Đừng nhìn đối lập là kẻ thù. Đừng lấy đàn áp làm giải pháp!

(Trích Tập san Hoa-Mai #12)

 

Nhìn vào thái độ đối phó của nhà cầm quyền đối với lực lượng đối lập, người ta có thể đánh giá được chính tình của nước đó ra sao. Nhìn vào sự đối kháng giữa các tổ chức chính trị đối lập với thế lực cầm quyền, người ta có thể nhận định được rõ ràng mức độ ổn định chính trị của xã hội đó thế nào.

Từ căn bản đó, rõ ràng là Việt Nam chưa có được một nền chính trị thật sự ổn định, và cái gọi là “ổn định chính trị” hiện nay ở Việt Nam là một sự ổn định giả tạo, hoàn toàn khác với sự ổn định bình thường của những nước có nền dân chủ tiền tiến.

Sự ổn định chính trị là một yếu tố cần thiết để đất nước vươn lên. Đó là một nhu cầu không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, sự ổn định phải được đặt trên nền tảng nhân quyền và dân chủ thực sự, chứ không thể là hậu quả của chính sách đàn áp triệt để các lực lượng đối lập. Kể từ ngày chiến tranh bom đạn chấm dứt đến nay, nhân dân ta đã chiến đấu không ngừng nghỉ với hậu quả chiến tranh, hận thù và lạc hậu. Thời gian đã cuốn trôi đi những điều xấu xí của quá khứ để mở ra cơ hội cho hiện tại và tương lai của đất nước. Từ mấy mươi năm qua, cả nước ta đã tận dụng mọi hoàn cảnh thuận lợi mới để bước qua vũng lầy của quá khứ, sẵn sàng dẹp bỏ mọi dị biệt ở hiện tại để cùng hướng đến một tương lai chung.

Tuy nhiên, vì bảo thủ và ích kỷ, một số thành phần trong hàng ngũ lãnh đạo hiện nay đã đi ngược lại tinh thần hoà đồng của đại đa số nhân dân, cố tình gây thêm mâu thuẫn giữa dân tộc. Cụ thể là họ đã không chịu lắng nghe các ý kiến thật sự vì nước vì dân, kể cả từ những người trong đảng. Thái độ độc đoán đó đã làm cản trở bước tiến của đất nước, làm tiêu hao năng lực quốc gia và làm thiệt hại nặng nề cho quyền lợi của nhân dân.

Đất nước ta cần có những sự đổi mới thực sự và rốt ráo. Sự đổi mới đó không thể chỉ là các chính sách đối nội nửa vời mà phải là những cải cách mạnh dạn toàn diện.

Cải cách đầu tiên là với tư thế cầm quyền hiện nay, đảng CSVN phải bày tỏ thiện chí hoà bình và xây dựng bằng cách chấp nhận đối thoại với các tổ chức đối lập ôn hoà, để tìm kiếm một giải pháp chính trị thích hợp và khả thi cho đất nước, thay vì trù dập họ.

Cải cách kế tiếp là nhà nước Việt Nam phải thực sự tôn trọng hai quyền tự do căn bản là lập hội và ngôn luận; để làm nền tảng cho một xã hội dân chủ đa đảng, với một chính quyền dân chủ bởi dân, do dân và vì dân mà tám mươi triệu người hằng mong đợi.

Mơ ước đó không quá lớn với sức lực của dân tộc ta, và hoàn toàn không nguy hiểm cho xã hội ta. Mơ ước đó có thể trở thành hiện thực hay không là do chúng ta có đồng lòng giải quyết các vấn đề của đất nước trong tinh thần bao dung và xây dựng hay không.

Mặt khác, các vấn đề bế tắc của Việt Nam vẫn đang tuỳ thuộc không ít vào thái độ cụ thể của những người lãnh đạo đảng CSVN.  Nếu thực tâm vì tổ quốc thì những người cầm quyền hiện nay đừng tiếp tục nhìn những người đối lập là kẻ thù và đừng lấy đàn áp làm giải pháp để ổn định chính trị đất nước một cách vá víu!

Ngược lại, họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về những mất mát, thiệt hại mà tổ quốc và nhân dân Việt Nam đang phải gánh chịu./.

Lâm Thế Nguyên (ĐVD)

www.dvdvn.org