Gian nan chuyện đồ ăn sạch ở Việt Nam
 

 
 
Điều tôi quan sát ở Việt Nam đó là trong các bữa cơm gia đình bao giờ người ta cũng nói đến chuyện vệ sinh thực phẩm từ nhà ra đến chợ.
Bán hàng ở vùng quê
Một số đồ ăn Việt Nam rẻ nhưng người ta nghi ngờ có thể còn dư chất gây độc
Ai cũng nói đến tính gian dối đang ở mức độ tràn lan trong lĩnh vực bán đồ ăn, hay kinh doanh nhà hàng.
Chủ đề ăn gì, ăn sao cho sạch, và phụ gia nào trong thực phẩm gây ra bệnh gì, hiện đang trở thành chủ đề thời thượng, từ trường học, viện nghiên cứu, cho đến trước cổng bệnh viện.
Tôi để ý những tin nóng sốt nhất (hay cũng giật gân nhất) trên báo là những tin liên quan đến độc chất, được nhào trộn vô tình hay hữu ý vào rau quả, trái cây, đồ ăn hàng ngày.
Ví dụ thì nhiều vô kể. Việt Kiều về thăm quê cái mong muốn đầu tiên là ăn rau cho thỏa thích. Vì chúng tươi, ngon, với mùi vị thứ thiệt của quê hương. Nhưng coi chừng. Báo chí nói đến một số người trồng đã phun thuốc trừ sâu quá liều để cho rau đẹp, bán cho dễ. Dù sau đó mang về nhà, và đã rửa qua nhiều nước nhưng dư lượng thuốc độc vẫn còn.
 
Du khách nào đến Việt Nam cũng muốn thử món phở, món dân dã "cổ truyền" được dân sành ăn ở nhiều nước trên thế giới để ý. Tại Việt Nam phở có trong thực đơn từ nhà hàng sang trọng cho đến tiệm ăn vỉa hè.
Độc chất
Tuy nhiên có một thử thách người sành điệu phải vượt qua. Đó là bánh phở có thể chứa chất mà họ 'nuốt' không nổi. Có thời báo chí loan tin bánh phở ở Việt Nam có chứa phoocmôn, tức chất diệt khuẩn mạnh ngành y khoa hay dùng để ướp xác chết.
Cảnh bán hàng rong ở tp HCM
Ở Việt Nam vệ sinh thực phẩm đang là chuyện quan tâm hàng đầu của người dân
Thời tiết tại Việt Nam vốn nóng nực, và bánh phở chứa chất này giữ được lâu và tươi. Đến nay không biết đã hết phoocmôn trong bánh phở chưa nhưng cơ quan y tế và quản lý thị trường gần đây còn phát hiện ra cả phoocmôn trong bánh cuốn, và bánh đúc.
Trong một lần ăn tối nhớ đến rượu nếp quê hương, tôi thèm quá, thấy rượu chất đầy tủ của nhà hàng, tôi liền kêu một "cút". Lòng dạ đang hớn hở vì chai rượu này gắn liền với nhiều ký ức ngày xưa khi tôi còn ở Việt Nam. Bà chị tôi liền cảnh báo ngay, "chú coi chừng rượu nấu tại gia bây giờ người ta hay cho phân urê vào lắm đó". Tôi hơi xỉu đi một tý nhưng vẫn thắc mắc, "vậy để làm gì?". "Để cho nó trong bắt mắt thực khách", bà chị tôi lạnh lùng đáp.
Chưa hôm nào ăn tối mà tôi thấy bủn rủn chân tay giống như mình đang làm trò thăng bằng trên chai rượu, và có thể ngã xuống địa ngục bất cứ lúc nào.
Và còn nhiều chất khác
Các tin liên quan đến phụ gia độc cho vào thực phẩm được báo chí Việt Nam nhắc đến hàng ngày còn kể đến thạch cao cho vào đậu hũ; lấy thuốc tẩy để làm trắng củ kiệu, rồi sau đó cho hàn the vào để đồ giòn hơn.
Rồi có tin nói đến có người còn cho cục pin hư vào nồi luộc bánh chưng để gạo nếp khoác trên mình màu xanh mượt, như thế bắt mắt và bán chạy. Gần đây nhất còn là sự báo động về việc dùng chất sudan gây ung thư trong thực phẩm, hay son môi của phụ nữ.
Nếu đến Việt Nam, với con mắt của người ngây thơ và bất cần đời, thì Việt Nam là một thiên đường của ẩm thực. Rẻ, dễ mua, đồ ăn các loại bán tràn ra ngoài đường, thật tiện lợi vô cùng.
Đồ ăn ở Việt Nam được khen là ngon, nhưng có sạch và bổ hay chưa, câu hỏi hiện gây chia rẽ ngay tại gia đình, tòa soạn báo, hay ngay trong giới chuyên gia.
Sự nghi ngờ đối với tất cả những thứ gì "trông bắt mắt hơn bình thường" hiện đang tăng cao, và nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam thì nay đang dùng đến vũ khí cuối cùng của họ, đó là sự thờ ơ, và thậm chí tẩy chay những thực phẩm gì bị tiếng xấu.
Nhiều người bán hàng rong không có kiến thức về ATTP
Nhiều người bán hàng rong ở Việt Nam không có kiến thức về an toàn thực phẩm
Vào tiệm ăn cứ nhìn thực khách chăm chú lau chùi thìa (muỗng), đũa khi mới tới thì thấy vệ sinh ăn uống ở Việt Nam đang ở thời "tiền sử" như thế nào.
Có người dùng một lúc hai tô nước sôi để chụm (tráng) thìa và đũa. Nếu có đoàn vào ăn đông, đây là một công việc tốn nhiều công sức. Mà không biết có diệt được vi khuẩn lây qua đường nước miếng như viêm gan B, hay bệnh lao, như họ nghĩ không, hay chỉ là một thủ tục "trấn an" não bộ đừng có thắc mắc "để tui ăn cho ngon".
Ăn tiệm sướng hay khổ?
Cách "tẩy trùng" nữa là lấy chanh vừa sát vừa rửa từ đũa, sang cốc, đến thìa. Đôi khi chẳng phải chanh mà chỉ là mấy quả quất xanh bé tẻo teo, nghiến răng vắt hai lần mà vẫn không có nước.
Chứng kiến những cảnh này tôi thầm nghĩ "sao lại nhiêu khê thế đi chứ. Đã có cuộc nghiên cứu chính thức nào nói về kết quả của phương pháp tẩy trùng này hay chưa? Hay chính lau chùi như thế lại làm cho người xem thấy 'xì - trét' hơn?"
Khách ăn người Việt có vẻ vui với công việc này. Ai xa lạ với Việt Nam cảm thấy 'ớn'. Du khách ngoại quốc và các ông Việt Kiều quy nguyên nhân ở chữ "rẻ". Tức là giá của một tô phở bán ở Hà Nội hay tp Hồ Chí Minh không bao gồm chi phí cho phần rửa chén bát, cộng với sấy nóng diệt khuẩn. Cũng chẳng ai quan tâm đến việc này vì sợ đội giá thành, khách bỏ đi.
Cạnh đó là tâm lý không thích tốn tiền vào những cái không tạo ra sướng cho vị giác. Nhiều người dù nay kiếm tiền được nhiều hơn trước, nhà cửa cao to, tiện nghi hiện đại nhưng vẫn muốn ăn một tô phở từng đó tiền mà thôi.
Thường ngày là tám ngàn. Hoặc mười hai ngàn là được rồi. Họ không chịu trả hơn để đổi lấy vệ sinh bát đĩa cho sạch. Ngược lại chủ tiệm cũng không muốn tăng giá vì sợ khách bỏ sang nơi khác. Và họ giải thích tiền nào vệ sinh đó, tiền thu được chỉ cho phép chủ tập trung vào làm đồ ăn thôi, còn vệ sinh bát đĩa là chi phí phụ phát sinh, có lẽ thực khách phải tự lo.
Tránh lây viêm gan
Tôi còn nghe chuyện kể bà Tổng lãnh sự Úc tại tp Hồ Chí Minh mỗi lần đi ăn tiệm là mang theo đôi đũa riêng.
Gỏi gà
Tại một số tiệm ăn thực khách muốn có bát dĩa sạch hơn phải tự lau chùi
Bà này tin rằng đây là cách an toàn để tránh lây virus viêm gan B lây qua đường thìa, cốc, bát đũa rửa không sạch.
Cuối cùng mọi lo lắng của tôi như có vẻ thừa. Chắc là tôi mới về nhìn chưa thấy quen. Tôi thấy tiệm ăn nào tại tp Hồ Chí Minh cũng đông. Từ các con hẻm nghèo cho đến khu thị tứ đắt tiền.
Những tiệm giá bình dân thì là nơi xả rác nhiều nhất. Đủ mọi thứ rơi xuống đất, nhân viên chạy bàn chỉ gạt chúng xuống, lau qua coi như xong.
Giấy ăn, xương gặm, rau thừa, đồ nhả ra, tăm xỉa răng, những phế phẩm của ngành "công nghệ ẩm thực" ...Vào lúc đông khách, ăn ở những tiệm này giống như đang ngồi trên cầu khỉ vậy. Không dám đặt mạnh chân xuống đất vì sợ bị dính chấu.
Một người bạn ở Việt Nam dặn tôi "Cứ lo lắng đi là vừa."
"Vì đồ ăn ở Việt Nam nhìn thì đẹp nhưng ăn vào kết cục chưa chắc đã đẹp."