Trang chủ Giới thiệu Góp ý Cấu trúc Website Chuyên Đề
Thứ bảy, 19-05-2007
CHỈ THỊ MỞ ĐỢT VẬN ĐỘNG QUYÊN GÓP ỦNG HỘ "QUỸ VÌ NGƯỜI NGHÈO" NĂM 2007   -   HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ (30/04/1975) NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 01/05 VÀ 117 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH   -   HƯỚNG DẪN ÔN THI TỐT NGHIỆP THPT MÔN TOÁN   -   Lịch Sử Tỉnh Bạc Liêu
Tìm kiếm
  
Số lượt truy cập
36358
Số 1323 - Cuối Tuần

- Trang 7 -: VĂN HÓA – NGHỆ THUẬT

Có những bài ca không bao giờ quên

Họ đa số là những diễn viên nghiệp dư, chưa từng qua một trường lớp nào. Bằng niềm hăng say, nhiệt huyết cách mạng, họ vào các đoàn văn công để phục vụ đồng bào. Và có một thời, những bài hát cách mạng sục sôi theo niềm nhiệt huyết ấy đã có một sức mạnh lớn lao cổ vũ tinh thần dân chúng “rũ bùn đứng dậy”, giành lại độc lập cho quê hương, đất nước.

1. Năm 1970, một đêm biểu diễn của đoàn văn công giải phóng Cà Mau tại rừng U Minh. Như thường lệ, xuồng chở tổ sân khấu (phục vụ máy phóng thanh) gồm 5 - 7 anh em đã có mặt tại sân diễn lúc trời vừa chập choạng tối. Buổi sáng, máy bay đầm già đảo liên hồi bắn phá trên đầu nên “cữ” diễn bao giờ cũng là buổi tối. Gần 9 giờ đêm, xuồng chở anh em đờn ca đến nơi, buổi biểu diễn mới bắt đầu, những bài ca cách mạng quen thuộc lại trỗi lên. Anh phụ trách ánh sáng (đèn măng xông chớ nào phải đèn điện) phải canh me thật kỹ, đang diễn vậy nhưng máy bay đảo tới là tắt đèn, chờ chúng đi rồi mới tiếp tục buổi diễn. Hát xong 5 - 7 bài hát, gần nửa khuya mới tới vở cải lương “Võ Thị Sáu”. Giọng hát và diễn xuất của đào Tuyết Thu rất ngọt, nên khán giả rất mê… Buổi biểu diễn kết thúc cũng là lúc trời vừa hừng sáng. Anh em tranh thủ dọn bãi diễn thật nhanh để còn chèo thêm 4 - 5 cây số nữa mới tới chỗ an toàn để nghỉ ngơi…

2. Kỷ niệm sâu sắc nhất của nhạc sĩ Thế Phương, cây văn nghệ nổi tiếng nhất, nhì của đoàn văn công năm xưa, chính là đêm diễn ở Tân Thành. Vừa mới tới đầu lộ, đoàn bất ngờ gặp một đại đội ngụy đang “rảo” xung quanh khu vực đó. Trở tay không kịp, xuồng chở tổ sân khấu đi trước bị thương một anh. Các diễn viên trong đoàn vừa chạy vừa bắn trả liên tục nhưng thế yếu hơn nên anh em bị thương rất nhiều. Một hồi sau đó, chúng rút, nhạc sĩ Thế Phương quay trở lại tìm xuồng. Khi đi mặc chiếc quần dài tới gót nhưng do lội ruộng bị “lúa ăn” nên lúc về ống quần đứt ngang đầu gối. Về tới nơi, mấy anh em văn công cười quá đỗi. Hiểm nguy là vậy nhưng ai nấy cũng đều lạc quan yêu đời…

3. “Thời chiến tranh ác liệt, những bài ca cách mạng đóng vai trò rất quan trọng. Chiến tranh, chết chóc ngày nào cũng có, chứng kiến cảnh đó làm sao dân không lo sợ. Nhưng cứ mỗi lần nghe có đội văn công về phục vụ, người dân lại phấn chấn hẳn lên, họ suy nghĩ rằng nơi nào còn lời ca tiếng hát thì nơi đó cách mạng còn, tức phe mình sẽ thắng”. Đôi vợ chồng nhạc sĩ, diễn viên Thế Phương - Tuyết Thu kể lại. Vì vậy, bằng mọi cách đoàn văn công luôn bám sát các địa bàn để phục vụ nhân dân. Nhưng nhiệm vụ của họ lúc này cũng không giản đơn chút nào. Họ phải “tay súng tay đàn” để vừa hát cổ vũ phong trào cách mạng, vừa trực tiếp chiến đấu với giặc. Chỉ mỗi nhiệm vụ diễn viên, họ cũng phải kiêm cả nhiều vai như múa, hát, đàn, đóng kịch… Ngoài việc chép nhạc, chép lời những bài ca cách mạng từ máy thu thanh, những người có năng khiếu còn phải làm luôn nhiệm vụ nhạc sĩ. Từ đó, ngoài những ca khúc nổi tiếng như Tiếng đàn Ta lư, Xuân Chiến Khu, Bài ca may áo, Cô gái vót chông…, còn có nhiều bài hát cách mạng tự biên cũng không thua kém như: “Tiếng hát hậu phương” (ca ngợi phong trào 3 sẵn sàng, 3 đảm đang), “Đội pháo binh trên sông” (ca ngợi chiến sĩ trong trận đánh trên sông Tam Giang), Quang Phong với “Bài ca bám đất” (nói lên tinh thần bất khuất của nhân dân trong đấu tranh chống giặc giữ làng), Thanh Hòa có bản đồng ca “Cà Mau thành đồng”, Lê Lương có “Lá thư con”… Hát nhạc trữ tình lúc này cũng phải mang sắc thái động viên tinh thần chiến đấu của kẻ hậu phương với người tiền tuyến, như “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Chiếc khăn tay”… Từng có lúc diễn viên của đoàn ca bản “Dưới ánh trăng rằm” của tác giả Lâm Tường Vân xong, nườm nượp thanh niên trai tráng xin được tham gia tòng quân cứu nước. Hay ở những phong trào “đào kinh chống Mỹ”, “đánh chông liên quân”… văn công luôn đeo sát phục vụ để ủng hộ tinh thần quân dân. Thế mới thấy, bài hát cách mạng có một sức cổ vũ, cuốn hút mạnh mẽ.

Có lẽ, những ai đã từng xem đoàn văn công biểu diễn trong những năm đất nước còn chiến tranh sẽ không thể nào quên giọng ca nữ cao điêu luyện của Tuyết Thu cũng như vai diễn Võ Thị Sáu để đời của chị, hay một cô Năm Chi nổi tiếng có giọng hò hay, một Tuyết Hồng vừa là ca sĩ hát hay, vừa là cô diễn viên dễ thương, xinh xắn; rồi những Sáu Huy, Lê Lương, Hồng Lịnh, Út Nghệ, Mười Nam, Hồng Chi… Và những bài ca các mạng, có thể, lời văn chưa mượt mà, bóng bẩy, nhưng chính cái hồn, cái tâm huyết và tính thời sự đã giúp chúng trở thành những tuyệt tác trong dòng nhạc cách mạng, tuyên truyền, vận động hiệu quả nhất cho nhân dân đồng tâm hiệp lực chiến đấu cho đến khi chiến thắng.

Chiến tranh ác liệt là thế, bom đạn hiểm nguy là thế, không ai biết được chuyện sống chết ra sao nhưng họ vẫn cất cao tiếng hát lạc quan, yêu đời. Vì vậy, “đội quân văn nghệ” này đã góp phần không nhỏ trong chiến thắng vẻ vang của đất nước.

Phan TỪ

Tổ đình Quốc mẫu Âu Cơ

Mùng 10 tháng 3 âm lịch năm nay - ngày giổ tổ Hùng Vương và cũng là ngày giỗ Tổ đầu tiên, cán bộ, công chức được nghỉ một ngày hưởng nguyên lương. Nhân ngày kỷ niệm này, xin được nhắc về một đình thờ Tổ của người miền Nam ở cực Nam Tổ quốc.

Ngôi đình đó hiện ở TP. Cà Mau và có tên là Tổ đình Quốc mẫu Âu Cơ. Đây cũng là một trong số ít những ngôi đình thờ bà Âu Cơ ở Đồng bằng sông Cửu Long mà không phải ở tỉnh nào cũng có. Đình được thành lập khoảng đầu những năm 1960, tọa lạc tại đường Nguyễn Trãi, phường 9, TP. Cà Mau, gần đối diện trường Chính trị tỉnh Cà Mau. Trước đây, đình chỉ là gian nhà lợp lá, thờ Quốc mẫu bằng bài vị, không có tượng Quốc mẫu. Điểm đáng chú ý là đình không thờ thêm thần thánh nào khác ngoài bà Âu Cơ.

Năm 1997, đình được trùng tu, xây dựng cơ bản bằng tường gạch, mái ngói, an vị tượng Quốc mẫu, với kinh phí trên 30 triệu đồng do nhân dân địa phương đóng góp. Trong đợt trùng tu này, đình lập thêm một bàn thờ Bác Hồ ở phía trước chính điện đối diện với nơi thờ Quốc mẫu. Chính điện có ngai của vua Hùng. Ngai được làm bằng gỗ, được bá tánh dâng cúng vào ngày 6/12/1965. Phía 2 bên chính điện thờ Quốc mẫu là nơi thờ Lạc thư (bên trái) và Hà đồ (bên phải).

Trong đình có liễn đối bằng chữ quốc ngữ. Hai câu đối nơi chính điện thờ Quốc mẫu là:

DỰNG SƠN HÀ TIÊN MẸ MỞ VĂN LANG (trái)

KHAI THÁNH ĐỊA RỒNG CHA TRUYỀN BÁCH VIỆT (phải)

2 câu viết trên tường, góc dưới chính điện:

* Tạ ơn cha!

Các con mang tình cha qua từng thế hệ đến mảnh đất cuối cùng để dựng dậy hồn thiêng sông núi cho nòi giống tiên rồng (trái)

* Lạy mẹ!

Các con dù nghèo hay giàu ở quê hương hay lưu lạc tha phương từng thế hệ đi qua vẫn mang trong tim tình thương của mẹ (phải).

Ngoài ra, còn có 2 câu đối trên 2 cột giữa điện, 2 câu đối 2 bên nơi thờ Lạc thư, 2 câu đối 2 bên nơi thờ Hà đồ. 2 bên vách đình, có vài bài thơ tứ tuyệt bằng chữ quốc ngữ ca ngợi công đức Quốc mẫu và truyền thống của dân tộc.

Vào những ngày mùng 1 hoặc rằm âm lịch, nhiều người đến đình lễ bái cầu quốc thái dân an. Mỗi năm, đình có 3 ngày giỗ lớn là: mùng 1 Tết (giỗ Lạc Long Quân); mùng 10/3 âm lịch (giỗ tổ Hùng Vương); mùng 5/5 âm lịch (vía Quốc mẫu Âu Cơ).

Tổ đình Quốc mẫu Âu Cơ ở Cà Mau tuy thành lập tương đối muộn, cách đây chỉ gần 40 năm, nhưng đây là một điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống thuần Việt, rất đáng được trân trọng, gìn giữ, làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở một vùng đất trẻ cuối trời Tổ quốc.

T.C

Thơ:

Quê hương

Nơi nào mắc võng ru ta

Tự hồi bay lả bay la cánh cò,

Nơi nao có một bến đò

Vẫn neo đậu những hẹn hò đời ta,

Nơi nào lam lũ bóng cha,

Lom khom bóng mẹ mưa sa đầy đồng,

Mồ hôi cứ chảy ròng ròng,

Mặt người cúi xuống, lúa đồng mới lên,

Nơi nao rau muống, rau dền,

Khoai lang, rau má đặt tên cho người,

Nơi nào nước mắt, mồ hôi,

Tuổi xuân và máu đổi đời tự do,

Nơi nao lỡ vạn hẹn hò

Để hôm nay có cánh cò bình yên,

Nơi nào có chí thì nên,

Bao lần ngã lại đứng lên làm người,

Nơi nao xanh đất, xanh trời,

Em ơi, nơi ấy, đời đời quê hương...

PhẠm Minh Giang

  Gửi email
Các thông tin khác
BBL (Nguồn tin: Báo Bạc Liêu - 2/5/2007)
Trang 2 (Nguồn tin: Báo Bạc Liêu - 2/5/2007)
Trang 3 (Nguồn tin: Báo Bạc Liêu - 2/5/2007)
Trang 4 (Nguồn tin: Báo Bạc Liêu - 2/5/2007)
Trang 5 (Nguồn tin: Báo Bạc Liêu - 2/5/2007)
Trang 6 (Nguồn tin: Báo Bạc Liêu - 2/5/2007)
Trang 8 (Nguồn tin: Báo Bạc Liêu - 2/5/2007)
Trang 9 (Nguồn tin: Báo Bạc Liêu - 2/5/2007)
Trang 10 (Nguồn tin: Báo Bạc Liêu - 2/5/2007)
Trang 11 (Nguồn tin: Báo Bạc Liêu - 2/5/2007)
>>Xem thêm
Hướng dẫn thủ tục Hành chính
Xuất nhập cảnh
Tài nguyên và Môi trường
Xây Dựng
Đầu tư - Kinh doanh
Kết hôn có yếu tố nước ngoài
Thay đổi hộ tịch
Khai sinh, khai tử có yếu tố nước ngoài
Công Chứng
Tiện ích
Phông chữ Tiếng Việt
Tải phần mềm Symantec
Tải phần mềm BKAV
Từ Điển Online
Bộ gõ Unikey
Trang chủ
Thiết kế website: T&H Co., Ltd.