

          “Đừng bao giờ dùng bàn tay của kẻ khác để đưa thức ăn vào miệng kẻ đói.”

          “Đừng bao giờ để cái bóng của kẻ láng diềng (kẻ thứ ba) chen vào giữa ngươi và món quà biếu.”

          “Đừng bao giờ để cho ánh nắng sấy khô nước mắt trước khi ngươi lau khô nước mắt cho kẻ khốn khổ.”

          “Đừng bao giờ đưa tiền bạc cho kẻ nghèo hoặc đưa thức ăn cho các Tu Sĩ (Thầy Tu) (Priest) đến xin ăn trước cửa nhà ngươi qua sự trung gian các kẻ giúp việc của ngươi; vì e rằng tiền bạc của ngươi làm giảm nhẹ sự tri ân và thức ăn của ngươi biến thành mật đắng.”

          HỎI: Nhưng chúng ta làm sao thực hành những Qui Tắc đó?

          ĐÁP: Ý kiến của Thông Thiên Học về Lòng Nhân Ái là đòi hỏi một sự cố gắng cá nhân để giúp đỡ kẻ khác; do lòng khoan dung và lòng tốt của từng người; do sự quan tâm cá nhân đối với những kẻ bị đau khổ; do lòng thiện cảm và sự lo xa của sự trợ giúp cá nhân trong lúc đau khổ và túng thiếu của họ. Chúng tôi, các Nhà Thông Thiên Học, không cho là đủ khi cho tiền qua trung gian của những bàn tay khác hay qua những Tổ Chức Cứu Trợ. Chúng tôi tin rằng: Người ta có thể làm cho tiền bạc hữu ích hơn cả ngàn lần, khi chính cá nhân người ta tiếp xúc với những kẻ đang túng thiếu, và khi người ta biểu lộ lòng thương xót đối với những kẻ đang túng thiếu. Chúng tôi tin rằng: Ít nhất là cũng bằng, nếu không muốn nói là hơn, ta phải làm giảm nỗi đói khát của Linh Hồn cũng như bao tử. Bởi vì lòng biết ơn tạo ra nhiều điều hữu ích cho kẻ nhận của bố thí hơn là người cho. Đâu là lòng biết ơn, đâu là các tình cảm tốt lành mà hàng triệu đồng Bảng (Pounds) của bạn đã gợi ra được? Bạn có thấy những người nghèo ở vùng Cực Đông đã để lộ sự khinh ghét đối với những người giàu hay không? . . .

 

 

THÔNG  THIÊN  HỌC  ĐỐI  VỚI  QUẦN  CHÚNG

 

 

          HỎI: Bạn có tin tưởng người ta sẽ thành công chăng, với sự giúp đỡ của Thông Thiên Học, để làm biến mất những tai họa này, bất chấp những điều kiện thực tiễn và những đối nghịch thường do cuộc sống của chúng ta hiện tại?

          ĐÁP: Tôi chắc chắn như thế, nếu chúng tôi có nhiều tài chánh để xếp đặt, và nếu đa số các Nhà Thông Thiên Học không bị bắt buộc làm việc để mưu sinh hằng ngày.

          HỎI: Làm thế nào điều đó có thể thực hiện được? Bạn thấy không Triết Lý của bạn Thâm Sâu và Bí Hiểm như thế, ngay cả đối với những kẻ có Học Thức, lại được quần chúng Bình Dân tiếp nhận hay sao?

          ĐÁP: Bạn quên mất một điều: Chính Nền Giáo Dục hiện đại mà bạn phô trương biết bao nhiêu lợi ích, lại là nguyên nhân tạo ra sự khó hiểu đối với Thông Thiên Học. Trực Giác và Tri Giác tự nhiên của bạn về Chân Lý không thể tác động được trong mê lộ Thành Kiến, do sự tế nhị Tinh Thần . . . Không một nền Giáo Dục nào, không một môn Siêu Hình Học nào là tối cần thiết đối với một người để giúp y hiểu được các Chân Lý chánh đại của Karma và của sự Luân Hồi. Tốt hơn, bạn hãy nhìn hàng triệu Tín Đồ Phật Giáo và Ấn Giáo, nghèo nàn, thất học; tuy nhiên đối với họ, Nghiệp Quả và Sự Luân Hồi là những Chân Lý không thể lay chuyển được; đơn thuần chỉ vì Sự Thông Hiểu của họ không bao giờ bị bắt buộc, gò bó và uốn nắn để đi theo một con đường trái với Thiên Nhiên.

          Những người tín đồ Phật Giáo và Ấn Giáo có khả năng bẩm sinh, vì thế cho nên người ta không thể làm rối loạn sự hiểu biết bên trong về sự công bằng ở nơi họ; bằng cách nói với họ rằng: Tội Lỗi của họ sẽ được tha thứ vì một kẻ khác đã chịu chết thế cho họ. Và bạn hãy để ý rằng: Các Phật Tử, cộng với sự thực tiễn về sự Tin Tưởng, đã giữ yên lặng không bàn tán về Luật Karma mà họ xem như là một sự phân phối thưởng phạt công bằng; trong khi đó, khối người Cơ Đốc Giáo không sống theo Lý Tưởng Luân Lý và không vui lòng chịu đựng số phận của họ với sự nhẫn nhục. Đó là lý do phát xuất ra những lời than van, sự bất mãn và sự tranh đấu gay go để sống còn trong các Xứ Tây Phương.

          HỎI: Nhưng Sự An Phận này (mà bạn rất ca tụng) có làm tiêu tan mọi động lực đưa đến sự cố gắng và ngăn cản các Tiến Bộ không?

          ĐÁP: Các Nhà Thông Thiên Học chúng tôi nói rằng: Sự tiến Bộ của bạn, Nền Văn Minh hiện nay mà người ta nói đến với biết bao nhiêu thán phục không có giá trị hơn là một bầy ong điên cuồng bay lượn trên một cái ao bốc lên chướng khí độc hại chết người . . . Trước tình huống này, các Xứ theo Phật Giáo giữ thái độ ù lì và bất động, đó chỉ là hiệu quả của các thời kỳ lệ thuộc về Chính Trị lâu dài.

          HỎI: Vậy thì, mọi sự Siêu Hình và mọi điều Huyền Bí mà bạn bận tâm đến nhiều lại không có gì quan trọng hay sao?

          ĐÁP: Đối với quần chúng Bình Dân; mọi sự Siêu Hình và mọi điều Huyền Bí thì ít quan trọng. Họ chỉ cần các phương pháp hướng dẫn và sự giúp đỡ thực tiễn. Trái lại, có một sự quan trọng lớn lao đối với những kẻ có Học Thức, đối với những kẻ dẫn dắt quần chúng, mà cách suy nghĩ và hành động sớm hay muộn gì cũng phải được đa số quần chúng thừa nhận.

          Triết Lý của chúng tôi là Triết Lý duy nhất có thể ngăn ngừa những kẻ Thông Minh và có Học Thức tránh khỏi sự Tự Tử Tâm Linh (Intellectual Suicide) vốn là kết quả của một Đức Tin Mù Quáng. Chính bởi sự đồng hóa nhờ bởi lý luận có mạch lạc và chặt chẽ của Triết Lý Đông Phương; nếu không muốn nói là Triết Lý Nội Môn, người ta mới có thể thấu hiểu được Chân Lý của nó. Vả lại, sự xác tín tạo ra lòng nhiệt thành và theo lời Bulwer Lytton “Lòng nhiệt thành vốn là đặc tính của sự thành thật, không có lòng nhiệt thành, Chân Lý không thể chiến thắng được.” Emerson cũng quan sát thấy đúng rằng: “Sự vinh quang của lòng nhiệt thành được biểu lộ trong mọi Phong Trào lớn được ghi vào Sử Biên Niên Thế Giới.” Và ai có thể tạo ra một sự thúc đẩy như thế, nếu không phải là Triết Học của Giáo Lý Đông Phương chúng tôi; một Triết Lý vừa cao thâm, vừa vững chãi, vừa hợp lý và vừa phổ cập như thế ?

          HỎI: Nhưng, những kẻ đối kháng với Thông Thiên Học rất nhiều, và mỗi ngày, Thông Thiên Học lại có thêm những kẻ đối kháng mới.

          ĐÁP: Điều đó chứng minh một cách rõ ràng sự tuyệt diệu và giá trị sẵn có của Thông Thiên Học. Người ta chỉ ganh tị điều gì mà người ta sợ và không ai nhọc công chống lại điều chi tầm thường.

          HỎI: Vậy bạn hy vọng rằng: Vào một ngày nào đó sẽ loan truyền Lòng Nhiệt Thành này cho quần chúng chăng?

          ĐÁP: Tại sao không? Lịch Sử đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng: Quần Chúng đã chấp nhận Phật Giáo một cách nhiệt thành, và con số có giới hạn của những trọng tội mà người ta đếm được trong số những người theo Phật Giáo, so sánh với những trọng tội mà những kẻ theo các Tôn Giáo khác phạm phải, chứng tỏ hiệu quả thực tiễn của Triết Lý này. Điều chính yếu là: Phá bỏ hết, bứng tận gốc nguồn gốc phát sinh ra Tội Lỗi và Sự Vô Luân (Immorality), đó là sự tin tưởng rằng: Con Người có thể tránh khỏi các hậu quả do những hành động riêng của mình. Một khi mà Con Người đã nhập tâm về tất cả Chân Lý của các Định Luật Karma và Luân Hồi, những Định Luật vĩ đại nhất trong số các Định Luật; và một khi mà họ đã thực hiện được nơi chính họ Sự Chân Thật và Bản Chất Cao Đẹp của Con Người, tức thì họ sẽ lánh xa điều quấy một cách tự nhiên.

 

 

HỘI  VIÊN  THÔNG  THIÊN  HỌC    THỂ GIÚP  ĐỠ  HỘI  NHƯ  THẾ  NÀO ?

 

 

          HỎI: Bằng cách nào các Hội Viên của Thông Thiên Học có thể giúp vào Công Trình chung?

          ĐÁP: Trước nhất bằng cách học hỏi và cố gắng hiểu biết rõ ràng các Triết Lý Thông Thiên Học, để có thể giảng giải cho kẻ khác, nhất là cho các Thanh Niên.

          Thứ nhì, nắm lấy cơ hội nói chuyện với kẻ khác bằng cách giải thích cho họ điều nào là đúng và điều nào không đúng với Thông Thiên Học; với cách này, họ sửa chữa được các điều sai lầm và gợi ra điều lợi ích đối với Thông Thiên Học.

          Thứ ba, bằng cách giúp vào việc phổ biến các văn từ, do sự trao đổi sách vở Thông Thiên Học, tùy theo tài nguyên của họ, họ có thể cho mượn hay biếu tặng người xung quanh, thuyết phục bạn bè của họ thực hành Thông Thiên Học.

          Thứ tư, bảo vệ Hội bằng mọi phương tiện hợp pháp và với khả năng của họ chống lại những sự vu khống không đúng sự thật.

          Thứ năm, chính là điểm quan trọng nhất: Nêu gương bằng chính cuộc đời của họ.

          HỎI: Nhưng trong tất cả các điều này, theo bạn thì rất quan trọng, nhưng đối với tôi dường như không giúp ích gì cho Nhân Loại. Đó không phải là lòng Bác Ái thực tiễn.

          ĐÁP: Chúng tôi suy nghĩ khác biệt. Chúng tôi tin rằng: Một quyển sách hay, gợi sự suy nghĩ, làm tăng thêm sức mạnh và soi sáng Tinh Thần; và làm cho người đọc có khả năng hiểu rõ được Chân Lý mà họ đã cảm thấy một cách mơ hồ, nhưng không thể phát biểu ra được; chúng tôi cho rằng: Một quyển sách như thế mới thật sự là một quyển sách hay.

          Về điều mà bạn gọi là hành động thực tiễn của Lòng Nhân Ái, với mục đích hữu ích về phương diện Vật Chất, chúng tôi làm những gì mà chúng tôi có thể làm; nhưng, như chúng tôi đã nói với bạn: Hầu hết chúng tôi đều nghèo, còn chính Hội không có đủ tiền trả công cho người làm việc. Tất cả những người trong chúng tôi làm việc vì lợi ích cho Hội mà không mong được trả công, và thường thường lại giúp đỡ Hội về Tài Chính nữa. Những kẻ trong chúng tôi có phương tiện để làm điều mà người ta thường gọi là các hành động Từ Thiện, đi theo các Châm Ngôn của Đức Phật; và chính họ làm tròn các hành động này mà không qua sự trung gian của kẻ khác và không ghi vào các Công Trình Nhân Ái chung. Điều mà một Nhà Thông Thiên Học phải làm trên tất cả là quên đi Phàm Ngã (Personality) của mình.

 

 

ĐIỀU    NHÀ  THÔNG  THIÊN  HỌC
KHÔNG  NÊN  LÀM

 

 

          HỎI: Trong Hội của bạn có các Luật Lệ hay các Điều Khoản (Clauses) ngăn cấm đối với các Nhà Thông Thiên Học hay không?

          ĐÁP: Có rất nhiều, nhưng than ôi! Không thể quan sát được chúng. Chúng biểu lộ Lý Tưởng của Tổ Chức chúng tôi, nhưng chúng tôi bị bắt buộc để Phần Thực Hành tùy vào thiện chí của chính các Hội Viên.

          Vô phúc thay, đó là trạng thái Tinh Thần của con người ở Thế Kỷ hiện tại; nếu chúng tôi không cố ý để cho các Điều Khoản này hết thích dụng nữa thì không một người Nam hay Nữ nào dám gia nhập Hội. Điều này chỉ rõ tại sao tôi cảm thấy phải nhấn mạnh về sự khác nhau giữa Thông Thiên Học chân chính và các dự định có hảo ý xây dựng cùng các cố gắng lớn lao của nó, nhưng rốt lại, chỉ là các phương tiện không xứng đáng, với Hội Thông Thiên Học.

          HỎI: Bạn có thể cho tôi biết những viên đá ngầm nguy hiểm nào nằm ở trong Thông Thiên Học được chăng?

          ĐÁP: Bạn có lý khi gọi chúng là các viên đá ngầm, vì có hơn một Hội Viên Thông Thiên Học, mặc dù thành thật và đầy nhiệt tâm, đã làm tan nát chiếc xuồng Thông Thiên Học của mình! Trên Thế Gian này dường như không có điều gì dễ hơn là tránh làm một số việc nào đó. Thí dụ, bạn phải xem xét một số Bổn Phận Thông Thiên Học sau đây, các Bổn Phận tích cực bị che phủ bởi bao nhiêu Bổn Phận tiêu cực:

           Không một Nhà Thông Thiên Học nào có quyền im lặng khi nghe thấy các lời tố cáo sai lầm, hay các sự vu khống chống lại Hội, hay chống lại những người vô tội, dù những người này là những kẻ ở trong hay ở ngoài Hội.

          HỎI: Nhưng giả sử rằng: Điều mà một người đã nghe thấy lại là Sự Thật, hay có thể là Sự Thật, mặc dù người đời không hề hay biết thì sao?

          ĐÁP: Lúc bấy giờ người ta cần phải đòi hỏi các bằng chứng có giá trị, và cân nhắc một cách vô tư, hơn là để cho sự tố cáo đi qua mà không có sự đối chứng. Người ta không có quyền tin vào một điều xấu, trước khi có bằng chứng rõ ràng.

          HỎI: Việc tiếp theo là ta phải làm gì?

          ĐÁP: Lòng trắc ẩn và khoan dung, lòng từ bi và nhẫn nại phải luôn luôn đưa chúng ta đến sự tha thứ và phán đoán nhẹ nhàng những kẻ lỡ bước. Một Nhà Thông Thiên Học đừng bao giờ quên rằng: Sự Bất Toàn và Yếu Đuối có sẵn nơi bản chất con người.

          HỎI: Phải hoàn toàn tha thứ trong các trường hợp tương tự như vậy hay sao?

          ĐÁP: Trong mọi trường hợp, nhất là khi có sự xúc phạm.

          HỎI: Nhưng nếu bằng cách gián tiếp hay trực tiếp, người ta làm tổn thương những kẻ khác, lúc bấy giờ ta phải hành động như thế nào?

          ĐÁP: Phải làm tròn Bổn Phận; nghĩa là điều gì khêu gợi nơi Lương Tâm cùng Bản Chất Cao Thượng của y; nhưng chỉ sau khi suy tính kỹ càng. Sự Công Bằng bao gồm cả việc không làm điều gì hại cho một sinh vật nào; nhưng Công Lý ra lệnh cho chúng ta đừng bao giờ để cho những kẻ vô tội, hay ngay cả chỉ một kẻ vô tội thôi, chịu một sự tổn thương nào đó do sự không trừng phạt kẻ có tội.

          HỎI: Các Điều Khoản khác như thế nào?

          ĐÁP: Không một Nhà Thông Thiên Học nào bằng lòng sống một cuộc đời ăn không ngồi rồi hay phù phiếm, mà không hữu ích cho chính y và cho những kẻ khác. Nếu y không thể làm việc cho Nhân Loại, ít nhất y phải làm việc cho hạnh phúc của những kẻ cần đến sự giúp đỡ của y, và do đó y góp phần vào sự tiến bộ cho Hội Thông Thiên Học.

          HỎI: Hành động như thế đòi hỏi một tính chất ngoại lệ, và dường như rất khó làm đối với nhiều người!

          ĐÁP: Trong tình trạng này quí bạn đó nên ở ngoài Hội Thông Thiên Học hơn là gia nhập Hội dưới một sắc thái giả dối. Người ta không đòi hỏi một kẻ nào hiến dâng sự tận tụy, thì giờ, công lao hay tiền bạc.

          HỎI: Kế tiếp là gì?

          ĐÁP: Không một Hội Viên tích cực hoạt động nào (working member) nên liên kết quá nhiều giá trị với những sự tiến bộ cá nhân, cũng như với sự tiến bộ trong sự học hỏi Thông Thiên Học; mà trái lại, y phải sẵn sàng làm tròn mọi công việc vị tha mà y có khả năng làm được. Chúng ta không nên để cho tất cả sức nặng và trách nhiệm của phong trào Thông Thiên Học đè nặng trên vai một số ít người đã làm việc tận tụy. Mỗi Hội Viên phải xem như Bổn Phận của mình là gánh vác một phần lớn, nếu có thể, phần việc chung và y tận lực giúp đỡ Hội hoàn thành công việc một cách có hiệu quả.

          HỎI: Điều đó hoàn toàn đúng. Và tiếp theo thì như thế nào?

          ĐÁP: Không một Nhà Thông Thiên Học nào được đặt lòng kiêu hãnh hay tình cảm cá nhân của mình lên trên sự lợi ích của Hội. Kẻ nào hy sinh thanh danh của Hội hay thanh danh của kẻ khác cho sự kiêu hãnh riêng của mình, cho các lợi lộc Phàm Tục của mình, thì y sẽ không còn được xem như là một Hội Viên. Một cơ quan bị ung thư sẽ lan rộng khắp cơ thể con người.

          HỎI: Phải chăng Bổn Phận của mỗi Hội Viên là giảng dạy kẻ khác và thuyết giảng Thông Thiên Học?

          ĐÁP: Đúng thế. Không một Hội Viên nào có quyền ăn không ngồi rồi, y không được viện cớ rằng mình không biết nhiều để dạy dỗ. Thật ra, y luôn luôn chắc chắn rằng có thể tìm được những người còn hiểu biết ít hơn y nữa. Vả lại, khi nào người ta thử dạy dỗ kẻ khác, người ta mới nhận ra sự thiếu hiểu biết của mình và y mới cố gắng cải thiện điều ấy. Nhưng đó chỉ là một điều thứ yếu.

          HỎI: Vậy thì, theo bạn, Nhiệm Vụ chính trong các Nhiệm Vụ của Thông Thiên Học là gì?

          ĐÁP: Đó là sự chuẩn bị để luôn luôn sẵn sàng nhận ra và thú nhận các lỗi lầm của mình. Chẳng thà bạn phạm lỗi do sự khen tặng quá đáng những cố gắng của người bên cạnh, hơn là bạn không ước lượng đúng giá trị của chúng. Bạn đừng bao giờ nói hành một người khác, đừng vu khống ai cả. Luôn luôn thành thật với mọi người, dù cho người này có chống nghịch lại với mình. Bạn đừng bao giờ đồn đãi về điều gì có hại cho kẻ khác, đừng giữ sự oán hờn nào đối với những người nhục mạ chúng ta.

          HỎI: Nhưng thường thường có sự nguy hiểm khi nói sự thật với mọi người. Bạn nghĩ sao về điều đó? Tôi biết một trong các Hội Viên của bạn đã bị nhục mạ một cách cay đắng, y đã từ bỏ Hội để trở nên một trong các kẻ thù bất cộng đáy thiên; vì người ta đã nói một cách không dè dặt về những sự thật không thích thú đối với hạnh kiểm của y, và về các hành động đáng khiển trách của y.

          ĐÁP: Những trường hợp này đã xảy ra nhiều lắm. Không có Hội Viên nào, dù có địa vị quan trọng hay tầm thường trong Hội mà sau khi rời Hội y lại không trở thành kẻ thù chí tử của Hội Thông Thiên Học.

          HỎI: Tại sao lại có việc đó?

          ĐÁP: Điều ấy rất đơn giản. Trong phần lớn các trường hợp, sau khi đã hết lòng tận tụy với Hội, và đã đưa ra không tiếc những lời khen tặng quá lố; cách bào chữa duy nhất mà một kẻ bội Đạo như thế có thể đưa ra cho hành vi sau này và cho sự mù quáng đã qua, chính là tự đặt mình thành nạn nhân vô tội và bị lừa đảo; và bằng cách đó, y trút bỏ lỗi lầm bằng cách qui chúng về vấn đề Hội một cách tổng quát, và đặc biệt là nơi những kẻ đứng đầu Hội. Những người như thế làm tôi nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn xưa về một người có gương mặt méo mó; y đã đập vỡ cái gương soi, vì y cho rằng nét mặt của y bị gương phản chiếu lệch đi.

          HỎI: Nhưng tại sao những kẻ này lại chống báng Hội?

          ĐÁP: Trong nhiều trường hợp hầu như luôn luôn tại vì lòng tự cao tự đại của họ bị tổn thương bằng cách này hay cách khác; thường thường vì lời khuyên, vì tiếng nói của họ không được nhìn nhận và tuân theo như những Định Luật; hoặc là bởi vì họ thuộc về những kẻ thích cai trị nơi Địa Ngục, hơn là muốn phụng sự trên Thiên Đàng. Tóm lại, bởi vì họ không thích đứng sau người khác. Thí dụ, trong số các Hội Viên này - một Nhà Tiên Tri thứ thiệt - chỉ trích tất cả các Hội Viên Thông Thiên Học, hầu như phỉ báng những người này, và điều đó không những xảy ra trước mặt các Nhà Thông Thiên Học, mà còn xảy ra trước mặt người lạ nữa. Y viện cớ giả tạo rằng: Tất cả những người ấy đều là những kẻ chống lại Thông Thiên Học. Y mạnh dạn trách cứ họ về điều mà chính y đang làm. Cuối cùng, y rời khỏi Hội, y công bố rằng: Chúng tôi là những kẻ lừa phỉnh! (Đặc biệt nhất là những Kẻ Sáng Lập Hội). Một kẻ khác, sau khi cố gắng bằng tất cả các mưu mô  có thể có được để được bầu cử làm Chi Bộ Trưởng để đứng đầu một Chi Bộ quan trọng; khi nhận  thấy rằng: Các Hội Viên không ưa thích y, thì y lại trở mặt quay sang chống đối những Kẻ Sáng Lập và trở nên kẻ thù địch nhất, y cố ý tố cáo một trong những Kẻ Sáng Lập này mỗi khi y có cơ hội. Người Hội Viên này đã cố ý đặt để lòng tự cao tự đại và quyền lợi cá nhân lên trên sự lợi ích của Hội.

          Một kẻ khác, muốn tập làm “Hắc Đạo,” nghĩa là y dùng một ảnh hưởng cá nhân và tâm lý bất chính đáng để tác động trên một số Hội Viên; trong khi mặt khác, y giả vờ đòi hỏi mọi người phải tận tâm với quyền lợi Thông Thiên Học và có tất cả những đức tính có thể tưởng tượng được. Khi người ta chấm dứt các điều đó, y liền từ bỏ Thông Thiên Học. Hiện giờ, y loan truyền những chuyện không đúng sự thật, và y có ác ý vu khống rằng: Những Nhà Lãnh Đạo luôn luôn sai lầm. Y cố gắng phá hoại Hội bằng cách bôi lọ thanh danh của những Nhà Lãnh Đạo. Nhưng người Hội Viên “đáng kính” nầy đã không thành công trong việc phỉnh gạt.

          HỎI: Bạn làm gì đối với những người có bản tính như thế ?

          ĐÁP: Chúng ta hãy để cho Nghiệp Quả của họ định đoạt. Bởi vì một người làm quấy không phải là lý do để cho những kẻ khác cũng làm như thế.

          HỎI: Chúng ta hãy trở lại trường hợp nói hành. Làm thế nào lập được giới tuyến giữa sự nói hành và sự chỉ trích đúng đắn? Bổn Phận của chúng ta phải chăng là cảnh cáo bạn bè và người lân cận chúng ta chống lại những kẻ mà chúng ta biết là nguy hiểm cho đoàn thể ?

          ĐÁP: Nếu chúng ta để cho những kẻ như thế tự do hành động, những kẻ khác phải hứng chịu đau khổ; đành rằng Bổn Phận của chúng ta là tránh sự nguy hiểm bằng cách cảnh giác những người sau này một cách kín đáo. Nhưng dù đúng hay sai, chúng ta cũng không nên phổ biến quá rộng rãi sự tố giác này. Nếu sự tố giác tỏ ra đúng, và nếu lỗi phạm phải chỉ tác động vào thủ phạm, chúng ta hãy để thủ phạm cho Nghiệp Quả của y định đoạt. Nếu sự tố giác mà sai lầm, bạn sẽ tránh được việc thêm vào nỗi bất công cho Thế Gian. Điều đó giải thích tại sao chúng ta phải giữ kín đáo về những việc không có liên quan trực tiếp với nhiều người. Nhưng nếu sự kín đáo và im lặng của bạn có thể làm thiệt hại cho những kẻ khác, tôi xin nói thêm: Bạn hãy nói sự thật với bất cứ giá nào, và tôi xin lặp lại lời nói của Annesly: “Phải chú trọng đến Bổn Phận, chớ không chú trọng đến sự việc xảy ra” (Consult Duty, not events). Có những trường hợp mà người ta bắt buộc phải “bỏ qua sự kín đáo hơn là để cho nó ngăn cản Bổn Phận.”

          HỎI: Theo ý tôi, nếu bạn quá chú trọng đến những câu cách ngôn này, có lẽ bạn sẽ gặp rất nhiều trở ngại!

          ĐÁP: Điều đó quả nhiên đã xảy đến cho chúng tôi. Chúng tôi biết rằng người ta nói đến chúng tôi một cách bất công và mỉa mai về những gì mà người ta đã từng nói về thời Thiên Chúa Giáo nguyên thủy. “Xem kìa, những Nhà Thông Thiên Học biết thương yêu lẫn nhau làm sao!”

          HỎI: Như chính bạn đã thú nhận, có biết bao nhiêu chuyện nói hành, chuyện vu khống và cãi vã trong Hội Thông Thiên Học hơn là trong các Giáo Hội Cơ Đốc, không kể đến những Hội Khoa Học; bạn có thể cho phép tôi hỏi lại bạn đó là loại Tình Huynh Đệ nào vậy?

          ĐÁP: Quả vậy, đó là một loại Tình Huynh Đệ nghèo nàn trong lúc này, trừ ra khi nào nó được thanh lọc và tổ chức lại, thì nó sẽ tốt đẹp hơn những loại khác. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng: Bản Chất Con Người ở khắp mọi nơi đều giống nhau, dù họ ở trong hay ở ngoài Hội Thông Thiên Học. Các Hội Viên không phải là các Ông Thánh; họ chỉ là những kẻ nhiều tội lỗi đang cố gắng tu sữa; những sự yếu đuối của Phàm Ngã có thể làm cho họ rơi trở lại vào các lỗi lầm quá khứ.

          Bạn nên ghi nhớ thêm rằng: Tình Huynh Đệ của chúng tôi không phải là một điều được nhìn nhận hay thiết lập một cách hợp pháp, mà chúng tôi có thể nói rằng: Nó ở ngoài quyền lực pháp lý phân xử. Hội lại còn ở trong một tình trạng hỗn độn, bất công và thất nhân tâm hơn là các Hội khác. Như vậy, làm sao có thể lấy làm lạ khi chúng ta thấy rằng: Các Hội Viên không thành công trong việc thực hiện Lý Tưởng của Hội. Chuyện tiếp theo là: Sau khi rời bỏ chúng tôi, những người này đã kết hợp cùng những kẻ chống đối với chúng tôi. Họ đã tự do tuôn ra những lời phiền trách đắng cay! . . . Đối với những hành động tác hại do những vị cựu Hội Viên này đã làm ra thì chúng tôi để cho công luận thế giới và toà án lương tâm của họ xét xử.

          HỎI: Theo chỗ tôi nhận thấy, địa vị của bạn dường như không được ưa thích, có phải thế không?

          ĐÁP: Bạn rất có lý. Nhưng bạn nên nghĩ rằng: Bởi vì những Kẻ Lãnh Đạo và những Kẻ Sáng Lập phong trào tiếp tục làm việc hết sức mình; bởi vì đàng sau Hội hay sau Triết Lý của Hội phải có một cái gì cao quý và chân thật. Họ đã hy sinh bất cứ hạnh phúc, thành công, của cải Trần Gian, cho đến tên tuổi, và thanh danh của họ nữa; để đổi lấy những lời trách cứ không ngừng, những sự ngược đãi vô bờ bến, và một sự bội bạc thường xảy ra. Những cố gắng tốt đẹp của họ bị hiểu sai, những sự tốn công về mọi mặt; tuy nhiên, nếu họ dễ dàng buông bỏ tất cả mọi Công Việc và mọi Trách Nhiệm, thì tức khắc những sự tấn công chấm dứt ngay!

          HỎI: Tôi thú thật rằng: Sự kiên nhẫn này rất đáng khâm phục, và tôi tự hỏi, với Mục Đích nào mà bạn chịu đựng được những sự việc đó?

          ĐÁP: Không phải là để nhận được một sự thỏa mãn cá nhân; mà chúng tôi làm việc với Mục Đích duy nhất là đào tạo thuần thục và chuẩn bị sẵn sàng cho một vài người có khả năng tiếp tục công trình của chúng tôi, lo Phục Hưng Tinh Thần Nhân Loại theo kế hoạch đầu tiên, khi mà những Kẻ Sáng Lập chết đi. Những người này đã tìm thấy được một số Linh Hồn cao quý và tận tụy, thay thế được cho họ.

          Nhờ bởi những hạt nhân nhỏ này, các thế hệ tương lai sẽ thấy con đường phải đi qua ít gai gốc hơn, rộng lớn hơn; vì thế mà tất cả các sự đau khổ này sẽ tạo ra những kết quả tốt, và những kẻ hy sinh đã không luống công vô ích!

          Trong lúc này, Mục Đích căn bản của Hội là gieo trong Tâm nhiều người những mầm mống tốt có thể mọc lên theo thời gian; và khi có trường hợp thuận tiện, sẽ đưa đến một sự cải cách lành mạnh, mà các hậu quả đối với quần chúng sẽ làm cho họ biết được một hạnh phúc mà từ trước đến nay họ chưa bao giờ được nếm.


C H Ư Ơ N G     13

 

 

NHỮNG  QUAN  NIỆM  SAI  LẦM  LIÊN  QUAN  ĐẾN  HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC

 

 

THÔNG  THIÊN  HỌC    SỰ  KHỔ  HẠNH

 

 

          HỎI: Tôi đã nghe nói rằng: Giới Luật của bạn đòi hỏi tất cả các Hội Viên phải ăn chay, sống độc thân, và rất khổ hạnh; mà từ trước đến giờ bạn chưa nói với tôi. Bạn có thể cho tôi biết sự thật về việc này được chăng?

          ĐÁP: Đây là sự thật: Giới Luật của Hội chúng tôi không đòi hỏi gì về việc đó cả. Chẳng những Hội Thông Thiên Học không đòi hỏi những Hội Viên phải là những Tu Sĩ khổ hạnh theo một sự khắc khổ nào, mà chính Hội cũng không chờ đợi như thế; điều mà bạn gọi là Sự Khắc Khổ chỉ là sự cố gắng giúp đỡ kẻ khác và sống cuộc đời vị tha.

          HỎI: Tuy nhiên, có nhiều người trong số các Hội Viên của bạn đã ăn chay, và họ đã công khai tuyên bố một cách thành thật ý định của họ là không lập gia đình; và việc đó hầu như xảy ra trong số những người giữ chức vụ quan trọng của Hội.

          ĐÁP: Đó là điều dĩ nhiên, bởi vì hầu hết những kẻ làm việc tận tụy với Hội đều thuộc về nhóm Nội Môn (Inner Section) của Hội như tôi đã nói với bạn.

          HỎI: Vậy thì, phải chăng những sự thực hành khổ hạnh là điều bắt buộc trong nhóm Nội Môn?

          ĐÁP: Không. Chúng tôi không đòi hỏi và cũng không khuyến khích làm việc đó. Chúng tôi tin rằng: Sau khi đã giải thích với bạn những quan điểm của chúng tôi về sự khổ hạnh, bạn sẽ hiểu rõ về việc ăn chay và những vấn đề khác thuộc loại này.

          HỎI: Xin bạn cho nghe tiếp.

          ĐÁP: Như tôi đã nói với bạn, đa số những kẻ đã học hỏi kỹ càng về Thông Thiên Học, và những kẻ tận tâm với công việc của Hội, không muốn giới hạn việc học hỏi theo Lý Thuyết các Chân Lý mà chúng tôi đã giảng dạy. Họ muốn biết Chân Lý bằng chính Kinh Nghiệm riêng của họ, và họ muốn khảo cứu Huyền Linh Học với Mục Đích thu đạt được sự Minh Triết và Quyền Năng mà họ thấy là cần, để Giúp Đỡ Kẻ Khác một cách chính xác và hiệu quả; thay vì làm một cách mù mờ và không biết trước kế hoạch. Điều đó làm cho họ sớm hay muộn đều gia nhập vào nhóm Nội Môn.

          HỎI: Nhưng bạn vừa nói rằng: “Những sự thực hành khổ hạnh” không phải là điều kiện bắt buộc ngay cả trong nhóm Nội Môn?

          ĐÁP: Tôi nhắc lại điều đó không cần thiết. Nhưng việc trước tiên mà các Hội Viên cần phải học là có một quan niệm xác thực về sự liên quan của xác thân hay lớp vỏ vật chất với Con Người Nội Tâm, Con Người Thật. Sự liên quan và tác động hỗ tương của hai trạng thái này của bản chất con người đã được giải thích và chứng minh cho họ; với mục đích giúp đỡ họ nhận thức được sự quan trọng hơn của con người bên trong, bằng cách so sánh với lớp vỏ bên ngoài hay xác thân. Người ta dạy cho họ biết rằng: Bất cứ sự khổ hạnh mù mờ nào được thực hành mà thiếu hiểu biết, chỉ là sự điên cuồng; và rằng đức hạnh của Thánh Labro mà tôi đã nói ở đoạn trước, hay đức hạnh của các Thuật Sĩ (Fakirs) Ấn Độ và của những nhà tu khổ hạnh trong rừng sâu, họ tự đốt cháy, hành xác một cách khủng khiếp không có Mục Đích nào khác hơn là ích kỷ - để phát triển Quyền Năng Ý Chí - nhưng chúng lại hoàn toàn vô ích cho sự phát triển chân thật về phương diện Tâm Linh hay phương diện Thông Thiên Học chân chính.

          HỎI: Tôi hiểu. Vậy thì, chỉ có sự khổ hạnh về phương diện Tinh Thần là cần thiết. Đó là cách để đạt đến Mục Đích thực hiện sự thăng bằng hoàn hảo của bản chất bên trong của con người; và sự hoàn hảo để chế ngự thể xác tránh khỏi mọi đam mê và dục vọng?

          ĐÁP: Đúng thế. Nhưng phải dùng những phương cách này một cách thông minh, khôn ngoan, không mù mờ và dại dột. Người Lực Sĩ tự luyện tập và chuẩn bị để tranh đấu một cách gian lao; không phải như Kẻ Keo Kiệt, kẻ này dè xén trong việc ăn uống đến đỗi bệnh hoạn để thỏa mãn được sự ham mê có vàng.

          HỎI: Tôi hiểu ý bạn, nhưng làm thế nào bạn thực hành điều đó? Ý kiến của bạn về vấn đề ăn chay như thế nào?

          ĐÁP: Một Nhà Khoa Học Đức nổi danh đã chứng minh rằng: Bất cứ thịt con vật nào, dù được nấu nướng, biến chế cách nào đi nữa, vẫn còn giữ một số đặc tính nổi bật (marked characteristics) của con vật đó, các đặc tính này rất dễ nhận thấy. Ngoài ra, ai cũng đều nhận ra được thứ thịt gì khi họ ăn vào. Chúng tôi còn đi xa hơn nữa, và chúng tôi chứng minh rằng: Theo Khoa Sinh Lý Học, khi ăn thịt con vật, con người sẽ thu hút một số đặc tính của con vật mà thịt này được tạo ra. Sau cùng, Khoa Huyền Linh Học giảng dạy và chứng minh cho các Đệ Tử bằng những bằng chứng thấy được rằng sự “đần độn” hay “có thú tính” (coarsening or animalizing) được tạo ra trên con người bằng các thức ăn này sẽ mạnh hơn đối với thịt của những con thú lớn; ít mạnh hơn đối với loài chim, còn ít hơn nữa đối với loài cá và loài có máu lạnh, và ít hơn hết khi người ta chỉ ăn rau cải.

          HỎI: Như vậy, tốt hơn là người ta không nên ăn gì cả?

          ĐÁP: Dĩ nhiên là thế, nếu người ta có thể sống mà không ăn uống. Nhưng, bởi vì con người bị bắt buộc phải ăn để sống, chúng tôi thành thật khuyên những kẻ muốn học hỏi đúng đắn, chỉ nên chọn những thức ăn nào ít làm trì trệ trí não, ít làm trì trệ xác thân, ít làm chậm trễ và ngăn cản Sự Phát Triển Trực Giác của họ, cũng như các Khả Năng và Quyền Năng bên trong của họ.

          HỎI: Như vậy, bạn không chấp nhận tất cả những luận cứ mà những người ăn chay thường dùng?

          ĐÁP: Chắc chắn là không. Một số luận cứ của họ rất yếu ớt và thường dựa trên những giả thuyết sai lầm hoàn toàn. Mặt khác, cũng có nhiều điều đúng trong những điều mà họ nói. Thí dụ, chúng tôi tin rằng nhiều chứng bệnh và nhất là những khuynh hướng lớn lao (great predisposition) để vướng bệnh, là một trong những nét nổi bật của thời đại chúng ta đều gây ra bởi việc ăn thịt, nhất là thịt đóng hộp (tinned meats). Nhưng phải có nhiều thì giờ mới nói hết được về việc ăn chay và sự lợi ích của nó. Bây giờ, chúng ta hãy chuyển sang một vấn đề khác.

          HỎI: Bạn cho phép tôi hỏi một câu nữa. Khi các Hội Viên của nhóm Nội Môn bị đau ốm, họ phải làm gì?

          ĐÁP: Dĩ nhiên là họ phải theo lời khuyên thực tế đúng cho trường hợp của họ. Bạn có hiểu chăng chúng tôi không có sự bắt buộc nào về việc này cả? Bạn nên nhớ rằng: Chúng tôi thảo luận tất cả những vấn đề này theo một quan điểm hợp lý và không cuồng tín chút nào cả. Nếu có một người nào đó, sau một cơn đau nặng, hay do một thói quen cố hữu, không thể nhịn ăn thịt, thì y cứ ăn. Điều đó không phải là một tội lỗi, và điều đó chỉ sẽ làm chậm trễ một ít sự tiến bộ Tinh Thần của y mà thôi. Bởi vì, sau rốt, các chức năng và tác động của thể xác tỏ ra ít quan trọng hơn là điều mà con người suy nghĩ và cảm nhận, chúng nó ít quan trọng hơn là các dục vọng mà y nuôi dưỡng, để cho mọc gốc rễ và lớn lên trong trí não của y.

          HỎI: Còn về rượu nhẹ và rượu mạnh, hình như bạn không khuyên người ta dùng hai thứ đó phải không?

          ĐÁP: Chúng là một kẻ thù còn tệ hại hơn là thịt đối với Sự Tiến Hóa Tâm Linh và Luân Lý, bởi vì rượu, dưới tất cả mọi hình thức, đều có một ảnh hưởng trực tiếp rất rõ ràng và độc hại. Rượu vang và rượu mạnh chỉ ít tai hại cho Việc Phát Triển các khả năng bên trong hơn là cần sa (hashish), á phiện (opium) và các dược phẩm tương tự khác.

 

 

THÔNG  THIÊN  HỌC    HÔN  NHÂN

 

 

          HỎI: Bây giờ, chúng ta hãy chuyển sang một đề tài khác: Con người nên lập gia đình hay là nên sống độc thân?

          ĐÁP: Điều đó tùy thuộc vào kẻ đặt câu hỏi. Nếu bạn nói đến một người có ý định sống ở Trần Gian, dầu rằng kẻ ấy đang là một Nhà Thông Thiên Học thành tâm và đúng đắn; một người tận tụy phụng sự cho Hội, còn được giữ trong Thế Gian bằng các ràng buộc và các ước muốn; nói tóm lại, đây là một người cảm thấy rằng mình chưa vĩnh viễn từ bỏ cuộc đời để chỉ ước muốn có một điều; một điều duy nhất: Hiểu Biết Chân Lý và trở nên có Khả Năng Giúp Đỡ kẻ khác. Trong một trường hợp như thế, chúng ta không có lý do nào để ngăn cản người này lập gia đình; nếu y muốn tìm sự may rủi, chọn mua một lô trong cuộc xổ số chứa nhiều số trật hơn là số trúng. Chắc hẳn bạn không nghĩ rằng: Chúng tôi thật vô lý và cuồng tín để lên án toàn thể các cuộc Hôn Nhân? Trái lại, ngoại trừ vài trường hợp hiếm có, trong việc Thực Hành Huyền Linh Học, Hôn Nhân là phương tiện duy nhất để ngăn chận Sự Vô Luân (Immorality).

          HỎI: Nhưng tại sao người ta không thể thu đoạt được Sự Hiểu Biết và Quyền Năng, khi đồng thời sống một cuộc sống lứa đôi?

          ĐÁP: Bạn thân mến, tôi không thể nào đi vào vấn đề Sinh Lý Học với bạn. Nhưng, tôi có thể trả lời cho bạn một cách chính xác, mà theo tôi nghĩ, làm cho bạn hiểu rõ được những Lý Do Tinh Thần về sự bất khả hữu này. Một người có thể Phụng Sự Hai Ông Chủ (Masters) được không? Không! Vậy thì, người ta không thể phân chia sự chú ý của mình ra giữa người Vợ và sự theo đuổi Huyền Linh Học. Nếu người nào cố gắng làm như thế, chắc chắn y sẽ phải thất bại.

          Tôi cũng xin nhắc bạn nhớ rằng: Huyền Linh Học Thực Tiễn (Practical Occultism) là một môn học quá khắt khe và quá nguy hiểm cho một người miệt mài về đó mà y không sẵn sàng Hy Sinh Tất Cả; trước nhất là Chính Y, để đạt đến Mục Đích của y.

          Điều mà tôi vừa nói, không áp dụng cho các Hội Viên của nhóm Nội Môn, mà chỉ áp dụng cho các Môn Đồ nào quyết định đi theo con đường của Người Đệ Tử dẫn đến Mục Đích Cao Cả. Đa số, nếu không muốn nói là tất cả những Kẻ Sơ Cơ được thu nhận vào nhóm Nội Môn, là những kẻ bắt đầu sửa soạn trong Kiếp Sống này, để thật sự đi theo Con Đường Này trong các Kiếp Sống mai sau.

 

 

THÔNG  THIÊN  HỌC    SỰ  GIÁO  DỤC

 

 

          HỎI: Sự nghèo đói và lầm than đang ngự trị khắp nơi, đặc biệt nhất là trong các thành phố lớn của chúng ta, đã làm nền tảng cho một trong các luận cứ mạnh mẽ nhất của bạn để chứng minh rằng: Do sự bất lực của các Tôn Giáo Tây Phương dưới những hình thức hiện tại, và ngay cả đến một điểm nào đó, hình thức Triết Lý Duy Vật của thời đại chúng ta, Triết Lý mà, mặc dầu được phổ cập, dường như đối với bạn, là một sự gớm ghiếc và sầu muộn. Nhưng chắc chắn bạn phải bắt buộc thừa nhận rằng: Người ta đã góp phần một cách rộng rãi, và rằng người ta đã làm việc thường xuyên để cải thiện tình trạng này, nhờ sự Giáo Dục và truyền bá sự Hiểu Biết.

          ĐÁP: Các thế hệ sau này sẽ không biết ơn bạn bao nhiêu về việc “loan truyền sự Hiểu Biết;” còn Nền Giáo Dục hiện tại của bạn sẽ không đem lại lợi ích nhiều cho khối người nghèo đói.

          HỎI: Được rồi. Nhưng bạn phải để cho chúng tôi có đủ thì giờ. Chúng tôi đã bắt đầu Giáo Dục quần chúng chỉ mới có vài năm nay thôi.

          ĐÁP: Đúng vậy. Nhưng xin bạn hãy nói cho tôi biết về điều mà Cơ Đốc Giáo đã làm từ Thế Kỷ XV trong Mục Đích này, bởi vì, theo bạn thú nhận, phải chăng người ta chỉ mới cố gắng áp dụng sự Giáo Dục quần chúng mới đây thôi? Nhưng, đó là Nhiệm Vụ Chung của tất cả các Giáo Hội và Giáo Dân Cơ Đốc, nghĩa là của những người muốn đi theo con đường của Đấng Cứu Thế phải tận lực thực hiện!

          HỎI: Điều mà bạn đề cập đến cũng đúng đấy, nhưng mà hiện giờ…

          ĐÁP: Chúng ta hãy xem xét vấn đề Giáo Dục này ở một khía cạnh rộng lớn hơn; và tôi sẽ chứng minh với bạn rằng: Con số những Sự Cải Thiện mà bạn quá phô trương tỏ ra có hại hơn là có lợi. Các Trường Học dành cho trẻ con nghèo, mặc dù kém hữu ích hơn là chúng phải là; tuy nhiên, lại có hiệu quả tốt đẹp hơn khi so sánh với môi trường tệ hại hơn trong đó xã hội hiện đại bắt các trẻ con này sống.

          Việc truyền đạt một ít Thông Thiên Học thực hành sẽ giúp ích hàng trăm lần hơn cho cuộc sống của khối người nghèo khổ, hơn là sự truyền đạt những Sự Hiểu Biết vô ích.

          HỎI: Nhưng mà trong thực tế . . .

          ĐÁP: Bạn hãy để tôi nói hết. Bạn vừa đề cập đến một đề tài làm chúng tôi động tâm. Tôi phải nhìn nhận rằng: Đối với một đứa bé được sinh ra trong một khu phố nghèo nàn; đứa bé chỉ biết rong chơi ngoài đường phố và lớn lên trong một môi trường mà nó chỉ thấy các cử chỉ thô bạo, những lời nói cộc cằn. Chúng tôi nghĩ rằng: Có một điều lợi lớn khi đứa bé hằng ngày được ở trong một phòng học sáng sủa, sạch sẽ, vui vẻ, trang hoàng nhiều hình ảnh và bông hoa. Nơi đó, người ta dạy đứa bé giữ sạch sẽ, ngăn nắp, dịu dàng. Đứa bé học hát, chơi đùa với các món đồ chơi kích thích Sự Thông Minh của nó. Đứa bé tập sử dụng tay chân một cách khéo léo. Người ta kiên nhẫn dỗ ngọt để sửa chữa đứa bé. Người ta nói với đứa bé bằng nụ cười, thay vì nhìn nó với vẻ giận dữ. Tất cả những điều đó làm thuần hóa trẻ con, phát triển trí não của trẻ con, và nhờ đó làm cho chúng nó trở nên bén nhạy hơn với các ảnh hưởng Luân Lý và Tinh Thần. Chắc chắn là Trường Học không phải là nơi mà tất cả những điều đó có thể thực hiện được, nhưng so sánh với nhà ở, thì Trường Học là Thiên Đàng và dần dần những ảnh hưởng trên làm cho trẻ em có những phản ứng tốt đẹp ở gia đình.

          Nhưng nếu điều vừa nói có thể áp dụng một cách chính xác với đa số các Trường Học của Chính Phủ, thì Hệ Thống của bạn không thể bị khiển trách được.

          HỎI: Được rồi. Xin bạn hãy tiếp tục.

          ĐÁP: Mục Đích thật sự của Nền Giáo Dục hiện đại là gì? Có phải là vun trồng và phát triển sự Thông Hiểu theo chiều hướng tốt hay không? Dạy cho kẻ vô phước và kẻ không may mắn hãy can đảm mang lấy gánh nặng cuộc đời (mà Karma đã đặt để cho họ) hay chăng? Làm tăng thêm sức mạnh ý chí của họ chăng? Khắc sâu vào Trí họ Tình Bác Ái đối với kẻ lân cận, cùng với sự Hợp Quần và Tình Huynh Đệ, như thế để đào luyện và để sửa soạn các Đặc Tính cho cuộc sống thực tiễn chăng? Không. Không có một tí nào cả. Tuy vậy, điều đó hiển nhiên là Mục Tiêu của tất cả mọi Nền Giáo Dục chân chính. Không có ai chối cãi điều đó; tất cả những Nhà Giáo Dục bàn cãi về vấn đề này đều thừa nhận và nhấn mạnh đến điều đó. Nhưng kết quả thực tế của công trình họ thì như thế nào? Thanh niên, trẻ con, ngay cả các Nhà Giáo Dục trẻ tuổi đều đồng thanh trả lời: “Mục Đích của Nền Giáo Dục hiện đại là để vượt qua được các Kỳ Thi.” Hệ Thống Giáo Dục này không hướng dẫn đến sự ganh đua cao cả, mà chỉ làm sinh ra sự ganh tị, thèm muốn, hầu như là oán ghét giữa những người đang tranh đua. Hậu Quả là nó dung dưỡng một đời sống ích kỷ, tàn bạo, tranh đấu vì lợi lộc, danh vọng, thay vì đánh thức nơi họ những Tình Cảm độ lượng khoan hồng đối với Nhân Loại.

          HỎI: Tôi phải thú nhận rằng: Bạn có lý.

          ĐÁP: Và có phải chăng những Kỳ Thi này tạo ra sự lo sợ trong giới thanh niên hiện tại không? Chúng là một phương pháp phân loại đơn giản, mà nhờ đó, người ta thu được một bảng kết quả về việc Giáo Dục ở Học Đường. Nói cách khác, đó là sự ứng dụng của phương pháp Khoa Học hiện đại, áp dụng cho Nhân Loại, nghĩa là thuần túy Trí Tuệ. Vả lại, theo sự giảng dạy của Khoa Học, sự Thông Hiểu là kết quả của sự tương tác Cơ Học của chất óc. Điều đó chỉ rõ cho chúng ta biết Nền Giáo Dục hiện tại gần như hoàn toàn máy móc, nói tóm lại, chỉ là một máy tự động; dành riêng để chế tạo hàng tấn Trí Thông Minh. Chúng ta không cần có kinh nghiệm nhiều về các Kỳ Thi này để chứng minh rằng Nền Giáo Dục có được như vậy chỉ đơn giản là sự luyện tập trí nhớ vật chất; sớm hay muộn gì tất cả các Học Đường cũng sẽ tụt xuống mức độ này. Điều hiển nhiên là bất cứ mọi sự vun trồng thật sự và vững chắc cho Khả Năng Suy Tư và Lý Luận vẫn không thể có được; cho tới khi nào mà người ta còn phán đoán tất cả bằng những kết quả nhận được nhờ những Cuộc Thi có tính cách tranh đua. Việc Giáo Dục Học Đường có tầm quan trọng rất lớn đối với việc Đào Tạo Tính Nết; đặc biệt nhất là về những gì liên quan đến các Tinh Thần như vậy. Thế mà, toàn thể Hệ Thống Giáo Dục hiện đại đều dựa trên những khám phá mệnh danh là Khoa Học “Cạnh Tranh để Sinh Tồn” và “Sự Sống Còn của cái Mạnh Nhất.” Trong những năm còn trẻ, mỗi người đều được nuôi dưỡng bằng các Ý Tưởng này, do các Gương Tốt và các Kinh Nghiệm thực tiễn; cũng như bởi sự Giáo Dục trực tiếp, mà y không thể nào thoát khỏi ý nghĩ về “Bản Ngã.” Phàm Ngã là Mục Đích và Cứu Cánh Duy Nhất của Cuộc Sống. Và đó là Nguồn Gốc chính của tất cả mọi đau khổ, mọi tội ác và sự ích kỷ khủng khiếp mà bạn cũng như tôi đã thấy. Chúng tôi đã nói và xin lặp lại rằng: Tính ích kỷ là tai họa lớn của Nhân Loại; cha đẻ của mọi tật xấu, mọi trọng tội làm tàn tạ Cuộc Sống. Và Học Đường của bạn là trung tâm tạo ra Lòng Ích Kỷ này.

          HỎI: Các khái luận tổng quát đó rất lý thú, nhưng tôi muốn bạn cho tôi biết một số sự kiện thực tiễn và nói cho biết các phương cách cứu vãn mà bạn đề xướng.

          ĐÁP: Được rồi. Tôi sẽ cố gắng làm hài lòng bạn về điểm này. Người ta chia Học Đường ra làm ba loại: Tiểu Học (Board), Trung Học (Middle-Class) và các Trường Công Lập (Public Schools). Các Học Đường này bao gồm mọi trình độ và mọi phức hợp có thể có được, từ việc dạy Thương Mãi tổng quát nhất, cho đến khuynh hướng Giáo Dục lý tưởng cổ điển. Giáo Huấn thực hành và Thương Mãi tạo ra khía cạnh hiện tại; trong khi Giáo Huấn Chính Thống và cổ điển trải dài trọng trách đáng kính của nó đến tận các Trường Tiểu Học. Ở đây, chúng ta thấy rằng: Khía cạnh Thương Mãi, Khoa Học và Vật Chất, hiển nhiên chiếm chỗ của khía cạnh chính thống và cổ điển đã trở nên khô khan. Cũng không khó để tìm thấy lý do tại sao. Các Mục Tiêu đã được theo đuổi bởi Ngành Giáo Dục này được bao hàm trong Đồng Pound, Đồng Quan và Đồng Xu cổ, đã lên tới cực điểm vào Thế Kỷ XIX. Hậu Quả là tất cả năng lực do khối óc của những kẻ Ủng Hộ (Adherents) được tập trung ở một điểm duy nhất và hợp thành trong một phạm vi nào đó; một Đạo Quân có tổ chức chặt chẽ với Tinh Thần được vun bón và thiên về Lý Thuyết, cho một thiểu số người thông minh được nuôi dưỡng trong sự chống đối khối quần chúng dốt nát và khờ khạo; để cho những người khôn lanh hơn hà hiếp, và bốc lột họ.

          Một Nền Giáo Dục như thế không những là đi ngược lại với Thông Thiên Học, mà chính nó còn chống đối lại Cơ Đốc Giáo nữa. Nền Giáo Dục đó có hiệu quả tức khắc là một sự thừa thãi máy móc để tạo ra tiền, do những kẻ ích kỷ, vô lương tâm điều khiển; những kẻ này đã dựng lên để rình rập và để lợi dụng sự dốt nát của các Huynh Đệ yếu kém hơn họ!

          HỎI: Điều mà bạn nói đến có áp dụng vào các Trường Công Lập lớn hay không?

          ĐÁP: Nếu ta xét về mặt thực tế thì nó không hoàn toàn giống như thế. Tuy Hình Thức có khác, nhưng Tinh Thần bên trong vẫn như nhau: Nó đi ngược lại với Thông Thiên Học, nó chống đối lại với Cơ Đốc Giáo, dù cho các Trường Eton và Harrow đã sản xuất ra các Khoa Học Gia hay các vị Thánh và các Nhà Thần Học.

          HỎI: Nhưng chắc chắn là bạn không gán tiếng “Thương Mại” cho Trường Eton và Harrow chớ?

          ĐÁP: Dĩ nhiên là không. Hệ Thống cũ trước nhất đáng tôn trọng và rất hữu ích ở thời hiện đại. Hệ Thống này vẫn còn thích hợp ở các Trường Công Lập lớn của chúng ta, nơi mà không những người ta có thể nhận được sự Giáo Dục Tinh Thần, mà còn sự Giáo Dục Xã Hội nữa. Điều đó cho ta biết tại sao có một sự quan trọng hàng đầu đối với các trẻ em kém thông minh của những bậc cha mẹ giàu sang, quí phái; được nuôi nấng trong những Trường Học này, để chúng có thể giao du với các Giai Cấp Giàu Sang, Quí Phái. Nhưng vô phúc thay, có một sự cạnh tranh ráo riết để được thu nhận vào; vì giai cấp giàu có ngày càng đông, còn các thanh niên nghèo nàn nhưng khéo léo tìm cách xin vào các Trường Công Lập nói trên bằng các Học Bổng để từ đó theo bậc Đại Học.

          HỎI: Trong trường hợp này, các thanh niên giàu và kém thông minh bị bắt buộc làm việc nhiều hơn là các bạn bè thiếu may mắn của họ sao?

          ĐÁP: Đúng vậy. Nhưng có một điều kỳ lạ là, những kẻ tin tưởng vào “Sự Sống Còn của Kẻ Mạnh” đã không hành động phù hợp với sự tin tưởng của họ; vì về vấn đề Giáo Dục, họ đã ra sức thay thế những kẻ có đủ khả năng bằng những kẻ kém khả năng. Họ lôi cuốn các Giáo Sư giỏi bằng những món tiền lớn, để họ không săn sóc cho những học sinh thông minh, mà để chuẩn bị một cách máy móc cho con cháu kém thông minh của họ trở thành chuyên môn, bằng cách này họ đã gây trở ngại cho nhiều người một cách vô ích.

          HỎI: Bạn có đóng góp gì vào việc đó không?

          ĐÁP: Phương Thức tai hại là người ta đã nuôi dưỡng các thanh niên dành cho một nghề nghiệp nào đó, mà không lo lắng đến tài năng hay năng khiếu tự nhiên của họ . . . Các thanh niên đáng thương này đã bị guồng máy Giáo Dục của Giai Cấp Giàu Sang, Quí Phái nhào nặn, chế biến theo kiểu Giáo Dục Nhồi Sọ, từ lúc được sanh ra cho đến khi theo học Bậc Tiểu Học, Trung Học, Đại Học . . . Họ đã bị dồn ép vào đầu óc “Các Ngôn Từ Chết Cứng.”

          HỎI: Nhưng sau cùng, người ta đã dạy cho y nhiều điều quan trọng hơn là những “Ngôn Từ Chết Cứng” (Dead Vocables) và nhiều điều trong số những gì y học được; có thể đưa y đi thẳng đến Thông Thiên Học, nếu không nói là chính Hội Thông Thiên Học phải không?

          ĐÁP: Không nhiều đâu. Chúng ta hãy lấy Lịch Sử làm thí dụ, y chỉ có được Sự Hiểu Biết về những gì liên quan đến chính Quốc Gia của y và điều đó đủ để tạo quanh y một Bộ Giáp Sắt, gồm các Thành Kiến chống đối với tất cả những Dân Tộc khác và y lao mình vào trong các đam mê không trong sạch và tàn bạo, sát nhân. Chắc chắn là bạn không gọi đó là Thông Thiên Học, phải chăng?

          HỎI: Tiếp theo, bạn còn điều gì bắt bẻ nữa không?

          ĐÁP: Bạn hãy thêm vào đó một Nền Giáo Dục phiến diện, về việc chọn lọc những Sự Kiện mệnh danh là Thánh Kinh; về một Sự Khảo Cứu mà bất cứ Nhà Sưu Khảo Tâm Linh nào cũng đều loại bỏ. Đó chỉ là một bài học về ký ức rất đơn giản; cái “Tại Sao” của Ông Thầy chỉ là cái “Tại Sao” của Hoàn Cảnh, chớ không phải của Sự Suy Luận.

          HỎI: Tuy nhiên, tôi nghe nói rằng bạn hài lòng về con số kẻ Vô Thần và kẻ theo thuyết Bất Khả Tri luôn luôn tăng bội. Vậy thì, chính những kẻ được đào tạo bằng một Hệ Thống mà bạn hết lòng chê bai, sau rốt lại học được cách suy tưởng và phán đoán.

          ĐÁP: Vâng, nhưng điều đó đúng hơn phát xuất từ một phản ứng lành mạnh trái ngược với Hệ Thống này . . . Trong Hội, chúng tôi rất ưa thích những kẻ theo thuyết Bất Khả Tri (Agnostics); và ngay cả những kẻ thật sự Vô Thần, hơn là kẻ Mê Tín của bất cứ Tôn Giáo nào. Thể Trí của một kẻ theo thuyết Bất Khả Tri[44] thì luôn luôn sẵn sàng để chấp nhận Chân Lý; trong khi đó cùng một Chân Lý này lại làm u tối đối với kẻ Mê Tín, giống như các tia sáng Mặt Trời làm mù mắt loài chim cú.

          Những kẻ ưu tú nhất trong Hội chúng tôi, nghĩa là những người thật thà nhân ái nhất, tận tụy nhất đối với Chân Lý, đã và đang là những kẻ Hoài Nghi và những kẻ Vô Thần, tức là những kẻ không tin vào một vị Thượng Đế Nhân Hình (Personal God). Nhưng người ta không tìm thấy được một thanh niên hay thiếu nữ nào là kẻ biết suy tưởng tự do; sự Giáo Dục đầu tiên mà họ nhận được, để lại nơi họ những dấu vết và có khuynh hướng làm giới hạn và biến dạng Trí Thông Minh. Một Hệ Thống Giáo Dục lành mạnh có định hướng là phải tạo ra một Sự Thông Minh tự do và cứng rắn, được hướng dẫn bởi Tư Tưởng đúng đắn và hợp lý, chứ không phải bởi Đức Tin mù quáng.

          Nhưng làm sao bạn có thể chờ đợi kết quả tốt, bao lâu mà bạn còn làm hư khả năng suy luận của con cái bạn bằng cách ra lệnh cho chúng; vào ngày Chúa Nhật, phải tin vào những Điều Huyền Diệu trong Thánh Kinh; trong khi mà sáu ngày khác trong tuần, bạn dạy chúng về phương diện Khoa Học, những chuyện như thế không thể có được?

          HỎI: Vậy thì chúng ta phải làm gì bây giờ?

          ĐÁP: Nếu chúng tôi có đủ tiền; chúng tôi sẽ thành lập những Trường Học đào tạo những gì khác hơn là các thí sinh biết đọc và biết viết để kiếm ăn. Trẻ con sẽ được dạy có lòng tự tin trên hết, biết yêu thương mọi người, có lòng vị tha, thương yêu lẫn nhau; và điều quan trọng nhất là biết tự mình suy tư và lý luận. Chúng tôi sẽ giảm công việc có tính cách thuần máy móc của trí nhớ đến mức tối thiểu; dành trọn thì giờ cho sự phát triển và luyện tập các Nội Giác Quan (Inner Senses), năng khiếu và các khả năng tiềm tàng. Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng săn sóc riêng từng đứa trẻ, cố gắng dạy dỗ đứa bé để tạo ra sự điều hòa nhất và khai mở đồng đều các khả năng; để cho năng lực của chúng phát triển đầy đủ và tự nhiên. Chúng tôi nhắm vào việc tạo ra những người Nam và Nữ tự do về Trí Tuệ, tự do về Tinh Thần, không có thành kiến về mọi phương diện; và đặc biệt nhất là Không Ích Kỷ. Và chúng tôi tin chắc rằng rất nhiều, nếu không muốn nói là tất cả các điều này, có thể đạt được bằng Nền Giáo Dục thật sự Thông Thiên Học.

 

 

TẠI  SAO  HIỆN  GIỜ    QUÁ  NHIỀU  THÀNH  KIẾN CHỐNG  LẠI  HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC ?

 

 

          HỎI: Nhưng nếu chỉ một nửa thôi những việc mà bạn nói về Hội Thông Thiên Học là đúng sự thật; tại sao lại có quá nhiều kẻ có ác ý với Thông Thiên Học như thế ? Theo tôi, vấn đề này rất khó giải thích.

          ĐÁP: Đúng vậy. Nhưng bạn đừng nên quên rằng: Chúng tôi đã có nhiều đối thủ có thế lực mạnh từ lúc mới thành lập Hội. Như tôi vừa nói, nếu Phong Trào Thông Thiên Học là một trong các thú say mê hiện nay, rốt cuộc, vô thưởng vô phạt, thì nó sẽ bị xem thường và bỏ rơi một mình. Cũng như là hiện giờ nó đang bị những kẻ không hiểu được Mục Đích thật sự của nó đã làm. Thông Thiên Học thì hoàn toàn khác hẳn. Thông Thiên Học vốn là Phong Trào nghiêm chỉnh nhất hiện đại, hơn nữa, nó hăm dọa chính sự tồn tại của hầu hết những kẻ bịp đời, những thành kiến và tệ trạng xã hội hiện nay. Những tệ trạng làm béo bở giai cấp Thượng Lưu và kẻ lòn cúi nịnh hót; trong khi đó lại đè bẹp và làm chết đói hàng triệu người nghèo khổ. Bạn hãy chịu khó suy nghĩ sâu xa đến điều này, rồi bạn sẽ hiểu dễ dàng lý do của sự ngược đãi khắc nghiệt như thế . . . Những người thông minh lanh lợi, có sự quan sát bén nhạy, họ biết rõ Mục Đích thật sự của Hội, họ càng nỗ lực chống đối Thông Thiên Học thật dữ dội.

          HỎI: Phải chăng theo bạn, bởi vì một số người đã hiểu được Thông Thiên Học phải đưa chúng ta đến đâu, nên họ cố gắng trấn áp Phong Trào này chăng? Nhưng nếu Thông Thiên Học chỉ đưa đến điều thiện; bạn không thể đề xướng việc tố cáo một vài người có tâm địa bất chánh đã phản bội độc ác như thế sao?

          ĐÁP: Trái lại, tôi đã dự tính điều đó rất là kỹ lưỡng. Không phải các kẻ thù mà chúng tôi chống lại trong 9 hay 10 năm đầu tiên thành lập Hội, mà tôi xem như có thế lực hay xem như nguy hiểm. Đó là những kẻ được nuôi nấng chống lại chúng tôi từ 3 hay 4 năm sau này. Những kẻ đó không nói, không viết và không thuyết giảng chống lại Thông Thiên Học, mà họ kín đáo làm việc trong yên lặng. “Các Đấng bảo vệ Hội và là Các Nhà Sáng Lập” đã biết rõ các con búp bê này đã do người giựt dây điều khiển làm trò múa rối. Họ muốn tạm thời không tiết lộ danh tánh.

          HỎI: Cá nhân bạn và các Hội Viên khác đã biết những kẻ này là ai hay không?

          ĐÁP: Tôi chưa hề công bố rằng: Tôi đã biết rõ những kẻ đó là ai. Tôi có thể biết họ và cũng có thể tôi không biết họ là ai. Nhưng tôi chỉ có thể nói: Tôi biết rõ về họ. Và tôi cũng thách thức những kẻ đó muốn hành động chống đối Hội Thông Thiên Học theo kiểu cách nào cũng được.

          Họ có quyền phá rối Hội Thông Thiên Học và gieo rắc những lời đồn nhảm nhí vô căn cứ làm rối loạn các Hội Viên Thông Thiên Học, đặc biệt nhất là họ có thể hành động theo ý họ để làm lung lay ý chí của những Hội Viên nhút nhát, nhẹ dạ, dễ tin; và thường căn cứ theo bề ngoài để phán đoán. Những người đó không đủ Năng Lực và Quyền Thế để trấn áp Phong Trào Thông Thiên Học và nghiền nát Hội Thông Thiên Học, họ có quyền tự do hành động những gì họ muốn.

          Ngoài ra, những kẻ thù thật sự nguy hiểm này – tuy vậy, họ chỉ “Nguy Hiễm” đối với các Hội Viên Thông Thiên Học chỉ thích mang nhãn hiệu Thông Thiên Học, những vị này muốn tự đặt mình vào vị trí ở ngoài Hội hơn là tình nguyện đứng hẳn bên trong Hội để Nâng Đỡ và Phụng Sự Tích Cực cho Hội Thông Thiên Học – số người đối nghịch với Hội Thông Thiên Học rất là đông đảo.

          HỎI: Bạn có thể kể tên vài người làm bằng cớ và giấu tên các Hội Viên khác được không?

          ĐÁP: Vâng. Tôi có thể. (1) Chúng tôi thách thức các Nhà Giáng Ma Học người Mỹ, Anh và Pháp thù ghét chúng tôi. (2) Sự chống đối thù nghịch liên tục của tập đoàn Giáo Sĩ Thiên Chúa Giáo thuộc nhiều Hệ Phái khác nhau. (3) Và đặc biệt nhất là sự ghét bỏ và sự khủng bố tàn bạo của các Nhà Truyền Giáo Thiên Chúa Giáo ở xứ Ấn Độ. (4) Từ các điều xấu xa trên đã dẫn đến những sự tấn công liên tục công khai và kín đáo của Hội Khảo Cứu Tâm Linh. Sự tấn công được khuấy động để che giấu sự tham ô thối nát của những Nhà Truyền Giáo Thiên Chúa Giáo ở bên nước Ấn Độ.

          Sau cùng, chúng tôi còn phải kể đến những trường hợp đào nhiệm của các Hội Viên có Chức Vụ Cao (?) ở trong Hội, vì những lý do mà tôi đã nêu ở trên, những người đã góp phần tăng gia các Thành Kiến để chống đối lại Hội Thông Thiên Học.

          HỎI: Bạn có thể cho tôi biết thêm những chi tiết cần thiết để chúng tôi có thể trình bày đúng đắn khi người ta hỏi. Sự tóm tắt, ngắn gọn về Lịch Sử của Hội Thông Thiên Học, và tại sao người đời lại tin những điều sai lầm trên?

          ĐÁP: Những điều sai lầm trên rất là đơn giản. Hầu hết những người ở bên ngoài Hội Thông Thiên Học đã không hiểu biết gì về chính Hội Thông Thiên Học, Nguyên Động Lực và Mục Đích của Hội cùng Tín Ngưỡng của Hội Viên Thông Thiên Học.

          Ngay từ lúc ban đầu, người đời đã xem Thông Thiên Học không gì khác hơn là một Hiện Tượng Vô Cùng Kỳ Diệu, trong số những người không theo Giáng Ma Học thì đã có hai phần ba tỏ lộ sự không tin tưởng.

          Sau đó không bao lâu, người ta lại thay đổi thái độ. Họ đã xem Hội Thông Thiên Học như là một Tổ Chức nguỵ tạo các Bằng Chứng rằng: Đây là một Tổ Chức có Sở Hữu được nhiều “Phép Lạ.” Người đời đã không hề nhận biết rằng: Hội Thông Thiên Học đã hoàn toàn phủ nhận việc Tin Tưởng vào Phép Lạ và các Sự Luyện Tập để có được những Quyền Năng.

          Trong Hội Thông Thiên Học chỉ có một số rất ít Hội Viên đã đạt được những Quyền Năng Siêu Nhiên nhờ bởi Sự Luyện Tập Tự Chủ rất là gắt gao và cũng không mấy ai quan tâm đến việc đó.

          Người đời không bao giờ hiểu rằng: Các Buổi Diễn Tập có Mục Đích làm tăng thêm Đức Tin của các Hội Viên tận tuỵ phụng sự.

          Các Buổi Diễn Tập có Tính Cách Huấn Luyện hạn chế tối đa số Hội Viên đủ điều kiện được phép tham dự. Sự Diễn Tập không đòi hỏi người ta phải có các thứ Đạo Cụ cùng Phòng Tối, Hồn Ma và các Đồng Tử. Các Buổi Diễn Tập không bị ảnh hưởng bởi yếu tố: Không Gian và Thời Gian.

          Nhưng rủi thay, mọi sự hiểu lầm và ngộ nhận từ đó đã bị những kẻ bất hảo làm lớn chuyện và phóng đại rêu rao thêm khi Ông A.P. Sinnett cho xuất bản quyển sách đầu tiên của Ông có tựa đề là “Thế Giới Huyền Bí” (The Occult World). Quyển sách của Ông A.P. Sinnett đã gợi sự chú ý của rất nhiều độc giả ở Âu Châu. Điều tốt đẹp thuận lợi là Hội Thông Thiên Học đã trở nên nổi bật. Điều bất lợi xảy ra là đã có nhiều tai tiếng xấu xa, sự nhạo báng, chê bai do những kẻ chống đối cố tình trình bày sai lạc về Hội Thông Thiên Học. Sự việc này đã là dịp thử thách dữ dội cho các vị Anh Hùng và Anh Thư trong Hội Thông Thiên Học.

          Trường hợp của Ông A.P. Sinnett dù đã được Sự Tiên Tri úp mở báo trước, Ông đã không quan tâm nhiều lắm, cho nên sau đó Ông đã hứng trọn sự tấn công thù nghịch. Tuy nhiên, sau cùng thì mọi việc đều tốt lành.

          HỎI: Tại sao và từ bao giờ các Nhà Giáng Ma Học thù ghét Thông Thiên Học?

          ĐÁP: Từ những ngày đầu tiên thành lập Hội, họ đã không có thiện cảm với chúng tôi rồi. Khi các Nhà Giáng Ma Học thấy rằng Hội chúng tôi không tin tưởng có sự giao tiếp nào với “Hồn Người Chết,” mà chỉ xem những gì thường được mệnh danh là “Hồn” (Spirits) như là những Phản Ảnh từ Cõi Cảm Dục (Astral Reflections) của các Phàm Ngã thoát xác, các Ma Hình (Shells). . . thì bấy giờ, các Nhà Giáng Ma Học công khai tỏ ra ghét và chống báng lại các Nhà Sáng Lập Hội. Sự ghen ghét này được biểu lộ bằng mọi hình thức vu khống, những sự dòm hành riêng tư kém nhân từ; làm lệch lạc một cách vô lý Giáo Lý Thông Thiên Học được ấn hành trong những tạp chí Giáng Ma Học ở nước Mỹ.

          Trong nhiều năm, chúng tôi đã bị ngược đãi, đã bị tố cáo và lăng nhục. Chiến dịch này đã bắt đầu từ năm 1875 và kéo dài cho đến nay. Năm 1879, Tổng Trụ Sở của Hội Thông Thiên Học đã dời từ New York, sang Bombay ở Ấn Độ, rồi đến Madras. Khi Chi Bộ đầu tiên của Hội Thông Thiên Học được thiết lập ở London, các Nhà Giáng Ma Học Anh Quốc bước vào vòng chiến, chống lại chúng tôi như các người Mỹ đã làm; và lúc bấy giờ, các Nhà Giáng Ma Học Pháp đã bắt chước theo họ, kiện cáo chúng tôi.

          HỎI: Nhưng tại sao Giáo Hội lại hiềm thù các bạn; vì khuynh hướng chính của Giáo Lý Thông Thiên Học đối nghịch với Thuyết Duy Vật, kẻ thù hiện nay của tất cả mọi hình thức Tôn Giáo?

          ĐÁP: Giáo Hội chống đối chúng tôi là do theo nguyên tắc chung: “Kẻ nào không tin theo ta là chống lại ta.” Bởi vì Thông Thiên Học không đồng ý với Môn Phái hay Tín Điều nào Thông Thiên Học bị xem như là kẻ thù của tất cả. Bởi vì Thông Thiên Học giảng dạy rằng tất cả các Môn Phái, ít hay nhiều đều có sai lầm, các Nhà Truyền Giáo ở Ấn Độ ghét chúng tôi và họ đã tìm cách trấn áp chúng tôi, vì họ đã thấy một số lớn các Tinh Hoa của thanh niên Ấn có học thức và các người Bà La Môn gia nhập vào Hội Thông Thiên Học mà không đếm xỉa gì đến họ. Tuy nhiên, mặc kệ Giáo Hội ganh ghét, Hội Thông Thiên Học cũng có nhiều Hội Viên trong hàng ngũ các Linh Mục, các Mục sư và ngay cả một, hay hai Giám Mục nữa.

          HỎI: Nhưng tại sao Hội Khảo Cứu Tâm Linh cũng chống đối bạn? Trong một phạm vi nào đó, Hội này cùng theo đuổi các sưu tầm như bạn, và một số người thuộc Hội này cũng ở trong Hội của bạn.

          ĐÁP: Lúc đầu, những Người Sáng Lập Hội Khảo Cứu Tâm Linh và chúng tôi là bạn tốt với nhau. Nhưng khi Tạp Chí Christian College cho đăng tải bài công kích chống lại các Hiện Tượng được dựng lên do sự mạo danh của một tên gia nhân; Hội Khảo Cứu Tâm Linh thấy rằng Hội đã phạm lỗi xuất bản trong các biên bản của Hội, một số lớn Hiện Tượng xảy ra cùng với Hội Thông Thiên Học. Tham vọng của Hội Khảo Cứu Tâm Linh là đặt thành một Tổ Chức Giáo Quyền chặt chẽ và Khoa Học, mà Đức Tin của nó dựa trên Uy Quyền. Hội ấy đã quyết định giữ địa vị mình trước mọi người bằng cách vu khống các Nhà Sáng Lập và bài bác Hội Thông Thiên Học, và họ đã cố ý làm cho dư luận lầm lộn Thông Thiên Học với Giáng Ma Học . . . bởi vì người đời thường hay nhẹ dạ dễ tin.

          HỎI: Trước khi chuyển sang Đề Tài khác, chúng ta hãy làm sáng tỏ Sự Thật về điểm này. Một số Tác Giả đã gọi các Giáo Điều của bạn là “Vô Luân và Nguy Hại;” những kẻ khác, dựa vào sự kiện mệnh danh là “Uy Quyền;” còn các Nhà Đông Phương Học chỉ tìm thấy trong các Tôn Giáo của Ấn Độ, sự Tôn Thờ Phái Tính dưới nhiều hình thức phức tạp; họ tố cáo bạn rằng: Chỉ giảng dạy sự Thờ Phụng Dương Vật. Và cho rằng: Thông Thiên Học hiện đại liên lạc chặt chẽ với Đông Phương, đặc biệt nhất là với Ấn Độ; họ cũng đi đến chỗ tố cáo các Nhà Thông Thiên Học Âu Châu làm phục sinh lại việc Thờ Phụng này. Hội Thông Thiên Học khó mà tránh khỏi tai tiếng xấu xa. Chúng ta phải nghĩ như thế nào về lời đồn đãi này?

          ĐÁP: Tôi đã có đọc và nghe nói đến điều ấy; tôi xin trả lời là: Không có sự vu khống nào hèn hạ và dối trá hơn. Một câu Tục Ngữ Nga có nói: “Chỉ có những kẻ khờ khạo mới tạo ra giấc mơ rồ dại.” Điều đó làm bạn nổi giận khi nghe thấy những lời tố cáo hèn hạ như thế mà không có một chứng cớ tối thiểu nào . . .

          Bạn hãy hỏi hàng trăm người Anh đáng kính, họ vốn là Hội Viên Thông Thiên Học từ nhiều năm nay; xem coi người ta đã có giảng giải cho họ những Giáo Điều Vô Luân hay những Triết Lý Tai Hại hay không? Bạn hãy mở quyển “Giáo Lý Bí Nhiệm” (Secret Doctrine), bạn sẽ thấy chúng tôi đã cực lực công khai tố giác mạnh mẽ, bạn sẽ thấy rằng ở mỗi trang, người Do Thái và các Quốc Gia khác đã đưa ra một cách rõ ràng lý do sự Thờ Phụng Dương Vật này do bởi sự diễn dịch theo nghĩa đen một cách nông cạn về biểu tượng Thiên Nhiên và những quan niệm thuần Duy Vật về Thuyết Nhị Nguyên trong tất cả các Tín Điều Công Truyền. Những sự trình bày có tính cách xuyên tạc liên tục và xấu xa này của các Giáo Điều và các Tín Ngưỡng của chúng tôi thật là một điều đáng xấu hổ.

          HỎI: Nhưng bạn không thể chối cãi rằng: Yếu Tố Sinh Thực Khí quả nhiên có trong các Tôn Giáo của Đông Phương phải không?

          ĐÁP: Tôi không chối cãi điều đó. Nhưng tôi cho là việc ấy không quan trọng hơn là sự hiện diện của cùng một Yếu Tố trong Cơ Đốc Giáo; Tôn Giáo của Phương Tây này. Nếu bạn muốn biết về điều đó nhiều hơn, tôi khuyên bạn nên đọc quyển “Rosicrucians” của Hargrave Jenning. Ở Đông Phương, Biểu Tượng của Sinh Thực Khí có lẽ còn sống sượng và hiện thật hơn nữa, vì càng phù hợp với Thiên Nhiên; hay nói đúng hơn là càng ngây thơ và thật thà hơn là ở Tây Phương. Nhưng nó không suồng sã và không gợi một ý tưởng thô tục nào theo Tinh Thần Đông Phương; tuy nhiên, ngoại trừ một vài Môn Phái được biết tên là Maharajah hay là Vallabhachârya.

          HỎI: Một Cộng Tác Viên của Nhật Báo Agnostic, một trong các kẻ tố cáo bạn, vừa ám chỉ rằng các Môn Đồ của Môn Phái đáng xấu hổ này là các Nhà Thông Thiên Học; và được hiểu như là Nhà Thông Thiên Học chân chính.

          ĐÁP: Người viết bài này là một kẻ nói dối, tất cả chỉ có thế. Đã không bao giờ và không hề có dù chỉ là một Vallabhachârya trong Hội chúng tôi. Về việc xác nhận rằng họ đã có một Sự Hiểu Biết sâu xa về Thông Thiên Học, đó là một sự dối trá khác. Nó bắt nguồn từ Sự Dốt Nát hoàn toàn về các Môn Phái Ấn Độ.

          Điều mà Maharajah của họ đòi hỏi là tiền bạc, phụ nữ và con gái của những kẻ khờ khạo, những kẻ mê tín không hơn không kém. Đó là một Môn Phái đáng khinh bỉ trong tất cả các Môn Phái Ấn Độ khác.

          Nhưng nếu bạn muốn biết đầy đủ chi tiết, xin bạn hãy xem “Giáo Lý Bí Nhiệm” thì bạn sẽ rõ.

          Để kết thúc, tôi xin nói rằng: Tinh Thần của Thông Thiên Học thì trái ngược với Sự Thờ Phụng Sinh Thực Khí, và sự đối kháng này được tuyên dạy trong các Nhóm Nội Môn hơn là trong Giáo Huấn Công Truyền. Không bao giờ có sự tố cáo nào dối trá hơn là sự tố cáo kể trên.

          Bây giờ xin bạn hãy đặt các câu hỏi khác.

 

 

PHẢI  CHĂNG  HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC  LÀ MỘT  TỔ  CHỨC    MỤC  ĐÍCH  TÀI  CHÍNH ?

 

 

 

          HỎI: Đồng ý. Như một vài Tờ Báo có đề cập tới rằng những Nhà Sáng Lập Hội, Đại Tá Olcott hay Bà Blavatsky; đã nhận tiền bạc hay đã rút ra được một số lợi lộc nào từ Hội Thông Thiên Học, điều đó đúng hay chăng?

          ĐÁP: Không có một xu nào cả. Các báo cáo đó đều là láo khoét. Trái lại, cả hai Nhà Sáng Lập đã cho tất cả những gì mà họ có, và họ lại nghèo xơ xác. Về phần các “lợi lộc thế tục,” bạn hãy nghĩ đến các lời vu khống, những sự nguyền rủa mà các Nhà Sáng Lập lại là mục tiêu!

          HỎI: Tuy nhiên, tôi đã đọc thấy trong một số lớn Cơ Quan Truyền Giáo rằng: Tiền ghi danh và tiền thu nhập vượt xa những sự chi tiêu; và rằng những Người Sáng Lập đã lãnh mỗi năm hai chục ngàn Đồng Bảng Anh (Pounds)!

          ĐÁP: Đó là một điều dối trá trong số biết bao điều dối trá khác. Trong các Bản Báo Cáo xuất bản vào tháng giêng năm 1889, bạn sẽ thấy con số chính xác về tiền bạc nhận được từ bất cứ nơi nào từ năm 1879. Tổng số thu nhập (do sự ghi danh, tặng biếu) trong khoảng 10 năm nay là dưới 6 ngàn Đồng Bảng Anh; mà một phần lớn được cung cấp bởi chính những Người Sáng Lập từ các tài nguyên cá nhân của họ, hay là đến từ các Tác Phẩm Văn Chương của họ. Đó là một sự kiện đã được chính thức thừa nhận, cho dù là kẻ thù của chúng tôi là Hội Khảo Cứu Tâm Linh cũng phải nhìn nhận. Hiện giờ, hai Nhà Sáng Lập đều Nghèo cả: Một người thì quá già và đau yếu, Bà không thể làm việc như thuở trước; không có thì giờ để viết văn hầu giúp đỡ cho Hội bằng tiền bạc của chính mình, và Bà chỉ viết vì quyền lợi của Hội; người kia vẫn còn làm việc cho Hội như thuở trước, mặc dầu Ông chỉ nhận được chút ít lợi nhuận.

          HỎI: Nhưng họ cần tiền bạc để sống chớ?

          ĐÁP: Không có gì hết. Lúc nào họ cần có thức ăn, nơi ở, dù cho  nhờ sự tận tâm giúp đỡ của một số bạn bè, họ cũng nhận được rất ít.

          HỎI: Nhưng riêng Bà Blavatsky có thể tự sinh sống bằng nghề viết văn hay không?

          ĐÁP: Khi Bà còn ở Ấn Độ, trung bình Bà nhận được vài ngàn Rupees mỗi năm do việc cộng tác với các Nhật Báo Nga và các Báo khác, nhưng Bà đã tặng tất cả cho Hội.

          HỎI: Có phải đây là những bài Báo về Chính Trị không?

          ĐÁP: Không bao giờ. Tất cả những gì mà Bà đã viết trong bảy năm lưu ngụ ở Ấn Độ bây giờ đã được ấn hành. Đó là những bài Báo liên quan đến Tôn Giáo, Nhân Chủng Học và Phong Tục ở Ấn Độ cùng với Thông Thiên Học. Bà không biết gì về Chính Trị và cũng không chú ý đến nó. Vả lại, trong hai năm qua rồi, Bà đã từ chối nhiều Hợp Đồng với số tiền lên tới 1.200 đồng vàng một tháng; bởi vì, nếu nhận những Hợp Đồng đó, Bà sẽ không còn thì giờ và sức lực để lo công việc cho Hội. Bà có các Tài Liệu chính xác để chứng minh các sự việc đó.

          HỎI: Nhưng tại sao chính Bà và Đại Tá Olcott không thể làm như bao nhiêu người khác, là theo đuổi nghề nghiệp riêng của mình, rồi dùng thì giờ dư mà lo công việc cho Hội?

          ĐÁP: Bởi vì, trong khi phụng sự Hai Người Chủ, tức là công việc Sinh Sống và công việc Bác Ái, người ta phải chịu nhiều đau khổ. Bất cứ Nhà Thông Thiên Học chân chính nào cũng đều có sự ràng buộc về phương diện Thiêng Liêng với Sự Hy Sinh cá nhân cho sự Vô Ngã (the Impersonal). Y hy sinh hạnh phúc hiện tại của mình cho sự lợi ích tương lai của kẻ khác. Nếu những Nhà Sáng Lập không nêu gương thì ai sẽ nêu gương này?

          HỎI: Có nhiều Nhà Thông Thiên Học noi theo gương đó hay không?

          ĐÁP: Tôi phải thành thật trả lời cho bạn. Ở Âu Châu có độ chừng nửa tá cả thảy, con số Chi Bộ vượt quá con số này.

          HỎI: Như vậy không đúng sự thật là Hội Thông Thiên Học có một số vốn lớn hay nhiều tài sản riêng chăng?

          ĐÁP: Điều đó sai rồi. Hội không có gì cả. Hiện giờ Lệ Phí gia nhập Hội là một đồng Liu, và phần Lệ Phí nhỏ nhoi hàng năm đã bị bãi bỏ; người ta tự hỏi: Không biết bao lâu nữa Ban Cố Vấn Tổng Hội ở Adyar sẽ bị chết đói.

          HỎI: Bấy giờ, tại sao bạn không mở những Cuộc Lạc Quyên?

          ĐÁP: Chúng tôi không phải là Cứu Thế Quân (Salvation Army), chúng tôi không thể và không bao giờ đi xin xỏ. Chúng tôi cũng không theo gương những Giáo Hội hay các Môn Phái và “chấp nhận những Cuộc Lạc Quyên.” Tiền bạc đôi khi đã được gởi đến để giúp Hội; những số tiền nhỏ do một vài Hội Viên tận tụy đóng góp, luôn luôn là những quà tặng tự ý.

          HỎI: Nhưng tôi có nghe nói về những số tiền lớn tặng cho Bà Blavatsky. Người ta nói rằng: Trong bốn năm nay Bà đã nhận 5.000 Đồng Liu của một Hội Viên trẻ tuổi giàu có đã gia nhập Hội ở Ấn Độ; và 10.000 Đồng Liu của một người Mỹ khác giàu có và nổi tiếng là một trong các Hội Viên đã chết ở Âu Châu từ bốn năm trước.

          ĐÁP: Bạn hãy nói với những người đã kể lại với bạn những điều đó rằng: Họ đã tự miệng thốt ra hay lặp lại một sự dối trá kinh khủng. Bà Blavatsky đã không đòi hỏi, cũng không hề nhận một xu nào của các người đã nói ở trên kể từ khi Hội Thông Thiên Học được thành lập. Tôi thách đố người nào đưa ra được những bằng cớ cụ thể về những điều vu khống đã nói ở trên….

          HỎI: Tôi đã nghe nhiều Nhà Thông Thiên Học nói về “một Quyền Lực đàng sau Hội”  và về một số các Vị “Thánh” (Mahatmas) được nhắc đến trong các Tác Phẩm của Ông Sinnett; các Vị này đã góp phần trong việc Sáng Lập, Trông Coi và Bảo Vệ cho Hội, có phải thế chăng?

          ĐÁP: Bạn có thể cười về việc đó, nhưng Sự Thật là như thế ấy.

 

 

HỘI  VIÊN  TÍCH  CỰC  PHỤNG  SỰ  CHO  HỘI   THÔNG  THIÊN  HỌC

 

 

          HỎI: Tôi đã nghe nói rằng: Các Vị này là các Đại Thánh Nhân (Great Adepts), những Nhà Luyện Đan. Vậy thì, nếu các Vị này có thể biến chì ra vàng và tiền bạc tùy ý, ngoài tất cả các điều Huyền Diệu mà  Ông Sinnett đã kể lại trong Tác Phẩm “Cõi Giới Huyền Linh” (Occult World); tại sao các Vị ấy không cung cấp Tiền Bạc để giúp đỡ những Kẻ Sáng Lập và duy trì Hội?

          ĐÁP: Bởi vì, những Vị này không thiết lập một “Câu Lạc Bộ Huyền Diệu” (Miracle Club). Bởi vì Mục Đích của Hội là giúp cho con người Phát Triển những Quyền Năng ẩn tàng nơi họ bằng chính Các Cố Gắng và Công Lao riêng của họ. Bởi vì, mặc dù các Hiện Tượng mà các Vị ấy có thể tạo ra, các Vị ấy không phải là Những Kẻ Làm Bạc Giả; hơn nữa, các Ngài không muốn quăng một miếng mồi đầy cám dỗ trên Đường Đạo cho các Hội Viên và các Thí Sinh. Thông Thiên Học không phải là chuyện Mua Bán. Cho đến nay, sau 14 năm, không có một Hội Viên tích cực phụng sự nào nhận Bổng Lộc của Chơn Sư hoặc của Hội.

          HỎI: Không ai trong số những Người Phụng Sự được trả thù lao hay sao?

          ĐÁP: Cho đến bây giờ không có ai được cả. Nhưng vì lẽ mỗi người đều phải ăn, uống và mặc, tất cả những người không dư dả, đã dâng hiến hết Thì Giờ cho công việc của Hội; đều được sự trợ giúp của Tổng Hội ở Adyar, Madras, bên Ấn Độ,  mặc dù các “Nhu Cầu” này rất khiêm tốn trong thực tế ! (Xin xem các Qui Tắc ở cuối). Hiện giờ, công việc của Hội phát triển một cách đáng kể, và tiếp tục phát triển ở Âu Châu; chúng tôi cần có Một Số Đông Người Làm Việc Tận Tụy. Từ đây, chúng tôi Hy Vọng có được một số Hội Viên được trả thù lao; nếu từ “Có Thể” được dùng trong những trường hợp đang bàn đến. Vì mỗi  người trong số những kẻ phụng sự này đã sắp đặt để hiến dâng tất cả Thì Giờ cho Hội; họ từ bỏ những địa vị tốt lành trong tương lai, để làm việc với chúng tôi chỉ hưởng số lương ít hơn phân nửa số lương mà họ đã hưởng trước kia.

          HỎI: Và ai sẽ cung cấp Vốn?

          ĐÁP: Một số người trong số Hội Viên của chúng tôi có phần khá giả hơn những kẻ khác. Những kẻ đầu cơ hay dựa vào Hội để làm giàu sẽ không xứng đáng ở trong hàng ngũ của chúng tôi.

          HỎI: Nhưng chắc chắn bạn có nhận được tiền bạc với các sách vở, tạp chí, và các ấn phẩm khác phải không?

          ĐÁP: Chỉ có Tạp Chí “Theosophist” ở Madras là tạo ra lợi nhuận hằng năm đều đặn cho Hội . . .

          Ở Pháp, tờ Lotus được tung ra nhờ Một nguồn tài chánh đặc biệt và rất hạn chế của một Nhà Thông Thiên Học đã hiến dâng tất cả thì giờ và công lao khổ nhọc của mình; nhưng than ôi, tờ Lotus này cũng ngừng hoạt động vì cùng một nguyên nhân!

          Tạp Chí Thánh Đạo (The Path) ở New York không bù đắp được các phí tổn; còn Tạp Chí Revue Théosophique ở Paris mới vừa xuất hiện, nhờ sự bảo trợ của một Nữ Hội Viên. Hơn nữa, nếu đó là một Tác Phẩm do Công Ty Xuất Bản Thông Thiên Học ở Luân Đôn xuất bản, đem lại lợi nhuận; các lợi nhuận này được dành cho công việc của Hội.

          HỎI: Và bây giờ, tôi xin bạn hãy nói cho tôi biết những gì mà bạn có thể nói được về các Vị Thánh. Người ta đã nói nhiều điều vô lý và trái ngược về các Vị Thánh ấy; người ta Do Dự tin theo, và họ bàn quanh những chuyện kỳ dị xảy ra nơi các Vị Thánh ấy.

          ĐÁP: Bạn có thể gọi đó là những chuyện “Lố Bịch”!

 


 

C H Ư Ơ N G     14

 

 

“CÁC  VỊ  THÁNH  SƯ”  CỦA 
THÔNG  THIÊN  HỌC

 

 

CÁC  NGÀI    “TINH  QUÂN  ÁNH  SÁNG” 
HAY    “YÊU  TINH  BỊ  NGUYỀN  RỦA” ?

 

 

          HỎI: Ai là những Vị mà bạn gọi là “Chơn Sư” (Masters)? Một số người nói rằng: Đó là các “Hồn Linh” (Spirits), hay ít nhất là một loại Thực Thể Siêu Nhiên; trong khi những người khác gọi các Vị ấy là “Nhân Vật Thần Thoại” (Myths).

          ĐÁP: Không phải là “Hồn Linh”  cũng không phải là “Nhân Vật Thần Thoại.” Tôi đã nghe một người quả quyết với một người khác rằng: Đó là các “Nam Nhân Ngư” (Male Mermaids) . . .

          Nếu bạn chỉ nghe những gì người ta nói về các Vị ấy, bạn sẽ không bao giờ có một nhận định đúng về các Ngài cả. Trước hết, đó là Những Người Sống (Living Men), được sinh ra như chúng ta, và phải chết như là tất cả chúng sinh khác.

          HỎI: Nhưng có lời đồn đãi rằng: Trong số ấy có Người sống đến một ngàn năm. Điều đó có đúng không?

          ĐÁP: Điều đó gần giống như chuyện Mái Tóc Huyền Diệu mọc trên đầu của Shagpat xứ Meredith. Chúng tôi càng phủ nhận những chuyện đó và chúng tôi càng cố gắng chứng minh rõ ràng đó là người như các chúng sinh khác; thì các câu chuyện càng trở nên vô lý hơn. Tôi đã nghe nói rằng: Methuselah đã sống đến 969 tuổi; nhưng tôi đã không tin điều đó, và tôi đã bật cười. Từ đó về sau nhiều người đã nói rằng: Tôi là người Ngoại Đạo đã phạm tội báng bổ.

          HỎI: Nói một cách trang nghiêm hơn, các Chơn Sư có sống lâu hơn số tuổi thông thường của người đời hay không?

          ĐÁP: Bạn gọi tuổi thông thường là gì? Tôi nhớ đã đọc thấy trong Tạp Chí Lancet rằng một người Mễ Tây Cơ đã sống gần 190 tuổi; nhưng tôi không bao giờ nghe nói đến một người thế tục, hay Một Cao Đồ (Adept) sống chỉ bằng phân nửa số tuổi Methuselah. Có nhiều Vị Chơn Sư vượt xa cái mà bạn gọi là tuổi thông thường; nhưng không có gì Huyền Diệu ở chỗ đó cả, và rất ít người trong các Vị ấy quan tâm tới việc sống lâu.

          HỎI: Ý nghĩa thật sự của Danh Xưng “Mahatma” là gì?

          ĐÁP: Danh Xưng ấy chỉ có nghĩa là “Linh Hồn Vĩ Đại” (Great Soul), Vĩ Đại vừa về Đạo Đức, vừa về Sự Phát Triển Tâm Linh. Nếu người ta gán Danh Hiệu Vĩ Đại cho một chiến sĩ đắm mê rượu chè như Hoàng Đế Alexander; tại sao người ta không gọi là “Vĩ Đại” những Người đã chinh phục được các Bí Mật của Thiên Nhiên; chinh phục được nhiều điều đáng kể hơn là những điều mà Alexander Đại Đế đã làm được ở chiến trường? Vả lại, đây là một Danh Xưng rất cũ ở Ấn Độ.

          HỎI: Nhưng tại sao Bạn gọi các Vị ấy là “Chơn Sư ”?

          ĐÁP: Chúng tôi gọi các Ngài là “Chơn Sư” vì các Ngài dạy dỗ chúng tôi, và vì tất cả những Chân Lý Thông Thiên Học đến được với chúng tôi là nhờ các Ngài. Mặc dù các Chân Lý này được diễn dịch sai lầm bởi một số người trong chúng tôi và bị những kẻ khác hiểu lầm. Những Vị mà chúng tôi Kính Cẩn gọi là Bậc Được Điểm Đạo là những người có Sự Hiểu Biết Bao La và có Đời Sống Trong Sạch và Thánh Thiện. Và mặc dù các Ngài sống cách biệt với Sự Rối Loạn, Sự Quay Cuồng và Sự Tranh Đấu Của Thế Giới Tây Phương; nhưng không phải là Những Người Tu Khổ Hạnh theo Ý Nghĩa Thông Thường của Từ Ngữ này.

          HỎI: Nhưng về phần các Ngài, có phải chăng sống biệt lập như thế là ích kỷ?

          ĐÁP: Bạn cho thế nào là ích kỷ? Sự ra đời của chính Hội Thông Thiên Học không đủ để chứng minh rằng: Người Đời không sẵn sàng để nhận biết các Ngài; cũng như họ không hưởng dụng được các điều giảng dạy của các Ngài hay sao? Điều lợi ích nào mà Giáo Sư Clerk Maxwell có thể làm nếu Ông ấy dùng Thì Giờ của Ông để Dạy Bảng Cửu Chương cho Trẻ Con? Vả lại, các Ngài chỉ biệt cư đối với Người Phương Tây. Trong xứ các Ngài, người ta thấy các Ngài xuất hiện ở giữa công chúng như bao nhiêu người khác.

          HỎI: Bạn không gán cho các Ngài những Quyền Năng Siêu Nhiên hay sao?

          ĐÁP: Như tôi đã nói với bạn ở trên, chúng tôi không tin vào Siêu Nhiên. Nếu Edison sống cách đây 200 năm và nếu bấy giờ, Ông ấy Phát Minh Ra Máy Hát; có lẽ người ta sẽ thiêu sống Ông ấy, còn phát minh của Ông sẽ bị gán cho là Ma Quái. Quyền Năng mà các Thánh Sư có được chỉ đơn giản là sự phát triển những năng lực tiềm tàng trong mỗi người Nam cũng như Nữ; và chính Khoa Học mới bắt đầu nhận thấy.

          HỎI: Có phải chăng những Vị này đã gợi cảm hứng cho một vài Văn Gia và rằng có nhiều, nếu không muốn nói là Tất Cả, các Tác Phẩm Thông Thiên Học của bạn đều được viết ra do các Vị ấy đọc phải không?

          ĐÁP: Đúng vậy. Trong một vài trường hợp có xảy ra những việc như thế. Có những Đoạn Văn do các Ngài hoàn toàn đọc ra đúng nguyên văn, nhưng nói chung, các Ngài tự giới hạn ở việc Gợi Ý Tưởng và để Người Viết săn sóc Hình thức Văn Chương.

          HỎI: Nhưng chính điều đó là điều Huyền Diệu. Đó là một Phép Lạ. Làm thế nào các Vị ấy có thể làm được như thế ?

          ĐÁP: Ông Bạn thân mến ơi, Bạn lầm lẫn một cách nặng nề rồi; trong một tương lai gần đây, chính Khoa Học sẽ từ chối các luận cứ của bạn. Tại sao bạn cho điều đó là “Huyền Diệu”? Thông thường người ta hiểu một cái gì Siêu Nhiên là Huyền Diệu, vả lại không có gì vượt lên trên Thiên Nhiên và các Định Luật của Thiên Nhiên cả. Trong số nhiều loại “Huyền Diệu” mà Khoa Học hiện đại chấp nhận người ta nhận thấy có Thuật Thôi Miên, và một giai kỳ của Thuật Thôi Miên là “Sự Ám Thị” (Suggestion), một hình thức Truyền Đạt Tư Tưởng; vốn đã được dùng một cách thành công để chống lại một số Bệnh Tật về Thể Xác. Không còn bao lâu nữa sẽ tới ngày mà Thế Giới Khoa Học sẽ phải bắt buộc nhìn nhận rằng: Có nhiều tác động hỗ tương giữa Thể Trí này với một Thể Trí khác bất luận khoảng cách là bao xa, khi giữa Thể này và Thể kia có sự giao tiếp chặt chẽ.

          Khi hai Thể Trí được liên kết một cách có Thiện Cảm với nhau, và khi các công cụ, nhờ đó mà vận hành được, đều phù hợp và đáp ứng về Từ Lực và Điện Lực giữa chúng với nhau thì không gì có thể ngăn trở việc Truyền Tư Tưởng từ người này sang người khác. Bởi vì Thể Trí (Mind) không phải là một chất liệu có thể sờ mó được, như khoảng cách có thể phân ly giữa Chủ Thể và Đối Tượng Suy Tưởng; bởi đó, Sự Khác Nhau Duy Nhất có thể có được giữa hai Thể Trí là sự Khác Nhau về Trạng Thái. Như vậy, nếu người ta vượt qua được trở ngại này, thì Sự Truyền Đạt Tư Tưởng có thể diễn ra ở bất cứ khoảng cách nào. Như vậy “Sự Huyền Diệu” ở đâu?

          HỎI: Nhưng bạn nhìn nhận rằng Thuật Thôi Miên không tạo ra được điều gì Huyền Diệu phải không?

          ĐÁP: Trái lại. Đó chính là Một Sự Kiện Rõ Rệt chứng tỏ rằng Nhà Thôi Miên có thể Tác Động lên Bộ Óc của người Bị Thôi Miên để tạo ra Ấn Tượng cho những Tư Tưởng, ngay cả Lời Nói của Người Thôi Miên, ngang qua Cơ Thể Của Kẻ Bị Thôi Miên. Và mặc dù, Hiện Tượng Truyền Đạt Tư Tưởng hiện nay Theo Phương Pháp này chưa có nhiều, có ai dám quả quyết rằng Hành Động của họ sẽ kéo dài đến đâu trong Tương Lai khi những Định Luật Tác Động trên đó được Thiết Lập một cách Khoa Học hơn? Và nếu người ta có thể Đạt Được những Kết Quả như thế bằng những Hiểu Biết sơ đẳng của Thuật Thôi Miên, thì làm sao một Vị Thánh Sư có đầy đủ những Quyền Năng Tâm Linh và Tinh Thần, lại không Tạo Ra Được các Kết Quả; mà, với Sự Hiểu Biết Có Giới Hạn của bạn Hiện Tại về các Định Luật này, làm cho bạn xem điều đó như là “Sự Huyền Diệu”?

          HỎI: Tại Sao, lúc bấy giờ các Nhà Y Học của chúng ta Đã Không Thử  Nghiệm như thế và Tại Sao Họ Đã Không Cố Gắng Tạo Ra Các Sự Việc Đó?

          ĐÁP: Trước hết, bởi vì họ không phải là các Thánh Sư và họ không có được Sự Hiểu Biết Sâu Xa về các Bí Ẩn của những Định Luật Cai Quản Địa Hạt Tâm Linh và Tinh Thần. Họ là những Nhà Duy Vật. Họ lo sợ thoát khỏi cái vòng chật hẹp của Vật Chất; ngoài ra, bởi vì Họ phải thất bại trong hiện tại, cho đến khi Họ thật sự Tin vào Sự Khả Hữu có được những Quyền Năng mà bạn nói đến.

          HỎI: Nhưng người ta không thể dạy Họ điều gì hay sao?

          ĐÁP: Trước hết, Họ phải tự mình chuẩn bị lấy, nghĩa là lớp bùn Vật Chất mà Họ chất chứa trong đầu phải được Lau Sạch Hết!

          HỎI: Đó là điều rất lý thú. Nhưng bạn hãy cho tôi biết có phải bằng cách này mà các Thánh Sư đã tạo ra Cảm Hứng và Hướng Dẫn nhiều người trong số các Nhà Thông Thiên Học của bạn chăng?

          ĐÁP: Trái lại, rất ít khi. Bởi vì những hành động như thế đòi hỏi Những Điều Kiện Đặc Biệt. Một Môn Đệ của Hắc Phái (chúng tôi gọi họ là Bàng Môn) có ác tâm nhưng khéo léo sẽ gặp rất ít khó khăn để làm điều đó. Bởi vì một kẻ Bàng Môn[45] không hiểu biết được những Định Luật Tâm Linh, những Định Luật làm cản trở các Hành Động của y; nên y không ngần ngại Xâm Chiếm lấy một Thể Trí nào đó mà y muốn đặt dưới Quyền Năng bất chính của y. Còn các Thánh Sư của chúng tôi Không Bao Giờ Hành Động như thế. Vốn không ở trong Tả Phái, Các Ngài không có quyền đưa Chơn Ngã Bất Tử của bất cứ ai vào vòng nô lệ. Do đó, Các Ngài chỉ có thể Tác Động trên Bản Chất Vật Chất và Tâm Linh của Chủ Thể bằng cách để cho người này có Đầy Đủ Tự Do Ý Chí.

          Vậy thì, trừ phi kẻ nào có Liên Lạc Tâm Linh với Các Thánh Sư và được Tham Dự vào do Hiệu Năng của Đức Tin Tràn Đầy của y và Lòng Sùng Kính đối với Các Vị Sư Phụ y. Mỗi khi mà Các Thánh Sư muốn Truyền Đạt Tư Tưởng Các Ngài cho một kẻ nào không ở trong các Điều Kiện như thế, Các Ngài cảm thấy rất nhiều Khó Khăn Để Xâm Nhập Vào Khối Cầu Đầy Sương Mù Hỗn Độn của người này. Nhưng đây không phải là Đề Tài mà chúng ta bàn đến. Chúng ta cần nói thêm rằng: Nếu Quyền Năng Này có được, lúc bấy giờ các Đấng Thông Tuệ (ở trong Xác Thân hay Thoát Xác) Hướng Dẫn Quyền Năng Này và các Công Cụ Hữu Thức Linh Hoạt Để Nhận Được Sự Truyền Đạt. Điều Duy Nhất là chúng ta nên coi chừng “Hắc Đạo” (Black Magic)!

          HỎI: Bạn cho thế nào là “Hắc Đạo”?

          ĐÁP: Chỉ đơn giản là Sự Lạm Dụng các Quyền Năng Tâm Linh hay những Bí Ẩn của Thiên Nhiên, đúng ra là dùng các Mãnh Lực Huyền Linh vào các Mục Đích Ích Kỷ và Tội Lỗi. Bất cứ Nhà Thôi Miên nào lạm dụng khả năng Ám Thị để ép buộc kẻ khác trộm cắp hay sát nhân, chúng tôi gọi họ là Kẻ Hắc Đạo. Phương Pháp Hồi Xuân nổi tiếng của Bác Sĩ Brown-Sequard ở Paris (nhờ vào một việc ghê tởm là chích Máu Thú vào Máu Người; hiện giờ đang gây ra nhiều tranh luận trong tất cả các Tạp Chí Y Học ở Âu Châu) chính là một Tà Thuật Vô Ý Thức (Unconscious Black Magic).

          HỎI: Nhưng đây là Sự Tin Tưởng của Thời Trung Cổ vào Ma Thuật và Bàng Môn (Witchcraft and Sorcery)! Chính Pháp Luật cũng đã ngưng Tin Tưởng vào những việc như thế.

          ĐÁP: Thảm hại cho Luật Pháp, sự phán quyết của Toà Án bởi việc Thiếu Phân Biện này đã gây thêm một Lầm Lẫn và thêm một Trọng Tội. Phải chăng Thuật Ngữ mà tôi đang dùng đến làm cho bạn sợ hãi, vì bạn Tưởng rằng đã Phân Biệt ở đó cũng là một Hình Thức Mê Tín? Chắc chắn rằng Luật Pháp sẽ Trừng Phạt Sự Lạm Dụng Sức Mạnh Thôi Miên của những kẻ mà tôi vừa nói đến. Những việc Tương Tự đã bị lên án ở Pháp và ở Đức. Tuy nhiên, người ta phẫn nộ từ khước việc có thể trừng phạt một Trọng Tội rõ ràng là thuộc về Tà Đạo. Người ta không thể tin vào Hiệu Quả và vào Thực Tế của Sức Mạnh Ám Thị mà các Y Sĩ và các Nhà Thôi Miên đã dùng; rồi sau đó lại Từ Khước việc Tin vào cũng các Mãnh Lực Này khi người ta dùng chúng để làm những việc độc ác. Vả lại, nếu bạn Tin vào điều đó, thì bạn Phải Nhìn Nhận có Bàng Môn Tả Đạo!

          Người ta không thể Tin vào Điều Thiện và Từ Chối việc Tin vào Điều Ác, Chấp Nhận Có Đồng Tiền Thật, và Không Chấp Nhận Có Đồng Tiền Giả. Không có sự việc gì mà Không Có Mặt Trái của nó. Người ta Không Thể Nhận Biết được Ngày nếu Không Có Đêm; Biết được Ánh Sáng nếu Không Có Bóng Tối; Biết được Điều Lành, nếu Không có Điều Ác để Tạo ra Sự Tương Phản nổi bật.

          HỎI: Tuy nhiên, tôi biết có nhiều người Tin Tưởng chắc chắn vào điều mà bạn gọi là Đại Quyền Năng Tâm Linh hay là các Mãnh Lực Huyền Diệu; nhưng mà họ lại cười chê khi người ta đề cập đến Thuật Pháp Phù Thủy hay là Bàng Môn Tả Đạo.

          ĐÁP: Điều đó Không Chứng Minh gì hết. Họ chỉ là những kẻ Thiếu Lý Luận. Tôi lặp lại, mặc kệ họ. Còn chúng tôi, những kẻ Nhận Biết có Sự Hiện Tồn của Các Thánh Sư Từ Bi và Thánh Thiện; đồng thời chúng tôi cũng Tin Chắc rằng có Sự Hiện Tồn của các Đạo Sư Độc Ác, Nguy Hiểm, tức là các Dugpas.

          HỎI: Bây giờ, nếu Các Thánh Sư Có Thật, Tại Sao Các Ngài không Lộ Diện trên Thế Gian để Bác Bỏ, chỉ Một Lần thôi; các Lời Tố Giác đè nặng trên vai Bà Blavatsky và trên Hội Thông Thiên Học?

          ĐÁP: Các Lời Tố Cáo nào?

          HỎI: Các Tố Giác rằng: Các Thánh Sư Không Có Thật, rằng chính Bà Blavatsky là Kẻ “Đã Phát Minh Ra” Các Thánh Sư; rằng Các Thánh Sư chỉ là những người bằng rơm . . . một sự Tố Giác như thế có Làm Hại cho Thanh Danh của Bà hay không?

          ĐÁP: Làm thế nào một sự Tố Giác như thế có thể làm tổn hại được? Bà Blavatsky có bao giờ dùng Danh Nghĩa về Sự Hiện Hữu của Các Thánh Sư để tạo ra Của Cải, Tiền Bạc, Tiếng Tăm hay để có được Lợi Lộc nào đâu? Bà chỉ nhận được các Lời Nhục Mạ, Nguyền Rủa và Vu Khống; dường như làm cho Bà rất Đau Đớn, Khổ Nhọc, nếu từ lâu Bà Đã Không Học Chịu Đựng điều đó với một Sự Hoàn Toàn Dửng Dưng.

          Xét cho cùng, tất cả những kẻ dại dột Tố Giác Bà là vô tình Tạo cho Bà một Vinh Dự mà họ không ngờ đến; và kẻ nào có thể làm được như thế nếu không bị lôi cuốn bởi Sự Oán Thù Mơ Hồ. Cho rằng Bà Blavatsky “Đã Phát Minh Ra” Các Thánh Sư, điều đó có nghĩa rằng: Bà đã Phát Minh Ra tất cả các Triết Lý chứa đựng trong Văn Chương Thông Thiên Học; rằng Bà phải là Tác Giả của các Bức Thư đã được dùng làm Nền Tảng cho quyển “Phật Giáo Nội Môn;” rằng Bà đã đồng thời Phát Minh ra Mọi Điều Chứa Đựng trong bộ “Giáo Lý Bí Nhiệm.” Bộ “Giáo Lý Bí Nhiệm” là Tác Phẩm mà trong đó mọi người công bình sẽ thấy là có một số lớn Các Mắt Xích còn thiếu ở Khoa Học. Rồi đây người ta sẽ khám phá ra trong 100 năm nữa. Thật ra các Sự Tố Giác này làm cho Bà vượt lên trên hàng trăm kẻ khác (trong số đó có nhiều Nhà Bác Học và nhiều kẻ rất Thông Minh), Họ đang Tin vào những gì Bà nói ra; và như thế, Bà đã phải lừa gạt tất cả những kẻ này! Những chứng cớ về các Thánh Thư đều được viết bằng các Cú Pháp khác nhau; tuy nhiên, đó chính là những Bức Thư mà các kẻ tố giác nói rằng Bà đã viết ra.

          HỎI: Đúng thế. Nhưng phải chăng thật là điều khó chịu cho Bà Blavatsky khi bị người ta Tố Cáo là “kẻ bịp bợm khéo léo nhất của Thế Kỷ, mà tên tuổi xứng đáng truyền lại cho Hậu Thế;” như người ta đã ghi trong Bản Phúc Trình của Hội Khảo Cứu Tâm Linh chăng?[46]

          ĐÁP: Nếu điều đó là Sự Thật, hay nếu Sự Tố Giác là do những kẻ ít Thành Kiến và ít Duy Vật thì Bà có thể bị khó chịu. Riêng cá nhân Bà, Bà xem thường mọi việc, còn Các Thánh Sư chỉ mỉm cười. Thật ra, tôi lặp lại, đó là Lời Chúc Tụng To Tát Nhất mà người ta có thể Tạo ra cho Bà.

          HỎI: Nhưng các Kẻ Đối Nghịch với Bà đòi hỏi điều đó phải được Chứng Minh rõ ràng.

          ĐÁP: Đó là sự đòi hỏi dễ dàng khi đồng thời người ta đóng vai Thẩm Phán, vừa là Bồi Thẩm, vừa là Hội Đồng Truy Tố, như là những kẻ ấy đã làm. Nhưng Ngoại Trừ những Kẻ Theo Phe với họ và Đối Nghịch với chúng tôi, ai Tin được Lời họ?

          HỎI: Nhưng họ đã không có gởi một Đại Diện sang Ấn Độ để điều tra hay sao?

          ĐÁP: Có chứ. Và Kết Luận cuối cùng của họ hoàn toàn dựa trên các sự Quả Quyết vô căn cứ; và những Lời Tuyên Bố không được kiểm soát của người thanh niên này. Một vị Luật Sư đã đọc thấy Bản Tường Trình của y, Ông đã nói với một trong các bạn thân của tôi rằng: Ông chưa bao giờ đọc thấy một “Tài Liệu nào Lố Bịch hơn chứa đầy các sự Lên Án cá nhân như thế.” Người ta tìm thấy ở đó hàng tá Giả Thuyết vô căn cứ Đả Kích Kẻ Này, Kẻ Khác có rất nhiều sự mâu thuẫn và tự triệt tiêu. Đó có phải là một Tố Giác đúng đắn không?

          HỎI: Tuy nhiên, Bản Tường Trình này đã Tạo ra một Tổn Thương Lớn Lao cho Hội. Tại sao, lúc bấy giờ Bà Blavatsky đã không nhờ đến sự giúp đỡ của Tòa Án, ít nhất để khôi phục lại Thanh Danh của Bà?

          ĐÁP: Trước hết, Bà là Nhà Thông Thiên Học. Bổn Phận của Bà là không đếm xỉa gì đến các Lời Lăng Mạ cá nhân. Kế đó, vì Hội cũng như Bà Blavatsky đều không có đủ Tiền để Phung Phí trong một vụ Kiện Tụng như thế. Sau cùng, vì đó là một Sự Lố Bịch, vì Hội sẽ Phản Bội lại các Nguyên Tắc của Hội khi đáp ứng lại một Sự Tấn Công của một Bầy Trừu ngu ngốc xứ Anh do một con Trừu xứ Úc xúi giục.

          HỎI: Xin có Lời Ca Tụng. Nhưng bạn không nghĩ rằng: Quyền Lợi của Thông Thiên Học là đã rút ra từ đó một Lợi Ích Thiết Thực, nếu Thông Thiên Học có đầy đủ Quyền Hạn Đính Chính Sự Tố Giác chỉ một lần hay sao?

          ĐÁP: Có thể lắm. Nhưng bạn có Tin rằng: Một vị Quan Tòa hay một Bồi Thẩm Đoàn của Anh Quốc có bao giờ Thừa Nhận Thực Tế của các Hiện Tượng Tâm Linh chăng? Ngay cả khi không được Báo Trước để có Sự Phán Quyết Vô Tư? Và nếu bạn nhớ lại rằng: Họ đã sắp đặt để chống lại chúng tôi bởi vì các Tì Vết “Gián Điệp Nga.” Họ buộc tội là: Theo Thuyết Vô Thần và có hành động phản bội, cùng tất cả các Sự Vu Khống khác đang xảy ra. Chắc chắn bạn có thể Thấy Trước rằng: Một Sự Cố Gắng để có được Sự Công Bằng của Tòa Án như thế là Hoàn Toàn Vô Ích!

          Tất cả các Hội Viên của Hội Khảo Cứu Tâm Linh Đã Biết Hết Những Điều Đó. Họ đã Hèn Hạ Lợi Dụng Ưu Thế để đặt Họ lên trên chúng tôi và cứu vớt Tiếng Tăm của Họ, nhờ vào Sự Tổn Hại Tài Chính nặng nề của Hội.

          HỎI: Hội Khảo Cứu Tâm Linh Hiện Giờ Phủ Nhận tất cả Sự Hiện Hữu của Các Thánh Sư. Hội ấy nói rằng: Từ đầu đến cuối, Các Thánh Sư chỉ là câu chuyện Tưởng Tượng thoát ra từ Đầu Óc của Bà Blavatsky.

          ĐÁP: Thật ra, Bà có thể đưa ra nhiều Bằng Chứng Khác ít Thích Hợp hơn.  Mặc dù thế, chúng tôi không có gì để Bác Bỏ Thuyết này. Như Bà Thường Nói, Bà Thích Thấy Người Ta Đừng Tin Tưởng vào Các Chơn Sư. Bà Nói một Cách Công Khai rằng: Bà Thích Người Ta Tin Tưởng là “Quê Hương Của Các Chơn Sư” (Mahatma-Land) chỉ có trong Chất Xám của Bộ Óc của Bà. Và rằng Bà đã Tinh Lọc tất cả những gì liên quan đến chúng trong đáy sâu của Nội Ý Thức hơn là thấy Tôn Danh và Lý Tưởng Vĩ Đại của Các Ngài bị Báng Bổ như Hiện Nay. Trước kia, mỗi khi Bà nghe Người Ta Tỏ Ý Nghi Ngờ về Sự Hiện Hữu của Các Chơn Sư, Bà Phản Kháng dữ dội. Hiện nay, Bà không tìm cách Chứng Minh gì về điều này nữa. Bà để cho ai muốn Nghĩ sao thì Nghĩ.

          HỎI: Nhưng Các Thánh Sư có Thật không?

          ĐÁP: Chúng tôi Quả Quyết rằng Các Ngài có Thật. Nhưng đó không phải là điều quan trọng. Nhiều người, ngay cả trong số các Nhà Thông Thiên Học và Cựu Thông Thiên Học nói rằng: Họ không bao giờ có Bằng Chứng nào về Sự Hiện Diện của Các Ngài. Bấy giờ, Bà Blavatsky đã đưa ra cho Họ một Giải Pháp Hợp Lý: Nếu Bà đã “Phát Minh Ra” Các Chơn Sư, thì Bà cũng đã Phát Minh Ra Triết Lý của Các Ngài và những Hiểu Biết Thực Hành mà một số Môn Đệ đã đạt được kết quả. Và trong những trường hợp này, bất luận Các Ngài có Thật hay Không, Đó Không Phải Là Điều Quan Trọng. Nếu các Kiến Thức mà người ta nói là do Các Chơn Sư Truyền Đạt vốn là Thánh Thiện và Thiết Thực; và nhiều người có Khả Năng Thông Minh Trên Mức Trung Bình đã Xác Nhận điều đó; Tại Sao Lại Tạo Ra việc Tranh Chấp ồn ào chung quanh vấn đề này? Người ta không bao giờ chứng minh được rằng:  Bà Blavatsky là một Kẻ Bịp Bợm, và Thanh Danh của Bà vẫn luôn luôn được Minh Giải. Đó là một Sự Kiện Chắc Chắn và không thể Chối Cãi rằng Triết Lý mà Các Chơn Sư Thuyết Giảng - dù Tác Giả như thế nào đi nữa - Là Triết Lý Cao Siêu Nhất và Thánh Thiện Nhất khi mà người ta Thật Sự Hiểu Nó.

          Như vậy, những Kẻ Vu Khống - vốn bị thúc đẩy bởi những Tình Cảm thấp kém và hèn hạ nhất: Sự Ghen Ghét, Sự Tham Vọng, Hận Thù, Tinh Ranh, Kiêu Căng . . . - những Kẻ Vu Khống này dường như Không Nhận Ra rằng Họ đã đem lại Vinh Dự To Tát Nhất cho Sự Phát Triển Các Quyền Năng Tinh Thần của Bà Blavatskky . . .

          HỎI: Nhưng nếu Hội của bạn được Những Người Thánh Thiện Điều Khiển, Tại Sao, người ta lại Phạm biết bao nhiêu Lỗi Lầm?

          ĐÁP: Các Chơn Sư Không Điều Khiển Hội, cũng Không Điều Khiển Những Kẻ Sáng Lập Hội. Không ai nói rằng Các Ngài Làm như thế, các Ngài chỉ Trông Chừng và Bảo Vệ Hội. Chứng cớ rõ ràng về việc đó là không một Sai Lầm nào có thể Làm Tê Liệt Hoạt Động của Hội. Và không có một vụ tai tiếng nào bên trong Hội, không một sự công kích nào dù dữ dội đến đâu, đến từ bên ngoài có thể làm tổn hại Hội. Các Chơn Sư nhắm vào Tương Lai hơn là Hiện Tại. Chính vì vậy mà mỗi Sai Lầm là một yếu tố đưa đến Sự Khôn Ngoan sau này . . .

 

 

SỰ  LẠM  DỤNG  TÔN  DANH    THUẬT  NGỮ  THIÊNG  LIÊNG

 

 

          HỎI: Nhiều người, trong số các Tác Giả Thông Thiên Học, theo lời Họ kể lại, thì Họ được Các Chơn Sư gợi cho Cảm Hứng; hay đã Thấy và Nói Chuyện được với các Ngài, không rõ có đúng như vậy không?

          ĐÁP: Điều đó có thể Đúng mà cũng có thể Không. Làm Thế Nào tôi có thể nói được? Chính Họ Phải Chứng Minh điều đó. Một số ít người - Thật ra rất ít - hoặc Họ đã Nói Dối, hoặc là Họ Bị Ảo Giác khi khoe rằng có Sự Gợi Cảm Hứng như thế. Một Số Khác Thật Sự được Các Thánh Sư Cao Cả Gợi Cảm Hứng cho Họ. Người ta biết được Cây nhờ Quả của nó, cũng thế, Phải Phán Đoán các Nhà Thông Thiên Học theo Hành Vi Phụng Sự của Họ, chớ không do những gì Họ Viết hay Nói. Phải Chấp Nhận tất cả các Tác Phẩm Thông Thiên Học tùy theo Sự Xứng Đáng của chúng, chớ không phải do ở Uy Quyền mà Người Viết dựa vào.

          HỎI: Bà Blavatsky áp dụng cách thức này cho các Tác Phẩm riêng của Bà, thí dụ bộ “Giáo Lý Bí Nhiệm,” có phải thế không?

          ĐÁP: Chắc Chắn thế. Trong Lời Tựa của Tác Phẩm, Bà có nói rõ rằng các Triết Lý mà Bà trình bày ở đây là các Triết Lý mà Bà đã học ở các Chơn Sư. Nhưng Bà không Tự phô bày một Cảm Hứng nào liên quan đến những gì Bà đã viết ra. Cũng thế, nhiều Nhà Thông Thiên Học Ưu Tú của chúng tôi cũng rất thích rằng Tôn Danh của Các Thánh Sư đừng nên bao giờ Xuất Hiện trong một quyển sách nào cả. Ngoại trừ một số rất ít, đa số các sách Thông Thiên Học chẳng những Không Hoàn Hảo mà còn đầy Lỗi Lầm. Tôn Danh của Hai trong Các Chơn Sư đã Bị Báng Bổ bằng nhiều cách. Hầu như không có một người Đồng Bóng nào mà không nói rằng Họ đã Thấy Các Ngài. Tất cả các Hiệp Hội giả dối bịp đời, có Mục Đích Duy Nhất là Thương Mại, nói rằng Họ được Hướng Dẫn và Điều Khiển bởi “Các Chơn Sư” còn Cao Cả Hơn là Các Chơn Sư của chúng tôi nữa! Và nhiều Kẻ Tham Lam khác, do ham muốn các tài vật phi pháp, do sự khoe khoang, do sự khao khát lợi lộc, hay do sự thúc đẩy của Đồng Cốt, Họ đã đưa ra những Lời Quả Quyết tương tự . . . Nhiều người đã bị Lừa Gạt và mất mát tiền của bởi các Hội này. Các Hội ấy bày ra việc Trao Đổi các Bí Nhiệm của Quyền Năng Tâm Linh, của Kiến Thức và của Chân Lý Tâm Linh để lấy Loại Vàng Vô Giá Trị. Điều còn tệ hại hơn nữa là các Danh Từ Thánh Thiện của Huyền Linh Học đã bị lôi vào Bùn Lấm do các Động Cơ không Chánh Đáng, của những sự Thực Hành trái Đạo Đức. Và còn có Hàng Ngàn người đã bị Ngăn Trở trên đường Tìm Chân Lý và Ánh Sáng do sự ác tâm cố ý bịp bợm, các sự Báo Cáo gian dối và Tên Tuổi Xấu Xa đã dính liền với các Giáo Lý của chúng tôi, vì các Sự Gian Trá Bịp Bợm này. Tôi lặp lại rằng: Ngày nay, bất cứ Nhà Thông Thiên Học Chân Chính nào, trong Thâm Tâm cũng đều Hối Tiếc việc các Điều Thánh Thiện và Tôn Danh Các Thánh Sư đã được Quảng Bá khắp mọi nơi trên Thế Giới. Và chúng tôi muốn rằng: Người ta nên Giữ Kín các Điều này trong một số ít Bạn Hữu Trung Thành và Tận Tụy.

          HỎI: Quả vậy, ngày nay người ta thường nghe nhắc đến Tôn Danh Các Thánh Sư, Điều mà trước kia tôi chưa từng nghe nói đến.

          ĐÁP: Đúng thế. Nếu từ đầu, chúng tôi đã áp dụng câu ngạn ngữ “im lặng là khôn ngoan,” thay vì tiết lộ với công chúng những gì mà chúng tôi biết, thì sự Báng Bổ sẽ không xảy ra. Chắc Bạn còn nhớ rằng: Có khoảng 14 năm nay, trước khi mà Hội Thông Thiên Học được thành lập, người ta chỉ nói đến các “Hồn Linh” (Spirits). Chúng ở khắp nơi, trên môi mọi người, và đã không có ai nói đến các Cao Đồ (Adepts), Chơn Sư (Masters) hay những Vị Thánh Sống (Living Mahatmas) nào cả. Lúc gần đây, người ta còn chưa nghe nói đến tên Hoa Hồng Thập Tự (Rosicrucians); và rất ít người nghi ngờ về Sự Hiện Hữu của một Khoa Học như là Khoa Huyền Linh Học. Ngày nay, tất cả đều thay đổi. Vô phúc thay, chính các Nhà Thông Thiên Học chúng tôi là những Kẻ đầu tiên nói về các Sự Việc Này, để giới thiệu Sự Hiện Hữu ở Phương Đông của các Cao Đồ, các Chơn Sư, và kiến thức Huyền Linh Học, hiện giờ các Danh Từ Này đã trở nên Phổ Cập.

          Theo Luật Quả Báo, hiện giờ chúng tôi phải chịu đựng các Hậu Quả của Việc Xúc Phạm đến các Thánh Danh và các Điều Thánh Thiện .…  Các Kẻ Thù của chúng tôi ngày nay đã Lợi Dụng các Lỗi Lầm của chúng tôi. Quyển Sách gần đây nhất chống lại các Giáo Lý của chúng tôi đã tự hào là do một Cao Đồ 20 tuổi viết ra. Hiển nhiên đó là một điều dối trá. Chúng tôi biết được Kẻ Mô Phỏng, và những Kẻ Cổ Xúy Quyển Sách ấy, bởi vì chính Tác Giả hãy còn quá Vô Minh không thể Viết được điều gì như vậy. Những Kẻ Cổ Xúy này là những kẻ còn sống, với lòng đầy thù hằn và thiếu Sự Thận Trọng tương xứng với các Khả Năng Tinh Thần của Họ. Có rất nhiều Vị Cao Đồ giả mạo này. Các hạng “Chơn Sư,” mà người ta dùng với ý định đánh đổ Hội Thông Thiên Học, mới bắt đầu Phát Triển độ khoảng 12 năm nay; với “Louis”  điển hình trong Hắc Thuật và Đất Ma (Art Magic and Ghost-Land) của Bà Emma Hardinge Britten. Và ngày nay chấm dứt với “Chơn Sư”  và “Tác Giả” của quyển “Ánh Sáng của Ai Cập,” một Tác Phẩm do các Nhà Đồng Cốt chống lại với Thông Thiên Học và các Điều Giảng Dạy của Thông Thiên Học. Nhưng thật là Vô Ích mà Than Vãn về các Sự Việc Đã Qua. Chúng tôi chỉ Nhẫn Nại chịu Đau Khổ với Hy Vọng rằng Sự Bép Xép của chúng tôi ít nhất cũng làm cho con đường tiến đến các Chơn Sư của nhiều người được dễ dàng hơn . . .

          HỎI: Bạn Không Thừa Nhận “Louis” như là Chơn Sư phải không?

          ĐÁP: Chúng tôi Không Tố Giác ai cả, mà để việc Cao Quý Này cho Đối Thủ của chúng tôi. Tác Giả Của Các Sách Art Magic . . . là Đồng Tử, Có Thể hay Không Thể Giao Tiếp với một Chơn Sư như thế, đó là việc riêng của y . . .

          Chỉ Khi nào trong khung cảnh Trang Nghiêm của Nhãn Thông Huyền Bí, vị Cao Đồ Mạo Danh thấy được các “Hồn” có thể ở Greenwich, Anh Quốc, nhờ kính Viễn Vọng của Lord Rosse được Thiết Lập ở Parsonstown, Ái Nhĩ Lan . . . Tôi lấy làm ngạc nhiên trước Sự Vô Minh của “Vị Cao Đồ” này về vấn đề Khoa Học. Điều đó còn tệ hơn cả mọi Sự Ngộ Nhận và Sai Lầm mà Các Đệ Tử của các Chơn Sư chúng tôi đã phạm phải. Và chính vị “Chơn Sư”  này mà người ta dựa vào để Phá Hoại Giáo Lý của các Chơn Sư chúng tôi!

          HỎI: Tôi Hoàn Toàn Hiểu Hết tình huống của bạn, nhưng còn một đề tài mà tôi muốn đặt vài Câu Hỏi với bạn.

          ĐÁP: Tôi sẽ trả lời nếu có thể được. Vấn đề gì thế ?


 

K Ế T    L U Ậ N

 

 

TƯƠNG  LAI  CỦA  HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC

 

 

          HỎI: Xin bạn cho biết Tương Lai của Hội Thông Thiên Học như thế nào?

          ĐÁP: Nếu bạn nói đến Thông Thiên Học, tôi xin đáp rằng: Bởi vì Thông Thiên Học đã tồn tại qua nhiều chu kỳ vô tận trong Quá Khứ; cho nên Thông Thiên Học sẽ mãi mãi tồn tại suốt chu kỳ vô tận trong Tương Lai bởi Thông Thiên Học đồng nghĩa với Chân Lý Vĩnh Cửu (Everlasting Truth).

          HỎI: Xin bạn thứ lỗi, điều mà tôi muốn hỏi bạn có liên quan đến Triển Vọng Tương Lai của Hội Thông Thiên Học.

          ĐÁP: Triển Vọng Tương Lai của Hội Thông Thiên Học Sẽ Hoàn Toàn Tùy Thuộc vào Mức Độ Hy Sinh, Sự Thành Tâm, Sự Tận Tụy và nhất là vào Số Kiến Thức và Minh Triết mà các Hội Viên Thu Lượm được để Tiếp Tục Công Việc; và để Điều Khiển Hội Sau Khi các Nhà Sáng Lập mất đi.

          HỎI: Hiển nhiên là Sự Hy Sinh và Sự Tận Tụy rất Quan Trọng. Nhưng tôi Hoàn Toàn Không Hiểu Tại Sao Sự Hiểu Biết lại là một Đặc Tính cũng Cần Thiết như là hai Đặc Tính Kia. Chắc chắn là Văn Từ đã Tồn Tại và Sẽ Ngày Càng Tăng Trưởng Đủ để Hoàn Thành Mục Đích này, phải không?

          ĐÁP: Tôi không nói Sự Hiểu Biết có Tính Cách Chuyên Môn của Triết Lý Nội Môn, mặc dù đó là một Điểm rất Quan Trọng. Nói đúng hơn, tôi muốn nói đến Sự Phán Đoán Rõ Ràng và Vô Tư sẽ Tuyệt Đối Cần Thiết cho những Kẻ Nối Tiếp Công Việc của chúng tôi để giúp Họ có Khả Năng Hướng Dẫn Hội. Tất cả các Phong Trào thuộc loại Hội Thông Thiên Học, cho đến ngày nay, đều Thất Bại. Sớm hay muộn gì các Phong Trào này đều Thoái Hóa thành các Chi Phái (Sects) có Triết Giáo chật hẹp, cứng ngắt; như thế làm mất dần Sinh Khí, mà chỉ có Chân Lý Sống Động mới có được. Bạn nên Nhớ rằng: Tất cả các Hội Viên chúng tôi đều được Sinh Ra hay đã được Nuôi Dưỡng trong một Tín Điều hoặc Tôn Giáo nào đó mà tất cả đều ít nhiều tùy thuộc vào các thế hệ của Họ về Vật Chất hay Tinh Thần. Do đó, Sự Phán Đoán của Họ có thể chịu ảnh hưởng bằng cách này, hay cách khác. Vậy thì, nếu những Kẻ Lãnh Đạo Hội Không Thể Vượt Qua được các Lệch Lạc cố hữu này do Bản Chất của Họ hay ít nhất, Họ không thể Học để hiểu rõ cách Phân Biện đúng để tránh bị khuynh hướng này lôi cuốn, Họ sẽ đưa Hội đi đến chỗ Nguy Hiểm về Tư Tưởng và sẽ Không Tránh Khỏi Thất Bại.

          HỎI: Nhưng nếu người ta Thành Công để tránh được Nguy Hiểm này thì sao?

          ĐÁP: Bấy giờ Hội sẽ Tồn Tại suốt Thế Kỷ XX. Dần dần quảng đại quần chúng có Suy Nghĩ và Thông Minh, sẽ Cảm Thấy Thấm Nhuần và Thấu Hiểu được các Ý Tưởng Vĩ Đại và Cao Quý về Tôn Giáo, về Bổn Phận và Lòng Nhân Ái (Philanthropy). Hội sẽ từ từ bẻ gãy ra từng mảnh vụn một cách chắc chắn các Chướng Ngại Sắt Thép của các Tín Điều và của các Giáo Lý, của Thành Kiến và Giai Cấp trong Xã Hội. Hội sẽ đánh đổ các Mối Bất Hòa giữa các Quốc Gia và Chủng Tộc, và sẽ sửa soạn con đường đi đến Sự Thực Hiện Tình Huynh Đệ giữa mọi người trên Thế Giới. Nhờ ở Sự Giáo Dục của Hội, nhờ ở Triết Lý mà Hội sẽ làm cho Dễ Hiểu đối với Tư Tưởng Hiện Đại. Thế Giới Tây Phương sẽ học để Hiểu và đánh giá Đúng Giá Trị của Đông Phương. Hơn nữa, Sự Phát Triển các Quyền Năng và Khả Năng Tâm Linh mà các Triệu Chứng báo trước đã xuất hiện ở Mỹ Châu Sẽ Phát Triển một cách Lành Mạnh và Bình Thường. Nhân Loại sẽ được Cứu Khỏi các Nguy Hiểm Khủng Khiếp cùng một lúc về phương diện Vật Chất và Tinh Thần. Các Nguy Hiểm này Sẽ Không tránh khỏi khi Sự Ích Kỷ và Đam Mê Xấu Xa ngày càng gia tăng . . .

          Sự Trưởng Thành về Tinh Thần và Tâm Linh của mọi người Sẽ Xảy Ra một cách Thích Hợp với Sự Cải Thiện Luân Lý. Trong lúc mà Môi Trường Vật Chất bao quanh con người sẽ phản chiếu Hòa Bình, và Tình Huynh Đệ Tuyệt Hảo sẽ Ngự Trị trong Lòng người, thay vì Mối Tranh Chấp, Bất Hòa đang Ngự Trị khắp nơi trên Thế Giới hiện nay.

          HỎI: Thật là một Viễn Ảnh đáng khích lệ biết bao nhiêu! Bạn có tin rằng Tất Cả các Điều đó có thể Thành Đạt được trong khoảng một Thế Kỷ chăng?

          ĐÁP: Điều đó rất khó. Nhưng trong 25 năm cuối cùng của mỗi Thế Kỷ, nếu Bạn để ý sẽ Thấy rằng: Nhân Loại có một Sự Tăng Trưởng hay Đổi Mới về Tâm Linh, hay nếu bạn thích gọi, là Đổi Mới về Phương Diện Huyền Học. Các Thánh Sư gởi xuống Thế Gian Một hay Nhiều Người là các Phụng Sự Viên của các Ngài, Sự Hiểu Biết và Sự Giáo Dục Huyền Linh được Phổ Biến rộng rãi hơn. Nếu bạn muốn Hiểu thêm việc đó, bạn có thể Tham Khảo các Sử Biên Niên để Xem các Chi Tiết.

          HỎI: Nhưng Điều đó có liên quan gì đến Tương Lai của Hội Thông Thiên Học không?

          ĐÁP: Nếu Sự Toan Tính Hiện Nay của Hội Chúng Tôi Thành Công hơn là những Bậc Tiền Bối đi trước, Sự Tính Toán ấy sẽ để lộ dưới Hình Thức một Tổ Chức Lành Mạnh và Tồn Tại được khi mà Thời Cơ Sẽ Đến cho Sự Cố Gắng Mai Sau của Thế Kỷ XX. Trí Tuệ và Tâm Hồn Con Người sẽ được Cải Thiện Rộng Rãi và được Thanh Lọc do Sự Truyền Bá Giáo Lý Thông Thiên Học. Và như tôi đã nói ở trên, Thành Kiến và Ảo Ảnh Giáo Điều sẽ giảm bớt được một phần lớn. Ngoài ra, Sự Thúc Đẩy trong Tương Lai, chẳng những sẽ Thừa Sức tìm thấy một loại Văn Chương Súc Tích, dễ hiểu hơn đối với mọi người, mà còn Tạo ra được một Tổ Chức Quan Trọng gồm một Số Đông Hội Viên biết Đoàn Kết và Sẵn Sàng đón nhận những Kẻ Mới Tình Nguyện mang Bó Đuốc Chân Lý. Tổ Chức này Sẽ Tìm được những người có Tâm Hồn Sẵn Sàng Tiếp Nhận Sứ Mệnh mà Tổ Chức đưa lại cho Họ. Tổ Chức này cũng Sẽ Tìm Thấy một Loại Ngôn Ngữ Sẵn Sàng để Diễn Đạt Chân Lý Mới. Do sự hy sinh Bản Ngã, do lòng tích cực phụng sự, các Vị Tiền Bối Thông Thiên Học đã chuẩn bị cho Thế Hệ Tương Lai tiến bước trên Con Đường Phụng Sự dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn. Hãy Suy Nghĩ một chút, Bạn Sẽ Thấy Điều gì mà một Cơ Hội như thế đem lại cho một người, Sẽ Khiến người ấy có thể Hoàn Thành được bổn phận và trách nhiệm của người tân Hội Trưởng.

          Bạn Sẽ Dễ Dàng Đo Lường Tầm Mức Khác Biệt bằng cách Nghĩ đến Điều mà Hội Thông Thiên Học đã Làm Được trong khoảng 14 năm gần đây. Thuở đó Hội đã không có một chút thuận lợi nào như những Điều tôi vừa nói, mà chỉ gặp nhiều Khó Khăn, trở ngại quá đỗi.

          Bạn hãy Nghĩ đến tất cả những Điều ấy, và cho tôi biết tôi có quá Lạc Quan chăng? Khi tôi nói rằng: Nếu Hội Thông Thiên Học Tồn Tại, Trung Thành với Nhiệm Vụ của mình; và với Sức Thúc Đẩy Ban Đầu trong Thế Kỷ Sắp Tới, So với Hiện Nay, Cõi Trần này vào Thế Kỷ XXI Sẽ là Thiên Đàng!

 

 

HẾT


CHÂN  THÀNH  TRI  ÂN

 

          Quý vị trợ giúp việc ấn loát các sách Thông Thiên Học.

             Lê Thành Lân. – Lê Văn Hai và gia đình. – Lê Văn Thạnh và gia đình. – Lý Trọng Văn và gia đình. – Nguyễn Thị Luận. – Lê Minh Triết + Bích. – Lê Minh Đức + Châu – Lê Minh Nguyệt. – Huỳnh Hữu Đức. – Margarette Whatley. – Khuê + Hải. – Những Vị Vô Danh. – Nguyễn Thị Dục Tú. – Một nhóm bạn anh Lân.  – Nguyễn Kinh Lý. – Ngô Tố Hoa. – Lê Hồng Hạnh.  – Một nhóm bạn Văn ở Hãng Sysco. – Lý Phước Lạc và gia đình. – Đặng Văn Tiên + Huê. – Trương Lệ Chi. – Nhóm TTH ở Sydney (Úc). – Châu Thị Hồng Yến. – Lâm Hữu Lễ. – Julia Ngô. – Nguyễn Kim Oanh. – Nguyễn Vinh. – Một nhóm bạn Chị của Văn. – Jimmy Phan. – Phạm Xuân Dũng. – Nguyễn Tâm. – Nguyễn Ngọc Anh. –  Phạm Thị Lựu. – Phạm Thị Ngọc Dung. – Nguyễn Thuỷ. – Thích Nữ Liễu Nhiên. – Thích Tịnh Mãn. – T. Caroline Besancon. – Mạch Quế Lan. – Anh Ngọc Huệ. – Ất Chiêu Nguyễn N. Anh. – Richard Hồ. – Phan Quang Trường. – Zella Balch. – Nguyễn Hạnh Trang. – Huỳnh Mạng. – Huỳnh Tom. – Nguyễn Thị Quý. – Kimberly Shropshire. – Chị Lâm Ngọc Anh. – Lê Thành Nhơn. – Nguyễn Thị Hà. – Chu Đôn. – Lý Thị Châu. – Nguyễn Thị Lan. – Lâm Xuân Hương. – Nguyễn Thành Nhân. – Liêm Whatley. – Nguyễn Thị Minh Phương. – Trần Quan. – Lê Trung. – Nguyễn Hữu Chương. – Dương Hoàng Tuấn và gia đình. – Hồ  Văn Xách và gia đình. – Lê Thị Tiền. – Lê Minh Tâm. – Nguyễn Minh Tuấn. – Lê Minh Nhựt + Hằng + Bé Hiếu. – Lê Minh Dũng. – Lâm Quang Khải. – Lâm Phước Đông. –  Nguyễn Mộng Thu. – Ông, Bà Chung Hữu Thế. – Phan Mỹ Hạnh. – Ông, Bà Lê Văn Kim. – Tô Văn Hiệp. – Ngô Văn Thuấn. – Trần Trọng Khải. – Trần Đắc Mộng Hoa. – Ngô Ngọc Hà.

          Mọi chi tiết xin liên lạc:

- Nguyễn Trung Nghĩa,   58 Krotona Hill,  Ojai, CA 93023.

- Điện Thoại: (805) 640-0637.    - E-mail: nghia@thongthienhoc.org

 



[1] Điểm Đạo Đồ hay Đạo Đồ (Initiate) là Vị Môn Đồ đã được Điểm Đạo. (Lời Dịch Giả)

[2] Wagner: Tên một Nhạc Sĩ nổi danh người Đức (1813-1883). (Lời Dịch Giả)

[3] Từ ngữ “genius” trước kia được dịch là “thiên tài.” Dịch như thế, vô tình chúng ta chấp nhận rằng “Trời” (Thiên) hãy còn bất công, Ngài chỉ ban riêng cho người nào đó tài năng xuất chúng mà không ban cho người khác. Thật ra, cái tài siêu việt này có được là do công phu học hỏi, tích lũy từ nhiều kiếp trước của Linh Hồn. Nếu tài năng này hiện ra sớm nơi trẻ con thì gọi là “Thần Đồng.” Do đó, người dịch đề nghị là nên dùng từ ngữ “siêu tài” để dịch chữ “genius.” Chúng ta nên tránh sự hiểu sai về Đấng Tạo Lập vũ trụ. (Lời Dịch Giả)

[4] Danh từ Necromancy trước kia được dịch là “Thuật Gọi Hồn, Thuật Chiêu Hồn.” Thực ra, trong các phương cách nầy, người ta chỉ giao tiếp được với Ma Hình (tức là phần hợp thành bởi Cảm Dục Thể -Cái Vía- và Hạ Trí) của người chết, chớ không hề tiếp xúc được với “Hồn” hay “Linh Hồn” của người chết. Do đó, người dịch đề nghị nên dịch lại danh từ này là “Thuật Gọi Ma Hình” để đúng với Huyền Học hơn. (Lời Dịch Giả)

[5] Danh từ “Spiritualism” từ trước đến giờ được dịch là “Thần Linh Học”hay “Thông Linh Học,” nhưng theo các lời giải thích ở đoạn dưới, chúng ta thấy hiện tượng này không có liên quan gì tới Vị Thần nào cả, mà chỉ là “bóng ma của con người vật chất cũ,” như thế danh từ này nên dịch là Giáng Ma Học có lẽ đúng hơn. (Lời Dịch Giả)

[6] Dĩ Thái Thể (Psychic Body, hay Double, hay Etheric Body, hay Etheric Double) là một Thể thấp, cung cấp sinh lực và năng lượng cho thể xác nên đôi khi còn được gọi là Thể Sinh Lực (Vital Body) trong các sách Thông Thiên Học trước đây, Thể này được gọi là Thể Phách. (Lời Dịch Giả)

[7] Revelation: Sự khai mở (khải) dường như do Trời. (Lời Dịch Giả)

[8] Publicans được xem như là những kẻ trộm cắp và móc túi vào thời đó. Trong các người Do Thái, tên họ và nghề nghiệp của một người Publican là một điều ghê tởm nhất trên Thế Gian. Họ không được phép vào đền thờ, còn kinh Matthew (Xviii.17) nói đến người ngoại đạo và người Publican cũng như nhau. Tuy nhiên, họ chỉ là những người thu thuế thời La Mã, có địa vị như những viên chức người Anh ở Ấn Độ và những quốc gia bị chinh phục khác. (Chú thích của bản tiếng Anh). (Lời Dịch Giả)

[9] Danh từ Planet xưa kia được dịch là “Hành Tinh,” Hành: chuyển động, quay; Tinh: Thiên Thể hay Ngôi Sao, như vậy “Hành Tinh” có nghĩa là một Thiên Thể hay Ngôi Sao đang quay xung quanh Mặt Trời, từ ngữ này được đặt ra có lẽ là để phân biệt với “Định Tinh”, tức là Ngôi Sao cố định, không quay (căn cứ theo quan niệm sai lầm của Thiên Văn Học Thời Cổ). Ngày nay, người ta thấy rằng, trong Vũ Trụ không có một Thiên Thể nào đứng yên cả, do đó từ ngữ “Hành Tinh” và “Định Tinh” không còn có ý nghĩa phân biệt rõ ràng nữa (vì sự phân biệt này chỉ căn cứ trên đặc tính chuyển động và không chuyển động của Thiên Thể, mà như đã nói ở trên là một quan niệm sai lầm). Ngày nay, Thiên Văn Học phân biệt từ ngữ Star và Planet một cách minh bạch hơn:

          a)- Star hay Ngôi Sao, Tinh Tú, là Một Thiên Thể (Heavenly  Body) có đặc điểm là: Có phản ứng Nhiệt Hạch Tâm, tự phát ra ánh sáng và Vật Chất trên Thiên Thể này ở Thể Hơi.

          b)- Planet là Một Thiên Thể không tự phát ra ánh sáng, không có phản ứng Nhiệt Hạch Tâm và Vật Chất trên đó ở Thể Rắn (như Địa Cầu).

          Vì các lý do nói trên, nếu chúng ta còn dịch “Planet” là Hành Tinh, e rằng không được chỉnh, vì chúng ta chỉ dựa vào đặc tính “chuyển động” (Hành) để phân biệt các Thiên Thể ấy, mà thật sự Thiên Thể nào cũng chuyển động, cũng quay cả. Vì vậy, Người Dịch đề nghị dùng từ ngữ “Cố Thiên Thể” (Cố: cứng rắn, thí dụ trong Vật Lý Học có từ ngữ “cố thể” để chỉ các vật rắn) để dịch từ này, dựa vào sự phân biệt là vật chất trên các Planet ở thể rắn, còn trên Star ở thể hơi.

          Có tất cả chín Planets quay chung quanh Mặt Trời chúng ta, theo thứ tự từ Mặt Trời đếm ra là Mercury, Venus, Địa Cầu, Mars, Jupiter, Saturn, Uranus, Neptune, và Pluto. Xưa kia, các Thiên Thể này được dịch là: Thủy Tinh, Kim Tinh . . . . Mà về sau này, vì không muốn dùng từ “Tinh” là tiếng Hán Việt có nghĩa là “Sao,” cho nên được dịch một cách vô trách nhiệm là Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, . . . . làm cho sự sai lệch càng xa hơn nữa. Để tránh dùng từ “Tinh” trong các Thiên Thể nói trên, hơn nữa, vì các Thiên Thể trên có cấu tạo và hình thể (hình cầu) gần giống như Địa Cầu, và để có sự thống nhất với từ ngữ “Địa Cầu” và “Nguyệt Cầu”  đang dùng hiện nay, người dịch đề nghị, dịch tên các Thiên Thể ấy như sau: Thủy Cầu (Mercury), Kim Cầu (Venus), Hỏa Cầu (Mars), Mộc Cầu (Jupiter), Thổ Cầu (Saturn), Hải Vương Cầu (Uranus),  Thiên Vương Cầu (Neptune), và Tử Vương Cầu hay Diêm Vương Cầu (Pluto).

          Chú thích thêm: Ánh sáng mà ta thấy phát ra từ Venus (xưa kia gọi là Sao Hôm, Sao Mai) và Mars  . . . . Chỉ là ánh sáng nhận được từ Mặt Trời và được các Thiên Thể ấy phản chiếu lại mà thôi. Tuyệt nhiên, các Planets đó không hề phát ra ánh sáng tự chính nó. (Lời Dịch Giả)

[10] Đây là một Môn Phái chữa bệnh mới, họ chỉ tin có Linh Hồn. Đây là một hình thức mới của sự Tự Thôi Miên.

[11] Khi Ananda, Đệ Tử được Điểm Đạo của Ngài, hỏi Đức Phật lý do tại sao Ngài im lặng, Đức Phật trả lời cho Ananda một cách rõ ràng, không mập mờ, trong cuộc đối thoại sau đây do Oldenburg dịch từ Samyuttaka-Nikaya:

          “Hỡi Ananda, khi Tu Sĩ du phương Vacchagotta hỏi Ta: “Có Chơn Ngã hay chăng?” Ta đã trả lời cho y: “Có Chơn Ngã.” Điều đó sẽ được minh xác, này Ananda, Triết Lý của Samanas và của Bà La Môn tin tưởng vào sự trường tồn. Này Ananda, khi Tu Sĩ du phương Vacchagotta hỏi Ta: “Có phải Chơn Ngã không có chăng?” Ta đã trả lời: “Chơn Ngã không có.” Điều đó sẽ được xác minh, hỡi Ananda, đó là Triết Lý của những kẻ tin tưởng vào sự hủy diệt. Thế thì, hỡi Ananda, khi Tu Sĩ du phương Vacchagotta hỏi Ta: “Chơn Ngã có chăng?” Ta đáp: “Có Chơn Ngã.”  Phải chăng điều đó đã giúp cho Ta có cơ hội làm nảy sinh nơi y sự tỏ ngộ này: “Phải chăng tất cả các kiếp sống đều là Phi Chơn Ngã (Non-Ego)?” Thế thì, mặt khác, hỡi Ananda, Ta đã trả lời y: “Chơn Ngã không có.” Điều đó phải chăng chỉ có kết quả là xô Tu Sĩ du phương Vacchagotta đi từ lầm lạc này đến sự lầm lạc khác: “Phải chăng trước đây Chơn Ngã của Ta đã hiện tồn? Còn bây giờ, Chơn Ngã đó không hiện tồn nữa!”

          Điều đó chứng minh rõ ràng hơn hết rằng: Việc Đức Phật từ khước đưa ra những Triết Lý Siêu Hình thâm sâu cho quần chúng; để không làm cho họ rơi vào một sự hỗn loạn còn lớn hơn nữa. Điều mà Đức Phật muốn chứng minh, chính là sự khác nhau giữa Phàm Ngã phù du và Thượng Ngã; vì Thượng Ngã này tỏa ánh sáng trên Chơn Ngã bất hoại, tức là Bản Ngã Tinh Thần của con người.

[12] Sadducees là các Tu Sĩ Do Thái, thuộc Môn Phái đối lập với các người Pharisees. Pharisees là các Tu Sĩ thuộc Môn Phái Do Thái hay đề cao đạo đức bên ngoài.

[13] Proserpina hay Persephone ở đây tượng trưng cho Karma sau khi chết, người ta cho rằng nó qui định sự phân ly các Nguyên Khí thấp với các Nguyên Khí cao, hay nói cách khác là Linh Hồn, Nephesh, hơi thở sống động, nó ở lại U Linh Cảnh trong một thời gian, cùng với Thượng Ngã phức hợp, nó vào Trạng Thái Thiên Đàng hay toàn phúc.

[14] Cho đến khi Nguyên Khí cao thuộc Tinh Thần được tách rời khỏi Nguyên Khí thấp, Nguyên Khí thấp ở lại U Linh Cảnh cho đến khi chúng bị tan rã.

[15] Theo ý nghĩa thông thường, từ ngữ “Rational” (Thuần Lý, Duy Lý) chỉ là những gì xuất phát từ Minh Triết Vĩnh Cữu.

[16] Không Thuần Lý: Irrational, theo ý nghĩa của đoạn này là một sự phát tỏa tinh khiết từ Tinh Thần Đại Đồng, Tuệ Giác Thể (Buddhi) không có sự suy luận cá nhân riêng rẽ trên Cõi Giới Vật Chất của chúng ta. Cũng như Nguyệt Cầu mượn ánh sáng từ Mặt Trời và Sự Sống của nó từ Địa Cầu, Tuệ Giác Thể nhận ánh sáng Minh Triết từ Linh Thể (Atma) và các tính chất duy lý từ Trí Tuệ (Manas). Tự nó, với tính cách là Vật Thuần Nhất, Buddhi không có các Thuộc Tính (Attributes).

[17] Sinh Hồn: Do Manas (Hồn theo nghĩa tổng quát) hợp với Kama Rupa (Cảm Thể), nên loại Hồn này chỉ biết có sự sống theo bản năng, mà không biết suy luận, gần giống như loài thú. (Lời Dịch Giả)

[18] Theo Thần Thoại Hy Lạp, “chiếc vòng của Gyges” là chiếc vòng làm cho người ta trở thành vô hình khi đeo vào người. (Lời Dịch Giả)

[19] Còn được dịch là Sinh Khí Thể (trước kia được dịch là Thể Phách), Thể này có nhiệm vụ dẫn truyền sinh lực vào cho Con Người. (Lời Dịch Giả)

[20] Tùng Quả Tuyến được dịch từ chữ: Pineal Gland, vì Tuyến này có hình dạng như Quả Thông (Tùng), nằm trong não. (Lời Dịch Giả)

[21] Huyền: Xa xôi, không rõ ràng, mơ hồ.

[22]  Xin xem chú thích của từ ngữ này ở phần trước.

[23] Đó là: Xác Thân, sự sống, bản năng đam mê và thú tính, cũng như Ma Hình của mỗi người (được nhận thức bởi tư tưởng hoặc sự trông thấy của Trí Óc hoặc khách quan và cách biệt với Thể Xác vật chất) các Nguyên Khí này là: Sthula sarira, Prana, Kama rupa và Linga sarira.

[24] Theo Phật Giáo, có năm Uẩn (Skandhas) hay những Thuộc Tính (Attributes): “Rupa (Hình Hài sắc tướng hay Thể Xác), những Tính Chất vật chất (Material qualities); Vedana (Cảm Giác); Sanna (Tư Tưởng trừu tượng); Samkhara (Khuynh Hướng Tinh Thần); Vinnana (Quyền Năng Tinh Thần).

          Chính do các Uẩn này mà chúng ta được tạo thành, chính do các Uẩn này mà chúng ta có Tri Thức về sự hiện tồn, chính do phương tiện của Uẩn mà chúng ta giao tiếp với Thế Giới bao quanh ta.”

[25] Quyển “Phật Giáo Đại Cương” của Đại Tá Olcott đã được Ngài H. Sumangala (Đức Hoà Thượng Tăng Thống Phật Giáo Nam Tông) xác nhận là rất phù hợp với giới luật và tôn chỉ của Phật Giáo và cho phép xuất bản.

[26] Bản Ngã Tâm Linh (Spiritual Self) ngược lại với Phàm Ngã (Personal Self). Quí bạn chớ nên lầm lẫn Chơn Ngã Tâm Linh (Spiritual Ego) với Thượng Ngã (Higher Self), chính là Atma, Vị Thượng Đế trong chúng ta và không phân ly với Tinh Thần Vạn Hữu (Universal Spirit).

[27] Từ ngữ Devachan được Bà Blavatsky tạm dịch là Thiên Đàng (Paradise), vì thực ra đây chỉ là một Tâm Cảnh của Linh Hồn sau khi chết, nó không có ý nghĩa như danh từ Thiên Đàng của Thiên Chúa Giáo. (Lời Dịch Giả)

[28] Chính do sự vi phạm này mà người ta đã dựng lên Giáo Thuyết vừa độc ác, vừa không hợp lý về các Thiên Thần bị trừng phạt mà trong “Giáo Lý Bí Nhiệm” quyển II có giải thích. Tất cả các Chơn Ngã của chúng ta đều là những thực thể biết suy tư và lý luận (Manasa- putras). Các Chơn Ngã này đã sống hoặc là dưới hình dạng Con Người, hoặc các hình dạng khác trong Kỳ Khai Nguyên trước mà Luật Nhân Quả bắt Luân Hồi trong Con Người của chu kỳ này. Trong các Huyền Môn Viện, người ta dạy rằng: Có sự hoãn lại để hợp với Định Luật Nhân Quả (hay là “từ khước sáng tạo” như Ấn Độ Giáo và huyền thoại Cơ Đốc Giáo đều có nói) - nghĩa là không có Luân Hồi vào lúc mong muốn - các Thể Xác vốn đã được định trước cho các Chơn Ngã tái sinh đều bị nhiễm trược (xem Chương VIII và IX trong Thiền Kinh Giáo Lý Bí Nhiệm, Quyển  II, trang 19-20). Do bởi tội lỗi nguyên thủy của các hình hài không có trí thông minh và sự trừng phạt của Chơn Ngã. Huyền thoại về các Thiên Thần nổi loạn bị ném vào Địa Ngục, chỉ có nghĩa đơn giản là các Linh Hồn thuần khiết hay là các Chơn Ngã bị giam cầm trong các Thể Xác bằng vật chất không tinh khiết, nghĩa là Xác Thân.

[29] Lethe : Theo Thần Thoại Hy Lạp, đây là tên một Vị Nữ Thần, được dùng để đặt tên cho một dòng suối ở Địa Ngục, mà những người chết uống vào để quên kiếp sống Trần Gian. (Lời Dịch Giả)

[30] “Thật vậy, tôi nói với anh rằng: Kẻ nào nhìn một phụ nữ mà tỏ vẻ thèm muốn, thì kẻ ấy đã phạm tội ngoại tình trong tâm rồi.” (Matt. V.,28.)

[31] Sinh Khí Thể là Thể dẫn truyền Sinh Lực, trước kia được dịch là Thể Phách. Cảm Dục Thể (Astral Body) là Thể mang lại Cảm Giác và Dục Vọng, trước kia được dịch là Thể Vía. (Lời Dịch Giả)

[32] Sự Đồng Nhất của Linh Hồn, trang 69.

[33] “Những điều tôi biết và không biết về Giáng Ma Học.”

[34] Iswara là ý thức tổng hợp của Thượng Đế Tính được biểu lộ; Brahma, nghĩa là ý thức tổng hợp của Đông Đảo các Thiền Định Đế Quân (the Host of Dhyan Chohans) (Xem Giáo Lý Bí Nhiệm); còn Pragna là Minh Triết riêng của các Ngài.

[35] Taijasi là sự chói sáng do sự kết hợp với Buddhi; Manas, Linh Hồn Nhân Loại, được soi sáng bởi sự phát sáng của Linh Hồn Thiêng Liêng. Vậy Manas - Taijasi được xem như Trí Tuệ Quang Huy (Radiant Mind); Lý Trí Nhân Loại (Human Reason) được soi sáng bởi ánh sáng Tinh Thần; Buddhi - Manas như vậy là sự Mặc Khải (hay Thiên Khải: Revelation of Divine) cộng thêm Trí Tuệ và Ngã Thức của Con Người (Human Intellect and Self -  Consciousness).

[36] Có một số Nhà Thông Thiên Học không chấp nhận câu này, nhưng các lời lẽ dùng ở đây là lời của Đức Thầy (Master) và ý nghĩa của từ ngữ “oan uổng” (unmerited) là ý nghĩa mà chúng ta đã dùng ở trên. Trong quyển số 6 của H.P.B., người ta tìm thấy một câu mà sau nầy bị chỉ trích trong tạp chí Lucifer, mà người ta dùng để diễn tả cùng một ý tưởng. Chính thật là Hình Tướng (Form) đã phạm tội và lôi kéo sự chỉ trích, nhưng chính tư tưởng chủ yếu đã tỏ lộ về điều này: Con người thường bị đau khổ về hậu quả của những hành động phạm phải bởi kẻ khác, và những hậu quả này không nhất thiết thuộc về Nghiệp Quả (Karma) riêng của họ. Chúng ta phải nói rằng: Con người có quyền hưởng một sự bù trừ cho những đau khổ giống như vậy.

[37] Methodist: Người theo Hội Giáo Lý, một Giáo Phái ở nước Anh. (Lời Dịch Giả)

[38] Vide Transaction of the “London Lodge of the Theos. Soc.,” No.7, Oct., 1885.

[39] Từ ngữ “Chơn Ngã Luân Hồi” (Re-Incarnating Ego) hay “Linh Hồn Nhân Loại” (Human Soul) như Ông Sinnett đã gọi, nó chính là từ ngữ “Linh Hồn Thể” (Causal Body) đối với người Ấn Độ Giáo.

[40] Kỳ gian của sự chuyển tiếp này tùy vào trình độ Tâm Linh của Phàm Ngã cũ của Chơn Ngã thoát xác. Đối với những người có đời sống Tâm Linh Cao, thì sự chuyển tiếp tuy tuần tự, nhưng rất nhanh. Đối với người có khuynh hướng Duy Vật thì sự chuyển tiếp chậm chạp.

[41] Sự thay đổi danh xưng Siêu Hình Học ở đây chỉ áp dụng cho sự thay đổi bằng cách dịch các Thành Ngữ Đông Phương, ra các danh từ tương đương Anh Ngữ. Vì cho đến bây giờ, có nhiều danh từ tương đồng bằng Anh Ngữ mà mỗi Nhà Thông Thiên Học cố gắng đặt ra để diễn tả ý của họ. Chúng ta cần có nhiều thì giờ để sắp đặt các định nghĩa này rõ ràng theo thứ tự của từng Danh Mục.

[42] Atma, theo đoạn trước, là Thượng Ngã. (Lời Dịch Giả)

[43] Necromancy: Trước kia được dịch là Thuật Gọi Hồn, nhưng như chúng ta đã thấy Bà Blavatsky đã giải thích ở một đoạn trên, sau khi chết, Linh Hồn lên Devachan, chớ không trở lại Cõi Trần (trừ một trường hợp đặc biệt). Như thế điều được mệnh danh là “Gọi Hồn”, thật ra chỉ là Gọi Ma Hình. Vậy từ ngữ này nên dịch là “Thuật Gọi Ma Hình” mới đúng hơn. (Lời Dịch Giả)

[44] Thuyết Bất Khả Tri chủ trương rằng người ta không thể hiểu được Thượng Đế và sau khi chết ra sao. (Lời Dịch Giả)

[45] Bàng: Bên cạnh; Bàng Môn: Môn Phái bên cạnh, đi lệch ra khỏi Chính Phái. (Lời Dịch Giả)

[46] Chú thích của Nhà Xuất Bản: Bản tài liệu này đã được ấn hành bởi Hội SPR năm 1885, đã hoàn toàn bị bác bỏ vì thiếu tính chất thật trong một cuộc khảo nghiệm do Tiến Sĩ Vernon Harrison. Tiến Sĩ Vernon Harrison là một Hội Viên thâm niên của Hội SPR. Ông còn là một Chuyên Gia về các Tài Liệu giả mạo. Sự khám phá của Tiến Sĩ Vernon Harrison đã được đăng tải trong Tạp Chí của Hội SPR số ấn bản vào tháng 4 năm 1986.